Ngôi đền cổ thờ ngài rắn linh thiêng
Kỳ lạ và linh thiêng, người dân xã Đức Thành (Yên Thành, Nghệ An) bao đời nay vẫn nói như vậy về đền Canh. Điều lạ kỳ trước tiên, đó là ngôi đền này thờ một “ngài” rắn…
Trong khuôn viên đền Canh, ngoài đền thờ “thần rắn”còn có một miếu nhỏ thờ bố mẹ rắn.
Rắn sống trong đền
Đền Canh – nơi thờ “thần rắn” nằm tại xóm Tây Canh, xã Đức Thành – một nơi có địa thế rộng rãi, thoáng đãng, phong cảnh hữu tình của huyện Yên Thành. Con đường đất nhỏ ngoằn nghoèo như con rắn từ đầu xã dẫn chúng tôi vào đền. Đó là một ngôi đền đã bạc màu thời gian. Những gốc đa chẳng biết có từ bao giờ đâm rễ tua tủa, ôm chặt lấy cổng tam quan. Một dãy nhà ngang 3 gian được bài trí các bàn thờ, trên đó khói hương do ai đó vừa lễ còn chưa cháy hết.
Bước qua cổng tam quan cũ kỹ, chúng tôi vào sân trong của đền Canh. Một không gian rộng rãi, vắng vẻ hiện ra trước mắt. Tôi chợt nhớ lại lời các cụ già ngồi phía đầu thôn vừa nói, tại đây đã có người nhìn thấy những “ngài” rắn khổng lồ, khiến bất giác mắt tôi cũng đảo quanh, dù trong thâm tâm cũng không tin điều đó có thể xảy ra.
Video đang HOT
Cho đến hiện nay, chưa có tài liệu nào nói rõ về gốc tích của đền Canh. Ông Hà Huy Quang, người 3 năm qua giữ chức Trưởng ban quản lý di tích đền Canh cho biết: “Đền Canh chúng tôi không thờ người mà thờ thần rắn”. Ông Quang cũng không biết ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ nào.
Ông Quang dẫn chúng tôi ra ngoài cổng tam quan, chỉ lên hàng chữ nho và nói, nhiều khả năng, hai hàng chữ này sẽ giải đáp được câu hỏi đền ra đời thuở nào. Do ông không biết chữ nho, mà cũng chưa có ai dịch hai hàng chữ ở cổng tam quan nên đành chịu.
Tôi hỏi ông Quang về chuyện nhiều người dân đã nhìn thấy trong ngôi đền có những “ngài” rắn khổng lồ, ông khoát tay bảo: “Rắn ở đền này thiếu gì, phải hàng chục con, lúc nào chúng chả bò khắp bàn thờ”.
Ông Hà Huy Quang, Trưởng ban quản lý di tích: “Không ai biết đền Canh có từ bao giờ”.
Để minh chứng cho điều mình vừa nói, ông Quang tiến đến bàn thờ, lật tấm nilon trải bàn lên tức thì lộ ra một con rắn. Đây là con rắn mối, một loài rắn rất hiền. “Rắn to như người ta kể thì tôi chưa bao giờ gặp, nhưng loại rắn thế này thì nhiều lắm”, ông Quang cho biết.
Có người bảo, ngoài đền Canh ở xã Đức Thành thì đền Đức Hoàng ở xã Phúc Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) cũng thờ “thần” rắn. Theo người dân địa phương, đây là hai “ngài” rắn anh em với nhau (tuy nhiên, đó là truyền thuyết, là chuyện dân gian, còn thực tế đền Đức Hoàng thờ ông Hoàng Tá Thốn – một tướng giỏi, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII).
Mất trâu, bò cũng đến xin “thần”
Nói về truyền thuyết này, ông Quang bảo, chuyện này có từ xa xưa lắm rồi, ở đây ai cũng như ông, được cha anh kể lại. Theo truyền thuyết thì lúc bấy giờ, tại vùng đất Đức Thành có một cặp vợ chồng là Hoàng Phúc Hữu và Vũ Thị Quyên, hai người lấy nhau đã lâu, luống tuổi mà chưa có con. Cho rằng bản thân hoặc gia đình mắc lỗi gì với đất trời, thần linh, vợ chồng ông Hữu ra sức làm việc từ thiện và đi cầu tự. Một hôm, bà Vũ Thị Quyên tắm tại khe suối, tự nhiên thấy trong mình khác lạ, từ đó bà có thai. Đủ ngày đủ tháng, bà sinh ra một cái bọc, trong đó có hai quả trứng. Vợ chồng bà sợ hãi bỏ trứng vào một chậu nước, bỗng thấy nở ra hai con rắn. Lúc này ông Hoàng Phúc Hữu và vợ càng sợ hãi hơn, nhưng là giọt máu do mình dứt ruột đẻ ra, ông bà vẫn giữ rắn trong nhà để nuôi, đặt tên con là Hoàng Cảnh Kỳ, Hoàng Tiến Sơn.
Hàng chữ nho tại tam quan.
Nuôi được ba năm thấy hai con rắn rất hiền lành, đi đâu ông Hữu cũng cho đi theo. Một hôm, ông vác thuổng đi đắp bờ ruộng, hai con rắn bò quanh vướng chân ông, lúc xắn đất, ông vô tình làm đứt đuôi một con. Trời bỗng nổi cơn sấm sét, mưa gió kéo đến ầm ầm, ông Hữu không thấy hai con rắn đâu nữa. Khi ông Hữu vác thuổng về đến nhà, bất thình lình có con rắn xông vào chực cắn. Ông vội cầu xin, con rắn mang tên Hoàng Cảnh Kỳ bỗng lên tiếng nói: “Cha đã biết lỗi, nỡ nào dứt tình cốt nhục, chúng con là Long xà trên thượng giới, vì có duyên nợ kiếp trước, nên được đầu thai xuống nhà ta, không ngờ cha vô tình chặt đuôi em con, chúng con không thể ở với cha được nữa. Nay con về cư trú tại Bàu Canh, làm thần ở núi Hạc Linh, em con cư trú ở Bàu Ác, làm thần phù hộ vùng bàu Ác. Năm nào trời làm hạn hán, cha bảo nhân dân thắp hương khấn cầu, chúng con sẽ hiển ứng thần thông”. Nói xong hai con rắn biến mất.
Từ đấy trong dân gian có câu: “Ông Lành Bàu Canh, ông Cụt Bàu Ác”. Theo ông Quang, câu “ông Lành ở Bàu Canh” không chỉ để ám chỉ rắn anh còn lành lặn mà còn có ý nói rắn anh hiền lành hơn. Tương tự câu “ông Cụt ở Bàu Ác” không chỉ ám chỉ rắn em bị cha lỡ tay chặt mất đuôi, mà còn nói đến tính cách của rắn em.
Theo như truyền thuyết thì đền Canh thờ rắn anh, hàng năm cứ đến ngày 20/2 âm lịch là người làng lại tổ chức tế lễ trịnh trọng. “Không chỉ ngày rằm, mồng một hay lễ tết mà ngày thường vẫn có nhiều người đến đây hương khói. Người dân đến đây cầu nguyện được bình an, làm ăn phát đạt, con cái học hành tấn tới. Có người mất trâu mất bò đến xin “thần” rắn chỉ giúp. Thậm chí có gia đình mà người thân họ bị đuối nước mất tích, cũng đến thắp hương nhờ “thần” rắn đưa đường chỉ lối để tìm được người nhà…”, ông Quang kể.
Chúng ta đang sống ở thế kỷ XXI, thế kỷ của khoa học, công nghệ, vì vậy nghe qua những câu chuyện trên đây đã biết sự thực là thế nào. Tuy nhiên, ở khắp các làng quê của Việt Nam, có nơi đâu không tồn tại những truyền thuyết kiểu này? Truyền thuyết trong cánh võng của mẹ, trong câu chuyện của bà, truyền thuyết nuôi ta khôn lớn, để sau này ta chinh phục, lý giải được những hiện tượng từ ngàn xưa để lại!
Theo 24h