Ngôi chùa trong chuyện tình ngang trái của công chúa và quốc sư
Trong những ngày theo học quốc sư, công chúa Long Thành đã đem lòng yêu thầy giáo của mình, khiến hai người có kết cục bi thảm.
Ở Cù Lao Phố Biên Hòa có một ngôi chùa hơn 350 tuổi tên Đại Giác cổ tự. Du khách phương xa đến viếng chùa, sẽ được nghe kể nhiều giai thoại kỳ lạ và hấp dẫn, trong đó có mối tình trái ngang của một công chúa triều Nguyễn với một vị quốc sư.
Theo tài liệu của chùa Đại Giác, buổi ban đầu chùa cất bằng cột gỗ, vách ván và lợp ngói âm dương do nhà sư Thành Đẳng (1686 – 1769) khẩn hoang và dựng lên. Những năm quân Tây Sơn và quân nhà Nguyễn giao tranh, con gái thứ 3 của Nguyễn Ánh là Nguyễn Phúc Ngọc Anh (tức công chúa Bảo Lộc) từng tạm đến lánh nạn tại ngôi chùa này.
Chùa Đại Giác hiện tọa lạc trên đường Đỗ Văn Thi, ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Năm 1990, chùa được xếp hạng là Di tích Lịch sử – Kiến trúc – Nghệ thuật cấp quốc gia
Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh thắng Tây Sơn. Nhớ ơn đức năm xưa nhà chùa có công cưu mang người của hoàng tộc nên vua Gia Long lệnh trùng tu chùa. Quan quân cho binh thợ xây cất, đem đàn voi chiến chở đất đá, cây gỗ đến và cho chân đàn voi ngày đêm giặm nền chùa cho bằng phẳng và chắc chắn nên sau này người dân gọi là chùa Tượng (Voi).
Ngoài ra, vua Gia Long còn dâng cúng một pho tượng Phật A-Di-Đà bằng gỗ mít cao gần 2,5 m thờ trong chánh điện nên dân gian lại gọi chùa bằng cái tên là chùa Phật Lớn. Do chùa Đại Giác nằm phía trước ngôi chùa cổ khác tên chùa Chúc Thọ (do ông Thủ Huồng xây) nên người xưa còn gọi tên chùa là chùa Trước, còn chùa Chúc Thọ là chùa Sau.
Cây bồ đề to lớn che mát cả không gian sân chùa, tương tuyền được trồng từ những năm 1930.
Tháng 10 năm 1820, vua Minh Mạng lại tiếp tục cho tu sửa chùa Đại Giác. Năm 1952, Biên Hòa xảy ra trận lụt “Nhâm Thìn” lớn, chùa Đại Giác bị ngập nặng hư hại nghiêm trọng. Mãi đến năm 1959, được sự đóng góp của nhân dân trong vùng, trụ trì chùa là Hòa thượng Thích Thiện Hỷ (1921 – 1979), đã cho xây cất lại toàn bộ ngôi chùa bằng tường gạch, cột bê tông cốt thép, xây lầu chuông, lầu trống.
Chùa Đại Giác sau khi trùng tu lớn, mặt tiền hướng nhìn ra sông Đồng Nai, có diện tích rộng khoảng 1.000 m2, cất theo lối chữ tam với ba dãy nhà ngang nối liền nhau. Tuy nhìn bên ngoài, chùa xây lối kiến trúc hiện đại nhưng bên trong vẫn còn theo kiểu mẫu của chùa xưa. Các câu đối, bức hoành phi chữ Hán vẫn còn được gìn giữ cẩn thận suốt trăm năm.
Truyền thuyết mối tình công chúa nhà Nguyễn với một thiền sư
Theo sách Thiền sư Việt Nam (Hòa thượng Thích Thanh Từ, Thành hội Phật giáo TP HCM xuất bản, 1991) viết: Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt (không rõ năm sinh) có kiến thức Phật học uyên bác, ông được vua Gia Long triệu từ chùa Từ Ân (Gia Định) ra Huế phong quốc sư để giảng kinh cho hoàng tộc. Sau này, vua Minh Mạng mến phục tài đức nên đặt danh hiệu Hòa thượng Liên Hoa.
Trong những ngày theo học đạo, Thái trưởng công chúa Long Thành (tức Nguyễn Phúc Ngọc Tú, là chị vua Gia Long và là cô của vua Minh Mạng) đã công khai tình cảm với quốc sư Liên Hoa.
Năm 1821, nhân cơ hội Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc viên tịch, quốc sư Liên Hoa trở về chùa Từ Ân (Gia Định) chịu tang sư phụ rồi tìm cách ở lại chùa luôn nhằm tránh mặt công chúa Long Thành. Tưởng thoát khỏi nghiệp duyên, nào ngờ vị công chúa cũng tìm đến tận nơi. Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt lại tìm cách “trốn chạy” nên quyết định âm thầm bí mật đến nhập thất hai năm tại chùa Đại Giác xứ Cù Lao Phố Biên Hòa.
Video đang HOT
Mộ tháp của các đời chư vị sư tổ trụ trì Đại Giác cổ tự nằm bình yên ở khuôn viên chùa.
Ở chùa Từ Ân mà vắng mặt thiền sư nên công chúa rất buồn bã, không muốn ăn uống. Thấy sức khỏe của bà ngày một sa sút, nếu có mệnh hệ nào sẽ có bất lợi cho nhà chùa, nên một người trong chùa đành phải tiết lộ nơi ở của quốc sư Liên Hoa. Ngay hôm sau, công chúa Long Thành lập tức lên chùa Đại Giác tìm gặp người mình thầm yêu trộm nhớ.
Theo tư liệu trong cuốn Lịch sử Phật giáo Đàng Trong (Nguyễn Hiền Đức, NXB TP HCM, 1995) ghi lại, Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt đã đóng kín cửa thất không chịu gặp mặt công chúa, mà chỉ đưa ra một bàn tay cho công chúa nhìn lần cuối vì nghe bà nài nỉ quá. Trong đêm đó, thiền sư tự thiêu để biểu thị tấm thân mình trong sạch, một lòng với Phật pháp không màng dính dáng chuyện luyến ái trần gian, thể hiện qua 4 câu kệ bằng mực đen mà thiền sư viết trên vách tường trước khi viên tịch: “Thiệt đức rèn kinh vẹn kiếp trần/ Thành không vẩn đục vẫn trong ngần/ Liễu tri mộng huyễn chân như huyễn/ Đạt đạo mình vui đạo mấy lần”.
Vài ngày sau, công chúa Long Thành cũng quyên sinh bằng liều độc dược để mong hóa giải và gột rửa duyên nghiệp mà bà đeo mang…
Ngày nay, bài vị quốc sư Liên Hoa và công chúa Long Thành được đặt gần nhau, hương khói quanh năm tại hậu chùa Đại Giác và ở chùa Từ Ân (hiện quận 6, TP HCM) như là để cho người đời sau đúc kết, chiêm nghiệm và phân xử đúng sai về một mối tình ngang trái nơi cửa Phật.
Theo VNExpress
Gợi ý lịch trình 4 ngày khám phá Bình Định đầu xuân
Miền đất võ với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những đặc sản hấp dẫn sẽ là điểm dừng chân thú vị cho du khách trong dịp đầu xuân năm nay.
Từ tháng 2 đến tháng 8 là thời điểm lý tưởng để du lịch đến đây, vì những tháng còn lại thường có bão lũ. Bạn nên chọn lịch trình đi vào đêm hôm trước để sáng sớm hôm sau đến nơi là có thể tham quan luôn.
Phương tiện di chuyển
Máy bay: Từ TP HCM có các chuyến bay đến sân bay Phù Cát (cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 35 km) với giá vé dao động từ 470.000-1.050.000 đồng. Thời gian di chuyển là 1 tiếng.
Xe lửa: Tuyến xe lửa Sài Gòn - Quy Nhơn có giá vé từ 326.000-1.016.000 đồng. Thời gian di chuyển khoảng 14 tiếng.
Xe khách: Từ bến xe miền Đông đến bến xe Quy Nhơn có lộ trình khoảng 604 km với thời gian khoảng 16 tiếng, giá vé trung bình 345.000 đồng một vé.
Tại Quy Nhơn, bạn có thể thuê xe máy ở các khách sạn hoặc sử dụng dịch vụ xe điện tham quan thành phố với giá vé 20.000 đồng.
Lưu trú
Ở Quy Nhơn có rất nhiều khách sạn từ giá rẻ đến cao cấp để bạn chọn lựa. Các khách sạn 2 sao có giá trong khoảng 400.000 đồng, 4 sao có giá từ 700.000 đồng.
Gợi ý lịch trình
Ngày thứ nhất: Xem biểu diễn võ Tây Sơn - tham quan khu du lịch Hầm Hô
Đặt chân đến Bảo tàng Quang Trung cách thành phố Quy Nhơn 50 km về phía tây bắc, bạn sẽ được hòa mình vào không khí đúng chất miền đất võ khi xem biểu diễn trống trận và võ thuật Tây Sơn. Ngoài ra bạn còn được chiêm ngưỡng giếng nước xưa, cây me cổ thụ hơn 300 tuổi, hai di tích cực quý tại bảo tàng.
Đến Bình Định, bạn đừng bỏ qua những màn đấu võ đẹp mắt nơi đây.
Cách Bảo tàng Quang Trung 5 km là khu du lịch Hầm Hô, một danh thắng thiên nhiên tuyệt vời. Bạn sẽ được đi thuyền trên kênh Lộc Giang trong vắt để len lỏi vào sâu trong rừng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những trụ đá hoa cương muôn hình vạn trạng ẩn mình dưới lòng sông.
Trên đường về thành phố, bạn có thể ghé tham quan Tháp Bánh Ít, một tháp Chăm cổ ở tỉnh Bình Định được đưa vào cuốn sách 1001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời của một nhóm tác giả người Anh.
Chiều tối bạn có thể tắm biển ở ngay thành phố rồi dạo vòng quanh, thưởng thức hải sản tươi ngon với những món như gỏi sứa, cá sơn nướng cuốn, lẩu cá, sau đó bạn hãy nghỉ ngơi sớm để sẵn sàng cho những hành trình kỳ thú tiếp theo.
Ngày thứ hai: Biển Quy Nhơn - Cù Lao Xanh
Nếu thức dậy sớm, bạn có thể ngắm nhìn một nét rất riêng trên biển Quy Nhơn, đó chính là chợ cá Hàm Tử nằm ngay bên bến Hàm Tử (phường Hải Cảng). Cảnh mua bán nhộn nhịp diễn ra từ 1 giờ đến 6 giờ sáng. Chợ cá chỉ vừa yên ắng khi thành phố trở mình thức giấc đón ánh bình minh vừa ửng hồng.
Từ cảng Quy Nhơn ở cửa Hàm Tử, bạn có thể ra đảo Cù Lao Xanh, mất khoảng 50 phút nếu đi bằng tàu cao tốc và trên 150 phút nếu đi bằng tàu chở khách của ngư dân trong điều kiện trời yên biển lặng.
Cách đất liền khoảng 24 km, đảo Cù Lao Xanh nằm trọn trong không gian xanh ngắt của cây cối, mây trời, biển cả, tạo thành một bức tranh thiên nhiên đẹp kỳ thú. Trên đảo có suối Giếng Tiên và ngọn hải đăng được xây dựng từ năm 1890 theo kiến trúc của Pháp rất độc đáo. Thú vị hơn là đứng từ đỉnh ngọn hải đăng để nhìn bao quát toàn bộ không gian làng chài nằm yên bình dọc theo eo biển. Bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời khi vẫy vùng trong làn nước biển trong vắt hoặc men theo con đường nhỏ quanh bãi biển, tìm thấy những bãi cát nơi rùa đẻ trứng.
Cù Lao Xanh - điểm phượt lý tưởng ở Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: Tiến Hùng.
Ngày thứ ba: Biển Nhơn Lý - Eo Gió - Ghềnh Ráng
Buổi sáng, bạn đi qua cầu Thị Nại - cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam để đến đồi cát nằm bên cạnh bãi biển Nhơn Lý thuộc bán đảo Phương Mai, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng gần 20 km. Nếu như ở Mũi Né trượt cát bằng tấm nhựa mỏng, ở Quy Nhơn, khách được trượt cát bằng ván gỗ, độ dốc cao nên có thể phóng như bay, tạo ra cảm giác phấn khích cao độ cho người chơi.
Đi tiếp bạn sẽ tới Eo Gió, nơi những rặng núi đá cao mang nhiều hình thù lạ mắt ôm trọn biển xanh trong vòng tay tạo thành một eo biển hút gió tuyệt đẹp. Những địa điểm trên sẽ cho bạn phông nền lý tưởng để có những bức ảnh ấn tượng.
Cách đó không xa là làng chài nằm ở thôn Bắc, ngay sát rặng đá cao của Eo Gió. Nơi đây sẽ cho bạn có dịp quan sát cuộc sống của ngư dân và cảm nhận một bầu không khí rất yên bình.
Sau đó bạn có thể về lại khách sạn nghỉ ngơi, tới chiều sắp xếp hành trình đến khu danh thắng Ghềnh Ráng. Bắt đầu từ dốc đá hay còn gọi là dốc Mộng Cầm, du khách sẽ đi bộ men theo con đường đá quanh co uốn lượn, ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên thơ mộng nơi đây. Lên đến lưng chừng dốc, du khách sẽ viếng mộ Hàn Mặc Tử và chiêm ngưỡng những bài thơ được viết trên những tảng đá lớn.
Đến đỉnh dốc, toàn cảnh thành phố Quy Nhơn sẽ mở ra trước mắt để du khách thư thái cảm nhận sự hùng vĩ của núi rừng, sự bao la của biển cả. Phía dưới chân dốc là bãi tắm Hoàng Hậu với cát trắng, biển xanh và vô số những viên đá xanh hình tròn, mặt nhẵn như quả trứng với đủ mọi kích cỡ rất độc đáo.
Ngày thứ tư: Tháp Đôi - Sài Gòn
Trước khi khởi hành về lại Sài Gòn, bạn có thể khám phá Tháp Đôi ở trên đường Trần Hưng Đạo, phường Đống Đa, cửa ngõ vào thành phố Quy Nhơn. Đây là công trình cổ tồn tại từ cuối thế kỉ XII với nhiều nét độc đáo và được coi là một trong những tháp đẹp nhất của nghệ thuật kiến trúc Chămpa.
Ăn uống
Bánh hỏi lòng heo, món ngon nức tiếng vùng đất võ. Ảnh: Văn Hào.
Đến với mảnh đất biển miền Trung này, du khách sẽ được thưởng thức những đặc sản dân dã nhưng mang hương vị khó quên như nem chợ huyện, bún cá Quy Nhơn, bánh hỏi lòng heo, bánh xèo, gỏi cá chình, nem ram tôm, gà nướng lu xôi cháy, bún sứa nước lèo, hải sản vừa tươi vừa rẻ như hàu, cua huỳnh đế, nhum biển...
Quà mang về
Mực ngào tỏi ớt, tré, bánh tráng nước dừa, bánh tráng mè hay rượu Bàu Đá là những món quà dân dã mà bạn có thể mua về làm quà cho người thân sau chuyến du lịch Bình Định.
Theo Zing News
Về miền thanh bình đất võ Về Tây Sơn, Bình Định không khó để cảm nhận được nét thanh bình của quê hương người anh hùng áo vải, cờ đào Nguyễn Huệ. Đến Bình Định, du khách sẽ chiêm ngưỡng được những cánh đồng vàng óng trong nắng sớm hay những buổi chiều tà với không khí ngày mùa tấp nập ở khắp các làng quê của Tây Sơn....