Ngôi mộ phát ra năng lượng chữa bách bệnh ở Thanh Oai, Hà Nội
Thời gian gần đây, thông tin về một ngôi mộ có “phép màu”, phát ra năng lượng kỳ lạ có khả năng chữa bách bệnh được lan truyền khắp nơi.
Hàng nghìn người đã kéo đến đây với mong muốn được hấp thu nguồn năng lượng kỳ diệu này
Chỉ cần ngồi thiền cạnh mộ
Từ Hà Đông (Hà Nội), xuôi theo Quốc lộ 21B, chúng tôi tìm về xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai. Không khó để tìm thấy ngôi mộ, vì nó được xây dựng khá lạ, trên một mảnh đất rộng tới 300m2 giữa cánh đồng với những hàng cau thẳng tắp và cây cối um tùm. Khi chúng tôi đến, một buổi sáng giữa tuần đã thấy một hàng dài ô tô, taxi đỗ trên đường dẫn vào khu mộ. Gia chủ của ngôi mộ kỳ lạ này là bà Bùi Thị Sinh, và người nằm dưới mộ chính là thân sinh của bà – cụ Trưởng Cần (Nguyễn Đức Cần). Bà Sinh là người đã trông nom, hương khói cho ngôi mộ cụ Cần suốt ba chục năm qua. Theo bà Sinh, sinh thời, cụ Trưởng Cần tham gia hoạt động cách mạng và chữa bệnh từ thiện cho người dân. Khi cụ Cần qua đời vào năm 1983, chính những người bệnh nhân từng được cụ Cần chữa khỏi đã cùng nhau đóng góp hàng trăm triệu đồng đưa linh cữu của cụ Cần về an táng vĩnh cửu tại đây.
Lý giải về việc nhiều người tới đây cúng lễ, ngồi thiền xung quanh mộ phần của cụ Cần, bà Sinh cho biết: “Từ khi cụ nhà tôi về yên nghỉ tại đây, gia đình vẫn hàng ngày chăm nom ngôi mộ cẩn thận, mùng 1, ngày rằm đều ra thắp hương, cúng lễ. Riêng những người tới đây là vì mến mộ tài đức của cụ tôi, có người là bệnh nhân cũ, có người là bệnh nhân ở tứ xứ về đây để chữa bệnh. Gia đình không cấm đoán, ngăn cản người tới tế lễ. Đó là tấm lòng của người đã khuất với người còn sống. Giờ đây, hàng ngày chúng tôi đều có mặt để hướng dẫn họ vào tế lễ”. Bà cũng giải thích, do hôm nay là ngày thường nên số người đến còn ít, chứ vào những ngày cuối tuần thì khách đến thắp hương, thiền cả trăm người, chật cả khuôn viên.
Khi chúng tôi có mặt thì ngay trong khuôn viên ngôi mộ, hơn chục người vẫn quây xung quanh, hướng về phía mộ phần trong tư thế ngồi thiền. Có người chắp tay khấn vái, mắt lim dim như thể đang tiếp nhận nguồn năng lượng “kỳ lạ” từ ngôi mộ. Một người đàn bà trung tuổi ở tận Nha Trang cất công ra tận Hà Nội để được ngồi trước mộ cụ Trưởng Cần nói với chúng tôi: Do có người quen đã từng đến thuê nhà ở đây, hàng ngày ra thiền tại mộ cụ thấy sức khỏe rất tốt nên bà cũng tranh thủ đến thăm mộ cụ. Bà còn bảo: “Lúc ngồi thiền, tôi thấy một vầng màu đỏ cam cứ nở bung ra như những bông hoa ấy”. Sống cách ngôi một không xa, bà Nguyễn Thị Hải ( xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, bà bị tiểu đường, tim mạch, khớp… vẫn đang dùng thuốc của bệnh viện nhưng cũng tới đây để cúng lễ với mong muốn bệnh nhanh khỏi. “Cứ lúc nào đồng áng rảnh rỗi, chúng tôi lại tới đây cúng lễ, trước để tỏ lòng thành kính với tiền nhân, nhưng cũng là để thử xem bệnh tình có thuyên giảm. Chưa biết hiệu quả hay không nhưng ai cũng cảm thấy tinh thần phấn chấn hẳn lên”. Tương tự, bà Bạch Tuyết (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết, mình bị ung thư phổi đang điều trị tây y. Từ khi nghe tin về ngôi mộ cụ Trưởng Cần có khả năng chữa bệnh, tháng vài ba lần bà lên đây. “Chưa biết mộ cụ có chữa bệnh được không, nhưng về đây, không khí trong lành cũng đã rất tốt cho sức khỏe rồi. Tôi chưa đi khám xét lại xem thật ra bệnh của mình có đỡ thật hay không, nhưng khách quan mà nói thì tôi thấy mình có khỏe hơn” – bà Tuyết cho biết.
Trong khuôn viên ngôi mộ, một hình ảnh “lạ” cũng đập vào mắt chúng tôi, đó là một chiếc lều được căng ngay cạnh ngôi mộ, trong lều là một cô gái trẻ được mọi người cho rằng bị bệnh “lạnh suốt ngày”. Những người thường xuyên có mặt tại ngôi mộ cho biết, cô này không phải người ở đây mà nghe đâu ở tận tỉnh ngoài dù mùa đông hay mùa hè đều cảm thấy rất lạnh và phải mặc áo rét nên bố mẹ phải đưa đến đây thuê trọ, ngày ra nằm cạnh mộ đến giờ ăn uống và ngủ thì lại về nhà trọ. Tuy nhiên khi tìm hiểu kỹ, chúng tôi được biết cô bé thực ra bị bệnh tâm thần, với biểu hiện là “sợ gió, sợ lạnh”. Gia đình cũng từng cho điều trị tại nhiều bệnh viện nhưng khi nghe đến ngôi mộ thì đã bỏ cả việc điều trị để đến đây khoảng 1 tháng nay.
Người nằm dưới mộ là ai?
Theo tài liệu mà chúng tôi tìm hiểu được, cụ Trưởng Cần tên thật là Nguyễn Đức Cần, sinh năm 1909, được biết đến như một nhà văn hóa, nhà tâm linh nổi tiếng. Nhiều tài liệu cho rằng cụ có khả năng chữa bệnh tài tình mà không dùng đến thuốc, chỉ cần truyền năng lượng cho bệnh nhân là bách bệnh tiêu tán. Theo cuốn sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, cụ Nguyễn Đức Cần chữa bệnh bằng phương pháp rất kỳ lạ như chữa bệnh từ xa mà không cần dùng đến thuốc. Nhờ phương pháp chữa bệnh này đã có hàng trăm, hàng nghìn người khỏi bệnh mà không tốn bất kỳ một đồng nào. Cuộc đời và thân thế của ông cũng ẩn chứa nhiều điều bí ẩn đến nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng.
Cụ Trưởng Cần sinh nhằm đúng vào đêm 30 Tết năm 1909 tại làng Đại Yên (nay thuộc Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) trong một gia đình nhà nho giàu lòng yêu nước. Lên 8 tuổi, cụ được gia đình gửi vào học tại trường Albert Sarraut Hà Nội, 12 tuổi thì cưới vợ, và chỉ mấy ngày sau người vợ cụ đã quay về nhà ngoại ở. Đúng lúc này thì công việc làm ăn của gia đình bắt đầu thua lỗ, rơi vào kiện cáo, bố cụ đổ bệnh, chạy chữa khắp nơi không khỏi. Sau này, gia đình cụ mời được một thầy lang về chữa. Chẳng biết thầy lang đó chữa bằng cách nào, nhưng chỉ vài ngày thì bố của cụ khỏi bệnh. Không những thế, thầy lang đó bảo chỉ chữa bệnh làm phúc và không nhận tiền bạc thù lao của gia đình. Sau này thầy lang đã nhận cụ Cần theo truyền dạy phương pháp chữa bệnh, tu luyện tại đỉnh Mẫu (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội). Theo thầy lang kia thì đây là nơi “linh khí Việt Nam hội tụ”, rất tốt cho việc tu luyện thần nhãn, hấp thụ dương quang và truyền dạy tuệ quang…
Video đang HOT
Trước năm 1945, cụ tham gia hoạt động cách mạng tại Chiến khu Việt Bắc. Để yên tâm hoạt động cách mạng, khi lên Việt Bắc, cụ đã gửi con gái út là Bùi Thị Sinh làm con nuôi cho gia đình ông Bùi Văn Hồ ở thôn My Hạ, xã Thanh Mai. Năm 1955 từ Việt Bắc trở về, cụ sinh sống tại Ngọc Hà, Ba Đình (Hà Nội) và làm nghề trồng hoa. Khoảng những năm 1940, cụ Cần bắt đầu chữa bệnh. Đầu tiên là những người trong họ tộc thân quen, sau mở rộng ra cho những ai có nhu cầu. Theo những lời lưu truyền lại thì cách chữa bệnh của cụ rất đặc biệt: Người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân đến gặp cụ, nếu được cụ nhận lời, cụ cho một mảnh giấy có chữ ký của cụ mang về thì bệnh có thể khỏi. Có người đến, cụ bảo cứ về đi, thế là bệnh cũng tự khỏi. Có người thì cụ còn xé nhỏ những mảnh giấy rồi truyền năng lượng vào, đưa cho người bệnh về nhà đốt lên uống hoặc đặt lên những chỗ bị đau. Những năm đó, người bệnh từ khắp nơi đổ về xin cụ chữa. Đặc biệt, cụ chữa bệnh mà không hề lấy tiền hay quà cáp của bất cứ ai.
Ngày 30/4/1974 các cơ quan chức năng đã tiến hành quay phim hai ca chữa bệnh của cụ với sự phản biện của các bác sỹ công nhận việc chữa bệnh của cụ đã cho kết quả ban đầu. Tuy nhiên, ngày 18/5/1974, Sở Y tế Hà Nội lại ra thông báo về việc chữa bệnh của cụ Cần và cho rằng phương pháp chữa bệnh đó là lừa bịp, mê tín dị đoan. Họ yêu cầu cụ muốn chữa bệnh phải có giấy phép. Mãi lâu sau, cụ mới quay lại chữa bệnh cho mọi người. Đến ngày 4/6/1983, sau khi chữa bệnh cho hai bệnh nhân xong, cụ nói rằng: “Công việc của tôi đến nay đã xong. Đó là công việc trị bệnh giúp đời ở cõi trần gian này. Nhưng, công việc cứu nhân độ thế của tôi mới được 50% thôi, tôi còn phải làm nốt công việc đó (trong cõi vô hình) thì mới trọn lời thề nguyện ấy, để triệu dân vui thỏa…”, rồi qua đời một cách nhẹ nhàng.
Có thật ngôi mộ biết chữa bệnh?
Có mặt ở khuôn viên mộ cụ Trưởng Cần không lâu nhưng chúng tôi được nghe rất nhiều lời “truyền miệng” kỳ lạ về người nằm dưới mộ. Bà Nguyễn Thị Sinh cho rằng cụ Trưởng Cần không phải người thường, mà là thần, Phật hạ phàm để giúp đời, cụ chính là Thánh đời thứ hai. “Thế nên khi gặp các bậc Thần, Phật, cụ chỉ gọi là anh, chị mà thôi” – bà khẳng định. Bà cũng kể, trước khi cụ đi 11 năm đã dặn dò con cháu chọn vị trí này để hấp thu tinh khí đất trời, để lại nguồn năng lượng vĩnh hằng giúp cho hậu thế. Bởi thế rất nhiều người đến đây đã chữa khỏi bệnh. Rất tiếc chúng tôi chưa có cơ hội tiếp xúc với những người được cho là đã chữa khỏi bệnh, vì theo bà Sinh thì họ không để lại liên lạc.
Được biết trước đây thường chỉ ngày rằm, mùng 1 mới có người đến thắp hương tại mộ cụ. Tuy nhiên khoảng 6 tháng trở lại đây, thì khách thập phương trong Nam ngoài Bắc mới kéo đến ngày một đông. Gia đình bà Nguyễn Thị Sinh cũng dựng luôn một căn nhà nhỏ cạnh mộ để bán đồ lễ, rau củ. Bà Sinh cũng phô tô những bài báo nói về cụ Trưởng Cần và khả năng chữa bệnh của ngôi mộ bán với giá 10.000 đồng. Khi chúng tôi xin phép chụp ảnh, bà Sinh cho biết đã nhiều người đến chụp nhưng cụ không cho phép nên không ai chụp được mà bị cháy hết phim. Bản thân nhà báo viết bài báo trên đang bị đau đầu dữ dội, khi thắp hương xin phép cụ thì lập tức hết đau đầu (!?).
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì trước đây, có một nhóm “nhà nghiên cứu về cảm xạ học” đã đến khu mộ cụ Trưởng Cần đo đếm rồi đưa ra kết luận rằng, chỉ số năng lượng địa sinh (Bovis) tại đây rất cao, lên tới 16.000 đơn vị. Nhóm nghiên cứu này khẳng định, nếu đúng khu mộ này có chỉ số năng lượng địa sinh cao như thế thì sẽ rất tốt cho sức khỏe. Bởi, theo một số nghiên cứu gần đây thì đa số những người mắc bệnh hiểm nghèo là do họ sống tại một địa điểm có chỉ số Bovis dưới 3.000 đơn vị trong một thời gian dài.
Được biết, chỉ số Bovis được lấy theo tên nhà vật lý Pháp Antoine Bovis. Ông đã đưa ra chỉ số này trong khi tiến hành khảo sát kim tự tháp Ai Cập trong những năm 30 của thế kỷ trước. Chỉ số Bovis dùng để đo “sức khỏe”, “sức sống” tự nhiên của vật thể hữu cơ, đo năng lượng tự nhiên, sóng dao động của quả đất. Thứ năng lượng này là cần thiết để duy trì sự sống trên quả đất. Tuy nhiên thì cho đến nay chưa có máy móc gì để đo chính xác chỉ số Bovis, ở Việt Nam cũng chưa có công trình nghiên cứu chính thống nào được công bố về chỉ số Bovis. Trên thực tế, trong y học cũng đã công nhận phương pháp tác động bằng năng lượng địa sinh học (gọi là y học bổ sung) nhằm hỗ trợ cho y học chính thống. Nhiều người sống trong môi trường chật chội, ồn ào, ô nhiễm của thành phố thì sức khỏe rất kém, nhưng khi đến một vùng quê thanh bình, không khí trong lành sẽ thấy khỏe hơn, thoải mái hơn. Hay ngay việc ngồi thiền, cũng là một cách để con người tĩnh tâm, điều hòa khí huyết, rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu khẳng định ngôi mộ có khả năng chữa bệnh hay không thì cần thiết phải có các cuộc điều tra, kiểm chứng bằng các phương pháp khoa học.
Được biết một nhóm của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đã về đây để nghiên cứu về địa từ trường nhằm tìm ra câu trả lời ngôi mộ trên có khả năng chữa bệnh hay không nhưng vẫn chưa có kết quả. Nói như lời TS.KTS Vũ Thế Khanh – Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA), để đưa ra được kết luận cần phải được kiểm chứng bằng thực nghiệm, bằng khoa học. Như vậy, cho đến thời điểm này vẫn chưa có bất cứ một nghiên cứu nào khẳng định, ngôi mộ trên có thể khả năng chữa bệnh.
Theo Xahoi
Ầm ỹ chuyện phá mộ bắt "rùa đá" giải cứu "long mạch"
Chỉ trong một buổi sáng, khu vực Cồn Bần Thượng đã có gần 1.000 người của xã Hương Phong kéo đến xem người dân phá mộ, gây náo động cả một miền quê.
Mảnh gạch men được cho là để xây rùa đá
Nghi ngờ ngôi mộ chưa an táng người chết do một thầy địa cao tay xây dựng để trấn yểm "long mạch" làm nhiều thanh niên trong làng "chết yểu" và khiến nhiều người khỏe mạnh hóa điên, nên hàng trăm người dân ở thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) đã bàn bạc, quyết định đập phá ngôi mộ này. Sau khi đào bới ngôi mộ, người dân phát hiện dưới huyệt mộ (chỗ dành để áo quan người chết) có 1 con rùa đá được xây bằng gạch men... Từ đây, nhiều người đã đồn thổi, thêu dệt nên những câu chuyện hết sức ly kì, huyễn hoặc về "rùa đá" trấn yểm "long mạch". Sự thật, đây là tin đồn nhảm nhí, mê tín, dị đoan.
Từ những cái chết "bất đắc kỳ tử"
Thôn Thuận Hòa nằm ở vùng hạ lưu của dòng sông Hương, quanh năm phải đối mặt với nhiều trận lũ do nước sông lên xuống thất thường nhưng người dân nơi đây vẫn cần cù, chăm chỉ làm ăn để "nuôi chữ" cho con em. Thế nhưng, từ đầu năm 2013 đến nay, sự bình yên vốn có của vùng quê tĩnh mịch này đã bị phá vỡ, bởi trong làng xuất hiện nhiều cái chết trẻ "bất đắc kỳ tử" với những lời đồn thổi hết sức kỳ bí.
Đôi tay run run thắp lên bàn thờ đứa cháu họ tên Nguyễn Đoàn, kỹ sư công nghệ thông tin vừa đột tử, cụ ông Nguyễn Vinh (70 tuổi) khuôn mặt trầm ngâm, buồn tủi, cho biết: "Đó không phải là lời đồn, mà là có thật chú à. Thằng Đoàn là đứa thứ 4 ở cái làng ni đi làm ăn xa bị chết yểu. Mấy năm trước tốt nghiệp đại học, vì nhà quá nghèo nên không chạy chọt vào được chỗ mô hết, vì thế mà 30 tuổi đầu rồi nhưng nó vẫn chưa vợ, chưa con. Cách đây hơn 1 tuần, nó gọi điện ra bảo đã xin được vào làm kỹ sư công nghệ thông tin cho một công ty máy tính ở Sài Gòn, rồi nó bảo tui phải sống khỏe để sang năm đi cưới nó, ấy thế mà hôm sau tôi nhận được tin nó chết".
Trước cái chết của anh Đoàn, trong thôn Thuận Hòa còn có nhiều người gặp nạn chết trẻ và điều khiến người dân ở đây không thể lý giải nổi là những người chết chỉ cách nhau... đúng 100 ngày. Cứ thế, đám tang này chưa hết khói, đám tang khác lại đến khiến không khí ảm đạm, tang thương cứ bao trùm lấy ngôi làng nghèo. Nhiều cao niên trong thôn Thuận Hòa còn cho biết, chết tức tưởi và kỳ lạ nhất là cái chết của anh Nguyễn Phòng vào năm 2010.
Anh Phòng vốn là một thầy thuốc Đông y giỏi nhưng trong một lần ngồi châm cứu cho một người dân mắc bệnh trong thôn, thì bỗng dưng anh gục chết ngay trên giường của người bệnh. Anh Phòng qua đời, để lại người vợ trẻ chỉ mới 30 tuổi và đứa con nhỏ 3 tuổi. "Hồi đó, cái chết kỳ lạ của thằng Phòng khiến dân làng bàn tán xôn xao dữ lắm; vì hắn là thầy thuốc, lại là người khỏe mạnh nhất cái làng ni. Sau một thời gian, tưởng như người chết yểu trong thôn đã hết thì không ngờ, sang năm 2013 lại xuất hiện thêm nhiều cái chết "kỳ bí" tương tự.
Tát nước đổ ra
"Đầu năm là thằng Nguyễn Hữu Khoa, nó là giáo viên dạy học ở một trường vùng cao tại Cao Bằng bị tai nạn mà chết. Cách 100 ngày sau, thằng Trang, vừa tốt nghiệp đại học 2 năm và là kiến trúc sư giỏi ở TP Hồ Chí Minh cũng không may bị ngã chết. Rồi cuối tháng 7 vừa rồi, thằng Thanh làm thợ xây ở TP Đà Nằng khi đang sạc điện thoại thì bị... điện giật chết. Và mới đây là thằng Đoàn cháu tui", ông Vinh nhớ lại những cái chết trẻ thương tâm của đám thanh niên trong làng khiến nhiều gia đình rơi vào nỗi đau mất mát người thân khi "kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh".
Phá mộ, bắt "rùa đá" để giải cứu "long mạch"
Nhiều người cao tuổi ở thôn Thuận Hòa nhất quyết không tin vào những điều mê tín dị đoan trước những cái chết "liền tù tì" và những người bỗng dưng phát điên ở trong thôn. Họ cho rằng tất cả chỉ là do xui xẻo và không may. Thế nhưng đến một ngày, trong thôn Thuận Hòa lại có thêm một đám tang của một thanh niên chết trẻ, lần này, gia đình nạn nhân đã mời một thầy về cúng lễ tang để siêu độ cho người chết sớm về với "thế giới bên kia". Nghe dân làng nói trong thôn có quá nhiều người chết yểu, vị thầy sư này đã bấm một quẻ và phán rằng: "Nếu không bắt được con "rùa đá" nằm dưới ngôi mộ ở cồn Bần Thượng, thanh niên trong làng sẽ còn nhiều người chết yểu nữa" (?!).
Lúc ấy, cụ ông Nguyễn Duy Bảng (71 tuổi), Trưởng phái họ Đặng ở thôn Thuận Hòa chính là người: đứng ra nói "thầy sư mê tín" và không tin chuyện "rùa đá" trấn yểm "long mạch". Thế nhưng sau đó, cụ buộc phải tin vào những lời phán của vị thầy sư, trước những sự việc xảy ra quá sức ngẫu nhiên và ly kỳ đối với người dân trong làng.
Bên chiếu làng, cụ Bảng ngồi nhớ lại sự việc xảy ra cách đây chừng 5 năm trước. Cụ kể: Năm 2008, một người thầy địa tên Long (không rõ họ, trú xã Phú Thượng, huyện Phú Vang - NV) là sui gia với ông Nguyễn Thế Dũng trong thôn đem đến 2 triệu đồng và 1 mâm cau trầu để xin làng xây ngôi mộ ở khu vục cồn Bần Thượng (thuộc thôn Thuận Hòa-PV) nhưng dân làng không đồng ý. Một thời gian sau, người dân thấy ông Long lén lút thuê xe chở đất, thuê thợ đóng cọc tre để lấp mặt nước và tiến hành xây phần mộ để dành (mộ chưa chôn cất người chết) ngay ở trên phần đất vừa đổ. Nhìn từ xa ngôi mộ này như một ốc đảo thu nhỏ giữa bốn bề mặt nước.
"Chú không tin thì ra đó xem, khu vực cồn Bần Thượng có địa thế rất đẹp, tôi nghe các cụ đi trước bảo nơi đây là "long mạch" của làng nhưng đã bị ngôi mộ trấn yểm nên mấy hôm nay, bà con trong thôn đã kéo nhau ra đó phá cái mộ để bắt bằng được con rùa đá", cụ Bảng cho biết.
Theo lời chỉ dẫn của cụ Bảng, trong sáng 6/11, chúng tôi đã tìm đến khu vục cồn Bần Thượng. Quả thật đúng như lời cụ Bảng nói, có rất đông người dân hiếu kỳ tụ tập về khu vục trên để xem việc phá dỡ ngôi mộ. Tại hiện trường, một ngôi mộ lớn có bề ngang 8m, dài 12m, cách mặt nước chừng 3m đã bị phá bỏ hoàn toàn, còn lại phần móng và huyệt (nơi để đặt quan tài). Hai bên bờ có nhiều mảng bê tông, gạch ngói từ ngôi mộ bị người dân phá nát, chất đống ngổn ngang.
Trong khi đó, nhiều phụ nữ vẫn đang tay xẻng, tay cuốc hì hục đào đất và tát nước từ phía nền móng ngôi mộ ra ngoài với quyết tâm... "san bằng ngôi mộ thì con em trong làng không còn bị chết yểu", cầm viên gạch men, là một phần của con "rùa đá" vừa được lấy lên từ huyệt mộ, bà Đặng Thị Lài (41 tuổi) nói trong bức xúc: Mặc dù không phải là người mê tín và tui cũng không tin là có chuyện "rùa đá" trấn yểm "long mạch" chi đó nhưng khi phá bỏ được thành mộ, đào hết lớp cát đến cái huyệt để đặt quan tài, chúng tôi thấy bên trong huyệt đúng thật là có mấy viên gạch vồ và gạch men được xây thành hình con "rùa đá".
"Sau khi phá bỏ con rùa này thì mạch nước từ dưới huyệt mộ phun lên cao và chảy không ngừng. Dân làng khẳng định nơi đây chắc chắn là "long mạch" của làng bị "rùa đá" trấn yểm nhiều năm qua", bà Lài miêu tả chi tiết cảnh tìm ra được con "rùa đá".
Ông Nguyễn Văn Đáng, Trưởng thôn Thuận Hòa còn cho biết thêm: "Chúng tôi đã khuyên bà con không được tin vào những điều mê tín nhưng bà con vì quá bức xúc nên đã lập bàn thờ thắp hương cúng vái rồi mới tiến hành đào ngôi mộ. Khi đào sâu xuống đất đến gần 3m thì phát hiện trong quách mộ chỉ có một con rùa giả, được xây bằng mấy viên gạch men màu nâu. Bà con nghi ngờ chính con "rùa đá" này đã trấn yểm "long mạch", khiến người làng gặp nhiều tai họa nên đã phá bỏ ngôi mộ".
Chỉ trong một buổi sáng, khu vực cồn Bần Thượng đã có gần 1.000 người, chủ yếu là người dân ở thôn Thuận Hòa và các thôn lân cận của xã Hương Phong kéo đến xem người dân phá mộ, gây náo động cả một miền quê.
Ông Trần Viết Chức, Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết: "Sự việc bắt đầu diễn ra từ ngày 4/11, lúc đầu chỉ có vài chục người dân ở thôn Thuận Hòa kéo đến phá mộ, trong đó chủ yếu là phụ nữ. Họ nói rằng, con em chết trẻ đều do họ dứt ruột đẻ ra, nuôi nấng trưởng thành và học đến đại học nhưng lại bị ám chết yểu. Chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không được kích động, tụ tập gây mất ANTT, nhưng bà con nhất quyết phải phá bằng được ngôi mộ kỳ bí ấy".
Trước sự việc hàng trăm người dân tụ tập phá một ngôi mộ để bắt "rùa đá", ông Ngô Quang Thảo, Trưởng Công an xã Hương Phong cho rằng: về mặt tâm linh, thôn Thuận Hòa có nhiều người chết gắn liền với ngôi mộ "kỳ bí" ấy có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tuy nhiên, việc hàng trăm người dân thôn Thuận Hòa tụ tập phá bỏ ngôi mộ không những gây mất ANTT địa phương, mà còn làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của cha ông bởi đào mồ mả là việc kiêng kỵ.
"Kể từ khi xảy ra vự việc, lực lượng Công an xã, dân quân tự vệ phối hợp cùng với tổ công tác Công an thị xã Hương Trà tăng cường về thôn Thuận Hòa để tuyên truyền, vận động người dân không nên tin vào những điều mê tín dị đoan để tụ tập gây rối. Chúng tôi đã báo cáo với lãnh đạo cấp trên để tiến hành phối hợp điều tra, nhanh chóng làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi quá khích, tung tin đồn nhảm...", ông Thảo khẳng định.
Theo Xahoi
Bí ẩn làng chài được yểm bùa Làng chài Hải Giang (xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn) có nhiều dấu tích của người Chăm đến nay vẫn chưa được giải mã. Pho tượng cổ ở Hải Giang được người dân mặc áo vàng, thờ chung với các vị Phật, bồ tát - Ảnh: Hoàng Trọng Pho tượng cổ bí hiểm Điểm đến hấp dẫn nhất ở Hải Giang là chùa Linh...