Ngoại trưởng Nga nhận định khó có khả năng phương Tây dỡ bỏ trừng phạt
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết phương Tây đã lên kế hoạch trừng phạt Nga từ lâu và rất khó có khả năng dỡ bỏ các biện pháp này.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: TASS
“Tốc độ và phạm vi các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt cho thấy chúng không phải được đưa ra ‘chỉ trong một đêm’. Những lệnh trừng phạt này đã được lên kế hoạch từ trước đây khá lâu. Chúng rất khó có thể được dỡ bỏ”, hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của ông Lavrov khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TF1 (Pháp) hôm 29/5.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cũng lưu ý trong các cuộc tiếp xúc với các đồng minh của mình, Mỹ đã nói rằng dù khi mọi thứ kết thúc, các lệnh trừng phạt sẽ vẫn giữ nguyên. Ông nhấn mạnh rằng ưu tiên chính của phương Tây không phải là bảo vệ Ukraine, mà coi Ukraine như một “con bài mặc cả” để kiềm chế Nga phát triển.
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: “Nga không cho phép phương Tây xây dựng một thế giới đơn cực mà Washington đã tuyên bố với sự đồng thuận tuân theo của châu Âu”.
Trước đó, hôm 26/5, ông Lavrov tuyên bố các quốc gia thù địch đã sử dụng nhiều công cụ nhằm chủ ý gây thiệt hại và kiềm tỏa Nga. Đồng thời, ông cáo buộc cuộc đối đầu giữa các nước phương Tây và Nga là “cuộc chiến tranh tổng lực” và cảnh báo chính sách “xóa bỏ” Nga sẽ tiếp tục trong thời gian dài.
Video đang HOT
“Các nước phương Tây đang tăng gấp đôi, gấp ba và gấp bốn nỗ lực để ngăn chặn đất nước của chúng ta. Họ sử dụng hàng loạt công cụ, từ các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương đến tuyên truyền hoàn toàn giả dối trên phương tiện truyền thông toàn cầu. Tư tưởng bài Nga đang tăng lên mức độ chưa từng có. Phương Tây đã tuyên chiến tổng lực chống lại chúng ta, chống lại toàn bộ thế giới Nga. Không ai che giấu điều đó vào lúc này”, ông cho biết.
Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyến bố tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm đáp lại lời yêu cầu giúp đỡ từ các nhà lãnh đạo của các vùng đòi độc lập ở Donbass. Ông nhấn mạnh rằng Moskva không có kế hoạch chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine, mà nhằm phi quân sự hóa quốc gia láng giềng.
Sau động thái này, Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và một số quốc gia khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt quy mô lớn đối với các cá nhân và thực thể Nga. Tổng thống Putin ngày 26/5 tuyên bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho Nga nhưng đồng thời ở mức một mức độ nào đó cũng giúp Nga mạnh mẽ hơn.
Theo đó, ông Putin thừa nhận trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có lĩnh vực logistics và vận tải, và không phải là không có tổn thất trong một giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh mọi thứ đang được điều chỉnh để thiết lập lại. Ông Putin khẳng định trong mọi trường hợp, Nga đang được tăng cường năng lực và bắt đầu tập trung các nguồn lực kinh tế, tài chính và hành chính vào những lĩnh vực mang tính đột phá.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cảnh báo những nước muốn gây tổn hại cho Nga bằng các biện pháp trừng phạt đang gây ra những thiệt hại cho chính đất nước đó. Ông nhấn mạnh việc cô lập Nga đơn giản là bất khả thi và không thể thực hiện được, do đó “những người muốn làm như vậy sẽ gây hại cho chính họ nhiều nhất”.
Về phần mình, Uỷ ban châu Âu (EC) đã đề xuất lệnh cấm vận đối với dầu mỏ Nga nhằm thúc đẩy giảm phụ thuộc của các nước EU đối với nguồn cung khí đốt từ nước này. Lệnh cấm vận được coi là biện pháp trừng phạt quan trọng nhất trong gói trừng phạt thứ 6 mà EU áp đặt với Nga. Ngoài dầu mỏ, gói trừng phạt cũng bao gồm các biện pháp nhằm vào ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank, vốn chiếm 37% hoạt động ngân hàng của Nga, cũng như các biện pháp bổ sung đối với các quan chức cấp cao của Nga. Tuy nhiên, cho đến nay, các cuộc thảo luận về vấn đề này vẫn chưa đạt được đột phá do phản đối của Hungary.
Trong phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thuỵ Sĩ), Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, đã thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Nga và không đề cập gì đến vấn đề đàm phán hòa bình với Moskva. Các nước Baltic và Ba Lan nằm trong số những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất quan điểm cứng rắn trên. Latvia thậm chí kêu gọi tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine.
Ngoại trưởng Nga tiết lộ chiến lược địa chính trị trong tương lai
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có những chia sẻ về các kế hoạch chính trị, kinh tế của Nga và tương lai quan hệ của nước này với phương Tây.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu tại một cuộc họp báo ở Moskva ngày 17/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đài RT, Ngoại trưởng Lavrov ngày 23/5 cho biết Nga mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc cũng như có ý định xây dựng mối quan hệ với các quốc gia độc lập và sẽ quyết định cách đối phó thích hợp với phương Tây.
"Quan hệ kinh tế giữa chúng ta và Trung Quốc sẽ phát triển nhanh chóng hơn. Bên cạnh việc đóng góp thu nhập trực tiếp vào ngân khố, điều này sẽ cho chúng ta cơ hội thực hiện các kế hoạch phát triển vùng Viễn Đông và Đông Siberia. Phần lớn các dự án với Trung Quốc đều tập trung ở đó. Đây là cơ hội để chúng ta nhận ra tiềm năng không chỉ trong lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm năng lượng hạt nhân, mà còn trong một số lĩnh vực khác", người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga chia sẻ với các em học sinh thuộc trường trung học phổ thông Primakov trong sự kiện truyền thống có tên gọi "100 câu hỏi cho nhà lãnh đạo".
Đề cập đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Moskva đang tìm cách giải quyết khủng hoảng Donbass bằng cách buộc Kiev tuân thủ Nghị định thư Minsk.
"Tôi tin rằng chuyện này sẽ kết thúc. Các quốc gia phương Tây cuối cùng sẽ nhận ra tình hình thực tế. Và họ sẽ phải thừa nhận không thể tấn công lợi ích của Nga hay người Nga", nhà ngoại giao nhấn mạnh.
Ông lưu ý trong trường hợp phương Tây thức tỉnh và muốn đề nghị nối lại quan hệ, Nga sẽ nghiêm túc xem xét.
Trước đó, ngày 21/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố cuộc chiến ở Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua giải pháp ngoại giao.
Không chỉ vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Italy Manlio Di Stefano xác nhận nước này đã đề xuất một lộ trình cho hòa bình ở Ukraine, nhấn mạnh việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ có thể thực hiện được thông qua các hành động ngoại giao phối hợp ở cấp độ quốc tế, và đã đệ trình văn kiện này lên Liên hợp quốc.
Trong hai tháng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt các gói trừng phạt chưa từng có, gây sức ép đối với Moskva. Trong động thái đáp trả, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tiến hành những biện pháp tài chính quyết liệt.
Ngoại trưởng Lavrov giải thích Moskva không chỉ thực hiện chiến lược thay thế nhập khẩu nhằm đáp trả trước các lệnh trừng phạt chống Nga, mà còn để "ngưng phụ thuộc vào bất kỳ nguồn cung nào từ phương Tây", từ đó dựa vào khả năng của chính mình và các quốc gia độc lập đáng tin cậy.
Hungary tiết lộ 10 nước EU âm thầm mua khí đốt Nga bằng đồng ruble Trong khi nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã công khai tuyên bố rằng họ sẽ không mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu, thì có 10 quốc gia EU về mặt kỹ thuật đang thực hiện theo kế hoạch của ông Putin. Các kỹ sư của FGSZ Ltd vặn van của một...