Ngồi lê đôi mách
Vợ chồng tôi vừa đi làm về đã thấy có hai người phụ nữ đang chửi mắng bác Tám hàng xóm. Tội nghiệp bác Tám đã già, vợ chồng tôi liền can ngăn.
Hỏi ra mới biết, bác Tám vay tiền của họ để mua xe cho cậu con út đi làm, mấy hôm nay không có tiền đóng lãi nên bị họ làm dữ. Bác Tám căn dặn: “Vụ này từ từ bác tính. Hai đứa đừng kể cho sắp nhỏ nhà bác nghe, tụi nó lo”. Tối, chị Hai con bác Tám sang chơi, vợ tôi liền mang chuyện ra kể. Dù tôi đã ra hiệu mấy lần, thậm chí giả vờ kêu vợ vào bếp châm giùm ấm nước, cô ấy vẫn nán lại kể hết mới thôi. Tôi trách vợ làm vậy bác Tám buồn, giận vợ chồng mình không giữ lời.
Có lần vợ chồng tôi dắt con đi công viên nước, chợt gặp anh Hòa trong xóm tay trong tay với cô gái lạ hoắc. Tôi chưa kịp phản ứng, vợ tôi đã sấn tới hỏi liền một hơi: “Anh đi chơi đây mà chị Hòa với hai đứa nhỏ đâu? Còn cô này là ai?”. Anh Hòa ấp úng: “Cô này… bạn cũ mới gặp lại”. Kéo tôi ra một góc, anh Hòa dặn: “Chuyện không có gì, ông dặn vợ đừng nói lung tung”. Lúc về tôi dặn vợ, chuyện nhà người ta, mình không biết rõ đầu đuôi, đừng xen vào, anh chị ấy cãi nhau, mất hạnh phúc. Vợ tôi nổi quạu: “Đàn ông chỉ biết bênh nhau, định bao che hả?”. Tôi vào nhà tắm một lát, trở ra không thấy vợ. Lát sau, đã nghe tiếng vợ chồng anh Hòa cãi nhau ầm ĩ. Cô ấy vào nhà với vẻ mặt đắc thắng: “Ông Hòa phen này trầy vi tróc vảy. Định lập phòng nhì hả, gặp em là ổng xui rồi”. Rồi vợ tôi tự nhận, mình là người thẳng thắn, gặp chuyện bất bình chẳng tha. Đêm ấy nghe tiếng cãi vã của vợ chồng anh Hòa, rồi tiếng hai đứa nhỏ khóc um, tôi rất ân hận, cảm giác hình như mình đã góp một tay phá vỡ tổ ấm của họ.
Hôm đi đám cưới anh Thành mới khổ. Anh Thành 40 tuổi mới lấy vợ, lối xóm ai cũng mừng. Trong đám cưới, khách khứa rỉ tai nhau, cô dâu trẻ măng lại xinh xắn, không hiểu sao lại ưng ông Thành già chát. Có người tiết lộ, cô dâu mới thôi chồng, có con riêng, ưng anh Thành là “tập hai”. Chuyện tới tai vợ tôi, lập tức thành đề tài nóng ngay trong tiệc cưới, khiến anh Thành vừa xấu hổ vừa buồn. Tôi rất áy náy nhưng vợ tôi thì hồn nhiên: “Em chỉ nói sự thật…”.
Nhiều lần tôi trách vợ ruột để ngoài da, chuyện gì nghe qua tai là chạy ra tới miệng, khiến nhiều người không vui, gia đình xào xáo; đến nỗi cả xóm truyền tai nhau nhà mình là đài phát thanh, ai muốn biết tin gì, tới tìm vợ là đúng sách. Nghe thiên hạ bàn tán về vợ mình, tôi rất xấu hổ, chẳng biết bao giờ cô ấy mới sửa được tật này?
Video đang HOT
Theo VNE
Vợ ơi! Em dữ hơn anh
Đám bạn cứ bảo anh "sợ vợ", là thằng "râu quăp". Ho khích anh: "Mày cứ vùng lên, làm dữ coi ai sợ ai!". Có chứ, anh làm dữ mấy lần rồi và rút ra kết luận thảm thương: "Em dữ hơn anh!".
"Dạ! Em nghe sếp ơi!".
"Alô! Tao nè chứ sếp nào? Mày đâu rồi? Hẹn tụi tao nhậu 7 giơ ma chưa có mặt là sao?".
"Sao anh? Đối tác làm khó mình à? Tình hình căng lắm sao?".
"Đối tác nào hả? Sao lại kêu tao là anh?".
"Sao anh? Bên đó chịu đi nhậu rồi à! Anh cứ dắt họ ra nhà hàng chỗ cũ trước đi! Dạ, chừng 30 phút nữa em có mặt. Vừa nhậu vừa bàn bạc lại, hy vọng bên đó đổi ý".
"À! Hiểu rồi! Tao đợi ở quán nhé. Nhắn với vợ mày là dữ vừa thôi, ai mà chịu cho nổi".
Kết thúc cuộc nói chuyện điện thoại "kinh điển" của một thằng đàn ông sợ vợ, anh dắt xe trong ánh mắt đầy hăm dọa và nghi ngờ của em. Đến quán, lại thấy tụi bạn đang hi hi ha ha, vừa cười cợt vừa nghe lại đoạn... ghi âm cuộc nói chuyện lúc nãy. Vừa ngồi vào bàn, có đứa đã hỏi thẳng: "Làm gì mà sợ vợ ghê vậy? Cứ nói thẳng có gì đâu?". Anh chỉ ấp úng cho qua, bởi nói ra thì vạch áo cho người xem lưng, đám bạn anh làm sao hình dung được cái "sự dữ" của em.
Em có biết, con đã nói gì với anh không? Con nói: "Ba ơi! Con sợ khuôn mặt của mẹ khi giận dữ lắm". Cũng phải thôi, khi giận, mặt em đỏ phừng phừng, lông mày chau lại, mắt trừng lên, cái miệng cong lên chực chờ tuôn ra những lời quát nạt. Anh chỉ biết an ủi: "Thôi! Con ráng đừng làm mẹ giận!". Chỉ chút nữa là anh buột miệng: "Ba còn sợ huống gì con!".
Con còn nhỏ, chuyện gì cũng nên từ từ uốn nắn, vậy mà suốt ngày em quát nạt con. Ai yếu tim chắc không sống được trong nhà mình, bởi thỉnh thoảng lại nghe em hét lên: "Bo! Sao giờ này không đi tắm?", "Bo! Đã dạy rồi mà sao bài tiếng Anh có bảy điểm! Ăn gì mà ngu thế?", "Bo! Đếm từ một đến ba mà không tắt máy vi tính là ăn đòn nha!". Mà, em không chỉ dọa suông, Bo chậm một tý là em xách chổi lông gà ra ngay. Tội thằng bé, một tháng ăn đòn năm-sáu lần, lằn đỏ cả mông.
Đâu chỉ mình Bo bị quát nạt. Anh cũng không thoát: "Sao nói hoài mà ông cứ quên tắt đèn phòng tắm vậy hả?", "Uống cà phê xong thì phải rửa ly chứ", "Đi đâu mà giờ này mới về? Nhậu với nhẹt. Có ngày chết bờ chết bụi!"... Giọng em rất tốt nên em hét tận trong nhà mà tuốt đầu ngõ cũng nghe. Mới dọn về xóm này có mấy năm, em đã nổi tiếng, chết tên "Bà La Sát".
Tự đánh giá bản thân, anh thấy mình cũng là người đàn ông không đến nỗi nào. Anh lo làm ăn, không bồ bịch, không ăn chơi, nhậu nhẹt thì mỗi tháng chỉ môt - hai lân với mấy đứa bạn thân. Còn mấy khuyết điểm nho nhỏ đại khái như quên tắt đèn, bỏ đồ dơ lung tung... thì đàn ông nào chả vậy. Chuyện nhỏ như con thỏ mà em cứ phải hùng hùng hổ hổ, quát tháo ầm ĩ mới chịu. Bao nhiêu năm lấy nhau, chưa bao giờ anh thấy em thể hiện sự dịu dàng của người phụ nữ.
Đám bạn cứ bảo anh sợ vợ, bảo anh là thằng "râu quặp", khích anh: "Mày cứ vùng lên, làm dữ coi ai sợ ai!". Có chứ, anh làm dữ mấy lần rồi và rút ra kết luận thảm thương: "Em dữ hơn anh!". Em la quát, anh im lặng nhẫn nhịn là trật tự quen thuộc của gia đình. Mấy lần anh vùng lên, đảo lộn trật tự, quát lại em. Không ngờ, quát em một câu thì em quát lại hai câu, quát em hai câu em quát lại bốn câu. Lần ấy, giận quá, anh tát em một cái, không ngờ em trả đòn dữ dội, hết cào cấu lại đến cắn xé, thậm chí còn chạy ra sau bếp xách cả... dao lên. Anh mà làm dữ nữa chắc có án mạng thật. Hoảng quá, anh đành chạy sang nhà ngoại cầu cứu... má em mới êm chuyện. Còn chuyện đi nhậu, có lần em không cho đi, anh cũng cứ đi. Em gọi điện thoại mấy lần, nói: "Có chịu về chưa hả?". Anh trả lời hùng dũng như đám bạn xúi: "Tôi không phải con của cô nha! Chừng nào muốn về tôi sẽ về!". Em cúp máy. Nửa tiếng sau, em có mặt tại quán. Em lịch sự cười tươi chào hết đám bạn anh, kéo ghế ngồi xuống cạnh anh. Miệng vẫn cười, em khẽ kéo anh, chỉ cho anh thấy em đang giấu một con dao dưới đùi. Em thì thầm: "Một là ông về liền, hai là có án mạng, ông chọn đi!". Thế anh đành ra về trong ánh mắt thương hại của đám bạn.
Người ta nói vợ chồng chung sống được với nhau là nhờ tình yêu, nhờ cái nghĩa cái tình. Nhưng, giữa anh và em sao chỉ thấy toàn nỗi ngán ngại. Em có nghĩ, sức chịu đựng của ai cũng có giới hạn? Gia neo se đưt dây?
Theo VNE
Thương những mùa trăng Khi ánh trăng chưa tròn, tiếng trống lân đã vang lên khắp xóm. Đám trẻ con bắt đầu háo hức, nôn nao đợi trung thu về. Mẹ chuẩn bị mâm cỗ "cúng đất" như bao gia đình khác ở quê vẫn cúng quảy mỗi dịp rằm tháng Tám. Đi khắp xóm, mùi trầm hương tan nhẹ vào gió, nghe đầm ấm, an yên....