Ngoại trưởng Nga nói lý do Mỹ sẽ không tấn công Triều Tiên
Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho rằng Mỹ sẽ không tấn công Triều Tiên vì đã biết chắc Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Một cuộc diễu binh tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters.
“Người Mỹ sẽ không tấn công Triều Tiên bởi họ không chỉ nghi, mà đã biết chắc Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân”, ông Lavrov trả lời phỏng vấn với đài truyền hình NTV, được hãng Tass dẫn lại.
Nhà ngoại giao hàng đầu Nga nói thêm ông không bảo vệ Triều Tiên khi đưa ra bình luận này, nhưng “hầu hết mọi người đều đồng ý với phân tích này”.
Video đang HOT
Ông Lavrov cho rằng nếu Mỹ tấn công Triều Tiên mà không cân nhắc sức mạnh hạt nhân của nước này, “tình hình có thể vượt tầm kiểm soát, khiến hàng nghìn, hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người vô tội sẽ gánh chịu tại Hàn Quốc, cũng như tại Triều Tiên, và chắc chắn ở Nhật, Nga và Trung Quốc cũng nằm gần đó”.
“Tổng thống Putin đã nhiều lần nói không thể tưởng tượng rằng Mỹ hoặc ai đó có 100% thông tin về tất cả các vật thể hạt nhân”, ông Lavrov nói, thêm rằng Washington tấn công Iraq vì đã chắc 100% rằng không có vũ khí huỷ diệt hàng loạt tại nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần cho rằng lựa chọn quân sự “đang nằm trên bàn” về vấn đề Triều Tiên. Ông cảnh báo nước này sẽ bị “huỷ diệt hoàn toàn” nếu tấn công Mỹ hoặc đồng minh. Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gần đây cũng tham gia một cuộc khẩu chiến.
Ông Lavrov hôm qua hối thúc Washington và Bình Nhưỡng giảm căng thẳng và mô tả cuộc khẩu chiến giữa hai lãnh đạo là “cuộc cãi vã của trẻ mẫu giáo”.
Trọng Giáp
Theo VNE
Nga kêu gọi làm nguội 'những cái đầu nóng' ở Mỹ, Triều Tiên
Ngoại trưởng Nga nói Mỹ và Triều Tiên nên kiềm chế ngôn từ thù địch, cho rằng cuộc khủng hoảng có thể được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Reuters.
"Việc liên tục đe dọa nhau là điều khá tồi tệ, không thể chấp nhận được. Chúng ta phải làm nguội những cái đầu nóng đó", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói hôm 22/9. Ông kêu gọi lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên kiềm chế, tránh dưa ra các tuyên bố thù địch nhằm vào nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thời gian gần đây liên tục có những tuyên bố cứng rắn và công kích cá nhân lẫn nhau, giữa lúc tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang nhanh chóng. Bình Nhưỡng hai lần phóng tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản và tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch chỉ trong vòng một tháng qua.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 19/9, Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên để bảo vệ Mỹ và đồng minh, đồng thời gọi nhà lãnh đạo Kim Jong-un là "người tên lửa đang thực hiện nhiệm vụ tự sát". Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau đó gọi ông Trump là "người Mỹ loạn trí", đồng thời tuyên bố Tổng thống Mỹ sẽ phải "trả giá đắt" vì đe dọa hủy diệt Triều Tiên.
Ông Lavrov cho rằng đề xuất của Nga và Trung Quốc có thể dọn đường cho giải pháp ngoại giao xử lý khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Theo đó, Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đổi lại Washington và Seoul sẽ ngừng các hoạt động tập trận chung.
Ngoại trưởng Nga cũng cảnh báo sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ khiến Triều Tiên không còn lý do từ bỏ chương trình vũ khí để đổi lấy việc nới lỏng cấm vận. Tổng thống Trump tuyên bố ông đã "có quyết định" về việc có nên rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký kết với các cường quốc thế giới hồi năm 2015 hay không, nhưng từ chối tiết lộ quyết định.
Theo thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc, Tehran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Nếu Tổng thống Trump vào tháng 10 tới đây không xác nhận rằng Iran tuân thủ thỏa thuận, quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để thống nhất việc tái áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
Tử Quỳnh
Theo VNE
Nga nói còn quá sớm để ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên Ông Sergei Lavrov không ủng hộ việc áp đặt ngay các biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên mà Mỹ đề xuất. Ngoại trưởng Nga Lavrov. Ảnh: Velcraft. "Thảo luận về nghị quyết mới đang được nêu ra ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nó vẫn còn quá sớm để đưa ra dự báo về bản cuối cùng", AFP...