Ngoại trưởng Trung Quốc nói gì khi gặp đồng cấp Singapore, Đức, Tây Ban Nha tại Bali?
Bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali (Indonesia), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã hội đàm riêng rẽ với với người đồng cấp Singapore, Đức và Tây Ban Nha.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 ở Bali, Indonesia, ngày 8/7/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Tại cuộc gặp Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan ngày 8/7, ông Vương Nghị nhấn mạnh quan hệ hợp tác cấp cao Trung Quốc-Singapore đã trở thành yếu tố tiên phong trong khu vực và đang dẫn đầu xu hướng thời đại. Ông kêu gọi tăng cường hoạt động liên lạc chiến lược và hợp tác thiết thực sâu rộng hơn để đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Về phần mình, ông Balakrishnan nêu rõ quan hệ Singapore-Trung Quốc đang có động lực tăng trưởng tốt, thể hiện quan các trao đổi cấp cao chặt chẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ song phương. Ông bày tỏ hy vọng sẽ sớm khôi phục hoạt động giao lưu cấp cao trực tiếp cũng như phối hợp với Trung Quốc để chuẩn bị cho các cuộc gặp theo cơ chế hợp tác song phương Singapore-Trung Quốc. Ngoài ra, Singapore hoan nghênh và ủng hộ Trung Quốc đăng ký tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế số (DEPA).
Tại cuộc gặp Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, hai bên đã nhất trí nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước để củng cố quan hệ hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực. Ông Vương Nghị cho biết Bắc Kinh sẵn sàng chung tay với Berlin đúc kết kinh nghiệm và lên kế hoạch cho mối quan hệ hợp tác song phương trong 50 năm tới nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển của quan hệ song phương. Về phần mình, bà Baerbock tuyên bố Đức coi trọng việc phát triển quan hệ với Trung Quốc và mong muốn nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước để củng cố quan hệ hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực. Theo bà, Đức hy vọng sẽ tổ chức các cuộc đối thoại với Trung Quốc về nhiều lĩnh vực, đồng thời tăng cường hợp tác và trao đổi về biến đổi khí hậu, phát triển xanh và giảm phát thải.
Tại cuộc gặp Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares, ông Vương Nghị cho biết Bắc Kinh sẽ luôn cam kết cởi mở, tự do thương mại và hợp tác cùng thắng với Madrid. Về phần mình, ông Albares cho biết Tây Ban Nha đang hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh nước này kỳ vọng sẽ tăng cường giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân với Trung Quốc.
Chống suy giảm kinh tế, Trung Quốc xây dựng mới 12.000 km đường sắt cao tốc
Trung Quốc có kế hoạch mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc, với chiều dài tăng thêm đến năm 2025 bằng tổng độ dài của 5 nước có đường sắt cao tốc phát triển nhất thế giới sau Trung Quốc.
Trung Quốc dự kiến đưa tổng chiều dài đường sắt cao tốc tại nước này lên 50.000 km vào năm 2025. Ảnh: Xinhua
Đến trước năm 2025, Trung Quốc sẽ mở rộng mạng đường sắt cao tốc thêm 32%. Phần chiều dài tăng thêm này bằng tổng chiều dài đường sắt cao tốc của năm nước trong nhóm đi đầu ở vực này sau Trung Quốc. Động thái này cũng cho thấy Bắc Kinh một lần nữa lại dựa vào mở rộng đầu tư hạ tầng để ngăn chặn suy giảm kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng.
Theo bản kế hoạch 5 năm phát triển giao thông vận tải được Quốc vụ viện Trung Quốc công bố ngày 18/1, đến trước năm 2025, mạng lưới đường sắt cao tốc tại Trung Quốc sẽ đạt 50.0000 km chiều dài, với 12.000 km được xây mới so với thời điểm cuối năm 2021. Phần tăng thêm này vượt tổng chiều dài đường sắt cao tốc của năm nước đứng sau Trung Quốc là Tây Ban Nha, Nhật Bản, Pháp, Đức và Phần Lan cộng lại (11.954 km) - theo dữ liệu của Liên minh đường sắt Quốc tế (IUR).
Tính tại thời điểm cuối năm 2021, Trung Quốc có 38.000 km đường sắt cao tốc, vượt 8.000 km so với mục tiêu mà Bắc Kinh đề ra trong kế hoạch hồi năm 2017. Cuối tuần trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu tại Trung Quốc, đã phê duyệt hai dự án đường sắt cao tốc mới, với chiều dài 826,8 km và tổng mức đầu tư 37,5 tỉ USD.
Kế hoạch hạ tầng quy mô lớn được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc. GDP nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 8,1% trong năm 2021, nhưng chủ yếu nhờ mức tăng ấn tượng trong quý 1 (18,3%). Đến quý 4 vừa qua, mức tăng này giảm xuống chỉ còn 4%. Theo nhận định của một số định chế tài chính lớn quốc tế như Goldman Sachs, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2022 dự kiến ước đạt 4,3%.
Giới phân tích nhận định suy yếu đầu tư cho hạ tầng và lĩnh vực bất động sản là một trong những nguyên nhân chính khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong nửa cuối năm 2021. Nhân tố chủ chốt để ổn định tăng trưởng trong năm 2022 vẫn là mở rộng tài khóa và nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng chi tiêu cho đầu tư, nhất là đầu tư hạ tầng.
Singapore hoan nghênh Trung Quốc quan tâm tới CPTPP Sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan và Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang ở thăm Singapore ngày 13/9, Bộ Ngoại giao nước chủ nhà tuyên bố hoan nghênh sự quan tâm của Trung Quốc đối với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ngoại trưởng Singapore Vivian...