Ngoại trưởng Mỹ “lên lớp” Trung Quốc ngay tại Bắc Kinh
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng tài chính Jack Lew đang có chuyến công du 2 ngày tới Trung Quốc. Khác với giọng hiếu chiến với láng giềng, Trung Quốc tỏ ra cực kỳ nhũn nhặn trước Mỹ.
Ông Tập sợ đối đầu?
Vào lúc này, giữa Trung Quốc và Mỹ đang có những bất đồng lớn trên nhiều vấn đề. Nổi cộm nhất là tình hình biển Đông khi Trung Quốc hành xử hung hăng với các láng giềng và chà đạp luật pháp quốc tế. Điều đó khiến Mỹ khó chịu và nhiều quan chức trong chính phủ Mỹ cáo buộc Bắc Kinh là kẻ khiêu khích tạo bất ổn trong khu vực.
Trung Quốc từng nhiều lần nói Mỹ phải đứng xa các tranh chấp ở biển Đông thông qua giọng nói gay gắt của các phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, cùng những bài báo hiếu chiến. Thế nhưng khi ông Kerry đến Bắc Kinh, Trung Quốc lại không dám giở giọng của kẻ hay đi bắt nạt.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
“Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là một thảm họa và cả hai phải tôn trọng chủ quyền của nhau”, ông Tập Cận Bình cho biết khi mở màn cuộc đàm phán hằng năm giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay.
“Chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau, đối xử với nhau một cách bình đẳng và tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Chúng ta cần tôn trọng sự lựa chọn con đường phát triển của nước khác”.
Video đang HOT
Cách mà ông Tập nói với Mỹ vô cùng êm ái, chưa bao giờ Trung Quốc nói với các láng giềng của mình như thế.
Mỹ lên lớp Trung Quốc
Trước khi ông Kerry đến Bắc Kinh, một quan chức cấp cao của Mỹ đã đưa ra thông tin mang tính dọn đường dư luận. Vị quan chức đi cùng ông Kerry cho biết, cái gọi là đường 9 đoạn mà Trung Quốc tự vạch ra trên biển Đông là quá mơ hồ và gây ra căng thẳng.
Ông này cho biết Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong các tranh chấp của Trung Quốc với các nước láng giềng, mặc dù Washington vẫn tăng cường hợp tác ngoại giao và quân sự với một số nước phản đối yêu sách của Bắc Kinh.
Mỹ cũng nhắc rằng, nhiều nước châu Á buộc tội Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự ngày càng tăng để tích cực thúc đẩy tuyên bố lãnh hải trên biển trong khu vực bất chấp luật pháp quốc tế.
Và trong cuộc gặp gỡ với Bắc Kinh, ông Kerry đã nói những điều như trong thông tin được dọn đường trước đó nhưng theo giọng văn của một nhà ngoại giao lão luyện: “Chúng tôi hoan nghênh sự trỗi dậy của một Trung Quốc hòa bình, ổn định, thịnh vượng, góp phần vào sự ổn định, phát triển của khu vực và có trách nhiệm trong các vấn đề thế giới”.
Ông Kerry còn nói thêm: “Tôi có thể nói với bạn rằng chúng tôi luôn lựa chọn con đường hòa bình và thịnh vượng và hợp tác và thậm chí với cả đối thủ cạnh tranh, nhưng không xung đột”.
Cách ông Kerry nói không khác gì giọng một người trường thành và thành đạt nói với một đứa trẻ nhà giàu mới lớn hung hăng với những người xung quanh. Liệu nghe bài lên lớp của ông, các quan chức chóp bu Bắc Kinh có sáng dạ, sáng lòng thêm không?
Theo Một Thế Giới
Căng thẳng Biển Đông bao trùm các cuộc đối thoại Mỹ Trung
Mỹ gần đây cáo buộc Trung Quốc có những hành vi gây mất ổn định, đồng thời hối thúc Bắc Kinh duy trì tự do hàng hải trên các tuyến đường thủy quan trọng.
Ngày 9/7, Đối thoại Chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ lần thứ 6 diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Dự kiến những căng thẳng Biển Đông với việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam sẽ là một trong những nội dung đề cập tại cuộc đối thoại. Dư luận quốc tế cũng tiếp tục lên tiếng phản đối hành động sai trái của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ngày 8/7, một quan chức trong thành phần phái đoàn tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Bắc Kinh để tham dự Đối thoại Chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ lần thứ 6 cho rằng, yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông là "mơ hồ", và những hành động của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Mỹ gần đây cáo buộc Trung Quốc có những hành vi gây mất ổn định, đồng thời hối thúc Bắc Kinh duy trì tự do hàng hải trên các tuyến đường thủy quan trọng. Hãng thông tấn Pháp AFP trích lời quan chức này nhấn mạnh, Mỹ muốn Trung Quốc tôn trọng và giữ những cam kết thực hiện biện pháp ngoại giao và hòa bình để giải quyết các yêu sách.
Đối thoại An ninh chiến lược Trung Quốc- Mỹ tại Bắc Kinh ngày 8/7.
Đài tiếng nói Hoa Kì (VOA) ngày 8/7 cũng đăng bài viết với tiêu đề "Bất đồng Biển Đông bao trùm các cuộc đối thoại Mỹ-Trung", với nhận định của các chuyên gia về quan điểm của Mỹ tại các cuộc đối thoại với Trung Quốc lần này. Theo các chuyên gia, mặc dù Mỹ không có một hiệp ước quốc phòng với Việt Nam như Nhật Bản và Philippines, nhưng Mỹ cũng không thể làm ngơ trước hành động của Trung Quốc.
Chuyên gia phân tích Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Mỹ Michael Auslin nhấn mạnh: "Điều đó không có nghĩa là chính sách của Mỹ nên bị đóng băng khi chúng ta nhìn thấy những hành động đang ngày càng hiếu chiến và hung hăng của Trung Quốc. Có rất nhiều điều Mỹ có thể làm".
Dư luận quốc tế cũng tiếp tục phản đối hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Báo Bloomberg của Mỹ cho rằng, với mong muốn mở rộng ảnh hưởng của mình, Trung Quốc đang đưa ra hành động đối đầu nguy hiểm với các nước láng giềng Đông Nam Á và Mỹ.
Theo chuyên gia phân tích viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Singapore Richard Bitzinger, người Trung Quốc tin rằng họ có quyền trở thành một cường quốc, và những gì chúng ta đang thấy đó là một lập trường cực đoan về vị trí của họ trên thế giới. Các chuyên gia cũng nhận định, tham vọng của Trung Quốc hiện không chỉ dừng lại ở đường 9 đoạn, mà mục tiêu lâu dài của Trung Quốc đó là tìm kiếm sự "bình đẳng" với khả năng hải quân của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh hiện nay, một giải pháp được các bên ủng hộ đó là thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vẫn đang lâm vào bế tắc. Tờ báo hàng đầu của Philippines Bản tin Manila ngày 8/7 trích dẫn nhận định của các chuyên gia và nhà bình luận chính trị về khả năng đạt được thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc.
Theo chuyên gia phân tích Mark Valencia của Viện nghiên cứu các vấn đề nghiên cứu Biển Đông Philippines cho rằng, những bất đồng cơ bản đang khiến Trung Quốc và ASEAN khó có thể tiến tới một thỏa thuận. Trong 12 năm qua kể từ khi Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) được kí giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN, các bên đến thời điểm hiện nay chỉ thảo luận về những nguyên tắc chung "cơ bản".
Những nguyên tắc cơ bản này bao gồm tăng cường sự tin tưởng chính trị, tuân theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển...Mặc dù vậy, những nguyên tắc cơ bản này thậm chí cũng đã bị vi phạm và "lờ đi" nhiều lần. Ông Valencia cũng bày tỏ không mấy lạc quan về việc đạt được một thỏa thuận COC, do những tuyên bố chồng lấn, lập trường chính trị khác biệt và cách hiểu khác của Trung Quốc so với ASEAN trong cách tiếp cận về COC.
Trung Quốc thời gian qua liên tiếp có những hành động sai trái tại Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, đúng như nhận định mới đây của chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc tế của Cuba ông Rivislei Gonzalez Saez, cho rằng dù thế giới có thể tràn ngập thông tin, nhưng sự thật sẽ luôn được tôn trọng.
Ông Saez nói, mỗi ngày sẽ có thêm hàng nghìn trí thức, nhà ngoại giao, quân nhân và nhân dân trên thế giới hiểu và lên tiếng bảo vệ quyền lợi của Việt Nam. Đây không còn là vấn đề của Việt Nam hoặc của Đông Nam Á mà là vấn đề cả thế giới phải quan tâm và lên tiếng bởi lẽ nó đã vượt quá phạm vi của sự ổn định khu vực./.
Theo VOV
Mỹ sẽ "ra đòn" với Trung Quốc về Biển Đông? Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ trở thành một trong những chủ đề chính của Vòng thứ 6 Đối thoại Kinh tế và Chiến lược MỹTrung, tổ chức tại Bắc Kinh trong 2 ngày 9-10/7 tới. Ngoại trưởng Mỹ...