Ngoại trưởng Iran nói Anh – Mỹ tấn công Houthi là sai lầm chiến lược
Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) cho biết trong cuộc điện đàm ngày 15/1 với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian nói việc Mỹ và Anh tấn công Houthi ở Yemen là bất hợp pháp.
Một tên lửa được phóng từ tàu chiến trong đợt tấn công Houthi ở Yemen do Mỹ dẫn đầu ngày 12/1. Ảnh: Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ
Theo kênh Al Jazeera, ông Amir-Abdollahian cũng mô tả các cuộc tấn công của Mỹ và Anh là sai lầm chiến lược.
Về phần mình, đề cập đến căng thẳng ở Biển Đỏ, ông Guterres bày tỏ lo ngại về xu hướng lan rộng xung đột trong khu vực.
Trước đó, Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công ngày đêm 11 – sáng 12/1 nhằm vào các địa điểm liên quan đến thiết bị bay không người lái, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, các hệ thống giám sát trên không và radar ven biển của lực lượng Houthi ở Yemen. Mỹ tuyên bố có thể sẽ tiến hành thêm các đợt tấn công mới trong trường hợp cần thiết.
Sau cuộc không kích, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo nước này sẽ thực hiện các cuộc tấn công mới nhằm vào Houthi ở Yemen nếu lực lượng này tiếp tục tấn công các tàu thuyền thương mại ở Biển Đỏ. Phát biểu với các phóng viên trong chuyến đi vận động tranh cử ở bang Pennsylvania, ông Biden nói rõ: “Chúng tôi đảm bảo là sẽ đáp trả Houthi nếu họ còn tiếp tục các hành động thái quá”. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói ông không tin các cuộc không kích của Mỹ và Anh nhằm vào các tay súng Houthi đã gây ra thương vong cho dân thường ở Yemen.
Cùng ngày, Ai Cập và Saudi Arabia đã bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang các hoạt động quân sự ở Biển Đỏ sau các cuộc không kích của Mỹ và Anh nhằm vào các mục tiêu của Houthi.
Tuyên bố của của Bộ Ngoại giao Ai Cập nói rõ Cairo kêu gọi thúc đẩy các nỗ lực chung của khu vực và quốc tế nhằm làm giảm căng thẳng và tránh gây bất ổn trong khu vực, đặc biệt là tuyến hàng hải trên Biển Đỏ. Những diễn biến nguy hiểm và ngày càng leo thang gần đây ở phía Nam Biển Đỏ cũng như ở Yemen diễn ra theo đúng cảnh báo trước đó của Ai Cập về nguy cơ xung đột lan rộng xuất phát từ các cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza. Cairo nhấn mạnh cần có lệnh ngừng bắn toàn diện và đảm bảo chấm dứt hoàn toàn xung đột ở Gaza để tránh đẩy khu vực rơi sâu vào bất ổn hơn nữa.
Saudi Arabia cũng kêu gọi các bên kiềm chế và tránh leo thang xung đột trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an ninh và ổn định trên Biển Đỏ. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ với sự quan ngại sâu sắc về các hoạt động quân sự ở Biển Đỏ cũng như các cuộc không kích nhằm vào một số địa điểm ở Yemen.
Trong khi đó, lực lượng Houthi tuyên bố sẽ trả đũa các cuộc không kích của quân đội Mỹ và Anh trên Biển Đỏ hoặc đất liền.
Tối 15/1, Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết Houthi vừa sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm tấn công trúng con tàu M/V Gibraltar Eagle thuộc sở hữu của Mỹ nhưng chưa có thiệt hại gì về người.
Trước đó, Cơ quan An ninh và công ty quản lý rủi ro hàng hải của Anh thông báo một tàu chở hàng của Mỹ đã bị trúng tên lửa ngoài khơi Yemen. Đám cháy đã bùng phát trên con tàu đang treo cờ Quần đảo Marshall nhưng con tàu vẫn tiếp tục hải trình và không có báo cáo về thương vong.
Video đang HOT
Ít nhất có 6 tàu chở dầu đã phải thay đổi lộ trình trong ngày 15/1 để tránh đi qua vùng biển phía Nam Biển Đỏ. Như vậy kể từ khi Mỹ và Anh không kích các mục tiêu của Houthi ở Yemen, đã có tới 15 con tàu phải chuyển hướng, đi qua mũi Hảo Vọng ở cực Nam Châu Phi để tới châu Âu hoặc Mỹ.
Điểm tên những vũ khí mà Mỹ và Anh dùng để tấn công Houthi ở Yemen
Mỹ và Anh đã sử dụng nhiều loại vũ khí để tấn công các mục tiêu quân sự của lực lượng Houthi ở Yemen ngày 11/1.
Kênh CNN đã điểm tên một số vũ khí mà Mỹ và Anh đã triển khai.
Tên lửa Tomahawk
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry phóng tên lửa hành trình Tomahawk để hỗ trợ cho Chiến dịch Bình minh Odyssey ngày 29/3/2011. Ảnh: Getty Images
Tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk của Hải quân Mỹ là tên lửa hành trình bay thấp, có khả năng mang đầu đạn thông thường nặng khoảng 450kg, bay hàng trăm km vào đất liền.
Theo thông tin của Hải quân Mỹ, khi được phóng từ tàu mặt nước hoặc tàu ngầm, Tomahawk bay với tốc độ cận âm, có thể né tránh các hệ thống phòng không.
Tomahawk có độ chính xác cao và được dẫn đường bằng GPS nên loại tên lửa này có thể thay đổi mục tiêu hoặc hướng bay sau khi được phóng tùy theo nhu cầu.
Tomahawk có khả năng di chuyển phía trên khu vực mục tiêu để đáp trả các mục tiêu mới xuất hiện. Nhờ camera gắn kèm, tên lửa này có cung cấp thông tin về thiệt hại trong trận chiến cho các chỉ huy.
Mỹ sử dụng Tomahawk lần đầu tiên trong chiến đấu vào năm 1991 trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc chống lực lượng của lãnh đạo Iraq lúc bấy giờ là Saddam Hussein. Loại vũ khí này đã được sử dụng trong một số cuộc xung đột khác sau đó.
Tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường USS Florida
Tàu ngầm tên lửa dẫn đường USS Florida đi qua kênh đào Suez ở Ai Cập vào ngày 7/4/2023. Ảnh: Bộ Tư lệnh Trung tâm Hải quân Mỹ
USS Florida là một trong 4 tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSGN) của đội tàu ngầm thuộc Hải quân Mỹ.
Theo thông tin của Hải quân Mỹ, ban đầu là tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio có mang đầu đạn hạt nhân, tàu USS Florida và các tàu USS Ohio, USS Michigan và USS Georgia đã được chuyển thành tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường từ năm 2005 đến năm 2007.
Kích thước và sức mạnh tương đối lớn của USS Florida giúp tàu này mang theo được 154 tên lửa hành trình Tomahawk, nhiều hơn 50% so với các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ và gần gấp 4 lần so với các tàu ngầm tấn công mới nhất của Hải quân Mỹ.
Ông Carl Schuster, Giám đốc chiến dịch tại Trung tâm Tình báo Hỗn hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, cho biết: "SSGN có thể khai hỏa rất nhanh. 154 quả Tomahawk giáng rất nhiều đòn tấn công một cách chính xác. Không đối thủ nào của Mỹ có thể bỏ qua mối đe dọa này".
Mặc dù Hải quân Mỹ có thể huy động số lượng tàu khu trục lớn hơn để phóng tên lửa với số lượng lớn hơn, nhưng khi hoạt động độc lập và khó bị phát hiện, tàu ngầm tên lửa dẫn đường lớp Ohio có khả năng lớn nhất trong phóng các tên lửa thông thường.
Sức mạnh hỏa lực đó được thể hiện vào tháng 3/2011, khi tàu USS Florida bắn gần 100 quả Tomahawk nhằm vào các mục tiêu ở Libya trong Chiến dịch Bình minh Odyssey. Cuộc tấn công đó đánh dấu lần đầu tiên SSGN được sử dụng trong chiến đấu.
USS Florida chạy bằng một lò phản ứng hạt nhân cung cấp hơi nước cho hai tua-bin làm quay chân vịt của tàu ngầm. Hải quân Mỹ cho biết phạm vi hoạt động của tàu này là không giới hạn, có khả năng ở dưới nước cho đến khi nào cần tiếp tế thực phẩm cho thủy thủ đoàn.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ
USS Fitzgerald - tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke ở Biển Nhật Bản vào ngày 1/6/2017. Ảnh: Hải quân Mỹ
Lầu Năm Góc cho biết ngoài USS Florida, các tàu mặt nước của Mỹ cũng đã phóng tên lửa Tomahawk tấn công lực lượng Houthi.
Xương sống của đội tàu mặt nước của Hải quân Mỹ là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke. Lơp này có gần 70 chiếc đang hoạt động.
Với lượng giãn nước lên tới 9.700 tấn, tàu thuộc lớp Burke mang theo nhiều loại vũ khí, cả để phòng thủ và tấn công.
Các tàu khu trục triển khai tên lửa hành trình Tomahawk bằng Hệ thống phóng thẳng đứng (VLS). Mỗi tàu khu trục có 90 đến 96 ống phóng VLS, tùy thuộc vào thời điểm được chế tạo.
Lầu Năm Góc chưa cho biết tàu khu trục cụ thể nào đã tham gia vào cuộc tấn công ở Yemen, nhưng một số tàu chiến đã có mặt ở Biển Đỏ trong hai tháng qua để bảo vệ các tàu thương mại trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Houthi.
Máy bay chiến đấu Typhoon của Anh
Một máy bay chiến đấu Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh cất cánh từ Căn cứ Không quân Osan, cách Seoul 70 km về phía Nam vào ngày 8/11/2016. Ảnh: Kyodo
Các máy bay hai động cơ, một phi công là trụ cột của đội bay của Không quân Hoàng gia Anh.
Theo thông tin của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, Typhoon bay với tốc độ nhanh tới Mach 1,8 và có trần bay lên tới 16.800m.
Typhoon do một nhóm công ty quốc phòng chế tạo nhằm cung cấp cho nhiều quốc gia NATO một máy bay chiến đấu đa chức năng. Loại máy bay chiến đấu này là những vũ khí mạnh mẽ, có khả năng mang nhiều loại tên lửa không đối không và không đối đất cũng như bom dẫn đường chính xác.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết 4 máy bay chiến đấu Typhoon đã tham gia cuộc tấn công các mục tiêu của Houthi, thả bom Paveway IV - loại bom có đầu đạn nặng gần 230kg.
Paveway IV có các vây đuôi giúp dẫn đường đến mục tiêu dựa trên hướng mà vũ khí nhận được từ việc đánh dấu bằng laser hoặc bằng tọa độ GPS truyền tới nó.
Những chiếc Typhoon của Anh được hỗ trợ bởi một máy bay tiếp liệu trên không Voyager, giúp chúng bay được quãng đường xa hơn. Bộ Quốc phòng Anh không cho biết máy bay Typhoon cất cánh từ đâu. Nhưng đoạn video do Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps đăng cho thấy Typhoon cất cánh vào ban đêm từ đường băng trên đất liền.
Ngày 11/1, quân đội Mỹ và Anh đã tiến hành không kích hơn 10 địa điểm của lực lượng Houthi tại Yemen trong một cuộc tấn công trả đũa quy mô lớn. Mục tiêu của cuộc không kích này gồm các trung tâm hậu cần, hệ thống phòng không và các địa điểm cất giấu vũ khí của Houthi ở Yemen.
Trung Quốc quan ngại sâu sắc về căng thẳng tại Biển Đỏ Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 14/1 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ, đồng thời kêu gọi chấm dứt hành vi quấy rối các tàu dân sự. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry (phải, phía xa) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái, phía xa) tại...