Ngoài đấu đá chính trị, Eurovision vẫn là chiến thắng cho âm nhạc
Với sự chiến thắng của giọng ca lãng tử đến từ Bồ Đào Nha, khán giả một lần nữa được nhìn thấy sân khấu Eurovision rực sáng bởi âm nhạc đích thực không hề nhuốm màu chính trị.
“Đây là chiến thắng dành cho âm nhạc và những người đã khiến âm nhạc mang theo những thông điệp ý nghĩa, cao cả”, nam ca sĩ trẻ Salvador Sobral phát biểu sau khi giành chiến thắng ở cuộc thi âm nhạc châu Âu Eurovision 2017, diễn ra vào ngày 13/5 vừa qua ở Ukraine.
“Âm nhạc là cảm xúc”
Nhờ bài hát tình cảm Amar Pelos Dois (Yêu cho hai người) do chị gái sáng tác, Sobral đã đem về chiến thắng đầu tiên cho Bồ Đào Nha kể từ khi nước này tham gia tranh giải vào năm 1964. Chị gái Luisa của Sobral cũng là người đứng thứ ba trong cuộc thi Thần tượng nhạc Pop (Pop Idol) của Bồ Đào Nha.
Anh đã bất ngờ đánh bại các đối thủ “nặng ký” khác tới từ Bulgaria và Moldova trong trận chung kết đầy kịch tính và giành số điểm cao nhất là 748. Kết quả của cuộc thi phụ thuộc vào phiếu ban giám khảo đến từ nhiều quốc gia trên thế giới và lượt bình chọn của người xem truyền hình toàn cầu (ngoại trừ quốc gia mình).
Quán quân Eurovision năm nay – Salvador Sobral trình diễn ca khúc Amar Pelos Dois, một sáng tác của chị gái anh.
Trái với những các màn vũ đạo bốc lửa, trang phục nổi bật cùng với sự hoà âm ánh sáng sôi động, trong suốt các vòng thi của Eurovision 2017, Salvador Sobral luôn biểu diễn trong phong thái đơn giản, nhẹ nhàng nhất có thể. Sân khấu duy nhất chỉ có mình anh cùng giọng hát đầy tình cảm. Anh cũng chọn trình diễn bằng tiếng Bồ Đào Nha chứ không phải tiếng Anh như nhiều thí sinh khác.
Quan điểm của Sobral cũng phần nào lý giải cho những màn biểu diễn đơn giản của anh: “Âm nhạc không phải pháo hoa, âm nhạc là cảm xúc. Vì vậy hãy cố gắng mang âm nhạc trở lại đúng nghĩa của nó”.
Khi trở lại quê hương, Sobral nhận được sự chào đón như người hùng. Tuy nhiên, nam ca sĩ chỉ nói rằng: “Chiến thắng tại Eurovision rất quan trọng với văn hóa Bồ Đào Nha, nhưng tôi không phải là người hùng. Cristiano Ronaldo mới là người hùng. Tôi muốn được biết đến như một nhạc sĩ, chứ không phải người chiến thắng Eurovision”.
Chiến thắng thuyết phục của Salvador Sobral giúp khơi gợi lại ý nghĩa âm nhạc của cuộc thi.
Chiến thắng nhuốm màu chính trị gây tranh cãi
Nữ ca sĩ Jamala của Ukraine đã bất ngờ giành chiến thắng tại Eurovision năm ngoái với ca khúc 1944. Đây là một trong những chiến thắng gây nhiều tranh cãi nhất lịch sử cuộc thi.
Quy định từ khi thành lập của Eurovision là các ca khúc trong cuộc thi không được mang màu sắc đảng phái, chính trị giữa các nước và đặc biệt là sự phân biệt sắc tộc. Tuy nhiên, 1944 lại bị cho là đã phá vỡ các quy định đó.
Jamala, nữ ca sĩ 32 tuổi người Ukraine đã hát ca khúc bị cho là chống Nga với những ca từ đầy hận thù. Nhiều người chỉ trích Jamala cố tình mang chính trị vào âm nhạc.
Tuy nhiên, ban tổ chức là European Broadcasting Union khẳng định rằng Jamala không hề có phát ngôn chính trị chính thức nào trong ca khúc của mình.
Video đang HOT
Nữ ca sĩ Jamala chiến thắng với ca khúc chỉ trích nước Nga công khai vào năm ngoái.
Điều này đã khiến giới chuyên môn đặt câu hỏi liệu đây là cuộc thi âm nhạc hay màn đấu đá chính trị. Bởi lẽ, không chỉ dừng lại ở phạm vi một sự kiện âm nhạc mà Eurovision đã bị đẩy ra xa hơn, trở thành cuộc chiến ngầm giữa các quốc gia trong khu vực châu Âu.
“Không phải ca sĩ Ukraine, Jamala và bài hát 1944 giành chiến thắng tại Eurovision 2016, mà chính trị đã chiến thắng nghệ thuật”, nghị sĩ Nga Frants Klintsevich bức xúc bày tỏ. Ông kêu gọi toàn thể người dân Nga tẩy chay cuộc thi Eurovision sắp tới, sẽ được tổ chức tại Ukraine.
Thậm chí, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin còn lên tiếng chế giễu khi gợi ý mùa sau nước này nên cử ca sĩ nhạc rock Sergei Shnurov, người nổi tiếng với các ca khúc chứa đầy từ ngữ tục tĩu đi dự Eurovision.
Các kênh truyền hình quốc gia Nga thì “một thân một mình” tung hô thí sinh chủ nhà là Lazarev mới là “người chiến thắng”, bất chấp việc anh chỉ được xếp thứ ba chung cuộc.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên các ca khúc bị nhuốm màu chính trị. Khán giả đã không ít lần lắc đầu ngao ngán khi đại diện mỗi nước vẫn đưa cứ đưa ra các ca khúc với nội dung sặc mùi chính trị…
Các thí sinh của Eurovision không chỉ trình diễn âm nhạc của bản thân mà còn mang trên vai hình ảnh và tư tưởng chính trị của quốc gia đó.
Vũ đài chính trị hay thánh đường âm nhạc?
Eurovision có tên đầy đủ là Eurovision Song Contest (Cuộc thi ca khúc truyền hình châu Âu), được tổ chức luân phiên hàng năm giữa các nước thành viên của Liên hiệp Phát sóng châu Âu (European Broadcasting Union – EBU).
Theo quy định, nước chiến thắng cuộc thi lần trước sẽ giành quyền đăng cai cuộc thi kế tiếp. Đây là một trong những chương trình truyền hình lâu đời trên thế giới và là một trong những sự kiện phi thể thao được xem nhiều nhất với số khán giả theo dõi trực tiếp có thể lên đến 600 triệu trên toàn cầu.
Là một cuộc thi âm nhạc có quy mộ rộng nhất hành tinh, Eurovision từng được ví von là sự kết hợp của cả Oscars, Grammys, Tony Awards, American Idol, The X Factor và America’s Got Talent. Chương trình với sự tham gia rất nhiều quốc gia khác nhau thật sự có sức hút rất lớn về tính giải trí và nghệ thuật.
Không chỉ trình diễn âm nhạc đơn thuần mà Eurovision còn được xem là “thánh địa” của nghệ thuật sáng tạo, sự kết hợp giữa nghệ thuật thị giác và thính giác.
Xuất hiện lần đầu với tiêu chí thúc đẩy sự hợp tác và thấu hiểu văn hoá giữa các quốc gia ở châu Âu. Tuy nhiên càng về sau Eurovision càng bị dính líu nhiều đến chính trị.
Trong một vài thời điểm chính trường căng thẳng, Eurovision còn là địa điểm để các quốc gia công khai đưa ra quan điểm chính trị cứng rắn của mình.
Eurovision trong mắt nhiều người không còn là một cuộc thi âm nhạc nghệ thuật đơn thuần mà đã trở thành một vũ đài chính trị, nơi đấu đá giữa các quốc gia châu Âu.
Ngoài ra sân khấu Eurovision còn là nơi hoàn hảo để nhiều quốc gia lấy lòng các nước lớn. Điển hình là vào năm 1989, các nước Trung Âu ưu tiên sân khấu Eurovision như là mặt trận để họ dễ dàng hội nhập với châu Âu trong kế hoạch “Trở lại châu Âu”.
Từng có sự dàn xếp
Không chỉ thông qua những ca khúc được trình diễn trên sân khấu mà những động thái chính trị còn được thể hiện qua những bê hối hậu trường như dùng quyền lực chính trị để chặn cổng bầu chọn, cấm nhập cảnh đối với các thí sinh đến từ các quốc gia không thân thiện với nước chủ nhà. Và thậm chí là sự dàn xếp kết quả cũng từng xảy ra ở Eurovision.
Khán giả đã không ít lần chứng kiến những sự vụ xấu xí xảy ra ngay trên sóng truyền hình như vào năm 1978, chủ nhà Ả Rập đã thái độ phản đối Israel khi chuyển sang quảng cáo mỗi khi thí sinh Israel xuất hiện.
Hay vào năm 2009, trong bối cảnh xung đột giữa Georgia và Nga, người dân Azerbaijar nào bình chọn cho Armenia sẽ bị giới chức liên lạc và thẩm vấn điều tra.
Chính vì vậy, mà vài năm trở lại đây, Eurovison không còn là nơi để người hâm mộ tìm đến với đỉnh cao âm nhạc mà thay vào đó là sự tò mò được chứng kiến cuộc đấu đá hay những màn chế nhạo nào giữa các quốc gia.
Có thể nói năm nay với chiến thắng thuyết phục của bản tình ca lãng mạn, thuần khiết, không nhuốm màu chính trị do nam ca sĩ Bồ Đào Nha thể hiện đã giúp cuộc thi Eurovision đẹp hơn phần nào trong mắt công chúng.
Theo Zing
Harry Styles: Chàng ca sĩ yêu màu hồng thích hoài niệm
Với album đầu tay mang chính tên mình, Harry Styles đã mang đến cho người hâm mộ chân dung tự hoạ chân thực về chính con người mình.
Suýt chút nữa thì Harry Styles đã lấy tựa album đầu tay của mình là Pink (Hồng). Styles cho rằng "màu hồng là màu duy nhất đúng với thể loại âm nhạc rock and roll", chất nhạc mà anh muốn đưa vào album đánh dấu sự nghiệp solo của mình.
Chàng ca/nhạc sĩ 23 tuổi người Anh thực sự yêu thích màu hồng. Và sẽ trở nên dễ hiểu khi trang phục mà Harry chọn trong những lần trở lại gần đây đều gắn liền với màu sắc yêu thích của anh.
Harry Styles ra mắt album đầu tay mang tên mình vào ngày 12/5/2017 thông qua hãng đĩa Columbia.
Và trước khi đĩa nhạc Harry Styles ra mắt, anh đã định đặt tên album theo tên ca khúc chủ đề là Sign of the Times. Tuy nhiên, nhà sản xuất âm nhạc làm việc cùng anh - Jeff Bhasker đã ngăn cản bởi cho rằng, nó trùng với tên album nổi tiếng của huyền thoại âm nhạc Prince.
Vậy là sau 5 năm sát cánh cùng nhóm nhạc One Direction, Harry Styles khởi động sự nghiệp solo với album đầu tay. Không còn giữ chất pop trẻ trung, lãng mạn nữa, anh quyết định theo đuổi phong cách nhiều chất rock hơn, đi sâu vào những câu chuyện cá nhân hơn mà mình chưa làm được khi đứng dưới bóng One Direction.
Có khoảng thời gian hơn một năm để sáng tác và ghi âm album đầu tay nên Harry Styles muốn đĩa nhạc mang cá tính riêng của mình nhiều nhất có thể. "Tôi không muốn viết lên những câu chuyện khác," Harry nói "Tôi muốn viết những câu chuyện của riêng tôi, sáng tác về những điều đã xảy ra với chính bản thân mình. Điều đầu tiên tôi muốn là sự thành thực, thứ mà tôi đã không làm được trước đó".
10 bài hát trong đĩa nhạc mang nhiều màu sắc khác nhau bao gồm cả pop, ballad, folk... nhưng vẫn đậm chất rock. Phóng viên Carrie Withmer cho rằng, Harry Styles có khả năng trở thành một Justin Timberlake mới, nhưng với những gì anh thể hiện, người nghe lại cảm thấy anh giống như huyền thoại âm nhạc Mick Jagger - thủ lĩnh của ban nhạc rock nổi tiếng Rolling Stone.
Harry Styles thích sáng tác và hát về tình yêu.
Chủ đề yêu thích nhất của Harry Styles khi đặt bút sáng tác chính là tình yêu và anh không hề giấu diếm về điều này. "Có một chủ đề tác động mạnh mẽ đến tôi đó là tình yêu, kể cả khi nó là một tình yêu thuần khiết, lãng mạn, nhiều trải nghiệm hay mất mát...".
Vì thế, 10 ca khúc trong album đầu tay của Harry Styles đều thấp thoáng tình yêu dù theo những cách khác nhau. Trong quá trình ghi âm ở Jamaica, Styles cùng ê-kíp của mình đã xem những bộ phim hài lãng mạn trên Netflix mỗi ngày để có cảm hứng làm việc. Và anh thực sự có cảm xúc với những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn chương của nhà văn Nicholas Sparks.
Harry chia sẻ: "Tôi không nghĩ rằng mọi người lại muốn nghe tôi nói về việc đi vào các quán bar và những điều tuyệt vời sau đó như thế nào. Ai sẽ muốn nghe về điều đó? Tôi không muốn nghe những nghệ sĩ mà tôi yêu thích nói về những điều tuyệt vời họ đã làm. Thứ mà tôi muốn nghe là 'bạn cảm thấy thế nào khi bạn cô đơn trong phòng khác sạn bởi vì bạn lựa chọn nỗi cô đơn?'".
Bài hát From The Dinning Table đã ra đời theo cách như thế. Thậm chí, Harry đã không chỉnh sửa hay thêm thắt gì, để nó đến với khán giả theo cách mộc mạc và gần gũi nhất.
Sign Of The Times - Harry Styles "Sign Of The Times" là ca khúc chủ đề trong album đầu tay của nam ca sĩ Harry Styles.
Hẳn người hâm mộ sẽ thắc mắc liệu Styles có sáng tác về các mối tình cũ, đặc biệt là nữ ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift. Sự thật là có.
Harry đã sáng tác về giọng ca Blank Space nhưng anh không nhắc đến đích xác là bài hát nào. Two Ghosts được cho là ca khúc rõ ràng nhất mà Harry Styles muốn ám chỉ "người mà ai cũng biết là ai", Taylor Swift. Tuy nhiên, Harry cho rằng đó chỉ là cách "giải thích mang tính cá nhân" và anh cũng chưa bao giờ thẳng thắn thừa nhận về điều này.
Bên cạnh những ca khúc nhẹ nhàng như Meet me in the hallway, Sweet creature, From the dinning table, đĩa nhạc vẫn thể hiện được chất rock với Only angle, Kiwi. Trong đó, Woman có thể khiến người hâm mộ liên tưởng đến không khí trong album The 20/20 Experience của Justin Timblake.
Khi nhận xét về album đầu tay của Harry Styes, nhà sản xuất âm nhạc Jeff Bhasker nói: "Tôi chắc chắn rằng nhiều người sẽ tò mò những bài hát này viết về ai? Nhưng có lẽ, đơn giản là chúng viết về những người quen trong quá khứ của Harry Styles. Anh chàng là một người hoài niệm. Cậu ấy mới 23 tuổi thôi mà giống như sống 100 năm rồi vậy".
Nhắc đến album đầu tay của Harry Styles, không thể không nhắc đến đĩa đơn Signs of the Times. Anh thừa nhận, bài hát nói về sự kiện Brexit (nước Anh tách khỏi khối liên minh châu Âu năm 2016). Harry cho rằng: "Tôi sẽ ủng hộ bất cứ ai chống lại Brexit. Có thể tôi không đủ am hiểu về lĩnh vực đó để có thể thảo luận với mọi người về nó. Chưa nói đến các vấn đề kinh tế này nọ, tôi nghĩ những gì Brexit đang làm đi ngược lại với những gì mà tôi mong muốn. Tôi nghĩ thế giới nên chung tay sẽ tốt đẹp hơn là tách ra nhau ra".
Bên cạnh việc ra mắt album đầu tay, Harry Styles còn góp mặt trong tác phẩm điện ảnh mới về đề tài chiến tranh - Durnkirt của đạo diễn Christopher Nolan.
Nhà sản xuất âm nhạc của album đã nói: "Album có thể khác với những gì bạn mong đợi. Nó khiến tôi nhận ra rằng Harry trong One Direction giống như đã được lập trình, như một nhân vật. Tôi không nghĩ mọi người biết được nhiều mặt khác nhau trong con người của Harry. Khi mở album này bạn sẽ hiểu: &'Đây chính là Harry Styles'".
Rất khó để đưa ra một nhận xét chung, điều mà Harry Styles muốn đưa vào album đầu tay. Tuy nhiên, khán giả yêu thích cựu thành viên One Direction đều thấy được con người chân thực của anh trong đó.
Theo Zing
Hết Charlie Puth, The Chainsmokers, hội ghiền US-UK một phen điên đảo vì cựu thành viên WestLife đến Việt Nam Chỉ trong hai ngày 13-14/5, cộng đồng mạng Việt được một phen nhốn nháo trước thông tin trai đẹp Charlie Puth, The Chainsmokers và cựu thành viên Westlife Shane Filan sẽ đến Việt Nam biểu diễn vào cuối tháng 6 tới đây. Các fan ghiền nhạc US-UK vừa có một phen "rụng tim" vì liên tiếp rộ lên các tin đồn Charlie Puth,...