Ngoài những chính sách hỗ trợ, nghệ sĩ và các công ty âm nhạc đang làm gì để tự “cứu” lấy mình trong thời kì COVID-19
Với sự phát triển của các nền tảng phát sóng trực tiếp, việc trò chuyện và giao lưu với người hâm mộ ngay khi đang ở nhà không còn là việc quá xa lạ với các nghệ sĩ.
Hiện tại, khi cách ly trở thành biện pháp ngăn chặn dịch bệnh vô cùng thành công, chức năng phát sóng trực tiếp này lại càng có dịp được phát huy công dụng của mình.
Ngành công nghiệp âm nhạc bị ảnh hưởng nặng nề
Như tất cả ngành công nghiệp trên thế giới, ngành âm nhạc cũng đang phải chịu những tác động không ít bởi đại dịch toàn cầu. Tuần qua, các cửa hàng phân phối đĩa nhạc tại Mỹ buộc phải tạm ngưng hoạt động do dịch COVID-19. Lúc này, công chúng cũng đang bận tâm với việc cách ly tại nhà để trách dịch. Như một hệ quả không thể tránh khỏi, tổng doanh số album trong tuần qua giảm đến 29%, chỉ còn 1,52 triệu bản. Đây là số liệu thấp nhất trong lịch sử thống kê của Nielsen Music kể từ khi tổ chức này bắt đầu thu thập và tính toán các số liệu vào năm 1991.
Doanh số album bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch toàn cầu, thấp nhất trong lịch sử Nielsen Music.
Trái với dự đoán của nhiều người, việc có nhiều khán giả ở nhà không thể khiến tình hình của ngành âm nhạc trực tuyến khởi sắc hơn. Từ ngày 13/3 đến ngày 19/3, các nhà hàng và quán bar trên toàn nước Mỹ bắt đầu phải đóng cửa, người dân được yêu cầu tự cách ly tại nhà. Tổng lượt stream trong tuần đó được ghi nhận đã giảm 7,6%, xuống còn 20,1 tỷ đơn vị so với tuần trước đó. Ngay cả các ca khúc mới được phát hành lẫn các bản hit được yêu thích cũng không tránh được việc tỉ lệ nghe trực tuyến tụt giảm.
Ngành công nghiệp âm nhạc trực tuyến đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.
Với tình hình các sự kiện âm nhạc và concert bị hoãn hoặc huỷ bỏ, các nghệ sĩ gần như phải phụ thuộc vào các công cụ phát hành trực tuyến để có thể tiếp tục kết nối với khán giả của mình. Do đó, các hiệp hội cũng đã lên tiếng và đưa ra những chính sách tạm thời để bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ cũng như các chuyên gia trong ngành. Các dịch vụ nhạc số như Spotify hay Apple Music đang được hối thúc trong việc thanh toán phí bản quyền nhanh chóng và tăng phần trăm doanh thu cho các nghệ sĩ Indie và các chủ bản quyền để giúp họ sống sót qua cuộc khủng hoảng COVID-19.
Ngoài ra, một số kiến nghị khác cũng được đề xuất như: tăng cường hỗ trợ các đài phát thanh địa phương ở Châu Âu, thành lập quỹ khẩn cấp, cung cấp các khoản vay không lãi suất… Mục tiêu chính của những kế hoạch này là kêu gọi những phản hồi cấp thiết và phối hợp thực hiện trên khắp khu vực Châu Âu, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các nghệ sĩ Indie đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Tập đoàn Universal Music có nhiều chính sách hỗ trợ nghệ sĩ trong mùa dịch bệnh.
Mới đây, Universal Music Group (UMG) và tổ chức từ thiện All Together Now sẽ cung cấp một số hình thức hỗ trợ cho các nghệ sĩ, nhạc sĩ và hãng đĩa độc lập, chẳng hạn như các khoản phí bản quyền không lãi suất. Ngoài ra, các nhân viên không thể làm việc từ xa hoặc những ai không thể đảm bảo 40 giờ làm việc trong một tuần sẽ không bị ảnh hưởng về lương hoặc phúc lợi cho đến cuối tháng Sáu. Đối với các nghệ sĩ không thể lưu diễn, UMG dự kiến cung cấp “các công cụ và nền tảng” mà họ cần để tiếp cận gần hơn tới người hâm mộ trong thời gian này.
Muôn vàn kiểu “tự cứu lấy mình” của nghệ sĩ và các công ty
Video đang HOT
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ chính phủ và các hiệp hội, nghệ sĩ cũng như các công ty giải cũng đã nhanh chóng có những giải pháp để tự mình vượt qua thời kì khó khăn này. Để tránh tối đa việc tụ tập đông người và đảm bảo sức khoẻ cho nghệ sĩ và khán giả, nhiều sự kiện âm nhạc hay concert đã phải bị huỷ hoặc bị hoãn vô thời hạn. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cũng thực hiện tự cách ly tại nhà để phòng bệnh. Nhằm giúp việc cách ly trở nên bớt nhàm chán và giúp các khán giả có thể nghe nhạc của mình mà không cần phải đến các buổi concert đông người, nhiều ca sĩ đã thực hiện liveshow qua hình thức phát sóng trực tiếp trên trang cá nhân của mình: Chris Martin (Coldplay), John Legend, Charlie Puth, Diplo,…
Các nghệ sĩ mở concert tại nhà, phát sóng trực tiếp cho fan xem trong thời gian dịch COVID-19.
Trong đó, nam ca sĩ kiêm nhạc sĩ Yungblud đã tìm ra được một biện pháp vô cùng hiệu quả, đó chính là tổ chức concert theo hình thức online trong một ngày duy nhất. Cách làm này đã đạt được thành công lớn khi buổi biểu diễn trực tuyến của anh thu hút được hơn 360 nghìn khán giả, cao gấp 200 lần lượng vé mà YongBlud từng bán được cho tour diễn châu Á. Đến nay, buổi biểu diễn online đã đạt được lượng người xem lên đến 500 nghìn lượt.
Theo các chuyên gia tính toán, nếu dựa trên số lượng vé bán ra trung bình thì nam ca sĩ đã có thể mang về cho mình doanh thu lên đến 32 triệu đô USD chỉ bằng một buổi biễu diễn online. Và thậm chí, nếu có giảm giá vé 50% thì lợi nhuận anh chàng nhận được vẫn là một khoản đáng kể. Như vậy, trong thời điểm khó khăn này các nghệ sĩ vẫn có thể ổn định và tạo nên nguồn thu nhập lớn thông qua nhiều hình thức, điển như như concert online. Nhưng liệu họ có đủ “liều” để thực hiện việc này giống như Yungblud đã làm trước đó. Bởi, rủi ro, khó khăn và nhiều bất cập trong hình thức này vẫn còn khá mơ hồ đối với các nghệ sĩ.
Yungblud nảy ra ý tưởng tổ chức concert theo hình thức online trong một ngày duy nhất thay cho tour diễn bị huỷ bỏ.
“Điểm sáng” của ngành âm nhạc trong vùng tối của đại dịch COVID-19
Tuy hiện tại vẫn chưa ai thật sự tổ chức concert online có bán vé, một số nghệ sĩ đã tìm đến những nền tảng phát sóng trực tiếp cho phép thu phí người xem. Diplo là một trong số đó, anh đã có những buổi trình diễn mix nhạc và DJ trực tiếp hàng ngày trên một ứng dụng thu tiền những người dùng đăng ký theo dõi kênh của anh. Bên cạnh đó, nam nghệ sĩ cũng tiết lộ sẽ trích lợi nhuận để trả phí bản quyền cho chủ nhân của các bản nhạc mà anh đã sử dụng để phối lại cho khán giả của mình. Ngoài ra, một số nghệ sĩ khác như Kermit Ruffins, Jon Cleary hay Jamie Lin Wilson đã liên kết các chương trình phát sóng trực tiếp trên trang Facebook của mình với các ứng dụng thanh toán hoặc trang bán sản phẩm của hãng đĩa để khán giả có thể tuỳ ý ủng hộ.
Bên cạnh các liveshow do nghệ sĩ tự thực hiện, một số đài phát thanh và đài truyền hình đã tổ chức các concert chung với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ. Những concert như thế này không chỉ giúp nghệ sĩ có thể tiếp tục được kết nối với người hâm mộ của mình mà còn góp phần động viên tinh thần người xem cùng chiến đấu để vượt qua đại dịch. Mới đây, đài iHeartRadio đã hợp tác cùng kênh FOX triển khai một chương trình phát sóng trực tuyến trên Youtube do Elton John dẫn chương trình và tập hợp các tên tuổi khắp nơi góp mặt trong concert này. Ngoài việc biểu diễn các ca khúc của mình cho khán giả đang xem, các nghệ sĩ cũng có dịp được trò chuyện và chia sẻ những cảm xúc của mình với người hâm mộ.
Concert trực tuyến được tổ chức bởi đài iHeartRadio và kênh truyền hình FOX của Mỹ.
Kể cả khi các ca sĩ đang nghỉ ngơi trong những ngày cách ly, đôi khi họ vẫn không thể tạm ngưng khả năng sáng tạo của mình và vô tình… làm ra ca khúc mới. Sau khi tỏ ra bức xúc với dịch bệnh trong một video trên trang cá nhân, những lời phàn nàn của rapper Cardi B đã trở thành nguồn cảm hứng cho DJ Markkeyz làm nên bản hit “Coronavirus”. Ca khúc này bất ngờ trở thành hit, có mặt trong top 10 BXH doanh số của iTunes và nhiều BXH nhạc Rap/Hip-hop khác của Billboard. Hay như nữ ca sĩ nhạc đồng quê Caylee Hammack, cô cho biết: “Cứ mỗi giờ trôi qua, tôi lại ngồi xuống, sáng tác được thêm vài nốt nhạc và xem thử chúng có tạo thành một đoạn điệp khúc được hay không. Và rồi tôi lại trở lại với công việc sắp xếp tủ quần áo của mình”.
Đối với những ngôi sao lớn, họ có riêng cho mình phòng thu tại nhà và có thể tiếp tục công việc sản xuất âm nhạc ngay trong thời gian tự cách ly. Nhưng đối với những nghệ sĩ khác, mạng internet và những ứng dụng cho phép họ kết nối với người hâm mộ là tất cả những gì họ có thể sử dụng để “cứu” lấy mình. Có thể thấy rằng chưa bao giờ chức năng livestream của các nền tảng trực tuyến lại được tận dụng triệt để như thời điểm hiện tại. Ngoài việc “liệu cơm gắp mắm” bằng những cách thức tạm thời trên, có lẽ cũng không còn giải pháp nào tốt hơn dành cho các nghệ sĩ. Chắc có lẽ, cho đến khi đại dịch toàn cầu COVID-19 có dấu hiệu thuyên giảm, lúc nó nền âm nhạc mới có thể bắt đầu phục hồi và sẽ mất rất nhiều thời gian để trở lại và phục hồi như cũ.
Thảo
Không chỉ có Việt Nam hay Kpop: Tại US-UK, công ty âm nhạc đã tìm cách 'bóc lột' nghệ sĩ rất tinh vi!
Những người theo ngành kinh doanh âm nhạc đều có một lời khuyên dành cho nghệ sĩ: Hãy bàn giao việc đàm phán cho luật sư pháp lý khi kí hợp đồng với hãng đĩa. Nguyên do tại sao?
Ngay cả khi nghệ sĩ hợp tác với các hãng đĩa danh tiếng, họ vẫn có thể rơi vào bẫy của nhà kinh doanh âm nhạc. Chính vì thế, với một thỏa thuận thu âm, các luật sư, đại diện pháp lý đã đưa ra những điều mà nghệ sĩ nên lưu ý khi kí kết hợp đồng.
Quyền sở hữu và kiểm soát sản phẩm trí tuệ và hình ảnh bản thân
Các hãng đĩa hoặc công ty giải trí sẽ luôn yêu cầu mức độ kiểm soát với các bản thu âm của nghệ sĩ nhằm để bán, phân phối, quảng bá, cung cấp giấy phép. Vì thế, các công ty giải trí thường có xu hướng giữ mức độ kiểm soát sản phẩm trí tuệ của bạn càng lâu càng tốt. Một số hãng đĩa biến nghệ sĩ thành "người làm thuê" trong hợp đồng. Vì thế khi dứt áo ra đi, nghệ sĩ không được lấy được các bài hát hay sản phẩm của bản thân. Vì với tư cách làm thuê, sản phẩm cuối cùng thuộc về công ty.
Vì thế, các nghệ sĩ nên gia hạn quyền sở hữu ca khúc, nghệ danh, hình ảnh của mình cho công ty - hãng đĩa ngắn nhất có thể. Bên cạnh đó, nghệ sĩ nên lập Youtube, fanpage riêng và độc lập quản lý.
Thời hạn thỏa thuận việc sử dụng một ca khúc của nghệ sĩ
Tại Mỹ, nhiều hãng đĩa sẽ đăng kì giữ bản quyền các sản phẩm của nghệ sĩ đến vô hạn. Theo luật bản quyền, hãng đĩa có thể giữ được khả năng kiểm soát khoảng 70 năm.
Vì thế, nghệ sĩ phải đàm phán để lựa chọn thời hạn thỏa thuận giữ bản quyền của hãng đĩa - công ty từ 10 đến 20 năm.
Hãng đĩa hoặc công ty giải trí cố gắng hết mức việc để nghệ sĩ thu âm lại ca khúc
Các hãng đĩa lớn thường yêu cầu nghệ sĩ hạn chế thu âm lại sản phẩm của mình. Nói cách khác, các nhà kinh doanh thường cố gắng ngăn chặn việc nghệ sĩ lấy lại quyền thu âm ca khúc đó và cấp phép cho hãng đĩa đối thủ khai thác.
Các luật sư cho rằng nên kí thỏa thuận này cao nhất 5 năm, và được thu âm lại sau 2 năm dừng chấm dứt hợp đồng với hãng đĩa cũ.
Điều này có thể so sánh với Taylor Swift: Scooter Braun luôn cố gắng hạn chế và ngăn ngừa việc Taylor Swift thu âm lại.
Thỏa thuận 360
Trong ngành công nghiệp âm nhạc, thỏa thuận 360 là mối quan hệ kinh doanh giữa nghệ sĩ và một công ty hay hãng đĩa. Công ty đồng ý cung cấp tài chính và hỗ trợ khác cho nghệ sĩ, bao gồm cả tiếp thị, quảng bá, lưu diễn và các lĩnh vực khác. Đổi lại, nghệ sĩ đồng ý cung cấp cho công ty một tỷ lệ phần trăm doanh thu bao gồm doanh thu của âm nhạc, xuất bản, tour diễn.
Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ trong ngành đã khuyên những nhân vật trẻ tuổi không nên kí thỏa thuận này. Bởi lẽ thực tế thời nay nghệ sĩ kiếm tiền không phải bằng con đường âm nhạc mà ở lĩnh vực khác như tour diễn, hàng hóa.
Mac DeMarco, một nhạc sĩ độc lập, đã chỉ trích: "Đừng ký thỏa thuận 360. Tôi không quan tâm họ sẽ cung cấp cho bạn bao nhiêu tiền, đừng lấy nó. Đó là một ý tưởng tồi tệ. Họ lấy tiền từ thương hiệu của bạn khi đi tour và mọi thứ". Các nhà kinh doanh âm nhạc khác cũng nhận định: "Ban đầu nghe rất béo bở, nhưng sau lịch trình 200 buổi diễn, bạn nhận ra mình đang là cỗ máy chứ không phải nghệ sĩ".
Kết
Sự bóc lột trong ngành âm nhạc tồn tại ở khắp mọi nơi. Hãy luôn ủng hộ và đồng hành khi nghệ sĩ gặp khó khăn hoặc vướng vào những hợp đồng nô lệ.
Theo Tin Nhạc
Những nghệ sĩ nổi tiếng toàn cầu, thậm chí có chất giọng oanh vàng lại khởi đầu bằng... hát bè hát phụ! Đây là những nghệ sĩ mà có thể bạn không ngờ đã từng đi hát phụ trong các ca khúc hoặc MV đình đám một thời . Mariah Carey Được Sách Kỷ lục Guinness tôn vinh là "chim sơn ca tuyệt đỉnh", Carey nổi tiếng bởi âm vực trải dài 5 quãng tám, kỹ thuật hát luyến (melisma) và khả năng sử dụng...