Ngoại trưởng Nhật Bản nói gì về an ninh Biển Đông?
Nhật Bản cam kết duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông, coi đây là trách nhiệm và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Chiều 1/8/2014, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida đang có chuyến thăm Chính thức Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và đánh giá cao kết quả cuộc Hội đàm giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao và kết quả phiên họp thứ 6 Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Fumio Kishida đồng chủ trì.
Bày tỏ vui mừng về quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam rất coi trọng và luôn mong muốn cùng với Nhật Bản nỗ lực đưa quan hệ 2 nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; đồng thời 2 bên luôn ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trên các lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản – ông Fumio Kishida vào chiều 1/8.
Về hợp tác song phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị 2 bên thúc đẩy mạnh mẽ, có hiệu quả thiết thực trên tất cả các lĩnh vực hợp tác, từ chính trị, ngoại giao, hợp tác đa phương đến kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, hợp tác phát triển; từ văn hóa, xã hội, giáo dục – đào tạo, khoa học kỹ thuật, giao lưu nhân dân đến hợp tác quốc phòng, an ninh. Thủ tướng mong muốn Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phát triển, trong đó có hỗ trợ ODA.
Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản để sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn hỗ trợ này. Thủ tướng cũng đề nghị Nhật Bản tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, thúc đẩy mạnh mẽ thương mại hai chiều, nhất là tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản Việt Nam vào thị trường Nhật Bản; tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, lao động, thực tập sinh y tá, hộ lý Việt Nam đến Nhật Bản làm việc và nghiên cứu, học tập.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động lâu dài và kinh doanh thành công tại Việt Nam. Thủ tướng cũng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Nhật Bản để đưa Trường Đại học Việt – Nhật, một trong những biểu tượng hợp tác mới giữa hai nước mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa ký quyết định thành lập sớm đi vào hoạt động. Thủ tướng cũng cảm ơn quyết định của Nhật Bản cung cấp 6 tàu tuần tra, giúp tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhật Bản.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Fumio Kishida đã thông báo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về những kết quả đạt được trong chuyến thăm Việt Nam, đồng thời bày tỏ Nhật Bản vui mừng cũng như tin tưởng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng khẳng định 2 nước còn rất nhiều tiềm năng hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư và Nhật Bản mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Theo đó, Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam triển khai chiến lược công nghiệp hóa; tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam.
Video đang HOT
Nhật Bản cũng đang nghiên cứu nghiêm túc các đề nghị của Việt Nam về thúc đẩy thương mại song phương, trong đó có các hàng hóa nông sản Việt Nam vào thị trường Nhật Bản; miễn thị thực cho công dân Việt Nam và tăng số lượng thực tập sinh y tá, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển.
“Tôi tin tưởng chắc chắn rằng quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam ngày càng phát triển vì tiềm năng hợp tác giữa 2 nước là rất lớn. Với tư cách là Ngoại trưởng, tôi sẽ nỗ lực cùng Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương”, ông Fumio Kishida khẳng định.
Về vấn đề đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực, trong đó có Biển Đông, Bộ trưởng Fumio Kishida cho biết Nhật Bản bày tỏ hoan nghênh và đánh giá cao lập trường của Việt Nam, đồng thời khẳng định cam kết của Nhật Bản đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông, coi đây là trách nhiệm và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế; các bên liên quan cần thông qua đối thoại hòa bình để giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 và tuân thủ nghiêm túc tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình.
Theo Giáo Dục
Nhật Bản: Quan tâm vấn đề Biển Đông là trách nhiệm trước an ninh khu vực
Hành động diễu võ giương oai của Trung Quốc trên Vùng Đặc quyền kinh tế và them lục địa của Việt Nam ngày càng thu hút mối quan tâm lo ngại của dư luận quốc tế và khu vực. Dư luận và Chính phủ Nhật bản đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và đã có phản ứng rất sớm phản đối hành động của Trưng Quốc.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong tương lai sẽ tham gia tập trận phòng vệ không chỉ với Mỹ, Hàn Quốc mà cả với Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Để hiểu rõ lý do thúc đẩy Nhật Bản làm như vậy, có thể tìm hiểu lập trường của nước này về Biển Đông được hình thành ra sao.
Là quốc gia quần đảo, song phải đến những năm 80 của thế kỷ trước, Nhật Bản mới bắt đầu quan tâm đến Biển Đông nhưng chỉ xem đây là một tuyến đường vận tải biển quan trọng. Với nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu, Nhật Bản luôn coi trọng việc bảo đảm an toàn cho các tuyến đường vận tải biển phục vụ xuất khẩu hàng hóa của mình ra các thị trường trên thế giới cũng như nhập khẩu nguyên nhiên liệu cho nền kinh tế Nhật (99% hàng hóa của Nhật Bản được xuất khẩu qua đường biển, 95% nguồn nhiên liệu của Nhật nhập khẩu thông qua đường biển).
Các thị trường truyền thống của Nhật Bản là châu Âu, Đông Nam Á và châu Đại Dương. Nguồn cung nhiên liệu chủ yếu của Nhật Bản là từ Trung Đông. Các hoạt động này đều phải đi qua Biển Đông. Nếu các tàu thuyền xuất khẩu hàng hóa và chuyên chở nguyên nhiên liệu cho Nhật Bản phải đi qua vùng biển phía Đông Philippines thì giá thành sẽ tăng lên từ 2 - 5%. Do đó tuyến đường biển đi qua Biển Đông có ý nghĩa sống còn đối với Nhật Bản .
Khi kinh tế lớn mạnh thì tiềm lực quân sự của Nhật Bản cũng gia tăng. Đây cũng là lý do khiến Nhật Bản quan tâm bảo vệ an ninh cho tuyến đường biển đi qua Biển Đông. Ban đầu chính sách quốc phòng của Nhật Bản chỉ là bảo đảm an ninh cho vùng biển 200 hải lý bao quanh Nhật Bản. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, sau thất bại trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ chủ trương rút bớt lực lượng khỏi khu vực, đồng thời đề nghị Nhật Bản đóng vai trò quân sự to lớn hơn trong việc bảo đảm an ninh cho Nhật Bản và các đồng minh của Mỹ.
Năm 1981, Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Senko Suzuki thăm Mỹ, chính thức tiếp nhận yêu cầu của Mỹ để lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản bảo đảm an ninh cho tuyến đường 1.000 hải lý từ vịnh Osaka tới eo biển Bashi, còn tuyến đường từ eo Bashi xuống phía nam do Hải quân Mỹ đảm trách.
Tàu tuần tra lớn nhất thế giới trong biên chế của cảnh sát biển Nhật Bản.
Sau Chiến tranh lạnh, tình hình quốc tế thay đổi, Nhật Bản đã sửa đổi luật lệ để lực lượng phòng vệ của Nhật Bản có thể can dự vào những vấn đề an ninh trong khu vực. Năm 1995, sau khi Trung Quốc chiếm đảo Vành Khăn trên quần đảo Trường Sa, trong một cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản đã chính thức nêu với Trung Quốc mối quan tâm của Nhật Bản về quần đảo Trường Sa. Khi tham gia Hội nghị Đông Á lần 2 (EAS), Ngoại trưởng Nhật Bản lúc đó là Yohey Kono đã nêu ý kiến đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận tại Diễn đàn An ninh khu vực ARF. Mục đích của Nhật Bản là khi thông qua việc đưa vấn đề Biển Đông lên bàn nghị sự, Nhật Bản sẽ học hỏi được kinh nghiệm đấu tranh của các nước đối với Trung Quốc.
Nếu như trong thập niên 90 của thế kỷ XX, Nhật Bản không muốn sử dụng vấn đề Biển Đông làm mất lòng Trung Quốc, thì gần đây Nhật Bản đã công khai nêu vấn đề này tại các diễn đàn thường niên của ASEAN như Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN mở rộng (AMM), Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF),... đồng thời hỗ trợ các nước liên quan thu hút mối quan tâm quốc tế tới vấn đề Biển Đông.
Nhật Bản cũng thúc đẩy cơ chế hợp tác Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc với các nước ASEAN đòi Trung Quốc tuân thủ quy định quốc tế về biển đảo và tìm cách xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông. Tại hai kỳ ARF 17 và 18, Nhật Bản đều tuyên bố: Nhật Bản có lợi ích và quan tâm sâu sắc tới ổn định và hòa bình ở Biển Đông, nhằm đảm bảo an toàn và thông suốt hàng hải, bày tỏ mối quan ngại trước các tuyên bố cứng rắn và hành động quân sự xem thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở khu vực này, đề nghị Trung Quốc giải thích đường 9 đoạn trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Gần đây Nhật Bản còn đưa ra sáng kiến tổ chức cuộc đối thoại Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ về các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Nhật Bản từng công khai nêu vấn đề an ninh Biển Đông tại các diễn đàn thường niên của ASEAN như Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF).
Đầu năm 2011, Nhật Bản đã đưa quân đội tham gia cuộc tập trận với Mỹ và Australia ở ngoài khơi Brunei. Tháng 9/2011, Nhật Bản đón tiếp Tổng thống Philippines Aquino, hai bên đã ký kết một thỏa thuận hợp tác quân sự, theo đó mở rộng các cuộc tập trận hải quân chung và các cuộc đàm phán thường kỳ giữa các quan chức quản lý biển của hai nước. Nhật Bản cũng đã đáp ứng đề nghị của Philippines cung cấp tàu chiến cho Philippines thông qua các khoản vay ODA.
Thỏa thuận này đã đưa quan hệ Nhật Bản - Philippines từ kinh tế là chính sang hợp tác an ninh. Việc Nhật Bản chuyển giao 10 tàu tuần tra cho Philippines có thể không làm thay đổi tương quan lực lượng ở Biển Đông, song với cách tăng số lượng tàu cho Philippines bảo vệ chủ quyền, sự tập trung nguồn lực của các cơ quan hàng hải Trung Quốc sẽ bị phân tán giữa biển Hoa đông và Biển Đông.
Đặc biệt là sau khi Trung Quốc tỏ ra hung hăng hơn trong tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) và tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ bao trùm lên cả không phận Nhật Bản và Hàn Quốc, Nhật Bản càng thấy cần thiết phải đoàn kết với các nước Đông Nam Á đấu tranh với tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Sau khi trở lại nắm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã sớm có chuyến đi thăm ba nước (Indonesia, Thái Lan và Việt Nam), trong đó, chọn Việt Nam là nước đầu tiên. Trong các cuộc hội đàm với lãnh đạo Việt Nam, ngoài các vấn đề song phương, phía Nhật Bản cũng nêu lên tình hình an ninh ở Biển Đông. Trước đó Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã tiến hành chuyến thăm 3 nước Philippines, Singapore và Brunei.
Nhật Bản quan tâm tới Đông Nam Á không chỉ vì những lợi ích kinh tế cố hữu mà cả nhu cầu an ninh. Cả Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á đều là nạn nhân của chính sách bành trướng về lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc.
Trước đó, chính sách an ninh, quốc phòng của Chính phủ Noda cũng thể hiện rõ chủ trương của Nhật Bản tăng cường sức mạnh Hải quân và Không quân (đóng tàu DDH trị giá khoảng 1,5 tỉ USD, mua máy bay chiến đấu thế hệ mới thay thế các phi đội F4, F15), thúc đẩy nhanh việc triển khai quân tại một số đảo xa phía Tây Nam, Okinawa và tăng cường tập trận chung với Mỹ ở vùng biển xung quanh Nhật Bản.
Vận động các nghị sĩ Quốc hội xem xét lại 3 nguyên tắc cấm xuất khẩu vũ khí và đề xuất thông qua Dự luật cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sử dụng vũ khí bảo vệ quân đội của các đồng minh trong hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. Thắt chặt liên minh quân sự Nhật - Mỹ - Hàn và đẩy mạnh đối thoại Nhật - Mỹ - Ấn Độ nhằm hình thành cục diện mới ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (TBD).
Do thường xuyên phải đối phó với các tàu của Trung Quốc và Đài Loan xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku, lực lượng tuần duyên Nhật Bản (JCG) đã xây dựng một đội tàu tuần tra biển vô cùng hiện đại. Tháng 11/2013, JCG đã tiếp nhận tàu tuần tra lớp Shikishima thứ hai mang tên Akitsushima lớn nhất thế giới, với chiều dài 150 m và độ giãn nước 6500 tấn. Với vận tốc 46 km/giờ, tầm hoạt động 20.000 hải lý, tàu này có thể chạy một mạch từ Nhật Bản sang châu Âu mà không cần tiếp nhiên liệu.
Hiện nay JCG đang sở hữu 350 tầu tuần tra các loại, phần lớn trong số đó được trang bị radar hiện đại và hệ thống kiểm soát hỏa lực tiên tiến, được hỗ trợ quang học, định tầm laser. Được trang bị hiện đại, lực lượng tuần duyên của Nhật Bản lại rất thiện chiến qua các lần va chạm với tầu tuần duyên Trung Quốc và Đài Loan.
Như vào ngày 7/9/2010, một tàu tuần duyên Nhật Bản đã rượt đuổi bắt một tàu cá Trung Quốc trên vùng biển Tokyo tuyên bố chủ quyền gần Senkaku. Mặc dù tàu cá Trung Quốc phớt lờ lệnh cảnh báo của phía Nhật và còn tông thẳng vào tàu Nhật, nhưng cuối cùng vẫn bị bắt giữ.
Ngày 25/9/2012, các tàu tuần duyên Nhật Bản đã có cuộc đấu vòi rồng quyết liệt với 12 tàu tuần tra Đài Loan hộ tống 40 tàu cá kéo đến Senkaku. Sau 3 giờ đồng hồ, nhóm tàu Đài Loan không chịu nổi đành phải rút lui.
Ngày 24/1/2013, lực lượng tuần duyên Nhật Bản tiếp tục dùng vòi rồng đẩy lui tàu tuần duyên Đài Loan khỏi vùng biển gần Senkaku...
Được trang bị mạnh và hiện đại như vậy, lực lượng tuần duyên và hải quân Nhật Bản càng tự tin khi thấy cần có những phản ứng hợp lý trong trường hợp gia tăng căng thẳng trên Biển Đông
Theo An Ninh Thế Giới
Giáo sư Thayer: ASEAN cần bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông Phát biểu tại hội nghị về an ninh khu vực tổ chức ở Malaysia, giáo sư Carl Thaye thuộc Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng ASEAN cần bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến tình hình trên Biển Đông thời gian qua, sau khi nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) ở Biển...