Ngọc Huyền: ‘Anh Kim Tử Long là ông mai của tôi với ông xã hiện tại’
Trong lần quay về nước diễn vở ‘ Xử án Phi Giao’, NSƯT Ngọc Huyền đã chia sẻ nhiều suy nghĩ về nghề và cuộc sống hôn nhân.
“Nói cải lương sến, cải lương cũ, cải lương quê thì tôi không đồng ý. Tôi khẳng định, tôi vẫn có fan 8 tuổi mê cải lương”
Chào Ngọc Huyền, lần thứ tư diễn lại vai Phi Giao trong “Xử án Phi Giao” nhưng là một vở diễn trọn vẹn tại quê nhà, cảm xúc của chị như thế nào?
Xúc động lắm, hạnh phúc lắm, không thể dùng từ ngữ nào có thể diễn tả được. Một người nghệ sĩ được đứng trên sân khấu đã là một hạnh phúc, huống chi được đứng trên sân khấu quê hương với sự hỗ trợ của tất cả các anh chị em đồng nghiệp giỏi nghề, yêu nghề. Bên cạnh đó, có cả một sân khấu mới được dàn dựng chỉn chu từ cảnh trí, âm thanh, ánh sáng… tôi nghĩ rằng không có mỹ từ nào có thể diễn tả được tình cảm đó. Tôi chỉ biết nói yêu lắm, trân trọng lắm, kính phục lắm.
Khi quay về để diễn lại một vai diễn để đời và quá ấn tượng, chị muốn đem đến hình ảnh Phi Giao như thế nào sau 17 năm?
Phiên bản mới này, anh Kim Tử Long chỉ sửa hai đoạn. Đoạn thoại đầu khi sư phụ Bạch Mai viết, anh Long đọc lại vẫn chưa vừa ý. Các đoạn thoại sau rất thích vì nói rõ hơn tính cách của Phi Giao. Qua những lần trò chuyện với khán giả lại nhận được ý kiến rằng, họ vẫn thích nhất là đoạn cuối trong “Xử án Phi Giao”. Sư phụ Bạch Mai và anh Long không muốn chỉ dừng ở đoạn cuối mà từng lớp từng lớp diễn phải khiến khán giả thích. Đoạn sau có diễn trên DVD vì hạn hẹp thời gian thời lượng ghi hình. Tôi vẫn chưa hài lòng với lớp diễn thêm đó trên DVD. Bây giờ diễn thêm lớp diễn đó trên sân khấu, thời lượng ngắn chỉ vài phút nhưng lột cả được cá tính và khát khao của Phi Giao trong lớp ca, lớp diễn đó, tôi lại thích.
Tôi vẫn đang suy nghĩ chỉnh sửa thêm đoạn thoại đầu. Vì anh Long và sư phụ Bạch Mai rất tôn trọng ý kiến của tôi và cho tôi được quyền chỉnh sửa kịch bản. Tôi nghĩ, cứ diễn cứ tập cho trôi chảy đi. Khi mọi việc ổn thoả, tôi sẽ tịnh tâm một mình tìm ra câu thoại đầu tiên như thế nào để gửi đến khán giả mà vẫn giữ được mối liền mạch của Phi Giao.
NSƯT Ngọc Huyền đã chia sẻ nhiều suy nghĩ về nghề và cuộc sống hôn nhân.
Chị từng nói là chị ghét hát nhép, vậy chị đã chuẩn bị như thế nào để hát live trong suốt hơn hai giờ liền diễn ra vở diễn?
Tôi không phải là người không ủng hộ hát nhép. Tôi chỉ ghét chính bản thân mình nếu hát nhép. Các chương trình quay hình đảm bảo âm thanh thì đa số phải hát nhép, đó là chuyện chúng ta có thể chấp nhận được. Thế nhưng, đã nói là một liveshow, một vở diễn trọn vẹn, tôi tự khắt khe với chính bản thân mình, không bao giờ cho phép bản thân hát nhép.
Như chị chia sẻ, ở sân khấu hải ngoại, chị không được hát cải lương nhiều. Lý do là vì không có bạn diễn hay vì đầu tư cho một vở diễn cải lương quá tốn kém?
Đầu tư cho các vở cải lương rất tốn kém. Thêm vào đó, các nghệ sĩ cải lương sống ở hải ngoại rất nhiều nhưng không tập trung. Ở Mỹ có đến 50 tiểu bang, có người ở Taxes, có người ở California… Ngày xưa, tôi ở Taxes, một thời gian ở Houston, rồi lại chuyển sang Dalas. Chị Phương Hồng Thuỷ lại ở Atlanta. Má Phương Liên lại ở Nam California. Một số anh chị em khác lại ở Bắc California. Hầu như khi muốn kết hợp tất cả các nghệ sĩ giỏi sẽ rất khó. Có những vở diễn kết hợp lại nhưng lại không có được nhiều nghệ sĩ tên tuổi mà có khá nhiều nghệ sĩ bán chuyên nghiệp tham gia. Đó là các bạn yêu nghề rồi tập dần và đi hát thế thôi. Khi một nghệ sĩ chuyên nghiệp và một nghệ sĩ bán chuyên nghiệp kết hợp thì bắt buộc phải có sự chênh lệch. Khi đó, tôi lại nhớ da diết các bạn đồng nghiệp của mình ở Việt Nam. Tôi lại khao khát được diễn lại một vở diễn hoàn thiện về mỹ thuật lẫn nghệ thuật trên sân khấu.
Đã lâu rồi chị không tham gia một vở diễn dài hơi thì việc nuôi dưỡng cảm xúc xuyên suốt và liền mạch trong nhiều giờ liền có là một khó khăn với chị không?
Tôi không lo lắng về vấn đề này. Tôi đã đặt tiêu chí là bước lên sàn diễn để diễn một vở diễn dài hơi thì đèn sân khấu lên là nhập vai thôi. Các anh chị em nghệ sĩ cũng hay nói đùa: “Ngọc Huyền sức trâu. Ra hát xong rồi chết cũng được”. Vì vậy, tôi không lo lắng về sức khoẻ hay tâm lý nhân vật. Khi bước ra sân khấu là đã nhập tâm vào tâm lý nhân vật, không hề rời rạc. Trước khi đặt lưng xuống nằm ngủ chuẩn bị hôm sau diễn một vở diễn mới hay cũ, tất cả kịch bản sẽ chạy qua đầu mình từ câu ca tiếng hát hay các lớp thoại với bạn diễn giống như một bộ phim chiếu chậm trong óc mình. Khi những gì đã nằm trong óc và kết hợp với nhịp thở thì khó quên lắm. Từ đó, bản thân không thể rời xa tâm lý nhân vật. Chỉ có sức khoẻ yếu dẫn đến câu ca bị chênh hơn một chút xíu. Trong kỹ thuật ca, lúc khoẻ có thể ca cao hơn, lúc mệt có thể ca thấp hơn. Tôi đã nghĩ đến việc xử lý những sự cố như thế.
Quá trình xa quê hương suốt 15 năm, khi quay lại Việt Nam, cải lương đã bước qua giai đoạn hoàng kim, chị có nhiều nỗi buồn và tiếc nuối không?
Có lẽ, đó là một điều nan giải cho tất cả các anh chị em nghệ sĩ mà đặc biệt là nghệ sĩ sân khấu cải lương. Nếu đọng lại nỗi buồn thì ai cũng buồn. Còn nói về tiếc nuối, do bản tính của tôi không cho phép mình tiếc nuối quá khứ mà phải nhìn về tương lai và cố gắng vun đắp cho tất cả các bạn trẻ, vun đắp cho sân khấu cải lương có thể sáng đèn như xưa. Cũng không thể trách ai hay đổ lỗi cho ai mà đó là nhịp sống. Ngày xưa chỉ có sân khấu cải lương và sân khấu kịch nói, còn bây giờ rất nhiều loại hình giải trí nên khán giả có nhiều sự lựa chọn. Sân khấu cải lương đi theo lối mòn cũ, dựng tuồng và hát thì khó cạnh tranh. Trải qua bao nhiêu năm, sân khấu cải lương có cải tiến hơn khi có màn hình led, có những kỹ thuật hiện đại giúp hỗ trợ. Khi có những kỹ thuật hiện đại thì kinh phí càng cao, đồng nghĩa đội tiền vé lên. Khán giả sẽ phân vân và lựa chọn giữa cải lương với các loại hình giải trí khác. Tôi nghĩ những người làm nghề lại càng khắt khe hơn và càng cần sự ủng hộ của nhiều mặt. Điển hình như truyền thông báo chí để truyền bá thông tin buổi biểu diễn đến khán giả nhiều hơn. Riêng khán giả đã yêu rồi xin hãy yêu thêm nữa, khi xưa yêu tám, yêu chín thì giờ xin yêu thêm mười hay mười lăm, có lẽ hơi tham nhưng vẫn mong thế để giúp thêm các anh chị nghệ sĩ mua thêm những tấm vé, quảng bá thêm nhiều người biết đến. Mỗi tấm vé của quý vị góp phần cho các sân khấu cải lương như: sân khấu Trần Hữu Trang, sân khấu Lê Hoàng… sáng đèn và lớn mạnh hơn. Từ đó, lôi kéo được nhiều nhà đầu tư tin tưởng và tiếp tục ủng hộ cho sân khấu cải lương. Như anh Kim Tử Long và các bạn vẫn nói, cải lương không chết, chỉ có điều đòi hỏi giúp sức từ nhiều phía.
Mới đây, nghệ sĩ Trung Dân có nói, ngày xưa cải lương rất sang, còn bây giờ cải lương không còn giữ được chất sang đó nữa. Bản thân là một nghệ sĩ cải lương lâu năm và tha thiết yêu nghề, nhìn từ thực tế, chị cảm thấy cải lương có gì thua sút so với ngày xưa và cần củng cố thêm?
Tôi khẳng định là không. Có thể từ “cải lương” của mình đi sâu vào trong lòng khán giả mộ điệu, đa số là khán giả lớn tuổi. Các bạn trẻ bây giờ cũng yêu cải lương lắm. Tôi khẳng định, tôi vẫn có fan 8 tuổi mê cải lương. Trên mạng Facebook có bạn Thanh Huệ, nhà ở Vũng Tàu, ngày xưa là fan của tôi. Bạn yêu cải lương đến mức cho con nghe cải lương và giờ bé cũng mê cải lương. Bé xin ba mẹ được tham dự vở Xử án Phi Giao này. Tôi xin các thế hệ cha mẹ hãy truyền bá bộ môn nghệ thuật cải lương của chúng ta cho thế hệ sau, chắc chắn các bạn cũng sẽ yêu thôi. Nói cải lương sến, cải lương cũ, cải lương quê thì tôi không đồng ý. Đối với trái tim người yêu nghề như tôi, cải lương là một bộ môn nghệ thuật hoàn chỉnh từ ca từ diễn đến vũ đạo sân khấu. Người nghệ sĩ cải lương rất đa năng vì có thể làm hết mọi kỹ năng của một vở diễn mà đạo diễn yêu cầu. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cải lương cũng sẽ diễn hài. Ví dụ trong vở Xử án Phi Giao sắp tới, anh Kim Tử Long cũng sẽ có những lớp hài rất bất ngờ. Người nghệ sĩ cải lương đa tài. Sến hay không sến, quê hay không quê là do cách suy nghĩ của mỗi người. Cải lương đối với tôi là thánh đường là thiên đường. Năm ngoái, khi tôi được mời vào ghế huấn luyện viên của “Đường đến danh ca vọng cổ”, tôi thấy một làn gió mới. Nó đòi hỏi chúng ta đưa nhịp thở đó vào đúng nơi, đúng chỗ để mọi người cảm nhận một cải lương thật tuyệt vời.
“Có một điều mà mọi người không ai biết anh Kim Tử Long là ông mai của tôi với ông xã hiện tại”
Video đang HOT
Hiện tại, bộ môn nghệ thuật cải lương không còn thời hoàng kim, nhiều nghệ sĩ từng là ngôi sao sân khấu nay phải sống cuộc sống cơ cực, khốn khó, thậm chí phải vào viện nghệ sĩ khi tuổi cao sức yếu. Chị có cảm xúc gì khi chứng kiến điều này?
Tôi không biết trả lời bằng cách nào. Quá yêu, quá thương, quá kính trọng. Tôi không biết có giải pháp nào, thật sự tôi cũng không giàu có gì. Một cây làm chẳng nên non. Tôi mong nhiều cây chụm lại thì họa may. Để cho các cô chú được vui, được sống lại thời hoàng kim, gợi lại những ký ức đẹp của nghề khi đã về chiều, có dịp về nước hát, tôi đều đến thăm các cô chú. Có khi một năm một lần, có khi một năm hai lần. Tôi về nhiều lần sẽ ghé nhiều lần. Tôi vẫn muốn các cô chú hiểu rằng, có một con nhỏ Ngọc Huyền, vẫn còn đang đương thời, vẫn đang đứng trên đỉnh sân khấu vẫn nhớ đến các các cô chú, vẫn đến để ôm các cô chú một cái, nhắc lại thời hoàng kim khi còn là những khán giả trung thành của cô chú rồi lại được nghe các cô chú hát nữa. Có nhiều cô chú bị bệnh, tôi chỉ biết xoa tay xoa chân để mang đến niềm vui tình thương yêu cho các cô chú trong lúc tuổi già. Tôi nhớ khi tôi làm huấn luyện viên Đường đến danh ca vọng cổ, các bạn trẻ không biết đến Viện dưỡng lão nghệ sĩ, Nghĩa trang nghệ sĩ, Chùa nghệ sĩ, tôi cũng là người dẫn các bạn ấy đến. Điều đó nhắc nhở chúng ta phải “tôn sư trọng đạo”. Nếu không có thế hệ đi trước thì làm sao có thế hệ đi sau. Nếu không có một NSND Phùng Há, Thanh Nga thì làm sao có một Ngọc Huyền như bây giờ? Cứ mỗi lần nghe có một cô chú ra đi, tôi lại khóc lại đau. Biết sao được khi đời là vô thường.
Khi quyết định quay về Việt Nam tham gia một vở diễn dài hơi như “Xử án Phi Giao” chị có phải cân nhắc và sắp xếp thời gian hay không vì bản thân hiện tại cũng có gia đình và con nhỏ?
Các anh chị em nghệ sĩ trong giới tặng cho tôi cái biệt danh là “ngôi sao may mắn” cũng đúng lắm. Điều may mắn đầu tiên, khi tôi học nghề lại được học ở những người thầy giỏi. Điều may mắn thứ hai là khi bước lên sân khấu cũng có những vở tuồng để đời để khán giả thương yêu. Điều may mắn thứ ba là được tất cả các bạn bè đồng nghiệp quý mến trân trọng. Và điều may mắn cuối cùng, hơn tất thảy, tôi được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc. Bố mẹ rất thương yêu và nuôi dạy về nhân lễ nghĩa trí tín rất cẩn thận. Bên cạnh đó, gia đình cũng hỗ trợ chắp cánh cho tôi bay bổng trên bầu trời nghệ thuật đầy ước mơ. Khi tôi rơi vào cạm bẫy tình yêu lại được một người chồng tuyệt vời, sinh được những đứa con thật hiếu nghĩa. Về Việt Nam tham gia vở “Xử án Phi Giao” có thể nói là chuyến đi dài hơi nhất của tôi khi kéo dài đến ba tuần. Ông xã tôi mới nói rằng: “Đó là ước mơ của em, hoài bão của em mà. Mười mấy năm rồi, em đã hy sinh cho anh và cho các con. Thôi bây giờ, con đã lớn rồi, bé Hà Tiên đã 14 tuổi có thể tự lo cho mình, em hãy về quê hương thực hiện ước mơ của em đi”. Bé Hà Tiên thì nhắn nhủ tôi: “Mẹ yên tâm đi, con sẽ phụ với ông ngoại và ba chăm sóc Hà Nam. Mẹ ơi, mẹ hát đi nhé. Con bắt đầu yêu cải lương rồi. Mẹ hãy thực hiện ước mơ của mẹ và bây giờ cũng là ước mơ của con”. Bé Hà Nam lại bảo: “Con nhớ mẹ nhưng mẹ nhớ facetime về nha. Con nhìn mẹ rồi con ngủ mới được”. Vì thế, tôi ráng canh giờ để facetime về cho bé ngủ. Nói chung, một người nghệ sĩ được thực hiện những ước mơ và thành công trong nghề thì hạnh phúc của gia đình là động lực là điểm tựa chính cho mình. Sau đó, đến khán giả và bạn bè đồng nghiệp. Hơn thế nữa, rất cần sự thương yêu của dư luận báo chí vì mỗi một người nghệ sĩ có một khúc quanh trong cuộc đời, nhưng không ai muốn cả. Điều người nghệ sĩ muốn nhất là được hát, được đem tiếng hát lời ca của mình để làm vui làm đẹp cho đời.
Cảm xúc của chị khi diễn với anh Kim Tử Long thuở còn độc thân và sau khi xa nhau 15 năm, cả hai cũng đã có gia đình trong những phân đoạn tình cảm mùi mẫn trong “Xử án phi Giao” liệu có nhiều thay đổi không?
Tôi với anh Kim Tử Long không còn là một đôi bạn diễn ăn ý nữa mà đã là tri kỉ rồi. Người ta nói “Tri kỉ, tri bỉ” đến với nhau sẽ biết tất cả cuộc đời của nhau, cũng như những thói hư tật xấu và tính tốt của nhau. Không có khó khăn gì về vấn đề anh có vợ hoặc tôi có chồng. Ngoài ra, anh Long có một người vợ cùng nghề là Trinh Trinh rất dễ thương và hỗ trợ anh ấy rất nhiều. Tôi lại có một người chồng là con của nữ danh ca Thanh Tuyền. Khi anh quen biết tôi, tôi đã là một nghệ sĩ có tên tuổi. Và có một điều mà mọi người không ai biết là anh Kim Tử Long là ông mai của tôi với ông xã hiện tại. Chúng tôi càng không có sự ngại ngùng. Tuổi hai đứa càng lớn hơn thì ánh mắt và nụ cười trao nhau càng tình hơn trên sân khấu. Ngày xưa, có thể ánh mắt trao nhau cũng tình nhưng ngây thơ, giờ thì dày dạn hơn rồi. Khán giả sẽ cảm nhận được một cặp đôi “gừng càng già càng cay” và càng chạm đến trái tim khán giả hơn nữa.
Ngoài người bạn diễn ăn ý là NSƯT Kim Tử Long, chị còn một người bạn diễn cũng rất tuyệt vời là NSƯT Vũ Linh, chị có muốn tái hợp với người bạn diễn này trong những vở diễn sau?
Rất muốn. Anh Năm là thế hệ đoạt giải Trần Hữu Trang đầu tiên năm 1990-1991. Yêu anh lắm. Tôi rất muốn tái hợp với anh trong một vở tuồng. Anh Năm Vũ Linh mới bệnh xong, sức khoẻ của anh đang hồi phục. Tôi vừa về là anh mới vừa mổ bao tử. Khi mời anh vào một vai nặng ký, anh thích lắm, anh bảo sẽ xả thân ra hát với chúng tôi. Thế nhưng, vẫn phải để anh nghỉ ngơi, để sức khoẻ mau phục hồi. Hy vọng năm tới sẽ có sự kết hợp lại giữa anh Vũ Linh, tôi và chị Thanh Hằng. Nếu đúng dịp chị Thanh Thanh Tâm và chị Phương Hồng Thuỷ về nước thì càng tuyệt vời. Tôi còn một ước vọng là sáu con chim đầu đàn của giải Trần Hữu Trang được tái hợp trên một sân khấu. Và đó cũng chính là mong muốn của các khán giả.
Con gái chị nói rất yêu cải lương. Nhiều nghệ sĩ cải lương không muốn con theo nghề vì rất cực và nhiều khúc quanh co. Bản thân chị có ủng hộ việc con theo nghiệp của mẹ?
Tôi đã từng chia sẻ điều này với một tờ báo uy tín vào hai mươi mấy năm về trước, thời đó tôi vẫn độc thân. NSND Thanh Tòng đã gõ đầu tôi thật yêu và bảo: “Chú khoái mày ở câu nói này”. Tôi còn nhớ, bản thân mình đã trả lời rằng: “Không có một ngành nghề nào hạnh phúc nhất như ngành nghề của người nghệ sĩ. Bởi vì họ được sống với nhiều nhân vật mà không phải ai cũng nếm trải được ngay trên sân khấu. Họ đã quá hạnh phúc với vai trò nghệ sĩ của mình. Người nghệ sĩ được thăng hoa rất nhiều nên phải cảm ơn, trân trọng tất cả tình cảm của mọi người dành cho mình. Vì thế, không có lý do gì tôi lại cấm con của mình đến với cái nghề mà mình tôn quý. Tôi vẫn ủng hộ con mình đi hát nhưng phải hát cho thật hay. Nếu hát dở sẽ không cho hát. Con có năng khiếu, có thực lực, có tài để khẳng định mình là một ngôi sao của sân khấu, điện ảnh hay ca nhạc thì nên bước tiếp con đường đã chọn. Còn nếu con hát cho vui hoặc dựa dẫm tên của cha của mẹ để nổi tiếng, điều đó không tốt”.
Khi lấy chồng ở đỉnh cao của nghề ca hát, nhiều khán giả hơi tiếc cho chị. Đến giờ nhìn lại, chị có nuối tiếc chút nào không vì nếu chậm vài năm nữa, chị sẽ làm được nhiều thứ hơn cho cải lương?
Người nghệ sĩ chính thống luôn có trái tim nhạy bén. Khi họ yêu là yêu chết sống. Thêm vào đó, tôi rất thích em bé từ thời con gái. Năm 18 tuổi, tôi đã có con nuôi. Đến nay con nuôi của tôi đã sinh cháu và gọi tôi là bà ngoại rồi. Đối với khán giả sẽ thấy tôi lấy chồng và đi quá sớm. Còn với chính tôi nhìn lại, khi ấy mình đã 33 tuổi. Tôi không biết các bạn khác thế nào, tôi thì phải yêu mới lấy nhau được. Tháng 12 này khi diễn “Xử án Phi Giao”, tình yêu của tôi và ông xã cũng kỷ niệm 15 năm ngày cưới. Chúng tôi vẫn yêu như thuở nào. Tôi sinh con gái đầu lòng năm 33 tuổi. Một người phụ nữ đến 33 tuổi mới được làm mẹ cũng hơi muộn. Chỉ biết nói một câu là: “Xin lỗi khán giả đã yêu tôi, cho tôi sống cho mình một tý”. Tôi hơi ích kỷ. Tôi tin khán giả đã không còn giận tôi nữa, vẫn sẽ yêu tôi vì tôi đã giữ trong lời hứa với khán giả là theo nghề đến cùng. Tôi đã có một gia đình trọn vẹn, những đứa con ngoan, hiếu kính lễ nghĩa với gia đình. Tuy sống ở nước ngoài nhưng hai bé vẫn nói và viết được tiếng Việt, bảo tồn truyền thống văn hoá Việt Nam của mình.
Mọi người rất tò mò về ông xã của chị khi không có tính ghen lúc vợ diễn với người khác, ủng hộ cho vợ đi diễn xa… Chị có thể bật mí về ông xã cũng như cuộc sống hôn nhân của mình ở đất khách quê người?
Ông bà ta hay nói “chén trong sóng còn khua”, huống chi trong cuộc sống vợ chồng cũng phải có những lúc giận hờn nhau. Vợ chồng tôi lại có một cái hay mà điều này tôi học được từ thần tượng của mình là nữ nghệ sĩ Lệ Thuỷ. Lúc tôi 18 tuổi được đóng cùng cô Lệ Thuỷ trong một vở diễn, cô bảo: “Mấy đứa phải tập sống sao giống cô nè. Cô giận ai cũng chỉ giận tối đa 5 phút thôi không có giận lâu. Cô buồn cũng chỉ 5 phút, bỏ cái buồn đó qua một bên. Buồn chi nhiều để mình xấu, già và bực bội”. Tôi ngưỡng mộ cách sống của cô Lệ Thuỷ, được cô truyền đạt cách đóng đó tôi lại áp dụng nó trong cuộc sống hàng ngày thì tuyệt vời. Giận chi giận cho mệt vậy. Khi tôi bay xa hát, lỡ máy bay có bất cứ một trục trặc nào đó, mình từ giã cõi đời này thì những giận hờn đó mình đem theo mệt mỏi lắm. Tôi cứ nghĩ vậy nên vợ chồng tôi không giận quá năm phút. Ông xã không khều tôi thì tôi khều ảnh cho huề, thế thôi.
Ông xã tôi rất tuyệt vời. Anh hiền lắm. Anh sinh ra ở Việt Nam nhưng sống ở nước ngoài nên anh rất tự do về tư tưởng, về hành động của đôi lứa. Tin tưởng nhau là điều tuyệt đối. Anh là con của nữ danh ca Thanh Tuyền. Anh cảm thấy chuyện nắm tay, ôm nhau trên sân khấu là chuyện bình thường. Anh thông cảm nhẹ nhàng và chưa bao giờ ghen tôi với bất kỳ ai. Anh Kim Tử Long với ông xã tôi rất thân. Anh Long biết ông xã tôi trước cả tôi. Không có vấn đề gì về việc vợ chồng sứt mẻ. Anh cũng cho tôi cả một bờ vai dựa dẫm. Ông bà ta nói: “Nồi nào úp vung nấy” là đúng với vợ chồng tôi lắm. Tôi hay nói nhiều, chồng tôi hay làm thinh. Tôi không biết tương lai thế nào nhưng hiện tại, tôi có một người chồng rất yêu thương, cảm thông và ủng hộ tôi. Gia đình muốn hạnh phúc phải vun đắp cho nhau. Đến giờ, anh vẫn hay nhắn tin cho tôi: “Bà xã khoẻ không? Làm việc vui không? Ông xã nhớ bà xã. Các con nhớ bà xã”. Khi tôi làm việc căng thẳng quá, tôi nhắn cho anh rằng: “Em mệt quá. Em nhớ anh và các con”. Anh lại nhắn lại cho tôi: “Ráng lên đi. Đâu còn bao nhiều ngày nữa đâu”. Những câu đơn giản thôi, không cần phải kiểu: anh yêu em hay yêu em trọn đời… nhưng tôi lại thấy thâm thuý và giúp nhiều cho nhau trong cuộc sống hằng ngày.
Cảm ơn NSƯT Ngọc Huyền về buổi trò chuyện này!
Lam Khánh
Ảnh: Windy
Theo Giadinhvietnam.com
NSƯT Kim Tử Long: "Ngọc Huyền bị cấm diễn 17 năm là tai nạn"
Việc NSƯT Ngọc Huyền bị cấm diễn tại quê hương theo NSƯT Kim Tử Long là sự cố ngoài ý muốn. Anh tiết lộ là người âm thầm xin giấy phép cho bạn thân.
Kết thức buổi giới thiệu liveshow Xử án Phi Giao dành tặng bạn thân NSƯT Ngọc Huyền nhân dịp về nước biểu diễn sau 17 năm, NSƯT Kim Tử Long cùng vợ 3 là nghệ sĩ Trinh Trinh xuống nhà hàng ở quận 10, TP.HCM quản lý công việc. Dù ngoài 50, nam tài tử cải lương trông vẫn phong độ. Anh cho biết, cuộc sống hiện tại khá thoải mái, không gặp áp lực cơm áo gạo tiền.
Sau 2 cuộc hôn nhân đổ vỡ, NSƯT Kim Tử Long có mái ấm với nghệ sĩ cải lương Trinh Trinh. Trinh Trinh là cháu ruột của NSND Thanh Tòng, chị họ của NSƯT Quế Trân. Trái ngọt của cặp đôi là 2 con trai kháu khỉnh - Hoàng Gia Khánh, 4 tuổi và Hoàng Gia Kiêm SN 2016. Về quan hệ với các vợ trước, anh nói: "Hết duyên là hết nợ, chúng tôi vẫn xem nhau là bạn bè bình thường. Mỗi tháng, tôi đều chu cấp đầy đủ cho các con".
NSƯT Kim Tử Long bên vợ nghệ sĩ Trinh Trinh cùng 2 con nhỏ.
"Tôi và Ngọc Huyền là tri kỷ"
- Trong thời điểm nghệ thuật cải lương gặp nhiều khó khăn, thiếu sân khấu, lý do gì khiến anh quyết định chi tiền tỷ làm liveshow "Xử án Phi Giao" tặng NSƯT Ngọc Huyền nhân dịp chị về nước biểu diễn sau 17 năm?
- Tôi và ê-kíp đầu tư chỉn chu và đặt nhiều tâm huyết cho liveshow nên hy vọng sẽ được khán giả đón nhận. Đối với tư nhân, việc đầu tư tiền tỷ cho một vở cải lương như vậy là rất lớn. Như bạn thấy, với tình hình sân khấu cải lương như hiện tại, việc thu hồi vốn khá khó khăn, huống chi nói đến chuyện lợi nhuận.
Tôi làm liveshow này tặng Ngọc Huyền. Sau hơn 17 năm không được về Việt Nam hát, tôi muốn Ngọc Huyền có một vở diễn thuyết phục và đánh dấu ngày trở lại trong lòng khán giả. Tôi hay nói vui rằng: "Trở lại thì phải lợi hại hơn xưa". Tôi hy vọng khán giả sẽ tâm đắc và nhớ lại các kỷ niệm xưa qua vở diễn từng vang bóng một thời - Xử án Phi Giao.
- Vậy hẳn anh và NSƯT Ngọc Huyền có một mối quan hệ rất đặc biệt?
- Năm tôi 15 tuổi, Ngọc Huyền 12 tuổi, chúng tôi đã học chung và lớn lên trong trường nghệ thuật. Khi làm nghề, cả hai lại hát cặp nên hiểu rõ về tính cách, quan điểm sống lẫn nhau. Khán giả hay gọi chúng tôi là "cặp đôi Tiên Đồng - Ngọc Nữ" của sân khấu cải lương. Còn với tôi, Ngọc Huyền là một người bạn tri kỷ trong nghệ thuật.
Từ trước đến nay, tôi luôn tự hứa với bản thân khi thành danh sẽ làm một điều gì đó tặng Ngọc Huyền. Đến hiện tại, tôi có được cơ ngơi, nghề nghiệp vững chắc và không quên những ngày tháng cơ hàn.
Năm 1990, thời điểm mới vào nghề, tôi đi hát không nhiều tiền, di chuyển bằng xích lô. Thấy vậy, Ngọc Huyền và chồng mua cho tôi chiếc xe dream màu tím rất quý, khoảng 4 cây vàng tại thời điểm bấy giờ. Chồng Ngọc Huyền bảo mua cho tôi chiếc xe để có phương tiện đi hát cho thuận tiện, nào có tiền thì góp trả lại. Dĩ nhiên, tôi đã trả hết số nợ trong thời gian ngắn sau đó.
Tôi thầm biết ơn Ngọc Huyền đã giúp đỡ tôi thời điểm khó khăn. Vì vậy, tôi nghĩ không có gì để trả ơn nên làm liveshow tặng bạn thân là khá ý nghĩa tại thời điểm hiện tại. Giấy phép biểu diễn tại Việt Nam là do chính tôi âm thầm đi xin cho Ngọc Huyền. Bên cạnh đó, tôi giới thiệu Ngọc Huyền đi hát và không hề lấy một đồng phần trăm nào.
Trong liveshow lần này, Huyền tâm sự với tôi muốn trả cát-xê cho cô ấy bao nhiêu cũng được, còn lỗ thì thôi. Huyền không ngại về vấn đề này vì tôi là người mở lời trước. Tôi nói là phải làm, khi đã làm thì phải đâu ra đó.
Lúc xin được giấy phép cho Ngọc Huyền, tôi liền báo tin vui cho cô ấy qua mạng xã hội. Ngọc Huyền không khỏi xúc động và bật khóc.
Đồng hành cùng nhau trong nghề nhiều năm, Kim Tử Long xem Ngọc Huyền là người bạn tri kỷ.
- Anh nghĩ sao về việc NSƯT Ngọc Huyền từng bị cấm biểu diễn tại quê hương?
- Tôi nghĩ đó là tai nạn nghề nghiệp. Ngọc Huyền ký hợp đồng với một công ty tổ chức biểu diễn và họ có quyền sử dụng hình ảnh của cô. Tuy nhiên, Ngọc Huyền không may hát trong chương trình được cho là nhạy cảm. Việc nói cô ấy quay lưng lại với quê hương là sai sự thật. Theo tôi đó là một sự vô tình.
Cuộc hạnh phúc bên vợ thứ 3 ở tuổi 51
- Tất bật với công việc chạy show trong và ngoài nước, tại sao anh lại quyết định kinh doanh thêm nhà hàng?
- Tôi mở nhà hàng được hơn 6 tháng. Tôi nghĩ ngoài công việc chính, cần có thêm nghề tay trái để lo cho con cái. Sau này, nếu lớn tuổi không còn đi hát, hoặc các con không theo nghiệp sân khấu giống bố thì có thể hoạt động kinh doanh. May mắn công việc làm ăn khá ổn định, vợ tôi ngoài đi diễn vẫn ra phụ giúp chồng quản lý.
- Đã bước qua tuổi 50, cuộc sống của anh với vợ 3 và 2 con nhỏ ra sao?
- Tôi và Trinh Trinh kết được hơn 5 năm. Trước đây, biểu diễn chung trong nhiều chương trình, chúng tôi có dịp tiếp xúc, dần thấu hiểu, nảy sinh tình cảm và quyết định về chung một nhà. Tôi từng quan niệm sẽ không bao giờ kết đôi với bạn diễn vì sẽ biết khuyết điểm của nhau. Tuy nhiên có lẽ chúng tôi có quan điểm sống hoà hợp nên không thể cãi ý trời (cười).
Cuộc sống của tôi cùng Trinh Trinh và hai con nhỏ hiện ổn định, thoải mái và không phải lo cơm áo gạo tiền. Tôi luôn tự hào về điều đó. Về công việc, tôi vẫn chạy show liên tục khắp các tỉnh thành và nước ngoài. Hiện tôi diễn ở Hà Nội khá nhiều, người thủ đô khá thích tôi.
NSƯT Kim Tử Long và vợ 3 tham gia nhiều gameshow trên truyền hình. Nam nghệ sĩ cho biết cuộc sống gia đình hiện ổn định và thoải mái.
- Trong đám cưới của con gái Maika, anh và vợ bên nhau làm lễ chúc phúc cho các con. Vậy mối quan hệ giữa anh và các đời vợ trước thế nào?
- Mẹ của đám nhỏ gặp tôi vẫn nói chuyện, tâm sự bình thường. Tôi vẫn lo, chu cấp hàng tháng cho tổng 5 người con. Như con gái Maika mới cưới chồng xong không chịu ra riêng, bắt rể ở lại luôn. Về con cái, tôi thấy vui chứ không là gánh nặng.
Điều khiến tôi hạnh phúc hơn chính là các chị em của 3 đời vợ rất yêu thương lẫn nhau. Không có đứa nào ganh tị, buồn phiền, tranh đua lẫn nhau. Các người vợ cũ của tôi cũng có cuộc sống riêng.
Tôi không nghĩ mình là người đào hoa. Tôi có 3 đời vợ. Tôi khá rõ ràng, dứt đời vợ nào mới chấp nhận người khác. Theo tôi, mỗi người đều có cái duyên, gieo đúng thì duyên sẽ đến. Ngoài duyên còn có nợ mới thành vợ thành chồng. Những sự đổ vỡ tôi nghĩ là hết duyên. Còn duyên thì sống bên nhau, hết duyên đường ai nấy đi, miễn sao ra đi phải êm xuôi, không miễn cưỡng.
NSƯT Kim Tử Long cùng vợ đầu tham gia lễ cưới con gái Maika.
- Hiện nay, truyền hình thực tế, âm nhạc, phim ảnh lên ngôi, được đông đảo khán giả đón nhận. Trong khi đó các chương trình về cải lương dường như khá hiếm và không ít khán giả trẻ nhận định bộ môn nghệ thuật này sến súa, kén người thưởng thức. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi nói thật, hiện không có sân khấu để hát chứ không phải khán giả quay lưng với cải lương. 2 điều này hoàn toàn khác nhau. Ai cũng nghĩ sân khấu cải lương chết nhưng khán giả muốn xem thì không biết tìm rạp nào.
Nhiều khán giả hỏi tôi sao không tự mở một sân khấu riêng? Đó là điều không thể, tôi lực bất tòng tâm. Tôi không đủ kinh phí để làm điều đó. Một sân khấu ít nhất cũng phải bỏ kinh phí đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Tôi mong nhà nước xây dựng một rạp hát hay có mặt bằng tôi được giao thì bản thân sẽ có gắng thực hiện.
- Các đồng nghiệp đa số chọn sang hải ngoại hoạt động nghệ thuật, riêng mình anh "lẻ bóng" tại Việt Nam. Anh có thấy cô đơn?
- Tôi nghĩ sự cô đơn không lớn bằng sự đón nhận của khán giả dành cho tôi. Tôi chỉ sợ cô đơn khi đi hát mà khán giả không ủng hộ, reo hò... Mỗi này đi sân bay, siêu thị, đi ăn uống cùng gia đình... điều tôi hạnh phúc nhất là được khán giả nhận ra, vui vẻ chào mừng, chụp hình chung.
NSƯT Kim Tử Long và NSƯT Thoại Mỹ.
- Trong quá trình làm nghề, anh có nhận học trò để truyền đạt kinh nghiệm và giúp nghệ thuật cải lương được lan toả hơn?
- Hiện tôi đảm nhận vai trò huấn luyện viên chương trình Đường đến danh ca vọng cổ và Chuông vàng giọng cổ. Tôi không dám nhận mình là thầy. Bản thân cảm nhận có kinh nghiệm sau nhiều năm đi hát nên truyền đạt lại cho các bạn trẻ cách làm chủ sân khấu, sống với nghề... Theo tôi, nghề cải lương học không bao giờ hết. Cá nhân tôi, hiện vẫn thấy gì hay ho của người khác sẽ tiếp thu và học hỏi, làm mới bản thân. Nếu tự cao bản thân là tuyệt đỉnh, là thầy rồi thì không được.
- Là tên tuổi lớn trong giới nghệ thuật, khán giả thấy anh thường xuyên đi hát đám cưới, tiệc sinh nhật... Anh có sợ mất hình ảnh trong lòng công chúng?
- Tôi thường xuyên đi hát đám cưới, sinh nhật, tiệc, sự kiện các công ty... và bản thân cảm thấy bình thường, không có gì phải ái ngại. Tôi nghĩ sân khấu cải lương thiếu thì mình đến những nơi như vậy để gặp gỡ khán giả, cho họ thấy nghệ sĩ bằng da bằng thịt. Tôi nghĩ điều đó khá tốt và không ảnh hưởng đến ai.
Cát-xê cao nhất tôi từng nhận là 50 triệu đồng từ show hát đám cưới. Những show diễn bình thường dao động từ 25-30 triệu đồng. Những dịp cuối năm show diễn sẽ dày đặc hơn, có những show hát từ thiện, tôi không lấy tiền.
Theo Danviet
NSƯT Kim Tử Long chi tiền tỷ làm liveshow tặng Ngọc Huyền sau 17 năm tái ngộ Nhân dịp bạn thân về nước biểu diễn, NSƯT Kim Tử Long mạnh tay thực hiện liveshow vở diễn từng vang bóng một thời - "Xử án Phi Giao". Chiều 9.12, NSƯT Kim Tử Long giới thiệu liveshow Xử án Phi Giao tại TP HCM. Sau 17 năm, vở diễn từng vang bóng một thời có dịp tái ngộ với khán giả qua...