‘Ngọc Hoàng’ Quốc Khánh thấy mình ra dáng người cha
Gắn bó với sân khấu nhiều năm với hàng trăm vai diễn lớn, nhỏ nhưng 12 năm qua, vai Ngọc Hoàng như một cách định danh cho NSƯT Quốc Khánh.
Chỉ đi lại và… ho cũng đủ bơ phờ
Trước khi đến gặp “Ngọc Hoàng” Quốc Khánh, chúng tôi nhận được không ít lời “cảnh báo” dạng như: Gặp Quốc Khánh khó lắm vì số lạ sẽ không nghe điện thoại, đang tập tành cũng miễn tiếp chuyện người ngoài, ở nhà ngủ đến quá trưa mới dậy…
Nhưng ngay lần gặp đầu tiên, NSƯT Quốc Khánh đã mang đến cảm giác ấm áp, thân thiện dù bộ dạng có phần bơ phờ, nhàu nhĩ.
“Các bạn tội gì phải cất công đến tận đây xem tôi diễn hài. Đi đường quan sát một chút thì đầy chuyện hay, cười xong là cay xè mắt” – anh mở đầu câu chuyện.
NSƯT Quốc Khánh ở hậu trường Táo Quân.
NSƯT Quốc Khánh tâm sự, nhiều người cứ rỉ tai nhau, chỉ có dịp tập Táo quân mới “tóm” được anh, còn bình thường mất hút.
Nhưng thực tế anh không “lặn” đi đâu cả mà tối ngày cặm cụi ở Nhà hát Kịch Việt Nam, tụ tập bạn bè rồi về nhà chăm các cháu.
Hỏi NSƯT Quốc Khánh về cảm xúc suốt nhiều năm chỉ được “đo ni đóng giày” cho vai Ngọc Hoàng đi đi lại lại trên sân khấu, thỉnh thoảng nói một câu, ho một tiếng, anh cho biết:
“Ở nhà, nếu hai cái quạt thông gió phòng tôi không chạy thì tối ngày ho nhưng để ho kiểu Ngọc Hoàng trên sân khấu thật chẳng dễ gì. Nhiều người cũng hỏi tôi đóng vai này mãi thì có ức chế không, nhưng làm sao mà phải ức chế nhỉ. Mình không tung tẩy đi lại, diễn trò như các vai khác thì giữ bản sắc riêng cho mình”.
Vì bản sắc riêng ấy mà bao năm nay, cứ đến “mùa” Táo quân, Quốc Khánh lại cùng anh chị em nghệ sĩ ăn mì tôm, uống nước lọc, tập tành thâu đêm suốt sáng.
“Năm nào tôi cũng bị quở là… giời đày! Lao đầu ra khỏi nhà lúc đêm khuya rồi về lúc loa phường phát nhạc. Cuối năm bao nhiêu việc nên gần như tôi chẳng được nghỉ ngơi.
Ngoài tập chương trình còn việc nhà, việc cơ quan… nhưng dù thế nào thì đóng Táo quân cũng có nhiều cái lợi” – Quốc Khánh nói.
Chia sẻ thêm về cái lợi vừa nói đến, anh cho rằng, với các nghệ sĩ công tác ở nhiều đơn vị khác nhau, một năm cũng chỉ có một lần đủ tất cả để diễn chung cho vui.
Thù lao chỉ là một chuyện nhưng nghệ sĩ thường coi trọng nghề nghiệp, khán giả và kỉ niệm. Với Quốc Khánh, đó là thứ anh “lãi” nhất.
Về vai diễn năm nay, NSƯT Quốc Khánh từ chối tiết lộ bởi ê-kíp Táo quân còn đang luyện tập, nhiều khi phải chỉnh sửa kịch bản.
Video đang HOT
Trước những lời chê chương trình bao năm nay cứ “bổn cũ soạn lại”, anh tâm sự: “Cũng như nhiều nghệ sĩ khác, tôi không muốn giải thích, thanh minh nhiều. Nhưng nếu bảo Táo quân thiếu tính sáng tạo thì không đúng lắm.
Sự thật, các lĩnh vực cả năm biến động thế nào thì đều được chắt lọc qua ngôn ngữ hài. Cả đạo diễn lẫn nghệ sĩ đều trăn trở làm sao để giải quyết được ranh giới giữa tiếng cười và sự thật. Làm sao đúng là phê bình nhưng vẫn có tính xây dựng”.
Là trụ cột gia đình
Ở Nhà hát Kịch Việt Nam, Quốc Khánh thuộc lớp đàn anh. Tốt nghiệp khóa I năm 1982, anh được giữ lại làm diễn viên Nhà hát. Chiến tranh biên giới nổ ra, Quốc Khánh gia nhập quân đội thuộc biên chế Sư đoàn 323 đóng tại Quảng Ninh.
Sau 2 năm khoác áo lính, anh trở về Nhà hát công tác cho đến bây giờ. Nhiều người bảo Quốc Khánh “dị”, từ chuyện quanh năm thích diện “cây bò” để đỡ phải giặt nhiều, đến mỗi ngày uống cả lít sữa tươi và mọi đồ đạc trong phòng riêng toàn màu hồng.
“Anh có nghĩ mình “dị” không?”. Trước câu hỏi ấy, Quốc Khánh cười xòa: “Tôi chẳng nghĩ gì cả, còn ai nghĩ là việc của họ. Mọi người yên tâm là tôi không ghét ai bao giờ, không thích thì sẽ không chơi thôi”.
Quốc Khánh quanh năm mặc đồ bò.
Ngoài 50 tuổi vẫn “chăn đơn gối chiếc”, anh từng trở thành đề tài bàn tán, đồn thổi của đám đông. Suốt mấy chục năm qua, anh chỉ có một câu trả lời là do… duyên số.
Quốc Khánh tự nhận mình giống chị em ở khoản “mong manh dễ vỡ” nên cứ nghĩ đến chuyện lập gia đình, mất tự do, không được bù khú, quậy phá là “nản dần đều”.
NSƯT Quốc Khánh đang sống cùng bố mẹ, chị gái và các cháu ở phố Bạch Mai (Hà Nội). Đối nghịch với chân dung bụi bặm, Quốc Khánh hài hước nhưng khá nghiêm túc, thâm trầm.
Hầu hết đồng nghiệp đều nhận xét, giống như vai diễn của anh, mỗi khi Quốc Khánh cất giọng là “nói câu nào là chết câu ấy”. Anh không nhớ rõ mình diễn hài đã được bao nhiêu năm và anh vui vì mình còn mang lại tiếng cười cho khán giả.
Ngoài vai Ngọc Hoàng, tuýp nhân vật có tính cách cam chịu, bị “đè đầu cưỡi cổ” cũng được các đạo diễn “nhằm” vào Quốc Khánh bởi vẻ xộc xệch, thiểu não.
Chẳng biết có phải định mệnh hay không nhưng sau những vai diễn đầy thân phận, Quốc Khánh cũng đối diện với nhiều ưu tư thường nhật.
Bao năm nay, con cái đồng nghiệp cơ quan luôn gọi Quốc Khánh là bố. Anh cũng thừa nhận, vì lâu nay quen chăm sóc các cháu nên thấy mình cũng ra dáng người cha.
“Hoàn cảnh gia đình tôi có những éo le nên tôi luôn quan tâm chăm sóc gia đình. Những lúc rảnh, tôi dạy dỗ, đưa các cháu con chị gái đi chơi, cho chúng tiền đóng học phí… Trước sự thiệt thòi của trẻ con, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm như một người cha. Còn về chuyện vợ con của tôi, giục giã mãi không được nên cả nhà buông xuôi nhiều năm nay rồi” – Quốc Khánh chia sẻ.
Anh trải lòng, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, anh chính là trụ cột lo Tết cho cả nhà. Ngoài vật chất thì hình ảnh một người đàn ông trưởng thành chính là chỗ dựa tinh thần cho gia đình vốn nhiều biến động của anh.
Mỗi năm, nhìn dàn diễn viên tập Táo quân, dù không cố tình nhưng Quốc Khánh một mình một kiểu. Anh xuề xòa về hình thức, ít nói nhưng nói sâu. Mùa đông thường trực “cây bò”, mùa hè diện áo phông, quần soóc ngay cả khi đi… tán gái.
Phía sau tiếng cười sang sảng của vai diễn Ngọc Hoàng cất lên mỗi đêm Giao thừa, NSƯT Quốc Khánh sẽ trở về với chân dung khác.
Một người đàn ông hơn 50 tuổi, giàu trải nghiệm, quanh quẩn trong căn phòng màu mè có đến hai cái quạt thông gió để xua khói thuốc luôn là sự đối lập mang đến nhiều liên tưởng sâu sa.
Quốc Khánh nói: “Nếu lập gia đình mà phải gò bó thì có khi chết sớm hơn. Tôi chọn cho mình cái chết từ từ. Nhưng biết đâu một ngày đẹp trời, có người phụ nữ nào đến với tôi, hợp duyên số thì sẽ mình mình, tớ tớ cho vui”.
Theo Lữ Mai/Báo Gia Đình & Xã Hội
Quang Tèo: Tôi yêu cầu không gọi tôi là NSƯT
"Tôi yêu cầu đơn vị tổ chức nếu có viết tên tôi trên băng rôn hay MC giới thiệu cũng không được gọi là NSƯT, cứ gọi là Quang Tèo cho thân mật" - nghệ sĩ Quang Tèo chia sẻ.
- Được phong tặng danh hiệu NSƯT từ lâu nhưng khi nhắc tới anh, hay viết về anh, khán giả chỉ gọi nghệ sĩ Quang Tèo mà không gọi là NSƯT Tiến Quang, anh có buồn về điều này?
- Buồn gì đâu, tôi vui là đằng khác. Mà tôi yêu cầu đơn vị tổ chức show nếu có viết tên tôi trên băng rôn, quảng cáo hay MC giới thiệu đều không được gọi là NSƯT, cứ gọi là Quang Tèo cho thân mật.
Mà thực ra, cái tên của tôi đã gắn liền với khán giả rồi, tôi thấy vui vì điều đó. Làm nghệ sĩ, được khán giả nhớ tên là điều hạnh phúc. Nói như thế không phải tôi không trân trọng danh hiệu được phong tặng, nhưng danh hiệu đó nó chỉ như là sự ghi nhận của nhà nước, của khán giả với một giai đoạn, còn mình phải cống hiến dài dài.
- Được phong danh hiệu NSƯT đã lâu, sao anh không cố gắng tham gia nhiều hội diễn để có huy chương, sẽ được xét danh hiệu NSND, chứ bây giờ, anh hết cơ hội rồi?
- Tôi thuộc nhà hát Quân đội và vừa được cơ quan ký quyết định nghỉ hưu. Tôi coi như không còn cơ hội lên NSND nữa, nhưng tôi thấy chẳng có gì buồn cả.
Tôi nói thế này để bạn hiểu, cái danh hiệu NSƯT, NSND như may mắn vậy đó, ai may thì được chứ không hẳn cứ cống hiến cật lực mới có. Giống như nghệ sĩ Văn Hiệp, cống hiến là thế rồi đến lúc chết đi mới được truy tặng.
Muốn có huy chương phải tham gia vào hội diễn chuyên nghiệp, 5 năm mới có hội diễn, mỗi nhà hát có tới 2, 3 đoàn. Có khi mình ở đoàn 1, thì năm đó hội diễn người ta lại cử đoàn 2 tham gia. Coi như mất 5 năm đầu. 5 năm sau, chẳng hạn người ta chọn đoàn 1, mình được diễn nhưng đạo diễn lại chọn mình vào vai nhỏ, không có gì đặc biệt, thì không có giải, lại mất 5 năm nữa... có hàng tỷ lý do nếu mình không may mắn được chọn và cơ hội đi hội diễn cứ xa dần.
NSƯT Quang Tèo.
- Tết đến xuân về, mở tivi ra có Quang Tèo, mua đĩa hài về có Quang Tèo. Anh xuất hiện nhiều trong các tác phẩm hài. Ê-kíp của anh lại vừa đóng máy đĩa hài "Thông gia đón tết". Có khi nào anh cảm thấy nhàm chán với bản thân?
- Thông gia đón tết là tôi đóng với lão Quềnh (nghệ sĩ Hán Văn Tình). Đĩa này cũng sắp ra mắt khán giả. Thực ra, mỗi tiểu phẩm đều có câu chuyện riêng đòi hỏi người diễn viên buộc phải đầu tư lối diễn để không vai nào giống vai nào. Mà thực ra, với diễn viên, vừa đóng một ông quan đạo mạo, sang một gã nông dân thì có khó gì. Thế nên tôi không lo sợ việc mình bị nhàm chán bởi chỉ diễn hài. Khán giả cũng vậy thôi, nếu họ chán tôi, chắc chắn đĩa hài có mặt tôi họ sẽ không mua, nhưng tôi thấy nhà sản xuất vẫn bán được tốt, đĩa lậu thì phát triển cực mạnh. Sản phẩm có hay thì người ta mới ăn cắp, in lậu.
- Đi diễn tỉnh thường xuyên, nghe đồn anh không bao giờ đi cùng đoàn, toàn đi xe riêng, có phải Quang Tèo ở một đẳng cấp khác so với đồng nghiệp?
- Nói vậy oan cho tôi quá. Tôi bị cái tính cẩn thận, tôi không dám ngồi sau tay lái của ai vì sợ chết. Đi diễn cùng đoàn, tôi tự lái xe riêng, mà đi xe riêng tôi phải tự bỏ tiền xăng, lại còn căng thẳng nữa, tốn kém đủ đường chứ đẳng cấp gì đâu. Nhưng mà tôi là thế, nếu đi cùng đoàn, có buồn ngủ đến mấy tôi cũng không ngủ được, hoặc có lái xe chở tôi đi, tôi ngủ đằng sau cũng không yên tâm lại cứ bật dậy suốt, cuối cùng tôi không ngủ được, lái xe cũng vậy, thế tôi tự lái cho an toàn.
Có lần đi diễn tận Quảng Bình, đêm đó có Xuân Bắc làm MC, có ca sĩ Trọng Tấn nhưng vì có việc, tôi phải về Hà Nội. Tôi diễn xong, tự lái xe về, trên đường, buồn ngủ tôi đỗ xe vào lề đường ngủ, tỉnh tôi lại đi tiếp.
- Người hâm mộ của anh nhiều vậy, có khi nào anh gặp phải những fan thái quá khiến anh khó xử không?
- Nhiều lắm, khó xử nhưng mà vui, vì họ yêu quý mình mới thế. Ví như, tôi đi diễn, khán giả gặp tôi họ muốn chụp hình, lần lượt từng người sẽ vào chụp, nhưng có anh ở đâu xông tới đòi chen ngang, thế là họ cãi nhau inh ỏi trước mặt tôi. Có nam thanh niên sau khi chụp hình với tôi xong thì hôn tôi chùn chụt. Lại có những bác trung niên, râu ria đầy, chạy lên sân khấu ôm hôn tôi. Trời! Râu cọ vào mặt tôi đến đỏ ửng ấy. Đó là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ.
- Giới nghệ sĩ vẫn hay rỉ tai nhau có những người hâm mộ sẵn sàng tình một đêm với họ. Còn anh, anh từng gặp trường hợp nào như thế chưa?
- Ôi có mà nhiều. Đã gọi là hâm mộ thì cuồng nhiệt lắm, chữ hâm mộ thì chữ hâm đứng đầu rồi đến chữ mộ (cười) nên đôi khi cứ hâm hâm một chút. Nhưng mình phải biết mình là ai, phải nói cho người ta hiểu. Tôi không tới mức mù quáng mà đánh mất gia đình chỉ để thoả mãn sự hâm mộ của ai đó.
Nghệ sĩ Quang Tèo luôn biết đâu là điểm dừng với người hâm mộ.
- Quang Tèo là một trong ít nghệ sĩ không có scandal về chuyện tình cảm, anh cũng cùng vợ đi chạy chữa khắp nơi suốt 12 năm ròng để có được 2 đứa con. Hành trình để có con, hành trình 25 năm bên nhau, để giữ được hạnh phúc như bây giờ, anh phải đánh đổi điều gì?
- Khi lấy tôi, vợ tôi đã xác định là lấy một nghệ sĩ, sẽ có chuyện này chuyện kia, nhưng tin tưởng nhau sẽ vượt qua. Vợ khi lấy tôi, cô ấy chấp nhận ở nhà chăm con. Mà thực sự, người không bằng cấp như vợ tôi có đi làm cũng được dăm triệu đồng. Nếu thuê ô-sin trông 2 bé sinh đôi một trai một gái thì cũng mất bằng đó mà lại không yên tâm. Không ví vợ mình như ô-sin nhưng tôi trân trọng sự hy sinh của cô ấy.
Còn phần mình, tôi cũng chịu khó đi diễn các nơi để lấy tiền trang trải cuộc sống cho 3 mẹ con ở nhà. May mắn con tôi rất ngoan, học giỏi và nghe lời mẹ nên tôi rất yên tâm mỗi khi đi diễn xa.
Vì đi diễn suốt nên chúng tôi cũng thống nhất, cô ấy ở nhà sẽ phải lo đưa đón con cái học hành, đám cưới đám ma họ hàng, nói chung đối nội đối ngoại cô ấy lo hết.
Nhà tôi vẫn ở Cầu Giấy nhưng hàng tháng tôi mất thêm 3 triệu đồng nữa để thuê trông nom nhà vườn ở Hoà Lạc. Nói chung tôi cũng phải gánh nặng nhiều.
- Một mình nuôi cả gia đình, lại có hẳn một nhà vườn rộng hàng nghìn mét vuông. Cát-xê của Quang Tèo chắc phải rất cao?
- Cao gì đâu, chỉ do tôi chăm chỉ đi diễn và tích lũy thôi.
Theo T. Lê/Vietnamnet
Rò rỉ những hình ảnh đầu tiên của hậu trường Táo quân 2016 Như vậy, chương trình hài được chờ đợi nhất trong năm sẽ tiếp tục lên sóng, xóa tan tin đồn sẽ dừng hẳn Táo quân. Đã hơn 10 năm qua, Táo quân, tiểu phẩm hài của Đài Truyền hình Việt Nam đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi gia đình trước khoảnh khắc giao thừa, chờ đón năm...