Ngoại trưởng Ecuador phát biểu tại Hà Nội về Snowden
Bộ trưởng Ngoại giao Ecuador tối qua cho biết đang xem xét đơn xin tị nạn cho Edward Snowden và bày tỏ quan điểm ủng hộ việc làm của cựu nhân viên CIA, cho rằng đây là hành động “làm sáng tỏ” các hoạt động của Mỹ.
Ngoại trưởng Ecuador, Ricardo Patino trong cuộc họp báo tối qua. Ảnh: AFP
Trả lời phỏng vấn tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Ricardo Patino nói với các phóng viên rằng Ecuador không biết nơi ở của cựu nhân viên kỹ thuật của CIA. Snowden đang bị Mỹ truy nã với tội danh gián điệp.
Hôm qua, Snowden không lên chuyến bay từ Moscow tới Cuba đã đặt trước. Snowden đến Nga tối 23/6 từ Hong Kong và đệ đơn xin tị nạn ở Ecuador.
“Ecuador đã thông báo đang xem xét đơn xin tị nạn mà ông Snowden đề nghị, do đó chính phủ Nga có thể đưa ra quyết định mà họ cho là phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế”, Patino nói.
Ông cũng cho biết thêm rằng: “Mỹ đã gửi yêu cầu tới Ecuador. Chúng tôi sẽ phân tích và đưa ra quyết định đúng lúc”.
Video đang HOT
“Chúng tôi đang xem xét các lý lẽ của Mỹ đưa ra và chúng tôi sẽ đưa ra quyết định dựa trên hiến pháp và nghĩa vụ quốc tế cũng như chủ quyền của đất nước chúng tôi”, ông nói thêm trong cuộc họp báo tại Hà Nội..
Tuy nhiên, ông Patino lên tiếng bảo vệ hành động của Snowden, người làm rò rỉ thông tin về các chương trình do thám của Mỹ trong đó thu thập các dữ liệu điện thoại và Internet. Vụ rò rỉ này gây bẽ mặt cho chính quyền của Tổng thống Barack Obama.
Ông đọc những đoạn trích trong đơn xin tị nạn của Snowden, trong đó cựu nhân viên của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ lo sợ bị chính phủ “hành hạ”.
Snowden nói dường như ông sẽ không thể nhận được sự xét xử công bằng tại Mỹ, dẫn đến khả năng nhận án tử hình hoặc chung thân là rất cao.
“Ông ấy chỉ cố làm sáng tỏ và minh bạch những sự kiện có ảnh hưởng đến những người bị theo dõi. Người dân và chính phủ các nước cần nhận được lời giải thích về việc này”, Patino nói.
Ecuador đang che chở cho người sáng lập WikiLeaks, Julian Assange, tại đại sứ quán nước này ở Anh. Assange đang bị các công tố viên Thụy Điển truy tố vì các cáo buộc tình dục.
Tổng thống Ecuador Rafael Correa hôm qua cũng viết trên tài khoản Twitter rằng Ecuador sẽ xem xét đơn xin tị nạn của Snowden một cách “có trách nhiệm”.
“Hãy yên tâm rằng chúng tôi sẽ đưa ra quyết định mà chúng tôi cho là phù hợp nhất và hoàn toàn tôn trọng chủ quyền của chúng tôi”, Correa viết.
Theo VNE
'Kẻ phản bội nước Mỹ' biến mất giữa Moscow
Edward Snowden, người làm bẽ mặt chính phủ Mỹ với những tiết lộ động trời về chương trình theo dõi người dân, hôm nay biến mất tại thủ đô Moscow của nước Nga và có thể đã tới một quốc gia khác.
Snowden trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian. Ảnh: AFP
Theo AFP, Snowden đã không thể lên chuyến bay của hãng Aeroflot mà cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) này đã đặt vé để tới Havana, thủ đô của Cuba. "Người thổi còi" dự định từ Cuba sẽ chạy sang Eduador để tị nạn tại quốc gia này.
Hãng tin Interfax của Nga xác nhận Snowden không có mặt trên chuyến bay từ Moscow tới Havana, đồng thời dẫn một nguồn tin cho hay người này nhiều khả năng đã ra khỏi nước Nga. Người cũng từng làm việc tại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đến Moscow hôm 23/6 từ Hong Kong, nơi anh đã tiết lộ với truyền thông các chi tiết liên quan tới những chương trình gián điệp mạng của các cơ quan tình báo Mỹ và Anh.
Theo các quan chức Nga, Snowden đã dành đêm đầu tiên tại một buồng ngủ riêng biệt dành cho các vị khách nghỉ chân khi quá cảnh tại sân bay Sheremetyevo ở Moscow. Người đàn ông này dự kiến sẽ lên máy bay lúc 10h05 giờ GMT, sau khi các nguồn tin hàng không cho hay anh đã làm thủ tục và có số ghế trên chuyến bay.
Snowden và người cùng đi có tên Sarah Harrison, một công dân Anh đang làm việc trong đội pháp lý của nhóm Wikileaks, đã làm thủ tục lên chuyến bay SU 150 để tới Havana. Thông tin này được một phóng viên của AFP xác nhận do người này đã nhìn thấy bảng lịch trình của chuyến bay nói trên.
Chiếc máy bay sau đó rời sân bay Sheremetyevo với rất nhiều nhà báo trên khoang nhưng không ai nhìn thấy Snowden ngồi ở bất cứ chiếc ghế nào. Ngay khi phi cơ cất cánh, cựu nhân viên CIA được xác nhận không có mặt trên chuyến bay.
Interfax dẫn một nguồn tin cho hay Snowden nhiều khả năng đã rời nước Nga trên một chiếc máy bay khác. Khi các nhà báo biết rằng Snowden không có mặt trên chuyến bay SU 150 kể trên, cửa đã đóng và chẳng có cách nào để họ thoát khỏi chuyến đi 12 giờ tới Havana.
Hành tung của Snowden càng thêm bí ẩn khi anh này không hề xuất hiện trước công chúng một lần nào tại sân bay ở Moscow, kể từ sau khi đáp chuyến bay của hãng Aeroflot tới đây từ Hong Kong. Các nguồn tin an ninh Nga cho hay họ không có lý do nào để bắt "người thổi còi", trong khi giới chức nước này mô tả anh ta là một hành khách quá cảnh bình thường, người thậm chí về lý thuyết đã không đặt chân vào nước Nga.
Trong diễn biến mới nhất, Nga cho hay đang xem xét yêu cầu dẫn độ Snowden mà Mỹ gửi tới. Trong khi đó, người sáng lập Wikileaks, Julian Assange tiết lộ Snowden và người cùng đi đều khỏe mạnh, an toàn, nhưng từ chối cho biết vị trí của "người thổi còi".
Snowden bị chính phủ Mỹ buộc tội gián điệp vì những tiết lộ động trời về chương trình theo dõi của các cơ quan tình báo nước này. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry thậm chí gọi Snowden là "kẻ phản bội".
Theo VNE
Người tiết lộ bí mật của chính phủ Mỹ xin tị nạn ở Ecuador Chính phủ Ecuador đã nhận yêu cầu tị nạn của Edward Snowden, người tiết lộ chương trình theo dõi bí mật của Mỹ và đang là tâm điểm chú ý của toàn thế giới những ngày này. Người dân thể hiện sự ủng hộ đối với Edward Snowden tại Hong Kong hôm 13/6. Ảnh: AFP. Ông Ricardo Patino, Ngoại trưởng Ecuador, xác nhận...