Ngoại trưởng Mỹ và những lần tuyên bố chính sách “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đầu tuần này tiếp tục thu hút sự chú ý sau khi tuyên bố Washington sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã bác bỏ tuyên bố ngay sau đó.
Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đồng loạt bác bỏ tuyên bố sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên. (Ảnh: AFP)
Chưa phải lúc đàm phán vô điều kiện
Theo BBC, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson hôm 12/12 bất ngờ tuyên bố, Mỹ sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên. Tuyên bố này trong khi nhận được sự hoan nghênh từ các nước như Nga, Hàn Quốc thì ngay lập tức đã bị Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định, quan điểm của Tổng thống Donald Trump về Triều Tiên vẫn “không thay đổi”. “Triều Tiên tiếp tục hành động thiếu an toàn không chỉ với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc mà với cả thế giới. Các hành động của Triều Tiên không có lợi cho bất cứ ai và tất nhiên cũng không có lợi cho Triều Tiên”, bà Sanders nói.
Một quan chức giấu tên của Nhà Trắng cho biết với Reuters: “Chính quyền vẫn thống nhất rằng bất cứ cuộc đàm phán nào với Triều Tiên cũng đều phải chờ cho tới khi Triều Tiên thực sự cải thiện hành vi của họ. Điều kiện đưa ra bao gồm, và không giới hạn, việc (Triều Tiên) buộc phải ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cũng khẳng định: “Chính sách của chính quyền với Triều Tiên không thay đổi. Mỹ vẫn ưu tiên giải pháp ngoại giao thông qua chiến dịch gây sức ép tối đa với Triều Tiên. Chúng tôi tiếp tục để ngỏ khả năng đối thoại khi Triều Tiên sẵn sàng đối thoại nghiêm túc, đáng tin cậy về việc phi hạt nhân hóa, tuy nhiên bây giờ chưa phải lúc”.
Video đang HOT
Những lần “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (Ảnh: Reuters)
Đây không phải lần đầu tiên Ngoại trưởng Tillerson đưa ra những tuyên bố trái ngược với quan điểm của Tổng thống Donald Trump.
Hồi tháng 8, cựu cố vấn Nhà Trắng Sebastian Gorka từng chỉ trích Ngoại trưởng Tillerson sau khi ông tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng khi Tổng thống Trump tuyên bố giải pháp quân sự với Triều Tiên đã “khóa và lên nòng”.
Tiếp đó, đến tháng 9, Ngoại trưởng Tillerson cho biết ông đã thiết lập các đường dây liên lạc trực tiếp với Bình Nhưỡng với hy vọng Triều Tiên quay lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, Tổng thống Trump sau đó đã bình luận trên Twitter rằng: “Hãy giữ sức đi Rex (Tillerson)! Chúng ta sẽ làm những thứ cần làm”.
Ngoài vấn đề hạt nhân Triều Tiên, ông Tillerson cũng thể hiện một quan điểm mâu thuẫn với chính quyền của Tổng thống Trump khi tìm cách bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran đạt được dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Những bình luận của ông Tillerson đưa ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về mối bất hòa giữa ông và Tổng thống Trump. Tổng thống Trump được cho là sẽ cách chức Ngoại trưởng Tillerson và thay thế bằng Giám đốc CIA Mike Pompeo. Tuy nhiên, cả Nhà Trắng và bản thân Tổng thống Trump đã bác bỏ thông tin đó.
Minh Phương
Theo Dantri
Mỹ đặt điều kiện dỡ bỏ trừng phạt Nga
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 7/12 đã đặt điều kiện cho phía Nga để Washington có thể giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đối với Moscow cũng như làm ấm lên quan hệ song phương giữa hai nước.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) họp song phương cùng người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson bên lề hội nghị OSCE tại Áo ngày 7/12 (Ảnh: Reuters)
Theo Washington Post, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 7/12 đã có cuộc hội đàm song phương với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bên lề phiên họp của Hội đồng Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Vienna, Áo.
Phát biểu với các phóng viên tại Vienna, Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố Mỹ sẽ không giảm nhẹ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga hoặc làm ấm lên quan hệ với Nga nếu Moscow không chấm dứt các động thái hỗ trợ phe ly khai ở đông Ukraine và từ bỏ việc sáp nhập Crimea.
"Chúng ta có thể mâu thuẫn với nhau trong một số lĩnh vực, nhưng khi một quốc gia can thiệp vào một quốc gia khác, đó lại là câu chuyện hoàn toàn khác và rất khó để có thể cho qua hay dàn xếp chuyện này", Ngoại trưởng Tillerson nói với các phóng viên.
"Chúng tôi đã nói rất rõ với Nga ngay từ đầu rằng, chúng tôi phải giải quyết vấn đề Ukraine. Đó là rào cản khó khăn nhất đối với chúng tôi trong việc bình thường hóa quan hệ với Nga - điều mà chúng tôi rất muốn làm", ông Tillerson nói thêm.
Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington đang tập trung triển khai các biện pháp ngoại giao ở đông Ukraine để đảm bảo an toàn cho dân thường ở khu vực này. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Mỹ thừa nhận rằng Crimea là một phần của Nga dù Moscow đã sáp nhập bán đảo này từ đầu năm 2014.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp thuận việc Nga sáp nhập Crimea. Các lệnh trừng phạt (của Mỹ) liên quan tới vấn đề Crimea sẽ vẫn được duy trì cho tới khi Nga trao trả quyền kiểm soát hoàn toàn bán đảo Crimea cho Ukraine. Ở đông Ukraine, chúng tôi sẽ cùng với các đối tác châu Âu tiếp tục trừng phạt Nga cho tới khi Nga rút quân khỏi vùng Donbas", Ngoại trưởng Tillerson cho biết.
Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga từ thời cựu Tổng thống Barack Obama sau khi Moscow sáp nhập Crimea. Liên quan tới vấn đề Ukraine, Nga vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng không thể thay thế của thỏa thuận Minsk và yêu cầu các bên, đặc biệt là Ukraine, cần thực thi nghiêm túc thỏa thuận này.
Cuộc xung đột giữa lực lượng Ukraine và các phần tử ly khai ở đông Ukraine đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột này nổ ra năm 2014. Bất chấp các cáo buộc của Mỹ, Nga nhiều lần tuyên bố nước này không kích động xung đột hay cung cấp vũ khí hoặc binh sĩ cho phe ly khai.
Thành Đạt
Theo Dantri
Tổng thống Trump và chiến lược 'Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương' của Mỹ Ba cụm tàu sân bay Mỹ sắp tham gia cuộc tập trận hải quân quy mô lớn ở Tây Thái Bình Dương, trong bối cảnh chính quyền Triều Tiên không có ý định chấm dứt tham vọng hạt nhân và tên lửa. Ảnh: US Navy Chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của Mỹ Ngày 18/10, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lần đầu...