Ngoại trưởng G7 nhóm họp tại Nhật Bản
Ngày 16/4, ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã bắt đầu cuộc họp kéo dài 3 ngày tại thị trấn nghỉ dưỡng Karuizawa ở tỉnh Nagano, miền Trung Nhật Bản.
Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhóm họp tại Karuizawa, Nhật Bản, ngày 16/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin Kyodo, trong buổi làm việc đầu tiên, quan chức ngoại giao các nước nhất trí sự đoàn kết đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Dự kiến trong hai ngày tới, các nhà ngoại giao hàng đầu G7 sẽ thảo luận các vấn đề như khủng hoảng Ukraine, giải trừ hạt nhân, chế độ Taliban cầm quyền tại Afghanistan… Theo các quan chức Chính phủ Nhật Bản, hội nghị cũng sẽ thảo luận về việc tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển ở Nam bán cầu, nhiều nước trong số đó vẫn giữ thái độ trung lập đối với cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như vấn đề an ninh lương thực.
Hội nghị Ngoại trưởng G7, có sự tham dự của người đứng đầu ngành ngoại giao các nước Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Canada, Italy và một quan chức Liên minh châu Âu (EU), là nhằm chuẩn bị chương trình nghị sự cho Hội nghị thượng đỉnh G7 do Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chủ trì, dự kiến diễn ra ở thành phố Hiroshima từ ngày 19 – 21/5. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 49 của G7 là sự kiện ngoại giao quan trọng nhất của Nhật Bản trong năm nay.
Chỉ số giá lương thực toàn cầu giảm tháng thứ 12 liên tiếp
Chỉ số giá lương thực toàn cầu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã giảm từ 129,7 điểm trong tháng 2 xuống 126,9 điểm trong tháng 3, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021, đồng thời ghi dấu tháng giảm thứ 12 liên tiếp.
Một quầy hàng bán lương thực tại chợ ở Sanaa, Yemen. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo FAO, tình trạng dư cung, nhu cầu nhập khẩu yếu và việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen là những yếu tố góp phần vào sự sụt giảm của chỉ số trên.
Bên cạnh đó, FAO nhận định đà giảm của chỉ số giá lương thực phản ánh mức giá thấp hơn đối với ngũ cốc, dầu thực vật và sản phẩm sữa, trong khi giá đường và thịt vẫn tăng.
Maximo Torero, nhà kinh tế trưởng của FAO, cho biết dù giá giảm ở cấp độ toàn cầu, song vẫn ở mức cao và tiếp tục tăng tại thị trường trong nước, qua đó đặt ra những thách thức bổ sung đối với an ninh lương thực. Tình hình đặc biệt trở nên nghiêm trọng hơn tại các nước đang phát triển phải nhập khẩu lương thực ròng, trong khi đồng nội tệ mất giá và gánh nặng nợ nần ngày càng chồng chất.
Trong tháng 3, chỉ số giá ngũ cốc của FAO giảm 5,6% so với tháng trước đó, với giá lúa mì giảm 7,1%, giá ngô giảm 4,6% và giá gạo giảm 3,2%. Trong khi đó, giá đường tăng 1,5% lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2016, do những lo ngại về sản lượng giảm tại Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc. Cùng tháng, chỉ số giá thịt tăng 0,8%.
Bên cạnh đó, FAO đã nâng ước tính sản lượng ngũ cốc thế giới trong năm 2022 lên 2,777 tỷ tấn, chỉ giảm 1,2% so với năm trước đó. Sản lượng gạo thế giới niên vụ 2022 - 2023 ước đạt 516 triệu tấn, giảm 1,6% so với vụ thu hoạch kỷ lục 2021 - 2022.
Nhu cầu tiêu thụ ngũ cốc thế giới trong giai đoạn 2022 - 2023 được ước tính ở mức 2,779 tỷ tấn, giảm 0,7% so với niên vụ 2021 - 2022, trong khi dự trữ ngũ cốc vào cuối niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm 0,3% xuống 850 triệu tấn.
Trung Quốc và Singapore thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện chất lượng cao hướng tới tương lai Trung Quốc và Singapore ngày 1/4 ra tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện chất lượng cao hướng tới tương lai, nhân chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Tuyên bố nêu rõ việc nâng cấp quan hệ song phương phản ánh cam kết của hai nước trong việc xây dựng hướng đi...