Ngọc Sơn: ‘Quốc Trung cứ chê, tôi hơi đâu chấp’
“Tôi vẫn hát, sáng tác dòng nhạc sến cho tới giờ này và được khán giả yêu thương. Tôi vẫn sống khỏe re”, nam ca sĩ chuyên trị dòng nhạc sến chia sẻ.
- Anh là người được công chứng xưng tụng là “ông hoàng nhạc sến”, anh nghĩ thế nào khi những ngày qua nhạc sĩ Quốc Trung có những phát ngôn không hay về dòng nhạc mình đang hát?
- Người ta gọi tôi là ông hoàng hay vua gì đó, tôi xin cảm ơn. Tôi chỉ là Hai Lúa, là một ca sĩ bình dân, được mọi người yêu mến. Tôi thà là ngọn cỏ tìm bè bạn, cây vươn lên trời tìm sự cô đơn.
- Nhạc sĩ Quốc Trung nói, thời buổi này, ai nghe nhạc sến là bất thường. Anh có ý kiến gì?
- Bất thường hả? Tôi nghe từ lâu rồi. Năm 1987, lúc còn nghèo, đi hát bằng xe đạp, tôi sáng tác và hát bài Lòng mẹ. Nhiều bầu show đã từ chối tôi, nói thẳng là tôi hát dòng nhạc quá bất thường, kéo lùi thời đại này nọ tùm lum. Vậy mà tôi vẫn hát, vẫn sáng tác dòng nhạc sến cho tới giờ này, vẫn được khán giả yêu thương. Tôi vẫn sống khỏe re!
Ai muốn chửi, cứ chửi. Cứ chửi thoải mái, vô tư đi! Tôi không quan tâm! Tôi chỉ biết sáng tạo, làm hài lòng “đại gia đình”. Đại gia đình của tôi là ai? Là anh phụ hồ, ông chạy xe ôm, chị bán cá, bà ăn xin ngoài đường.
- Nhưng nghe qua những phát biểu của nhạc sĩ Quốc Trung, rõ ràng là vị nhạc sĩ này có vẻ không thích dòng nhạc sến mà anh đang hát?
- Mạt sát, miệt thị cũng được, miễn họ thấy vui! Không sao cả! Tôi không biết chửi lộn!
Quốc Trung.
- Nhạc sĩ Quốc Trung cũng cho rằng, việc khán giả nghe nhạc sến và những ca sĩ hát dòng nhạc có thời gian tồn tại hàng chục năm, là phản ánh một tình trạng: nền nghệ thuật đang thụt lùi và không có lối thoát cho sự sáng tạo. Anh nghĩ sao?
- Vậy hả? Cũng được! Ai muốn nói quan điểm của họ, cứ nói, tôi hơi đâu chấp. Tôi không quan tâm. Điều làm tôi quan tâm là mình phải hát làm sao thật nhiều, thật hay và thật tình cảm, làm hài lòng “đại gia đình”.
Dòng nhạc pop, giao hưởng, cải lương, dân ca… là mỗi bông hoa trong một vườn hoa và mỗi giọng hát đều có chất riêng, không thể so sánh. Như Mỹ Linh có giọng hát của Mỹ Linh, có cái hay riêng. Đàm Vĩnh Hưng có cái hay riêng của Đàm Vĩnh Hưng… đâu có thể nói ông này hát sang, bà kia hát sến, rẻ tiền được.
Món ăn cũng vậy, ông này thích ăn cơm, bà kia thích ăn hủ tiếu, đâu cứ phải bắt người ta ăn sơn hào, hải vị mới gọi là sang,. Nhiều người bây giờ đã trở thành kỹ sư, bác sĩ… vẫn thích nghe những ca khúc xưa, trữ tình, lãng mạn. Còn ai không thích sến, cứ việc nhảy múa, hát hò, quậy tưng bừng lên.
Video đang HOT
Tôi là người uỷ mị, ướt át, sống tình cảm thì tôi hát nhạc sến. Tôi có làm ảnh hưởng tới hoà bình thế giới hay hạnh phúc gia đình ai đâu?
- Vậy là ở ngoài đời anh cũng sến?
- Tôi còn sến dữ dội hơn những ca khúc tôi hát nữa.
Theo Trí thức trẻ
Quốc Trung: Cộng đồng nghe nhạc sến đang mặc cảm, tự ti
Sau những ý kiến phản bác mình về quan điểm đối với nhạc sến, nhạc sỹ Quốc Trung thẳng thắn đối thoại trực tiếp với những ý kiến trái chiều.
- Có rất nhiều ý kiến phản bác nhận định của anh về nhạc sến là thiếu hiểu biết, nông nổi, anh thấy sao?
- Phản bác là chuyện bình thường, tuy nhiên đa số dự luận lại phản bác ý kiến của tôi một cách sai lệch hoàn toàn, dường như họ không đọc hay không hiểu điều tôi nói.
Tôi bình thản và đón nhận các ý kiến phản bác và sẵn sàng tranh luận một cách văn hoá. Tuy nhiên dư luận ở đây cũng chỉ là những ý kiến, comment trên mạng xã hội. Nó chưa phải là những ý kiến phản bác một cách chính thức để tôi có cơ hội được tranh luận nghiêm túc.
Nhạc sĩ Quốc Trung.
- Trước sức ép của dư luận, anh có muốn bổ sung, đính chính hay làm rộng nghĩa những gì anh đã nói không, thưa anh?
- Có lẽ có những sự mặc cảm do dư luận hay va chạm tranh luận từ trước đây nên khi đọc bài phỏng vấn đó đa số người yêu thích các dòng nhạc đó đã bị cái tựa đề và câu hỏi của phóng viên dẫn vào lối mòn của phản ứng quen thuộc.
Bỏ qua những câu hỏi của phóng viên sẽ không khó để nhận thấy là tôi không chê bai dòng nhạc nào hay đánh giá thấp những người yêu thích nó. Tôi chỉ nêu lên lý do xuất hiện, tồn tại và phát triển và lý do thật sự cho trào lưu đang phát triển của nó hiện nay.
Quan điểm của tôi là đóng góp xây dựng đời sống và tương lai âm nhạc Việt (trong đó có tôi), không phải phê phán dòng nhạc nào hay tô vẽ bản thân.
- "Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng một viên đạn, tương lai sẽ bắn bạn bằng một quả đại bác", có phải anh đang nhân danh sự văn minh để phủ nhận những giá trị của quá khứ?
- Người ta bảo tôi bắn vào quá khứ để tạo những tiếng nổ trên truyền thông nhưng tôi không làm điều đó. Chẳng nhẽ nói đến lịch sử của những cuộc chiến, mất mát, đau thương của dân tộc để lý giải cho việc hình thành dòng nhạc đó với đa số là bài hát buồn, mất mát, chia ly là bắn vào quá khứ? Chính những người đó mới là người bắn súng vào quá khứ bằng sự cẩu thả của mình.
Tôi đâu có phán xét các dòng nhạc đó, chỉ nói lên sự dễ dãi, lười sáng tạo, chộp giật hay có thể nói là trào lưu ăn bám vào quá khứ nhân danh đẳng cấp, sang trọng hay ký gửi vào những tinh hoa của các lớp nghệ sĩ đi trước trong đời sống nhạc Việt hiện nay.
Quốc Trung đã nhận nhiều lời chỉ trích khi nhận xét về nhạc sến.
- Có ý kiến cho rằng, tại sao các nhạc sĩ phía Bắc lại nhận xét về một dòng nhạc được coi là đặc sản Sài Gòn. Anh thấy sao về ý kiến này, nó có phải là sự nhắc nhở nhạc sĩ của vùng miền nào chỉ nên nhận xét về âm nhạc của vùng miền đó?
- Tôi không nhận xét hay đánh giá gì về dòng nhạc đó. Có rất nhiều món đặc sản nhưng khi xã hội phát triển và văn minh, mọi người bớt hoặc không ăn nữa vì phát hiện ra nó có hại cho sức khỏe hoặc do những thay đổi trong quan điểm sống.
- Những quan điểm của anh về nhạc sến là ý kiến của thế hệ sau dành cho thế hệ trước. Nhiều người thắc mắc Quốc Trung là ai mà tự cho mình quyền đó?
- Tôi chưa đưa ra bất cứ đánh giá nào về nhạc sến. Tất cả đánh giá về dòng nhạc sến là cấp thấp hay thị trường đều xuất phát từ câu hỏi của phóng viên chứ không phải của tôi. Tôi chỉ nói lên lý do và hoàn cảnh lịch sử của nó để mọi người có thể đánh giá nó có phù hợp và đóng góp tích cực cho đời sống hay không, nhất là đối với lớp trẻ hôm nay. Tôi cũng chưa coi thường những người thích nghe nhạc xưa bởi đó là sự lựa chọn của họ và chẳng có lý do và quyền hạn gì để phê phán họ.
Đứng trên quan điểm xây dựng, việc những thanh niên thời đại ngày nay cần thứ âm nhạc năng động, đúng với nhịp đập thời đại, hơi thở cuộc sống của ngày hôm nay thay vì chìm đắm trong những u sầu, sướt mướt. Cũng sẽ chẳng có gì tích cực cho những thiếu niên, vị thành niên bước vào đời với những bài hát mang nội dung chia ly, cuộc tình tan vỡ, sầu thảm. Đánh giá những quan điểm và ý kiến cần dựa trên lập luận và lý lẽ, không phụ thuộc vào danh giá hay địa vị của người nói.
- Nếu nói như vậy, khán giả hay những người không có kiến thức âm nhạc bằng tôi thì không được quyền tranh luận?
- Muốn xây dựng xã hội văn minh chúng ta cần bỏ thói quen áp đặt theo kiểu "bịt miệng trẻ con" như vậy. Đừng hỏi tôi là ai, hãy tranh luận với tôi một cách có văn hoá.
- Dư luận cho rằng họ tìm đến nhạc sến bởi âm nhạc hiện nay đang bế tắc và không có gì ấn tượng. Là một người trong cuộc, anh nghĩ gì về điều đó?
- Nó có cả hai chiều tương hổ. Đúng là nếu hiện tại bế tắc người ta sẽ tìm đến những giá trị xưa quen hay hoài cổ. Nhưng nếu cứ nghĩ là chỉ có xưa không ủng hộ hay không có thói quen cổ vũ cho những tìm tòi sáng tạo mới thì sẽ chẳng bao giờ có cái mới ấn tượng. Tôi trân trọng những bậc tiền bối và học tập ở họ nhưng sẽ luôn ủng hộ người trẻ để có thêm những tài năng mới cho đời sống âm nhạc.
Sứ mệnh của người nghệ sĩ là phải luôn đưa ra những cái mới.
- Một đồng nghiệp của anh có nói: "Nghệ sĩ của chúng ta hiện giờ diễn giải nhiều quá, coi công chúng như những đứa bé ba tuổi, bố mẹ phải dỗ ăn cái này ngon lắm, bổ lắm". Anh nghĩ sao trước ý kiến này?
- Không phải nghệ sĩ mà chính truyền thông đang dắt mũi công chúng bởi những đánh giá ít khi công tâm, phiến diện ở cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Thích hay thân, ca ngợi lên chín tầng mây, vượt xa khả năng thực có, đôi khi làm hỏng cả những tài năng trẻ. Ghét thì đánh đập tả tơi thui chột cả khát khao và hưng phấn làm nghề.
Nghệ sĩ chúng tôi không có cái quyền năng đó và nếu muốn cùng phải "nhờ cậy" truyền thông rất nhiều. Cũng như đưa trẻ cần thay đổi thói quen dinh dưỡng từ sữa đến bột, cơm, thịt... để phát triển, thay vì suốt đời chỉ uống sữa.
Sứ mệnh của người nghệ sĩ là phải luôn đưa ra những cái mới và thuyết phục lôi kéo công chúng đi theo mình, không phải chỉ chạy theo thói quen của công chúng bởi như vậy họ không còn là nghệ sĩ mà chỉ là những kẻ mua vui tầm thường.
Ngay cả những nhạc sĩ thành danh trước đây để có những bài hát xưa được yêu thích hôm nay cũng đã phải hứng chịu rất nhiều sức ép khi thay đổi, cách tân trong những tác phẩm của mình.
- Anh có cho rằng sự phản đối những ý kiến của anh đến từ một tâm thế tiếp nhận thông tin một cách chưa cụ thể và rõ ràng không? Bởi quan điểm của anh không có ý kiến nào mang tính chất tiêu cực về nhạc sến?
- Điều này đúng. Tôi khá ngạc nhiên bởi những phản ứng nhiều người trong đó có cả những tri thức. Có nhà văn cũng viết "tâm thư" cho tôi nhưng khi tôi hỏi là dựa vào đâu từ bài phỏng vấn để anh nói tôi như vậy, anh lại không đưa ra được dẫn chứng và đã gỡ bài của mình khỏi trang xã hội cá nhân của anh ấy.
- Anh nghĩ như thế nào về tinh thần đối thoại về những vấn đề mang tính chất tranh luận của số đông nói chung? Có cảm giác mọi người đang cố chứng minh lập luận của tôi đúng theo kiểu: "Tôi đúng thì anh bắt buộc phải sai"?
- Muốn tranh luận phải công bằng và công khai. Khi đưa ra quan điểm của mình theo cách nào bạn cũng phải chấp nhận cách phản biện tương tự như vậy.
Nếu bảo ông là ai mà dám nhận xét này nọ thì hóa ra chỉ có lãnh tụ hay vĩ nhân mới được phát biểu? Bản thân nó đã chứng tỏ sự thiếu công bằng, dân chủ. Kiểu tranh luận đó vừa trịch thượng và mang cả sự mặc cảm và tự ti.
Đừng biến tranh luận thành những cuộc mạt sát, chửi bới hay bôi nhọ nhau. Tranh luận bằng lý lẽ hoặc chứng minh nó bằng thực tế để đóng góp cho đời sống chứ không phải chứng minh bản thân bởi nó sẽ là những việc vô bổ và lãng phí thời gian đời sống của mình.
Theo Trithuctre
Bảo Yến: "Nhạc sến là gì Quốc Trung có hiểu không?" "Người ngoài không phải là ca sĩ, nhạc sĩ có thể dùng từ đó nhưng Quốc Trung là một nhạc sĩ mà dùng từ này để "hạ bệ" dòng nhạc trữ tình là không nên", danh ca chia sẻ. Nhạc sĩ Quốc Trung gọi nhạc trữ tình lãng mạn là nhạc sến. Là một ca sĩ lâu năm trong nghề chị nghĩ gì...