Ngoại trưởng Blinken tiết lộ nội dung thỏa thuận an ninh song phương Mỹ – Ukraine
Thoả thuận an ninh song phương mà Mỹ và Ukraine đang đàm phán sẽ tăng cường “cầu nối giữa Kiev với NATO”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc gặp ở Kiev, Ukraine, ngày 14/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang Pravda (Ukraine) ngày 15/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố rằng một thỏa thuận an ninh song phương tiềm năng với Ukraine sẽ hỗ trợ quân sự trong nhiều lĩnh vực, đưa nước này đến gần hơn với tư cách thành viên NATO.
Phát biểu tại Đại học Kỹ thuật Quốc gia Igor Sikorsky Kiev trong chuyến thăm Ukraine, ông Blinken tiết lộ rằng thoả thuận an ninh song phương mà Mỹ và Ukraine đang đàm phán sẽ tăng cường “cầu nối giữa Kiev với NATO”.
“Theo thỏa thuận 10 năm của chúng tôi, Mỹ sẽ hỗ trợ quốc phòng và an ninh trên một loạt lĩnh vực thiết yếu – từ lực lượng không quân đến phòng không, từ thiết bị bay không người lái đến rà phá bom mìn”, ông Blinken nói thêm.
Ngoại trưởng Mỹ cũng gợi ý về cơ chế tham vấn được quy định trong thỏa thuận trong trường hợp Ukraine bị tấn công: “Nếu Nga hoặc bất kỳ ai khác tấn công Ukraine, chúng tôi sẽ liên lạc với Ukraine ngay lập tức ở cấp cao nhất để phối hợp hỗ trợ để phản ứng với mối đe dọa”.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, ông Blinken cho rằng thỏa thuận an ninh giữa Ukraine và Mỹ sẽ giúp đẩy nhanh nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của Kiev, cho phép quốc gia Đông Âu này ít phụ thuộc hơn vào hỗ trợ quân sự từ các nước khác về lâu dài, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngoại trưởng Mỹ kết luận: “Tất cả biện pháp trên sẽ đảm bảo rằng, khi các điều kiện được đáp ứng và các đồng minh đồng ý, việc Ukraine được mời và gia nhập NATO sẽ nhanh chóng và suôn sẻ”.
Đầu tháng 5 này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Kiev đang chuẩn bị 7 hiệp định an ninh song phương mới, bao gồm cả với Washington.
Văn phòng của Tổng thống Zelensky cũng đã báo cáo có tiến bộ trong đàm phán giữa Ukraine và Mỹ về thỏa thuận an ninh song phương nhằm tiếp nối tuyên bố của G7 về đảm bảo an ninh. Các bên hy vọng sẽ thống nhất được văn bản cuối cùng trong tháng 5 này.
Thành viên NATO giải thích lý do Ukraine bị ngăn cản gia nhập khối
Thủ tướng Slovakia cảnh báo việc cho phép Kiev gia nhập NATO sẽ có nguy cơ gây ra chiến tranh toàn cầu.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico tại một sự kiện ở Brussels, Bỉ vào ngày 2/2/2024. Ảnh: Getty Images/RT
Thủ tướng Slovakia Robert Fico ngày 16/4 cho biết nguy cơ chiến tranh toàn cầu sẽ gia tăng nếu Ukraine trở thành một phần của NATO, đồng thời cam kết sẽ ngăn chặn việc Kiev gia nhập liên minh.
Việc chấp nhận các quốc gia mới vào liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đòi hỏi phải có sự đồng ý nhất trí của tất cả 32 thành viên hiện tại. Thủ tướng Fico cho biết, nếu Ukraine được mời gia nhập NATO, Quốc hội Slovakia sẽ không phê chuẩn hiệp ước gia nhập.
"Slovakia cần một Ukraine trung lập. Lợi ích của chúng tôi sẽ bị đe dọa nếu nước này trở thành quốc gia thành viên NATO vì đó là cơ sở của một cuộc xung đột lớn trên thế giới", trang web tin tức Noviny.sk dẫn lời ông Fico giải thích.
Thủ tướng Fico nhấn mạnh ông sẽ không cúi đầu trước bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài. "Các đối tác của chúng tôi ở nước ngoài đã được dạy rằng bất cứ điều gì họ đề nghị và yêu cầu với Slovakia, họ sẽ tự động nhận được. Nhưng chúng tôi là một quốc gia có chủ quyền và đầy tự tin", ông nói.
Slovakia cùng với nước láng giềng Hungary đã cảnh báo rằng EU không nên bị lôi kéo vào cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine và nhất quyết yêu cầu một giải pháp ngoại giao. Sau khi trở thành Thủ tướng Slovakia vào tháng 10/2023, ông Fico đã đảo ngược quyết định của chính phủ trước đó về việc gửi vũ khí đến Kiev. Ông cũng kịch liệt phản đối việc gửi binh sĩ NATO tới Ukraine.
Tổng thống đắc cử Slovakia Peter Pellegrini mới đây cũng cảnh báo cuộc xung đột Ukraine không mang lại kết quả gì ngoài việc khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và phải được giải quyết càng sớm càng tốt.
Ông Pellegrini, người hiện đang giữ chức Chủ tịch Quốc hội, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 13/4, với 53% phiếu bầu. Đối thủ của ông, cựu Ngoại trưởng Ivan Korcok, được cho là một ứng cử viên thân phương Tây, nhận được khoảng 47%. Pellegrini là đồng minh của Thủ tướng Robert Fico.
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Ta3 hôm 14/4, Tổng thống đắc cử Slovakia nhấn mạnh rằng "việc giết chóc [ở Ukraine] cần phải dừng lại ngay lập tức và sau đó phải hành động". Ông nói thêm rằng "việc ủng hộ một cuộc xung đột không mang lại kết quả nào trong hai năm trong khi khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng là một thảm kịch".
Ông cũng nhấn mạnh rằng mặc dù Slovakia vẫn liên kết với EU và NATO nhưng nước này sẽ tìm cách độc lập hơn trên trường quốc tế.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty Images/RT
Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022. Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong tháng này đã nhắc lại rằng Ukraine "sẽ trở thành thành viên của NATO" trong tương lai, nhưng liên minh này cho đến nay vẫn từ chối cam kết về một thời gian biểu cụ thể hoặc cung cấp lịch trình rõ ràng cho việc gia nhập của Kiev. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã loại trừ tư cách thành viên của Ukraine cho đến khi xung đột kết thúc.
Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ coi việc NATO tiếp tục mở rộng về phía Đông là mối đe dọa an ninh quốc gia. Moskva coi sự hợp tác quân sự của liên minh quân sự này với Ukraine là một trong những nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột hiện nay và coi khả năng gia nhập tiềm tàng của Ukraine là một "ranh giới đỏ".
Nga cũng khẳng định sẵn sàng đàm phán với Kiev, tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Zelensky đã ký sắc lệnh cấm đàm phán với giới lãnh đạo hiện tại ở Moskva sau khi Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine vào mùa thu năm 2022.
Vào tháng trước, ông Zelensky gợi ý rằng việc quay trở lại đường biên giới năm 1991 của Ukraine không còn là điều kiện tiên quyết để đàm phán với Nga, thay vào đó ông nhấn mạnh rằng lãnh thổ mà nước này đã mất vào năm 2022 phải được khôi phục.
Các thành viên AUKUS xem xét một thỏa thuận an ninh với Nhật Bản Mỹ, Anh và Australia đang thu hút các đối tác quốc phòng gia nhập liên minh để đảm bảo ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và Thủ tướng Australia Anthony Albanese tại cuộc họp báo chung ở căn cứ Hải quân Point Loma ở San Diego, California,...