Ngoại hình – Chìa khóa xin việc thành công ở Hàn Quốc
Ngoại hình là một tiêu chuẩn quan trọng mà các công ty Hàn Quốc yêu cầu ở ứng viên, bên cạnh chuyên môn và bằng cấp.
Một cô gái đứng bán hàng trước cửa tiệm mỹ phẩm ở khu Myeongdong, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP
Nicky Kim không ứng tuyển làm người mẫu chuyên nghiệp. Nhưng ngoài thông tin về học vấn và kỹ năng chuyên môn, công ty mà Kim đang xin vào làm việc yêu cầu cô nộp một bức ảnh chụp cận cảnh khuôn mặt.
Cô gái 24 tuổi mới chuyển về Hàn Quốc sinh sống sau một thời gian dài học tập ở Anh không chút đắn đo đã gửi ảnh chụp chân dung trên hộ chiếu. Vào ngày phỏng vấn, cô đã gặp cú sốc văn hóa đầu tiên kể từ ngày về quê hương khi nhà tuyển dụng tỏ ra cực kỳ bối rối và hỏi “Tại sao cô lại chọn bức ảnh này?”, ám chỉ trông cô trong bức hình không hấp dẫn và xinh đẹp.
Trường hợp của Kim chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy thái độ phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình ngày càng phổ biến ở công sở Hàn Quốc.
“Khác với phương Tây, người Hàn Quốc coi trọng những thứ như quần áo, tác phong và ngoại hình. Nói chung, chúng tôi không quan tâm xem bạn nghĩ gì về bản thân. Suy nghĩ của người khác về bạn mới là điều quan trọng”, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Yonsei Seoul cho biết.
Một khảo sát do trang web tuyển dụng Incruit tiến hành cho thấy 60% trong số 900 doanh nghiệp được hỏi thừa nhận họ yêu cầu các ứng viên nộp ảnh chụp chân dung kèm hồ sơ xin việc.
Còn tổ chức về nhân quyền ở Hàn Quốc vừa công bố một nghiên cứu dựa trên 3.500 thông báo tuyển dụng cho thấy hầu hết các công ty, cơ quan nhà nước và các tập đoàn ở nước này hỏi các ứng viên những câu hỏi “kỳ thị” về tuổi tác, cân nặng, chiều cao, tình trạng hôn nhân và lý lịch nghĩa vụ quân sự. Nhiều công ty công khai không chấp nhận những người có hình xăm hoặc để râu.
Một quảng cáo tuyển dụng gần đây đã thu hút sự chú ý của công chúng Hàn Quốc khi đưa ra yêu cầu cụ thể về số đo vòng một của các ứng viên nữ bên cạnh tiêu chuẩn “mắt hai mí” và “mũi cao”.
Thậm chí, Bộ Việc làm và Lao động đưa ra lời khuyên trên mạng xã hội Twitter rằng phẫu thuật thẩm mỹ sẽ giúp nâng cao khả năng xin được việc làm. Sau đó vài giờ, phát ngôn này đã bị gỡ xuống.
Thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt khiến thanh niên Hàn Quốc tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện ngoại hình nhằm nâng cao cơ hội xin việc. Các bậc phụ huynh đồng tình, thậm chí khuyến khích điều đó.
Ngoại hình được coi là yếu tố quan trọng trong quá trình xin việc ở Hàn Quốc. Ảnh minh họa: BuzzFeed.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc phẫu thuật thẩm mỹ cho tới khi bố mẹ nói rằng xinh đẹp là một lợi thế lớn đối với mọi cô gái. Ví dụ, khi phỏng vấn xin việc, trong hai người phụ nữ có trình độ chuyên môn như nhau, dĩ nhiên người có ngoại hình vượt trội hơn sẽ được lựa chọn”, sinh viên Ahn cho biết.
“Tôi nghĩ thật không công bằng khi người sử dụng lao động đánh giá năng lực của một ai đó dựa trên vẻ ngoài và những yếu tố chẳng liên quan gì đến hiệu quả công việc”, theo Yoon-ha Cha, 21 tuổi, sinh viên chuyên ngành kinh tế tại trường đại học danh tiếng Yonsei. Dẫu vậy, Cha vẫn đều đặn hàng tuần tới các trung tâm chăm sóc da mặt với mục đích cuối cùng là có làn da mặt căng bóng, có thể giúp cô dễ tìm việc hơn.
Các dịch vụ chụp ảnh chân dung cũng nở rộ ở Hàn Quốc để đáp ứng nhu cầu của người đi xin việc. Công ty Newface Studio, mở trụ sở chính gần trường Đại học Nữ Sungshin ở thủ đô Seoul, chuyên cung cấp dịch vụ trang điểm và tư vấn phong cách ăn mặc cho các những người kiếm việc làm. Công ty này còn có hẳn một đội ngũ chuyên viên da liễu xử lý khiếm khuyết trên khuôn mặt như mụn, vết thâm hoặc sẹo. Với 12 nhân viên toàn thời gian, Newface Studio cho biết họ làm ăn phát đạt nhất vào mùa tuyển dụng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 10.
“Nếu có cấm các công ty yêu cầu ứng viên nộp ảnh thì cũng không ngăn được họ tuyển nhân viên dựa trên ngoại hình, họ có thể làm việc đó thông qua phỏng vấn”, Kim Kwang Min, giám đốc Newface Studio, nhận xét.
Video đang HOT
Nicky Kim đã tới một hiệu chụp ảnh chuyên nghiệp để chỉnh sửa lại các đường nét trên khuôn mặt. “Trong ảnh, trông tôi thật xinh đẹp”, Kim nói. “Thật buồn cười, nếu so sánh ảnh tôi chụp ở Anh và ảnh chụp tôi ở Hàn Quốc, bạn sẽ tưởng đây là hai con người hoàn toàn khác nhau”.
Bức ảnh chân dung qua chỉnh sửa đã giúp Kim được mời tới các buổi phỏng vấn nhiều hơn, thậm chí cuối cùng cô còn nhận được công việc làm phát thanh viên của một chương trình bằng tiếng Anh.
Nhưng sau hai năm sống ở Hàn Quốc, Kim quyết định quay lại Anh vì không chịu được môi trường làm việc khắc nghiệt ở xứ sở kim chi.
“Tôi đưa ra quyết định như vậy sau khi gặp nhiều phụ nữ Hàn Quốc dù thông minh, hấp dẫn, trẻ trung và thành công nhưng trong thâm tâm chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc”, cô nói.
An Hồng
Theo VNE
Trump làm Tổng thống Mỹ: Công lao như núi của người cha
Donald Trump chịu ảnh hưởng lớn của một người đã giúp ông định hình sự nghiệp kinh doanh cho đến theo đuổi con đường chính trị, rồi trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Fred Trump, cha Donald Trump trong bức ảnh chụp năm 1965.
Donald John Trump (14.6.1946) sinh ra tại New York trong một gia đình có truyền thống kinh doanh bất động sản. Ông nổi tiếng trên toàn nước Mỹ nhờ sự nghiệp, nỗ lực gây dựng thương hiệu, đời sống cá nhân, sự giàu có và bản tính thẳng thắn. Loạt bài này sẽ kể lại những câu chuyện sống động về cuộc đời, sự nghiệp và những bí mật xung quanh Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
Ngay từ khi sinh ra, dường như Donald Trump đã được ấn định số phận gắn liền với thành công. Năm 1946, khi còn chưa tròn một tuổi, Trump đã được hưởng khoản tiền ủy thác của cha, khoảng 12.000 USD/năm. Đó là con số tương đối lớn khi đó, gấp 4 lần thu nhập một gia đình trung lưu ở Mỹ.
Là con trai thứ 2 nhưng lại được cha yêu quý hết mực, Donald Trump đã kế thừa phần lớn thành quả từ người cha khi tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình mà người anh không mấy hứng thú.
Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi chiến thắng bầu cử Tổng thống Mỹ, Donald Trump bày tỏ lòng biết ơn đến cha mẹ. Đặc biệt là người cha vốn luôn có tầm ảnh hưởng lớn, dìu dắt Trump thời gian đầu lập nghiệp.
Donald Trump thậm chí còn thừa hưởng nhiều hơn đế đế bất động sản từ cha. Fred C. Trump hồi trẻ chính là hiện thân của Donald Trump - một doanh nhân, đối thủ nặng ký, người có mối quan hệ thân thiết với các chính trị gia, ưa tranh cãi và biết cách để đánh bóng hình ảnh bản thân, theo New York Times.
Người cha tài giỏi
Sinh năm 1905 tại New York trong một gia đình nhập cư người Đức vốn chỉ nói tiếng Đức ở nhà, Fred Trump làm việc trong cửa hàng thịt ở tuổi lên 10.
Trong khi theo học tại trường trung học Richmond Hill, Fred Trump làm việc bán thời gian và nhờ người em trai thông minh John tóm tắt lại nội dung bài học trên lớp. Cậu em trai John Trump sau này là giảng viên tại Viện Công nghệ Massachusetts.
"Bố luôn quan tâm đến việc đọc sách", con gái John Trump, Karen Ingraham kể lại. "Bác Fred lại thuộc tuýp người thiên về hành động hơn".
Trước khi bước sang tuổi 21, Fred Trump cùng với người mẹ Elizabeth thành lập công ty xây dựng Elizabeth Trump & Son. Sở dĩ phải đặt tên như vậy bởi vì chỉ có bà là đủ tuổi để kí séc. Công việc kinh doanh bắt đầu từ đó.
Ở tuổi 28, Fred Trump giành được quyền kinh doanh dịch vụ thế chấp của ngân hàng Đức vốn đang gặp khó khăn.
Donald Trump và cha tại sân trượt băng Wollman Rink, New York, năm 1987.
Cái tôi của ông cũng lớn dần lên khi đó. Fred Trump luôn tự hào về trí tuệ của mình, thách thức mọi người thi với ông trong việc tính toán những con số lớn. "Ông ấy muốn chứng minh rằng mình có thể đưa những con số khổng lồ vào trong đầu", Barbara Giffuni, con gái của Joseph Giffuni, một trong những người bạn thân của Fred Trump nhớ lại.
Nhưng Fred Trump chỉ thực sự thành công nhờ vào chương trình nhà ở liên bang của chính phủ trong bối cảnh chính trị, xã hội thuận lợi. Ngay sau khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt thành lập Cục Quản lý Nhà ở Liên bang (FHA) vào những năm 1930, ông đã háo hức tìm cách tận dụng các khoản vay trợ cấp. Ông tạo ra mối liên hệ chính trị, tận dụng làn sóng người nhập cư và các cựu chiến binh.
Fred Trump xây dựng nhà ở Queens, New York, sau đó xây dựng doanh trại và căn hộ cho binh sĩ Mỹ dọc Bờ Đông trong Thế chiến II. Công việc làm ăn nhanh chóng phát đạt, ông tiếp tục xây công ty, căn hộ cho người thu nhập thấp và các dãy nhà ở khu Brooklyn và Queens.
"Nhóm những người lao động thực sự đã thức tỉnh nhờ lợi ích của việc sở hữu nhà theo F.H.A, kế hoạch thế chấp trong 25 năm", Fred Trump nói khi đó.
Năm 1934, trong bối cảnh vật lộn với thời kỳ Đại suy thoái, nguồn tài trợ từ F.H.A đã cho phép Fred Trump hồi sinh công việc làm ăn. Ông bắt đầu xây dựng vô số các căn nhà ở Brooklyn và bán ra ở mức 6.000 USD mỗi căn.
4 năm sau, Fred Trump khoe khoang về những nhân vật nổi tiếng đến thăm hoạt động xây dựng của ông ở khu Brooklyn. Năm đó, tờ Brooklyn Daily Eagle mô tả Fred Trump là "Henry Ford trong ngành công nghiệp xây dựng".
Dù giàu có, Fred Trump được biết đến là người sống giản dị. "Hàng ngày ông thường lái chiếc Cadillac đến một trong các công trường sau giờ làm việc", các con trai ông kể lại. "Trong bộ âu phục lịch lãm, với ngoại hình đẹp như tạc và nụ cười tươi rói, ông trông giống hệt như một ngôi sao điện ảnh.
Mỗi khi bước qua những chiếc đinh tán và sàn nhà bằng ván ép, Fred Trump nhặt lấy những chiếc đinh không sử dụng để giao lại cho thợ mộc vào ngày hôm sau.
Donald Trump đứng cạnh cha tại Brooklyn năm 1973.
Một lần nọ, Fred Trump phải ra hầu tòa vì quảng cáo không giấy phép. Jeanette G. Brill, nữ thẩm phán đầu tiên của khu Brooklyn chỉ tuyên phạt số tiền 2 USD. Fred Trump khoe khoang trên tờ Brooklyn Daily Eagle rằng "nữ thẩm phán thông cảm với chương trình F.H.A, đánh giá cao ý tưởng quảng cáo mới hơn là những thẩm phán nam".
Chiến tranh thế giới nổ ra vào Fred Trump đưa gia đình, người vợ Mary Ann và 3 con, Freddy, Maryanne, Elizabeth đến Virginia. Tại đây, ông xây dựng hơn 1.000 căn hộ cho hải quân. Fred Trump sớm quay lại New York và có thêm hai người con nữa, Donald Trump và Robert.
Fred Trump đối xử với gia đình giống như đồng nghiệp kinh doanh. Mỗi sáng Chủ nhật, ông sẽ đưa cả 6 đứa trẻ đến căn nhà của người chị gái Elizabeth. Ông cũng yêu cầu người em trai, vốn làm việc 6 ngày/tuần kiểm tra lại sổ sách cho mình. Để né tránh Fred Trump, cả gia đình bắt đầu đến nhà thờ sớm hơn.
Fred Trump cũng áp đặt cách tiếp cận cứng rắn đó ở nhà. Trong khi người con cả, Freddy suy sụp vì áp lực thì con trai Donald Trump lại ngày càng thành công dưới hình bóng của cha.
Thành công nhờ học hỏi từ cha
Tài năng kinh doanh của Fred Trump là không thể phủ nhận. Chính ông là người đã dạy cho con trai cách tiếp thị bản thân "kiểu Mỹ".
Hàng thập kỷ trước khi Donald Trump gắn mác tên họ của gia đình lên tòa tháp đầu tiên, cha ông đã đặt tên cửa hàng tạp hóa của mình là &'Trump Market' và &'Trump Village', khu nhà ở tại đảo Coney.
Để thu hút sự chú ý, ông cũng gắn các mác giá kiểu như $ 3.999,99. "Nhiều hơn một xu thôi cũng sẽ không bán được", Donald Trump nhớ lại lời cha dạy.
Dần dần, Donald Trump học được giá trị của người cha, giác quan nhanh nhạy trong việc cạnh tranh. Trump thường đi cùng cha đến công trường xây dựng và chứng kiến người cha tận dụng đến từng đồng USD. "Bố tôi đến đó và thu thập tất cả những gì có thể, từ mùn cưa cho đến phế liệu để tái chế hoặc bán chúng", Donald Trump cho biết trong một bài phát biểu cho Hiệp hội Xây dựng Nhà ở Quốc gia.
Hai cha con Trump cùng ông bầu quyền Anh Don King, tại thành phố Atlantic, New Jersey, năm 1987.
Trump cũng học được cách đàm phán cứng rắn của cha, ngay cả ở nhà. Một ngày nọ, các bạn của Trump tỏ ra bất bình về việc người cha giàu có của Trump không mua cho con trai chiếc găng tay mới để chơi bóng chày. Donald giải thích rằng cha ông có lý khi nghi ngờ con trai sẽ lờ đi giá cả của chiếc găng mình ao ước và tìm cách bắt mình mua cho bằng được.
Khi bắt đầu với công việc kinh doanh, Donald Trump cũng chứng kiến cha làm thân với Abraham D. Beame, người sau đó trở thành thị trưởng New York và những nhân vật có thế lực khác trong nhóm Brooklyn's Madison Democratic Club.
"Để công việc trôi chảy, cần phải biết đến các chính trị gia", Donald Trump nói. "Và cha tôi là người một trong những người biết rõ các chính trị gia nhất".
Sau này, Donald Trump ngày càng thành công và tiến xa hơn người cha. Chỉ có một lần, ông Fred Trump nhắc nhở con về thứ duy nhất mà con trai không thể so sánh được với cha. "Có một điểm con không bao giờ thắng được cha đó chính là vấn đề kết hôn", Donald Trump nhớ lại. Fred Trump chỉ cưới một người vợ duy nhất trong hơn 60 năm còn con trai đã trải qua 3 lần kết hôn.
Những năm cuối đời, căn bệnh Alzheimer dần dần xâm chiếm Fred Trump, theo người thân và bạn bè ông. Fred Trump qua đời ở tuổi 93 khi không còn có thể nhận ra được mọi người. Ông qua đời năm 1999, để lại khối tài sản trị giá khoảng 250-300 triệu USD.
Donald Trump nói rằng mình không sợ một ngày kia căn bệnh đó sẽ là điều cuối cùng thừa hưởng từ cha. "Tôi có chấp nhận điều đó không? Tất nhiên là có. Tôi là người tin vào số mệnh".
Sau đám tang cha, Donald Trump đã từng bước dấn thân vào chính trị, nhà môi giới bất động sản và nắm lấy quyền lực trong đám đông. Một người đến dự đám tang nhớ lại lời nói của Trump mà tỷ phú Mỹ sau đó xác nhận.
"Bố đã dạy cho tôi tất cả mọi thứ mà tôi biết. Bố luôn hiểu những gì tôi sắp muốn nói", Trump phát biểu.
_________________
Thừa hưởng thành công và định hướng sự nghiệp từ cha, Donald Trump khởi nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Mời các bạn đón đọc bài viết xuất bản sáng sớm 17.11 về con đường đưa Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đắc cử giàu nhất.
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp (Dân Việt)
Philippines tuyên bố cắt đứt 90% nguồn cung ma túy 90% nguồn cung ma túy đã bị cắt giảm sau hơn hai tháng thực hiện chiến dịch truy quét tội phạm ma túy. Báo cáo của cảnh sát quốc gia Philippines công bố ngày 10-9 cho thấy cuộc truy quét tội phạm ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động đã mang lại thành công lớn khi cắt giảm được 90% nguồn...