Ngôi làng kỳ lạ ở Hà Nội, mời khách ăn cưới, gia chủ phải đến đủ 3 lần
Gia chủ muốn mời khách ăn cỗ cưới, phải đến đủ 3 lần. Nếu không, thực khách sẽ không đến.
Di tích lịch sử đình làng Hoàng Xá.
Hoàng Xá (thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội) là ngôi làng cổ với nhiều nét văn hóa độc đáo. Mặc dù nay đã mai một hoặc biến mất nhưng nhiều phong tục lạ ở đây được ‘người chép sử’ của làng dày công sưu tầm, ghi chép. Đó là nhà giáo Đặng Đình Thiêm (SN 1936 – TT Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội).
Gặp ông Thiêm vào thời điểm đầu mùa cưới, ông chia sẻ, chuyện cưới hỏi là thứ hiện hữu, gắn liền với đời sống người dân nhất.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, nhà nào có đám, rất khó mời người làng dự tiệc. Gia chủ muốn mời, bắt buộc phải thực hiện lệ ‘Tái thỉnh’.
‘Tái thỉnh là tiếng Hán – Việt, có nghĩa là ‘mời lại ‘, thể hiện sự cung kính, trân trọng, mong mỏi khách đến’, ông Thiêm giải thích.
Cách mời khách ở đây khá cầu kỳ, thường gia chủ phải đến nhà khách 3 lần. Lần một, chủ nhà mời đến chơi, ăn trầu uống nước. Lần hai cách đám cưới vài ngày, chủ nhà ân cần mời tiệc. Lần ba, người nhà đám cưới tái thỉnh trước giờ ăn khoảng 2 tiếng đồng hồ. Không có đủ 3 lần mời như vậy, thực khách sẽ coi như chủ nhà ‘mời rơi’ và đương nhiên không dự.
Việc ăn cỗ cưới ở đây còn đặc biệt ở chỗ, gia chủ chỉ khai tiệc vào 1 giờ nhất định. Do vậy, khi đi ăn cưới, bao giờ khách cũng mang theo một cây tăm.
Nếu đến đám, thấy gia chủ đã khai tiệc, họ giả vờ ngậm tăm rồi bước vào và xin kiếu với gia chủ vì trót tiếp khách ở nhà, sau đó lịch sự cáo lui.
Nhà giáo về hưu Đặng Đình Thiêm bên cuốn bản thảo viết về văn hóa, phong tục xưa của địa phương.
Về cỗ bàn, các cụ cao niên thường tự hào: ‘Cỗ làng ta vừa hậu hĩnh, vừa phong phú, cứ phải xếp hai tầng. Cỗ đơn giản cũng phải 8 đĩa – 4 bát; 10 đĩa – 4 bát hoặc 12 đĩa – 5 bát… Bao gồm: giò nem ninh mọc, bóng mực, vây yến, nem chạo… Nhà càng giàu, càng sang cỗ càng to.
Ngày xưa, một bàn cỗ chỉ dành cho 4 người. Khi dự tiệc, mọi người ăn uống từ tốn, tỏ ra thanh lịch, lấy sự nhấm nháp, thưởng thức là chính. Sau bữa cỗ, bao giờ chủ nhà cũng khéo léo chia phần, cử người đem kính tận nhà.
Video đang HOT
Sau cách mạng tháng 8, mọi thủ tục rườm rà được bãi bỏ, không nhà nào làm cỗ mời khách nữa. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại, việc cỗ bàn đã quay lại, vẫn công thức 10 đĩa, 4 bát như trước nhưng lệ tái thỉnh xưa cũ thì không còn.
Ông Thiêm cho biết thêm, ngoài cầu kỳ về lời mời khách ăn cỗ, người làng Hoàng Xá còn rất kỹ tính trong việc pha nước mời khách đến dự đám cưới. Thông thường, chiều hôm trước diễn ra tiệc cưới, khách sẽ đến chơi nhà cô dâu, chú rể.
Gia chủ hãm ấm chè tươi, nước rót ra nguyên màu xanh tươi mới. Hết một lượt nước, chè ngả màu là bỏ, không dùng lại.
Cách hãm chè tươi ở Hoàng Xá cũng khá tinh tế. Người ta chọn loại lá chè ở gốc, dày và nhỏ, mang về rửa sạch, phơi khô rồi tráng qua nước sôi. Sau đó, mang lá chè vò dập bằng tay và cho vào một vỏ sành, đặt trong sọt tre, xung quanh ủ rơm.
Bước cuối cùng, lấy nước mưa, đun sôi lăn tăn, đổ vào, hãm 20 phút mới mang ra mời khách. Chén nước chè đảm bảo xanh, đặc và sánh là đạt yêu cầu.
Nhà có đám thường chọn người khéo léo đảm nhiệm việc này. Sau 7 giờ tối, gia chủ bỏ nước chè xanh, thay bằng chè mạn.
Ngày xưa chưa có phích, nhà có đám phải đắp lò, nhóm lửa liên tục để luôn có nước sôi.
Chè búp pha thật đặc làm nước cốt, khách tới nhà, người chuyên trách lấy nước sôi, pha với nước cốt mời khách. Dù chè xanh, chè tàu hay chè mạn đều phải đảm bảo 3 yếu tố: màu sắc, hương thơm và vị.
Đến nay, dân làng vẫn truyền tai nhau câu ca: ‘Cơm xong uống nước chè tươi/ Tối, trưa tiếp khách, thảnh thơi chè tàu’.
Người làng bên cho rằng làng Hoàng Xá cầu kỳ, khắt khe nhưng dân làng Hoàng Xá luôn tự hào về nếp sống hiếu khách đó. Lệ này tồn tại mãi đến những năm 80 của thế kỷ 20. Ngày nay, việc cỗ bàn, ăn uống ở Hoàng Xá đã giản tiện đi nhiều nhưng cách đối đãi với khách vẫn như xưa.
Trưởng thôn Hoàng Xá – Trần Hữu Nhuận.
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Hữu Nhuận (Trưởng thôn Hoàng Xá) cho biết: ‘Làng Hoàng Xá từ xưa có đặc trưng là khu vực nằm sát đường cái, thông thương, mua bán dễ dàng. Người dân ngoài trồng lúa, chăn nuôi thường có thêm nghề buôn bán, sản xuất. Do đó đời sống có phần sung túc hơn. Việc thông thương, đi buôn bán khắp nơi, lại gần khu vực giao thông nên nếp văn hóa ở đây mang hơi hướng thành thị.
Những phong tục, tập quán kể trên được ông Thiêm ghi chép lại chính là một phần bản sắc văn hóa đầy giá trị của địa phương’.
Huy Hùng – Minh Anh
Theo Vietnamnet
Những trải nghiệm không thể quên của thiếu niên Việt Nam tại Nhật Bản
Đoàn thiếu niên Việt Nam thăm hữu nghị Nhật Bản đã có 3 ngày sống cùng gia đình bản địa (homestay) để trải nghiệm đời sống, sinh hoạt và tìm hiểu phong tục, tập quán trong các gia đình Nhật Bản.
Đoàn thiếu niên Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các gia đình tham gia chương trình homestay. (Ảnh: Đào Tùng/TTXVN)
Ngày 4/8, đoàn thiếu niên Việt Nam đã kết thúc chuyến thăm hữu nghị Nhật Bản lần thứ 4 bằng những cuộc chia tay đầy xúc động với các gia đình người Nhật Bản mà họ đã ở trong 3 ngày cuối của chuyến thăm đầy ắp kỷ niệm này.
Chuyến thăm này do Tập đoàn Kyocera tổ chức và bắt đầu từ ngày 30/7 vừa qua.
Trong thời gian ở thăm Nhật Bản, 12 bạn trẻ Việt Nam đã thăm quan Bảo tàng Khoa học Tương lai Nhật Bản (Miraikan) ở Tokyo, thăm cơ sở sản xuất của Tập đoàn Kyocera và giao lưu với các bạn trẻ ở Trường Trung học Cơ sở Matsubara ở Kyoto.
Đặc biệt, các em đã có 3 ngày tham gia chương trình sống cùng gia đình bản địa (homestay) để trải nghiệm đời sống, sinh hoạt và tìm hiểu phong tục, tập quán trong các gia đình Nhật Bản. Vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, các em đã có khoảng thời gian đầy ý nghĩa với các gia đình Nhật Bản.
Chia sẻ cảm tưởng về chuyến đi, em Phạm Tường Nhi, học sinh Trường Trung học cơ sở Ái Mộ tại Hà Nội, tâm sự: "Chuyến đi này quả là một trải nghiệm thú vị và đầy bổ ích đối với chúng em. Đặc biệt khi thăm trụ sở của Kyocera, em được mở rộng tầm mắt về những kỹ thuật hiện đại liên quan chất liệu gốm sứ."
Em Quách Mạnh Thiện, học sinh Trường Trung học cơ sở Trần Phú của thành phố Hải Phòng, chia sẻ: "Chuyến đi này đã giúp em hiểu hơn về văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Em rất ấn tượng về nếp sống văn minh, tính kỷ luật cũng như sự thân thiện của người Nhật."
Ấn tượng về các học sinh Việt Nam, ông bà Adachi Kenichi, một trong 6 gia đình đã đón các bạn trẻ Việt Nam đến ở tại nhà, bày tỏ rất vui khi tham gia chương trình này.
Ông Kenichi làm việc tại Kyocera cho biết do công ty có nhà máy tại Việt Nam nên ông thường xuyên giao tiếp với người Việt. Vì vậy, việc đón các bạn trẻ Việt Nam tới ở tại nhà là cơ hội để ông hiểu hơn về Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về mục đích của việc tổ chức chuyến thăm Nhật Bản cho các bạn trẻ nước ngoài, ông Takashi Sato, Trưởng ban Hành chính Nhân sự của Tập đoàn Kyocera, cho biết chương trình này được tổ chức theo sáng kiến của ông Kazuo Inamori, người sáng lập Tập đoàn Kyocera.
Sau khi lập công ty, ông đã có dịp sang Mỹ và rất ấn tượng với những trải nghiệm ở đây. Khi đó, ông nghĩ rằng nếu các bạn trẻ có những trải nghiệm tương tự về văn hóa nước ngoài thì điều đó sẽ ảnh hưởng tích cực tới cách suy nghĩ và sự phát triển của các em. Chính vì vậy, ông đã quyết định tổ chức các chuyến thăm hữu nghị tới Nhật Bản cho các bạn trẻ nước ngoài.
Riêng đối với Việt Nam, ông Sato nói: "Hiện nay, Kyocera đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy mối liên kết với Việt Nam ngày càng sâu rộng, tầm quan trọng của thị trường Việt Nam ngày càng cao. Đó chính là lý do tập đoàn mời các bạn trẻ Việt Nam tham gia chương trình này với mong muốn sau này, các em sẽ trở thành cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản."
Bên cạnh đó, ông Sato cũng chia sẻ Kyocera hiện có các cơ sở sản xuất ở tỉnh Hưng Yên và thành phố Hải Phòng, với tổng cộng khoảng 6.000 nhân viên.
Trong tương lai, với dân số trẻ, năng động và nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam sẽ không chỉ là nơi sản xuất mà còn là thị trường lớn của Kyocera.
Một số hình ảnh của các em tại Nhật Bản:
Học sinh Việt Nam tặng quà lưu niệm cho gia đình ông bà Adachi Kenichi, nơi họ đã ở trong chuyến thăm hữu nghị Nhật Bản. (Ảnh: Đào Tùng/TTXVN)
Đoàn thiếu niên Việt Nam giao lưu với câu lạc bộ kiếm đạo của Trường PTCS Matsubara ở Kyoto. (Ảnh: Đào Tùng/TTXVN)
Đoàn thiếu niên Việt Nam giao lưu với câu lạc bộ nấu ăn của Trường PTCS Matsubara ở Kyoto. (Ảnh: Đào Tùng/TTXVN)
Đoàn thiếu niên Việt Nam thăm trụ sở của Tập đoàn Kyocera ở Kyoto. (Ảnh: Đào Tùng/TTXVN)
Đào Tùng
Theo TTXVN/Vietnamplus
Việt Nam mất cân bằng giới tính do định kiến trọng nam khinh nữ Nhiều người Việt quan niệm chỉ con trai mới gánh vác trọng trách thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường, dẫn tới tỷ lệ sinh trai nhiều hơn gái. Theo Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, tỷ số chênh lệch giới tính - sinh nam nhiều hơn nữ, tiếp tục tăng nhanh. Năm 2018, tỷ lệ giới tính khi sinh...