Ngôi làng đặc biệt có người nói được… 20 thứ tiếng khác nhau
Đó là ngôi làng dưới chân núi Chư Mom Ray nhiều huyền thoại. Điều kỳ lạ là cả đứa trẻ 10 tuổi cũng nói được nhiều thứ tiếng, không chỉ tiếng của dân tộc khác, mà họ còn nói được tiếng Lào, Miên và những đứa trẻ được đi học thì tiếng Anh cũng không phải là ngoại lệ.
Vùng đất kỳ lạ
Nghe điều này từ một cán bộ văn hóa thông tin của huyện Kon Tum, tính hiếu kỳ lại nổi lên khiến chúng tôi lặn lội từ thành phố Kon Tum ngược lên Ngọc Hồi với quãng đường hơn 80km, rồi từ đó rẽ xuyên rừng Chư Mom Ray, vượt ngầm, vượt suối 75km nữa đặt chân đến làng Le, ngôi làng của dân tộc Rơ Mâm duy nhất ở cực Bắc Tây Nguyên lúc mặt trời vừa khuất núi Chư Gor Tong, thuộc dãy Chư Mom Ray cao 1.773m. Mệt rã, ướt như chuột và bết trong bụi đỏ bazan.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là thôn trưởng A Ren, thấy tôi A Ren xởi lởi dắt lên nhà. Lúc ấy trong nhà cũng đã có rất đông người làng đang tụ họp để nói chuyện. Những người dân nơi đây đã ra tiếp đón chúng tôi rất thân tình, những cái nắm tay thật chặt, nụ cười hồn hậu đã xua tan đi cái lạnh giá của núi rừng.
Ngôi nhà sàn của gia đình A Ren bỗng chốc tập trung rất đông người, đó là những người dân trong thôn bản. Một cảm giác gần gũi, thân thiện khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Hết vài cang rượu theo đúng phong tục của người Rơ Mâm, tôi đem chuyện “ngoại ngữ” ra để hỏi mọi người.
A Ren cười tít mắt bảo: “Người Rơ Mâm làng mình từ già đến trẻ ít nhất có thể sử dụng được 3 thứ tiếng nước ngoài như Lào, Thái, Miên. Đấy là chưa kể tới tiếng của những dân tộc anh em sống quanh đây như người Kinh, người Rơ Ngao, người Giẻ Triêng, người Ve, người Jrai… như tiếng mẹ đẻ vậy.
Với vốn “ngoại ngữ” phong phú như vậy nên khi gặp bất kỳ người của dân tộc nào thì đều có thể nói được cả. Nhưng người của dân tộc khác lại ít hiểu, ít nghe được tiếng của người Rơ Mâm làng mình!”.
Hóa ra ngay như trưởng thôn A Ren này cũng “bỏ gùi” được cả chục “ngoại ngữ” một cách khá thông thạo. Và như để chứng minh cho tôi thấy, A Ren nói một tràng bằng tiếng Jrai, tất nhiên trong đó có một số từ mà tôi biết khi nhiều lần tiếp xúc mà nghe những người Jrai nói chuyện với nhau. Rồi tiếng Lào, tiếng Thái một cách lưu loát.
Lũ trẻ người Rơ Mâm ở làng Le cũng nói được nhiều ngôn ngữ khác nhau
Để kiểm chứng rõ hơn về khả năng đặc biệt này của người Rơ Mâm, chúng tôi đã có cuộc khảo sát nhanh thông qua rất nhiều người. Anh A Lunh, một chàng trai người Rơ Mâm cho biết: “Người Rơ Mâm tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng trình độ dân trí lại không hề thua kém. Một trong những khả năng đặc biệt nhất của người dân nơi đây, là việc trong một thời gian ngắn có thể học nói được rất nhiều thứ tiếng các dân tộc khác nhau!”.
Một cậu bạn đồng nghiệp đi cùng tôi vốn là một người dân tộc Xê Đăng đã yêu cầu một vài người dân nơi đây nói vài câu tiếng Xê Đăng, lập tức mỗi người nói vài câu một cách rành mạch, rõ ràng. Điều đó, khiến cậu bạn tôi hết sức ngạc nhiên. Có những thanh niên khoe họ còn nói được cả tiếng Anh. Chúng tôi đề nghị họ nói vài câu xem thử, và họ cũng đã nói khá lưu loát.
Trong lúc cao hứng, trưởng thôn A Ren còn giới thiệu những cái tên như già H’lui, già A Ping, già A Miu, già Y My, già A Ông và nhiều già khác nữa có thể nói được hơn chục thứ tiếng khác nhau.
Nhưng đáng nể nhất vẫn là già làng Blong sống gần 90 tuổi nay đã mất có thể nói được 20 ngoại ngữ. Trong đó có cả tiếng Pháp, tiếng Anh. A Ren cho biết, trước đây khi quân Pháp, rồi quân Mỹ đến làng, già Blong đều là người đứng ra nói chuyện với Pháp, Mỹ để chúng không đàn áp dân làng, không bắt dân làng đi phu đi lính. Nhờ thế mà người làng mới còn lại đến ngày hôm nay được.
“Cái tài là của yàng cho đấy!”
Bên bếp lửa giữa mái nhà sàn, thấy tôi cứ tròn mắt ngạc nhiên, A Ren liền giới thiệu: “Đấy là già A H’lới, biết nhiều sử thi lắm, hát khan hay nhất làng, và cũng biết nhiều thứ tiếng lắm đấy!”.
Sau mấy căn rượu, các cụ già trở nên phấn khích, hồ hởi kể chuyện. Không có ranh giới chủ – khách, lạ – quen, tôi như một đứa con xa làng lâu ngày trở về. Dạo đó người Rơ Mâm nghe theo lời bộ đội đã rời khỏi núi Yang Sít ra đây lập làng mới, lớp người già ngày ấy nay chỉ còn sót lại ba người là A Ông (105 tuổi), A H’lới (77 tuổi) và bà Y Mi (89 tuổi).
Video đang HOT
Già A H’lới kể: “Ngày xưa, xưa lắm, cả trăm mùa trăng trước đếm không hết đâu, người Rơ Mâm đông hơn bây giờ nhiều, có tới 12 làng sống biệt lập với người JRai, người Giẻ triêng và nhiều người khác.
Làng Rơ Mâm của mình ở nơi cao nhất so với các dân tộc khác. Nhưng rồi một trận dịch khủng khiếp cách đây nhiều con trăng đã xóa sạch các làng Rơ Mâm, từ 12 làng chỉ còn lại một làng duy nhất đó là làng Le hôm nay thôi!”. Mắt A H’lới nhìn vào ánh lửa bập bùng một cách xa xăm…
Bên bếp lửa giữa mái nhà sàn, già làng A H’lới kể cho chúng tôi nghe về những nét văn hóa độc đáo của người Rơ Mâm. Điều khiến chúng tôi khó lý giải nhất là vì đâu mà khả năng học “ngoại ngữ” rất tài tình của người Rơ Mâm lại tốt như thế.
A Ren thì chỉ giải thích một cách chung chung rằng do dân số ít, để tồn tại giữa vùng rừng núi này để trao đổi hàng hóa, người Rơ Mâm phải quan hệ với các dân tộc khác, nên người Rơ Mâm phải biết rất nhiều “ngoại ngữ”.
Họ có thể nói tiếng dân tộc Hà Lăng, JRai, B’râu và thạo cả tiếng Lào như người bên tỉnh Atơpư của Lào chính hiệu. Ngoài săn bắt, hái lượm và trỉa lúa, người Rơ Mâm ở làng Le rất giỏi đánh cá bằng lưới. Bởi hàng trăm năm sống bên dòng sông Sa Thầy, họ đã nhanh chóng tiếp thu cách đánh lưới của các bộ tộc Lào ở bên kia biên giới. Chính vì có khả năng đặc biệt đó, nên mỗi khi người Rơ Mâm ở làng Le đi đến các làng khác, dùng chính ngôn ngữ của người làng đó để trò chuyện khiến ai cũng phải phục, và chính nhờ thế họ rất được quý mến. “Vì mình nói được tiếng của họ, cũng hiểu được văn hóa của họ nên họ tôn trọng lắm! Thế nên khi mình trao đổi hàng hóa đều có lợi hơn!” trưởng thôn A Ren tự hào.
Chính vì biết được nhiều thứ tiếng của các dân tộc anh em ở vùng này, nên mỗi khi có đoàn cán bộ huyện đi xuống cơ sở để tuyên truyền, trưởng thôn A Ren lại được đưa đi để làm thông dịch viên.
Nhiều khi đến các làng khác, người làng ấy buột miệng hỏi: “Mày là người Rơ Mâm mà sao biết nói tiếng của làng ta!?”, trưởng thông A Ren cười trả lời: “Vì tao trọng văn hóa của làng mày, nên học nói tiếng của mày. Có thế mình mới hiểu nhau được!”. Thế là sau buổi nói chuyện, nhiều lần A Ren được người làng khác kết nghĩa làm anh em.
Anh A Ren còn cho biết thêm: “Chúng tôi cũng không thể lý giải được khả năng học “ngoại ngữ” rất nhanh của người Rơ Mâm. Chỉ biết rằng, đó là một năng khiếu đặc biệt, mà bất kể người dân nào nơi đây cũng có được từ lúc còn rất bé!”.
Theo lời trưởng thôn A Ren, những người Rơ Mâm muốn học một ngôn ngữ của dân tộc nào, chỉ cần tiếp xúc với họ một thời gian ngắn là có thể giao tiếp được khoảng 80 – 90% như người gốc vậy. “Đấy là cái tài của Yàng cho người Rơ Mâm chúng tôi đấy!” già A H’lới cười nắc nỏm tự hào khi nói thế.
Trưởng thôn A Ren kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện khá vui và thú vị. Những đứa trẻ người Rơ Mâm khi bắt đầu đi học, thường học chung với nhiều đứa trẻ dân tộc khác như: Kinh, Ba Na, Xê Đăng, Jrai…
Chỉ sau một thời gian ngắn tiếp xúc, những đứa trẻ người Rơ Mâm có thể dễ dàng nói chuyện được với những đứa trẻ dân tộc khác bằng tiếng của người dân tộc mà chúng giao tiếp. Nhưng ngược lại, nếu chúng nói tiếng Rơ Mâm thì những đứa trẻ kia sẽ không hiểu gì. Lên lớp cao hơn chút nữa, những đứa trẻ còn được học tiếng Anh, và bao giờ những đứa trẻ Rơ Mâm cũng có khả năng học và nói tiếng Anh tốt hơn những đứa trẻ cùng trang lứa khác.
Cô giáo Đinh Hồng Thương, giáo viên trường tiểu học của xã nhận xét: “Các môn tự nhiên thì những học sinh này học vẫn bình thường, chỉ riêng môn ngoại ngữ thì các em học rất tốt, nhiều khi các em chỉ cần nghe nói là hiểu chứ không cần ghi chép như những học sinh khác. Điều đặc biệt là các em rất thích học ngoại ngữ!”.
Được biết, thời gian qua đã có 2 em học sinh người Rơ Mâm thi đậu vào ngành ngoại ngữ của trường Cao đẳng sư phạm Kon Tum.
Không chỉ già H’lới tự hào, mà nhiều người Rơ Mâm ở làng Le cũng bảo biết nhiều thứ tiếng là văn hóa bao đời của người Rơ Mâm, đó là điều mà người già truyền lại cho lớp trẻ, hết lớp này đến lớp khác để gìn giữ văn hóa của mình. Điều đó vô cùng đặc biệt trong thời buổi hiện nay.
Theo Minh Ngọc
An ninh thủ đô
"Ma men" đất Cảng nã đạn vào đứa bé 4 tuổi
Bị bỏ lại sau cùng trong một bữa nhậu với hàng xóm, gã côn đồ vác súng xả giận, khiến đứa bé 4 tuổi lãnh 15 mảnh đạn vào chân.
Cửa sắt nhà anh Tấn chi chít những vết đạn bắn.
Bắt được con cá to, gia đình anh Chu Anh Tấn (ngụ thôn Chinh Hưởng, xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cùng vài hộ gần đó tổ chức ăn lẩu, trong đó có người cháu họ Hoàng Văn Hà (33 tuổi). Một hồi sau, chỉ còn Hà và một người nữa ngồi nói chuyện trong mâm.
Đến khi người này rời sang bàn bên uống nước thì Hà nghĩ bị "khinh" nên tức giận, xảy ra cãi vã. Chuyện tưởng chừng đã được hòa giải êm xuôi nhưng đối tượng về nhà vác súng đến thị uy. Mọi người sợ hãi đóng cửa, khuyên giải Hà nhưng không thành. Đối tượng bắn súng vào cửa khiến bé Chu Hải Nam (4 tuổi) ở bên trong bị găm 15 mảnh đạn hoa cải vào chân trái.
Bữa trưa bạo lực
Gia đình nạn nhân vốn thân thiết với đối tượng vì có quan hệ họ hàng nên việc Hà dùng súng bắn khiến cháu Nam bị thương khiến nhiều người không khỏi bất bình.
Tìm đến gia đình anh Tấn, cả hai vợ chồng đã đưa bé Nam lên bệnh viện 108 (Hà Nội) để phẫu thuật gắp những mảnh đạn ra. Theo thông tin từ phía, hiện sức khỏe của bé tạm thời ổn định.
Cửa tiệm tạp hóa của gia đình anh Tấn hiện nay được anh chị em trong gia đình trông nom. Mọi người không hiểu tại sao Hà lại hành động như vậy và giải thích do "ma men" khiến đối tượng "bốc" nên mới dùng súng bắn vào nhà.
Bà Đồng Thị Thủy, bác của bé Nam cho biết, hôm đó là ngày nghỉ nên mọi người đánh cá làm lẩu. Tham gia có 3 gia đình là chị em và 2 nhà hàng xóm. Mọi người tập trung ăn uống là chuyện thường nên gọi thêm Hà tham gia. Không ngờ Hà chỉ uống một chén rượu mà lại không làm chủ được hành động của mình.
Bữa cơm được chia thành 2 mâm, mọi người nói chuyện rất rôm rả. Chủ nhà sau khi uống vài chén rượu đã ôm bé Nam vào nhà đi ngủ trước. Còn lại hai bàn: Một bàn có 3 người sau đó đã được dọn để uống nước, ăn trái cây; một bàn có Hà ngồi vẫn đang ăn bún.
Một nhân chứng cho biết: Trước đó, bàn bên có 3 người đã ăn xong, anh hàng xóm sang ngồi nói chuyện cùng Hà. Nhưng được mọi người mời ra uống nước nên anh này đứng dậy đi sang. Thấy vậy, Hà "nóng mặt" cho rằng anh này khinh mình nên có lời lẽ khiếm nhã rồi xảy ra cãi cọ.
Khi xảy ra cãi vã, chị Đồng Thị Tuyết là vợ anh Tấn có đứng ra giảng hòa còn bị Hà vung tay làm ngã. Từ trong nhà cháu Nam tỉnh dậy thấy mẹ ngã nên òa khóc. Sau đó, mọi người đã giảng hòa, ai về nhà nấy.
"Lúc đó Hà còn bảo mọi người về đi ngủ, tôi và hai người nữa rửa bát trước cửa nhà. Chỉ khoảng vài phút sau từ xa tôi đã thấy Hà cầm vật gì đen đen chạy đến gần. Nhà lúc này chỉ còn phụ nữ nên mọi người bảo nhau đóng cửa lại", một nhân chứng cho biết.
Cháu Nam đang điều trị tại bệnh viện
Đến trước cửa nhà anh Tấn, đối tượng liên tục chửi bới hăm dọa. Phía bên trong, đám trẻ được mọi người "sơ tán" lên tầng 2. Chị Tuyết chủ nhà đóng cửa, phía bên trong thuyết phục Hà bỏ súng, không được manh động. Cháu Nam thấy mẹ ở dưới nhà nên chạy xuống cùng.
Bỗng từ bên ngoài có tiếng nổ chát chúa, cửa xếp bằng tôn của gia đình anh Tấn bị thủng, bên trong cháu Nam bị găm nhiều viên đạn vào chân. Lúc này cháu Nam khóc thét lên, mọi người tìm cách cầm máu cho cháu bé. Ở phía ngoài Hà vẫn không ngừng chửi bới. Lúc này, có người đến can ngăn, nói chuyện kéo Hà đi chỗ khác, mọi người trong nhà mới tìm xe đưa bé Nam đi cấp cứu.
Tại bệnh viện trẻ em Hải Phòng, các bác sĩ xác định tại vùng cẳng chân trái của cháu Nam có 15 viên đạn, kích thước khoảng 0,5cm, do bị súng bắn đạn hoa cải gây nên. Trong đêm 22/6, bé được đưa lên bệnh viện 108 cấp cứu.
Thủ phạm từng "uống nhầm thuốc"?
Vợ chồng anh Tấn lấy nhau từ năm 1994 hiện có 3 người con. Người chị cả đi du học, bé thứ hai đang học lớp 8, nạn nhân là con trai út trong gia đình. Cuộc sống vợ chồng anh Tấn khá hạnh phúc, con cái đều ngoan ngoãn, sống được lòng mọi người, từ trước đến nay chưa hề xích mích với ai.
Bé Nam từ nhỏ đã biết sống tự lập, tự xúc cơm ăn không cần ai bón. Bình thường bé đi học mầm non, nhưng vài ngày trước Nam bị viêm da ở đầu gối chân phải nên xin nghỉ học. Điều gia đình lo lắng nhất cho bé hiện nay là những mảnh đạn, vết thương sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của cháu sau này.
Về phần đối tượng, mọi người đánh giá từ trước không hề có mâu thuẫn gì với gia đình bị hại. Trước đây, mỗi lần đi đám, không có tiền Hà thường vay tiền gia đình anh Tấn. Hà từng tâm sự uống rượu vào hay bị "bốc". Nhiều người cho rằng mảnh đất nhà Hà đang ở bị "nghịch" nên anh trai của đối tượng có dấu hiệu thần kinh không bình thường. Bản thân Hà uống rượu cũng không làm chủ được bản thân.
Tìm đến nhà đối tượng Hà chỉ có bà Nguyễn Thị Đắp (67 tuổi) đang ở nhà trông cháu. Nhắc đến con trai, bà khóc nức nở không ngờ Hà gây tội tày đình đến vậy.
"Trước đây, lúc nó 5 tuổi bị viêm phế quản, đưa đi chữa bệnh không ngờ lại bị cho uống nhầm thuốc thần kinh. Đêm đó, Hà khóc từ 21h đêm đến 9h sáng hôm sau, mọi người tưởng chừng không qua khỏi. Trước khi về nhà bác sĩ dặn Hà bị ảnh hưởng về thần kinh, học được đến đâu thì học", người mẹ cho biết.
Bà Đắp không ngừng khóc khi kể về con trai
Thời gian sau Hà đi học như bao đứa trẻ khác, nhưng đến khi 15 tuổi vì đau đầu nên không chịu học tiếp. Bẵng đi 2 năm, Hà tiếp tục xin mẹ theo con đường học còn dang dở. Nhưng cũng chỉ đến lớp 10, Hà ở nhà giúp mẹ đỡ đần việc gia đình.
Hà cưới vợ từ năm 2008, lần lượt 3 đứa con ra đời, cậu bé nhỏ nhất mới được gần 1 tuổi. Vợ Hà đi làm công nhân cho công ty giày da đồng lương ba cọc ba đồng, Hà đi lái xe thuê chỉ đủ chi tiêu nuôi mẹ già, hai vợ chồng và 3 đứa con.
"Gần đây Hà bị đau cột sống, bảo đi chữa bệnh nhưng gia đình không có tiền nên từ đó ảnh hưởng đến thần kinh nhiều. Ngủ nó không nhắm được mắt hoàn toàn mà hay lơ mơ lắm. Cứ trái nắng trở trời là Hà lại bị đau đầu, đau lưng không làm được gì. Bình thường nó rất quý con, nhưng không hiểu sao 3 ngày gần đây nó thường xuyên chửi vợ, đánh con. Mọi người bảo nhau chắc là do ảnh hưởng của thần kinh nên chỉ im lặng", bà Đắp cho biết.
Trong suốt cuộc trò chuyện, bà Đắp không ngừng rơi nước mắt. Chồng chết cách đây 6 năm, con trai đầu bị tai nạn thần kinh không ổn định, giờ đến lượt Hà trong phút "bốc" lên không tự chủ được bản thân nên gây hậu quả nghiêm trọng.
"Lúc nó hùng hổ về nhà tôi tưởng hai vợ chồng nó cãi nhau vì tính khí Hà dạo này rất thất thường. Bỗng nó lôi đâu ra khẩu súng mà ban đầu chúng tôi tưởng thanh sắt. Nếu biết đó là súng thì tôi đã mang đi nộp công an chứ để ở nhà cho nó gây họa làm gì", người mẹ phân trần./.
Theo Trịnh Ninh
Pháp luật Việt Nam
Cha giết mẹ rồi tự sát, con 6 tuổi mồ côi Vừa được mẹ chở đi nhà sách sắm tập vở để vào lớp 1, chỉ vài giờ sau, cháu bé đã thành mồ côi vì cha xuống tay giết mẹ rồi lao vào ô tô tự sát. Ngày 11/7, Công an tỉnh Bình Dương đang điều tra làm rõ cái chết của 2 vợ chồng nữ hiệu phó một trường mầm non ở...