Ngôi nhà cửa mở thẳng vào ‘địa ngục’, chuyện khó tin có thật ở Sài Gòn
Ngoài cổng nghĩa trang, cháu dâu bà Hương mở quán bán nước uống, đồ ăn vặt. Giữa nghĩa trang, bà và con trai dựng nhà ở hơn 50 năm qua.
Hai căn nhà cấp bốn của mẹ con bà Bùi Xuân Hương, 80 tuổi nằm giữa nghĩa trang Kiến An – Ngọc Lữ (phường Bình Trưng Đông, Quận 2, TP.HCM). Xung quanh là hơn 1200 ngôi mộ nằm sát nhau, cây xanh um tùm.
Nghĩa trang này ngăn cách với bên ngoài bằng bức tường bao quanh, cao 5m. Ban ngày, bà Hương mở cổng cho thân nhân người đã khuất vào thăm mộ. Ban đêm, bà đóng cổng lại để giữ yên bình cho gia đình mình và hàng ngàn phần mộ.
Ngoài cổng, cháu dâu bà Hương dựng bàn ghế bán nước uống, đồ ăn vặt cho người qua đường, thân nhân người mất đến thăm mộ. Ảnh: T.A.
Giọng chậm rãi, bà Hương kể về lý do gia đình bà được cất nhà ngay giữa nghĩa trang. ‘Đất nghĩa trang này do hai hội Kiến An và Ngọc Lữ hùn tiền với nhau mua từ năm 1969, giá 1,9 triệu đồng. Sau đó, họ đưa người thân mất đến chôn. Họ sợ người mất lạnh lẽo nên muốn có ai đó vào xây nhà ở cho có người ra vào. Vợ chồng tôi được chọn vì hay đến nhổ cỏ, lau rửa các phần mộ. Tôi ở đây từ năm 1969 đến giờ’.
Sống giữa không gian âm u của người chết nhưng 50 năm qua, cả gia đình bà Hương thấy như đang sống giữa khu dân cư sầm uất. Bà quan niệm, sống bên người chết cũng như sống bên người sống. Đã là hàng xóm của nhau, mình sống sạch sẽ, không quậy phá thì không ai làm gì được mình.
‘Nhà tôi cũng có điện nước sạch để dùng. Các ngày lễ Tết, bạn bè, người thân của tôi và các con đến nhà chơi. Khi nhà có tiệc, tôi cũng thuê rạp về dựng làm nơi đãi khách’, cụ bà sinh năm 1940 nói.
Căn nhà cấp bốn của bà Hương được bao phủ bởi cây xanh, tứ phía là mộ người mất. Ảnh: T.A.
Chỉ riêng phần nước rửa mộ là hơi khó cho bà một chút. Do đất ở nghĩa trang thấp hơn, bà phải xin đặt giếng khoan ở một nhà trong khu dân cư, dùng 4-5 bình lớn chứa nước. 3-4 ngày bà bơm nước một lần.
‘Lau rửa mộ hơi tốn nước, tôi dùng nước giếng khoan cho tiết kiệm. Khoan giếng ở ngay đây không được’, bà Hương giải thích.
Cụ bà cho biết, trước đây, nghĩa địa này không có tường bao quanh như bây giờ. Các con nghiện vào hút chích thường xuyên, những người vô gia cư, hành nghề trộm cắp, cướp giật hay vào nghĩa trang trải chiếu, đắp chăn nằm ngủ. Cả nhà bà chỉ biết bảo nhau, vô tình gặp họ thì nên vô nhà đóng cửa lại hoặc vờ như không biết gì. Khi họ rời đi thì ra thu dọn kim tiêm, rác thải, lau chùi mộ rồi thắp hương xin lỗi người mất.
‘Mấy người đó họ hung hăng, không kiểm soát được tính khí, tốt nhất mình đừng làm họ giận’, cụ bà có thâm niên 50 năm làm nghề trông mộ nói.
Video đang HOT
Bà Hương cho biết, bà sẽ sống ở nghĩa trang này đến khi nó giải tỏa, vì nơi đây đã gắn bó với cả tuổi thanh xuân của bà. Ảnh: T.A.
Bà cho biết, vợ chồng bà có bốn người con. Có ba người làm giáo viên, sau khi lập gia đình họ ra ngoài mua nhà ở. Anh Đặng Hùng Anh là con cả, bỏ học giữa chừng, công việc không ổn định. Khi lấy vợ, sinh con, anh xây nhà sát nhà mẹ ở.
Hiện cả gia đình bà Hương có 8 người, gồm bà, vợ chồng con trai, vợ chồng cháu trai và ba cháu nội sống trong hai căn nhà cấp bốn giữa nghĩa trang. Ngoài mưu sinh bằng các nghề buôn bán, phục vụ quán ăn, thợ hồ… cả 8 người họ thay phiên nhau trông giữ nghĩa trang.
Ngôi nhà là nơi sinh hoạt chung của bà Hương và gia đình con trai. Đây cũng là nơi tiếp khách của gia đình bà. Ảnh: T.A.
Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, con dâu bà Hương cho biết, hiện nghĩa trang đã có tường bao nên công việc ‘bảo vệ’ người chết của cả nhà khá nhẹ nhàng. Các ngày thường, người nào ở nhà, có thân nhân người mất đến thì ‘tiếp’. Dịp Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh cả gia đình chị tập trung dọn mộ, hương khói cho người mất.
‘Ngày mới về nhà mẹ làm dâu, tôi khá sợ, ban đêm không dám ra ngoài. Còn bây giờ, giữa 12 giờ đêm, ra ngoài một mình, tôi thấy bình thường’, chị Vân nói.
Bà Hương cho biết, tới đây, nghĩa trang Kiến An – Ngọc Lữ sẽ phải giải tỏa, hai căn nhà của mẹ con bà cũng phải đập bỏ. ‘Vừa rồi, bên địa chính phường họ đến đo đất. Họ nói, khi nghĩa trang này giải tỏa, mẹ con tôi sẽ được đền bù. Đến khi nào chính quyền có kế hoạch di dời thì tính. Còn bây giờ, mẹ con tôi vẫn phải làm hết trách nhiệm với những người đã khuất đang nằm trong đây’, cụ bà nói.
Chị Thanh Vân – con dâu bà Hương cho biết, chị đã có hơn 30 năm sống cùng nhà chồng ở nghĩa trang. Ảnh: T.A.
Ông Phạm Văn Lành, Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Đông cho biết, nghĩa trang Kiến An – Ngọc Lữ là một trong bốn nghĩa trang lớn của phường. Tới đây, nghĩa trang này sẽ được giải tỏa để xây dựng các công trình công ích.
Ông Lành cũng cho biết, trước đây, nghĩa trang này thường có các tệ nạn xã hội như: người nghiện vào hút chích, những người làm việc nhạy cảm vào ẩn nấp. Khoảng 3-4 năm nay, các tệ nạn đã không còn nữa, một phần do gia đình bà Hương xây tường bao quanh, một phần phường có các chốt chặn để giám sát, theo dõi, xử phạt các đối tượng nên các tệ nạn giảm hẳn.
Diệu Thuần
Theo vietnamnet.vn
Cách nhìn mới, biện pháp mới ngăn chặn tệ nạn ma túy
Hai mươi năm qua, mặc dù đấu tranh quyết liệt và thu được nhiều kết quả nhưng thực tế tội phạm ma túy tinh vi và quy mô ngày càng lớn.
Tuyến mua bán vận chuyển rộng hơn; người sử dụng trái phép và nghiện ma túy gia tăng về số lượng, lạm dụng nhiều loại ma túy và ma túy tổng hợp dần chiếm tỷ lệ tuyệt đối, gây lây lan tệ nạn nhanh hơn và hậu quả nghiêm trọng hơn... , Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Cần tập trung và ưu tiên cho ngăn ngừa phát sinh người nghiện mới
Nhận định chứa đựng nhiều trăn trở này được đưa ra tại Hội nghị đánh giá thực trạng tình hình công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy trên địa bàn thành phố do Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây. Ông Minh thẳng thắn: "Phải nhìn nhận ngay rằng chúng ta chưa đạt yêu cầu bao trùm là kiềm chế và kéo giảm tội phạm lẫn tệ nạn về ma túy".
Lý do là do có sự tương tác rất mạnh giữa tội phạm về tệ nạn ma túy và cả tội phạm hình sự, tình hình an ninh trật tự nói chung cho dù chúng ta đã tấn công mạnh, triệt xóa được nhiều đường dây ma túy lớn. Trong đó người nghiện có nguy cơ cao phạm tội từ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng. Người nghiện cũng là mầm truyền nhiễm phát sinh thêm người nghiện mới.
"Người sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy không chỉ là thị trường nuôi sống tội phạm về ma túy mà còn là nguồn nhân lực tiếp tay cho các tổ chức buôn bán ma túy. Cũng chính người nghiện là thành tố làm gia tăng phạm pháp hình sự, tác động xấu đến an ninh trật tự", Thiếu tướng Phan Anh Minh phân tích.
Số ma túy tang vật trong vụ án bắt giữ hơn 1,1 tấn ma túy.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đề nghị các cơ quan chức năng cần xem là nguyên tắc để áp dụng trong xử lý. Ông cho rằng không thể xem người nghiện chỉ là người bệnh vì nếu thế sẽ rất khó có sự quản lý, giám sát chặt chẽ những người này - vốn là những đối tượng có nhiều nguy cơ phạm tội hình sự.
Vấn đề quản lý người nghiện ở cấp phường, cấp xã trên thực tế không triển khai được vì rất nhiều điều không khả thi. Đặc biệt, ông Lập cũng khẳng định việc điều trị cai nghiện thay thế bằng Methadone cũng chưa thực sự hiệu quả, cần được xem xét lại...
Tuy nhiên hiện nay, giải pháp cai nghiện tập trung hoặc bắt buộc vẫn phải được xem là biện pháp hữu hiệu nhất và rõ rệt làm giảm bớt ngay nguồn cầu, đảm bảo an ninh trật tự và hạn chế phát sinh người nghiện mới.
Số lượng người nghiện ở TP Hồ Chí Minh tăng dần theo từng năm. Theo Công an TP Hồ Chí Minh, riêng qua kiểm tra đối chiếu nhóm người có nơi cư trú ổn định tại thành phố phát hiện nghiện trong tháng cao điểm phòng chống ma túy năm 2018, đã ghi nhận ngoài dữ liệu quản lý (tức sót lọt) hơn 82%. Do không có dữ liệu về người nghiện không có nơi cư trú ổn định để thống kê xác suất nhưng chắc chắn tỷ lệ sót lọt số người nghiện này cũng sẽ cao hơn rất nhiều, do rất khó quản lý công dân không nơi cư trú ổn định.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay số lượng người dùng ma túy trẻ hóa và dùng cùng lúc nhiều loại ma túy tăng mạnh, nhất là sử dụng ma túy tổng hợp tại những nơi kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như bar, vũ trường, quán karaoke... Trong khi đó, việc quản lý, cảm hóa người nghiện, người sau cai nghiện và hoạt động cai nghiện tại cộng đồng không đạt hiệu quả như mong muốn.
Do đó, theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, cần có quan điểm nhìn nhận toàn diện hơn về người nghiện. Họ thuộc đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao, cần được chăm sóc, điều trị và quản lý đặc biệt. "Nên chọn phương pháp tập trung và ưu tiên cho ngăn ngừa phát sinh người nghiện mới, can thiệp sớm và kéo dài hơn đối với người vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm về ma túy, không chờ đến khi nghiện nặng".
Để thực hiện, Thiếu tướng Phan Anh Minh kiến nghị các cơ quan tố tụng cần nhanh chóng khắc phục một số nhược điểm tồn tại lâu nay. Theo đó, cần khắc phục thói quen chỉ tập trung vào xử lý 3 tội danh tàng trữ, vận chuyển và mua bán trái phép chất ma túy (chiếm đến hơn 99% án truy tố) mà bỏ qua nhiều hành vi phạm tội là tác nhân gây phát sinh người nghiện, như lôi kéo, cưỡng ép, tổ chức, chứa chấp và giao dịch các công cụ để sử dụng trái phép chất ma túy đã bị phát hiện ở tất cả các quận, huyện. Ở Bình Tân, quận 3, Phòng Cảnh sát hình sự đã xử lý được rất nghiêm loại tội phạm này do áp dụng khung hình phạt cao đối với hành vi tàng trữ.
Ông Minh đề nghị cần cố gắng xử 1/3 số vụ án có thêm nhóm tội nêu trên. Bên cạnh đó, phải mở rộng điều tra được 50% vụ án về ma túy có đồng phạm vì tội phạm ma túy là tội phạm có tổ chức. Hiện nay hơn 70% vụ án ma túy chỉ có 1 bị cáo và không có đồng phạm.
Truy tìm, kê biên tài sản của tội phạm về ma túy, nhằm tạo cơ sở cho phán quyết tịch thu và triệt xóa nguồn lực tài chính để tái phạm cũng là việc quan trọng. Ngoài nâng cao khả năng kiểm soát biên giới và cửa khẩu, nên xem xét lại các quy định gây cản trở hợp tác tư pháp quốc tế khiến cho hoạt động trung chuyển lộng hành hơn do tội phạm tin rằng khó có thể bị xử lý.
Cần cập nhật danh mục các chất ma túy theo công bố của Ban Thư ký Công ước về các chất ma túy mà Việt Nam đã tham gia thay cho chờ xuất hiện và gây tác hại tại Việt Nam; cụ thể hóa quy định về cho đi có kiểm soát áp dụng cho cả đối sách với hành vi vận chuyển quốc tế lẫn nội địa; mở rộng thẩm quyền quyết định tương trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu cấp bách trước hoạt động nhanh lẹ của tội phạm về ma túy...
Một đối tượng trong đường dây ma túy khủng với 21 bánh heroin, 9kg ma túy đá, 4kg Ketamine... bị các chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy bắt giữ vào đầu tháng 5-2019.
Cần một số giải pháp đặc thù
Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ các vụ ma túy tổng hợp bị bắt giữ tăng trung bình 105% mỗi năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 1,1 tấn ma túy tổng hợp. Các đối tượng phạm tội buôn bán nhiều loại ma túy cùng lúc chứ không tập trung vào heroin như trước đây. Chúng thường trang bị vũ khí quân dụng để thanh toán lẫn nhau và sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, truy đuổi...
Nếu trước kia ma túy chỉ chuyển qua đường hàng không, giấu trong hành lý, bưu phẩm... với số lượng hạn chế, thì nay các đối tượng đã móc nối đưa ma túy từ khu vực Tam Giác Vàng tập kết tại các kho bãi của tư nhân ở TP Hồ Chí Minh...
Từ năm 2010 đến nay, cơ quan chức năng thành phố đã phát hiện hơn 15.500 vụ, bắt hơn 31.000 đối tượng, khởi tố 11.500 vụ với 15.400 đối tượng, thu giữ hơn 50kg heroin, 77kg cocain và gần 2,5 tấn ma túy tổng hợp. Từ các vụ án khám phá gần đây, có thể thấy TP Hồ Chí Minh vừa là đầu mối trung chuyển ma túy vừa là nơi tiêu thụ với số người nghiện, người sử dụng trái phép ngày càng tăng. Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm, gây hệ lụy lớn đến an ninh trật tự".
Một số đối tượng trong vụ tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng hơn 1,1 tấn do Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá, tháng 4-2019.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh: "Chừng nào còn ma túy và tội phạm ma túy thì thành phố chưa bình yên, an ninh và cuộc sống của người dân bị đe dọa. Vì thế, ngoài việc tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu áp dụng một số giải pháp đặc thù mới có thể ngăn chặn được tệ nạn ma túy hiện nay".
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã đề xuất các cơ quan liên quan nghiên cứu dự thảo phân loại địa bàn về tệ nạn ma túy. Trong 3 tháng cuối năm 2019 có thể phân loại 4 nhóm địa bàn theo mức độ: Mua bán tiêu thụ nhỏ lẻ; Mua bán có địa điểm tập trung có quy mô lớn hơn; Có cơ sở nhà hàng, tụ điểm vũ trường, khách sạn, chung cư cho thuê sử dụng mua bán ma túy quy mô lớn lặp đi lặp lại; Có nguy cơ sản xuất tại chỗ, tàng trữ ma túy quy mô lớn. Sau khi đánh giá địa bàn sẽ yêu cầu các địa phương có giải pháp cụ thể, đăng ký mục tiêu với cấp ủy cấp trên gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đây là một trong các tiêu chí đánh giá công tác cuối năm, từ đó nâng cao trách nhiệm của cấp ủy chính quyền địa phương với công tác phòng chống ma túy...
Về giải pháp cấp bách, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh phải xử lý triệt để các tổ chức, đường dây liên quan đến ma túy, đồng thời ngăn chặn không để Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng thành nơi trung chuyển ma túy ra nước ngoài, không để tái trồng cây có chất gây nghiện và kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất.
Đổi mới công tác truyền thông về tệ nạn ma túy cũng là điều cần quan tâm. Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan truyền thông thành phố và Trung ương tăng cường thông tin về tác hại của ma túy một cách đều đặn, có liều lượng phù hợp, làm sao để người dân "phải thấm, phải sợ" khi nghe đến ma túy.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo phải tuyên truyền, cảnh báo quyết liệt đối với học sinh, sinh viên về tác hại của ma túy, nhất là những loại chất kích thích, gây nghiện mới như bóng cười, cỏ Mỹ... Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần lắng nghe người dân để sớm nhận phản ảnh về tình trạng "bảo kê" trong hoạt động này. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng có thể chính quyền không báo cáo kịp thời nhưng người dân sẽ biết, để từ đó có cơ sở điều tra, xử lý.
Phú Lữ
Theo cand.com.vn
Cụ bà 50 năm sống ở nghĩa trang Sài Gòn, chứng kiến nhiều cảnh lạ Nhìn những người nghiện nằm trên các phần mộ, bà Xuân Hương chỉ biết lẳng lặng đi vào nhà đóng cửa lại... Nghĩa trang Kiến An - Ngọc Nữ ở phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM được hình thành từ cuối những năm 60, do một nhóm người hùn tiền mua đất làm nơi chôn cất người đã khuất. Ban đầu chỉ...