Ngoại trưởng Kerry: Việt, Mỹ cùng nhau củng cố nền tảng tương lai
Trong khuôn khổ chuyến công du đến Việt Nam kéo dài từ ngày 14 đến 17/12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có chuyến thăm đến khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Tại đây, ông đã kêu gọi Việt Nam và Mỹ cùng nhau chung sức để chống biến đổi khí hậu, củng cố những nền tảng cho tương lai và cùng hợp tác để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (đứng giữa)
“Tôi cảm thấy thật tuyệt vời khi có mặt ở đây ngày hôm nay. Cách đây nhiều thập kỷ, ở vùng sông nước này, tôi là một trong số rất nhiều người chứng kiến giai đoạn khó khăn trong lịch sử quan hệ giữa hai nước. Ngày hôm nay, cũng tại vùng sông nước này, tôi có thể nhận thấy hai nước chúng ta đã cùng nhau tiến xa như thế nào”, Ngoại trưởng Kerry đã nói như vậy khi mở đầu bài phát biểu tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Theo ông Kerry, “không điều gì có thể đe dọa tương lai của khu vực này – nơi hàng triệu người đang sống, làm việc và cung cấp lương thực cho hàng triệu người khác trên thế giới”. Đồng bằng Sông Cửu Long là một trong hai hoặc ba khu vực có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới và “cả hành tinh này sẽ bị ảnh hưởng bởi những gì đang diễn ra ở đây”, Ngoại trưởng Mỹ cho biết.
Các nhà khoa học dự báo, nếu tình hình cứ tiếp tục diễn ra như hiện nay, mực nước biển sẽ dâng trung bình một mét vào cuối thế kỷ này. “Đối với một số người, con số này nghe không có vẻ gì là to tát. Nhưng tại Cà Mau, không khó để tưởng tượng mức độ thiệt hại khi nước biển dâng cao một mét. Điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu người trên thế giới phải di chuyển chỗ ở. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá. Hoạt động kinh tế toàn cầu có thể bị thiệt hại đến hàng tỷ đôla Mỹ. Và cuộc sống của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng. Phần lớn các hoạt động nuôi trồng và cạnh tác thủy sản như tôm và cá da trơn của thế giới đang diễn ra tại vùng đồng bằng này. Và có khoảng 70 triệu người đang làm kinh tế dựa vào dòng sông Mekong “, ông Kerry cho biết.
Trong khi một cơn bão đơn lẻ có thể không liên quan đến biến đổi khí hậu, mọi người đều biết, hoàn toàn có cơ sở khoa học, là nhiệt độ gia tăng có thể dẫn đến mùa mưa bão kéo dài hơn và nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn.
Quan trọng hơn cả, Đồng bằng Sông Cửu Long là vựa lúa gạo của cả thế giới. Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam . Và hàng chục triệu, hàng trăm triệu người ở châu Á và trên toàn thế giới xem gạo là nguồn dinh dưỡng chính. Ngay tại vựa lúa gạo của Việt Nam này, mực nước biển dâng cao đồng nghĩa với việc nước mặn xâm nhập vào Đồng bằng Sông Cửu Long. Bất kỳ ai làm nông nghiệp hoặc trồng trọt đều có thể nói cho bạn biết nước mặn và muối không phải là bạn của đồng lúa.
Video đang HOT
Giải thích về lý do có mặt tại Đồng bằng Sông Cửu Long, Ngoại trưởng Mỹ cho hay: “Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới bởi biến đổi khí hậu. Và chúng ta sẽ phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng nếu chúng ta không thay đổi cách xử lý vấn đề ngay hôm nay. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải hợp tác cùng nhau và tập trung vào những vấn đề này. Đó là lý do vì sao tôi đến đây, vùng xa xôi của Đồng bằng Sông Cửu Long, ngẫu nhiên cũng là nơi tôi đã từng có mặt trước đây. Nhưng tôi đến đây không phải để nhắc lại quá khứ, mà để tìm cách ứng phó với thách thức mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong tương lai”.
“Mỹ và Việt Nam đã và đang hợp tác với nhau. Chúng ta đang cùng làm việc ở nhiều cấp khác nhau để tăng cường khả năng chống chịu của Việt Nam trước các tác động mà chúng ta đã có thể nhận thấy được”, ông Kerry cho biết.
Cũng trong bài phát biểu ngày hôm qua, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ đã công bố cam kết ban đầu trị giá 17 triệu đôla Mỹ thông qua Chương trình Rừng và Đồng bằng Việt Nam của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID. Khoản tài trợ này sẽ được sử dụng để giúp các cộng đồng người dân ở Việt Nam chống suy thoái môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kết thúc bài phát biểu, Ngoại trưởng Mỹ một lần nữa nhấn mạnh cam kết hợp tác với Việt Nam trong vấn đề chống biển đổi khí hậu, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch để “chúng ta có thể đi tiếp hành trình chung, và để chúng ta có thể để lại một hành tinh đáng sống cho những thế hệ tiếp sau”. “Và tôi khó mà có thể diễn đạt được hết với mọi người niềm vui và những cảm xúc tốt đẹp được quay trở lại nơi này, để có thể tiếp tục củng cố những nền tảng cho tương lai và cùng hợp tác với bạn bè Việt Nam trong nỗ lực cùng xây dựng một tương lai tốt đẹp”, ông Kerry nói thêm.
Hải Yến
Theo_VnMedia
"Quan hệ Việt-Mỹ đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết"
Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 14/12 đã chính thức đến thăm Việt Nam. Chuyến thăm này sẽ kéo dài đến ngày mai (17/12).
Ngoại trưởng Kerry (Ảnh: Getty)
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngoại trưởng Kerry đã có bài phát biểu trước các thành viên của Hiệp hội Thương Mại Mỹ và Chương Trình Giảng Dạy Kinh Tế Fulbright. Trong bài phát biểu này, ông Kerry đã thể hiện một tình cảm yêu mến dành cho Việt Nam cũng như quyết tâm của giới lãnh đạo Mỹ trong việc củng cố quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Mở đầu bài phát biểu, Ngoại trưởng Kerry đã nói: "Xin chào Việt Nam. Tôi rất hạnh phúc có mặt tại đây hôm nay, rất hạnh phúc được trở lại".
Ông Kerry đã chia sẻ những hoài niệm về lần đầu tiên trở lại Việt Nam và lần gần đây nhất có mặt tại Việt Nam, từ khi quan hệ giữa hai nước vẫn còn bế tắc cho đến khi được khai thông và phát triển không ngừng.
"Tôi nghĩ không có hai nước nào từng làm việc chăm chỉ hơn, nỗ lực hơn và tốt hơn để cố gắng xích lại gần nhau, thay đổi lịch sử, thay đổi tương lai và mang lại một tương lai giờ đã khác rất xa cho người dân. Tôi vẫn nhớ là khi đặt chân đến Hà Nội vào thời điểm đó (năm 1990 khi lần đầu tiên ông Kerry quay trở lại Việt Nam), tôi nhìn thấy tất cả những hố bom. Hầu như không có xe máy, hầu hết là xe đạp và rất rất ít xe hơi. Tại thời điểm đó, không có đèn báo hiệu giao thông nào tại Hà Nội hoạt động, chỉ có một vài khách sạn. Hà Nội lúc đó dường như là nơi đã bị đóng băng trong thời gian".
"Không ai khỏi ngạc nhiên về một Việt Nam hiện đại. Những gì đã diễn ra trong vòng hơn 20 năm là rất đáng kinh ngạc. Tôi có thể nói rằng đây không phải là một sự chuyển biến xảy ra ngẫu nhiên", Ngoại trưởng Kerry phát biểu.
Theo ông Kerry, mối quan hệ giữa hai nước Mỹ, Việt đang "phát triển mạnh mẽ hơn từng ngày khi chúng ta tiếp tục làm việc cùng nhau". Những lĩnh vực hợp tác nổi bật mà ông Kerry nhắc đến là giáo dục và kinh tế.
Đề cập đến kinh tế, Ngoại trưởng Kerry cho biết: "Thương mại song phương đã tăng 50 lần kể từ năm 1995 lên đến hơn 25 tỉ USD mỗi năm.Và chúng ta đang theo đúng lộ trình để đạt được mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam trong vòng 5 năm, mục tiêu mà Tổng thống Obama đặt ra cách đây 5 năm. Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Mỹ tại khu vực, và chúng ta đang tiếp tục làm việc vì mục tiêu đó".
"Hôm nay, chúng ta đang ở ngưỡng cửa của một sự chuyển biến lớn khác sẽ mở ra nhiều cánh cửa đến các cơ hội, nó sẽ làm cho quan hệ đối tác của chúng ta mạnh mẽ hơn, và thực sự có thể khiến thị trường của chúng ta có được nhiều năng lượng và hiệu quả hơn. Những gì tôi đang nói là các cơ hội mà Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương mang lại, một hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao mà Việt Nam và Mỹ đang đàm phán cùng với 10 đối tác trong khu vực Thái Bình Dương. Các tiêu chuẩn cao của hiệp định này sẽ duy trì được đà cải cách thị trường, hiện đại hóa và hội nhập khu vực mà chính phủ Việt Nam đặt làm ưu tiên. Hiệp định sẽ hoàn thiện các nỗ lực của Việt Nam nhằm chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước và các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như năng lượng và ngân hàng nhằm thu hút thêm đầu tư", ông Kerry phát biểu.
Theo ông Kerry, "rõ ràng là quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Mỹ đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và thú vị nhất, tôi tin tưởng rằng chúng ta chỉ mới bắt đầu. Đây chỉ là sự khởi đầu, và rất nhiều cơ hội to lớn còn ở phía trước. Tôi tin tưởng tuyệt đối rằng những mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam sẽ là những trụ cột của sự thịnh vượng lớn hơn và của sự thịnh vượng chung trong nhiều thập niên tới".
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, những cuộc họp của Ngoại trưởng Kerry chú trọng đến sự phát triển của mối quan hệ thương mại song phương và vai trò ngày càng quan trọng của giáo dục. Tiếp đó, chuyến thăm của ông đến đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh vào việc người Mỹ và người Việt Nam có thể cùng chung sức làm việc về những vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, tại thủ đô Hà Nội, Ngoại trưởng Kerry sẽ gặp gỡ với các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam để thúc đẩy Quan hệ Đối tác Toàn diện được Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang công bố hồi tháng 7, đồng thời thảo luận về một loạt các vấn đề song phương và khu vực.
Chuyến thăm Việt Nam của nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ nằm trong khuôn khổ chuyến thăm Châu Á và Trung Đông của ông này. Đây là lần thứ tư ông Kerry có chuyến thăm đến Châu Á kể từ khi ông trở thành Ngoại trưởng của nước Mỹ.
Trong chính sách tái cân bằng khu vực châu Á -Thái Bình Dương, Đông Nam Á chiếm vai trò đặc biệt quan trọng. Chuyến thăm của Ngoại trưởng đến Việt Nam sẽ làm nổi bật sự chuyển đổi đáng kể trong mối quan hệ song phương qua nhiều năm và quan hệ đối tác đang phát triển giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực.
Hải Yến
Theo_VnMedia
Mỹ e ngại "kẻ liều lĩnh" Kim Jong-un có vũ khí hạt nhân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhận định rằng quyết định xử tử Jang Song-thaek của Kim Jong-un là "dấu hiệu của sự bất ổn và nguy hiểm". Trả lời phỏng vấn chương trình "Tuần này" trên kênh ABC phát đi hôm chủ nhật. Ông vừa hoàn tất chuyến công du đến Jerusalem, Ramallah, Việt Nam và dự định sẽ đến Manila và Tacloban...