Ngoài cầu kính, Trương Gia Giới có gì để du khách khám phá
Ngay cả khi cầu kính nổi tiếng phải đóng cửa, Trương Gia Giới (Trung Quốc) vẫn thu hút du khách nhờ loạt điểm đến mang vẻ ấn tượng và không kém phần mạo hiểm.
Trương Gia Giới là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất Trung Quốc hiện nay. Nơi đây sở hữu địa hình ấn tượng với những ngọn núi cao chót vót, giống những trụ cột khổng lồ. Trải nghiệm đứng trên cao phóng tầm mắt xuống dưới cũng khiến nhiều du khách thích thú.
Trương Gia Giới từng nổi tiếng với cây cầu kính đạt 2 kỷ lục thế giới về chiều dài và độ cao. Tuy nhiên, cây cầu này mới đây đã bị liệt vào danh sách hơn 32 công trình phải đóng cửa vì thiếu an toàn. Ngay cả khi không còn cầu kính để tham quan, du khách vẫn có thể trải nghiệm một Trương Gia Giới tuyệt đẹp với nhiều điểm đến hấp dẫn, đậm chất mạo hiểm. Ảnh: West China Go.
Đỉnh núi Thiên Môn Sơn với Cổng Trời thu hút du khách ghé thăm. Để lên tới đỉnh, du khách phải đi qua đoạn đường ngoằn ngoèo với 99 khúc cua, dài đến 11 km, cao 1.300 m so với mực nước biển. Đây được xem là một trong những cung đường đáng sợ nhất thế giới. Nhiều du khách mô tả con đường nhìn từ trên cao xuống giống như bạch long uốn lượn bảo vệ đỉnh núi thiêng.
Những khúc cua khiến nhiều du khách e ngại việc di chuyển bằng ôtô. Nếu sợ, bạn có thể chọn cách đi cáp treo. Đây là hệ thống cáp treo đạt kỷ lục thế giới với độ dài 7.455 m. Cảm giác ngắm nhìn 99 khúc cua từ trên cao là trải nghiệm để đời với nhiều du khách trong lần đầu tới Trương Gia Giới.
Quãng đường 99 khúc cua mới chỉ là nửa chặng đường để tới Cổng Trời. Bạn phải tiếp tục vượt qua cửa ải 999 bậc thang cao 130 m, rộng 57 m. Để phục vụ những khách sức khỏe yếu, ban quản lý có lắp đặt thang máy tiện di chuyển.
Cổng Trời là một khe đá lớn. Nơi này trông huyền ảo như chốn tiên cảnh khi ánh sáng chiếu qua khe. Nhiều người nói mình thấy lóa mắt, cảm giác như đã đi đến hết hạ giới.
Những cột đá dựng đứng như trụ chống trời cũng khiến nhiều du khách choáng ngợp. Trương Gia Giới có khoảng 3.000 cột đá khổng lồ. Đây cũng là cảm hứng cho nhiều bộ phim đình đám như Avatar hay các tác phẩm kiếm hiệp Trung Quốc.
Hang Rồng Vàng ở Trương Giới từng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Đây là một trong những hang động có cấu trúc kỳ dị bậc nhất, hình thành từ nhũ và măng đá. Khu vực Điện Rồng còn lưu lại một măng đá 200.000 năm tuổi với chiều cao 19,2 m. Bên trong hang Rồng Vàng có một con sông ngầm mang tên Tương Thủy. Bạn có thể trải nghiệm đi thuyền trên sông (phí đã bao gồm trong vé vào hang). Ảnh: Easy Tour China.
Theo News.zing.vn
Dạo bước Phượng Hoàng Cổ Trấn,ngồi xe trải nghiệm 99 khúc cua mạo hiểm ở Trương Gia Giới
Đi dọc hai bờ sông Đà Giang, bước qua cầu Đá Nhảy, ngắm thị trấn cổ lung linh với những ánh đèn màu rực rỡ soi bóng dưới mặt nước hay đứng trên vách kính Skywalk là những trải nghiệm thú vị khi đặt chân tới Phượng Hoàng cổ trấn, ở Trương Gia Giới.
Dạo bước 3 lần chưa chán ở Phượng Hoàng cổ trấn
Trung Quốc sở hữu rất nhiều thắng cảnh nổi tiếng thế giới nhưng có lẽ địa điểm nhiều tín đồ du lịch trẻ ưa thích nhất là Phượng Hoàng cổ trấn. Nơi này đi lại dễ dàng, giá tour rẻ, thời gian bay từ Hà Nội đến thành phố Trương Gia Giới chỉ hơn 2 giờ đồng hồ. Tham khảo từ các công ty du lịch, giá tour mỗi người suýt soát 11 triệu đồng cho 6 ngày 5 đêm.
Trong hai ngày, chúng tôi đã đi dạo đến 3 lần ở gần cầu đá nhảy nổi tiếng mà vẫn chưa đủ thỏa mãn. Có những lúc, chụp đi chụp lại các bức ảnh, tôi vẫn chưa ưng ý vì lượng người xung quanh quá đông.
Điểm nổi bật ở Phượng Hoàng cổ trấn là cây cầu Hồng Kiều bắc qua sông Đà Giang với kiến trúc mái che cong vút và những bức phù điêu chạm khắc tinh xảo. Đứng ở đây dù đêm hay ngày, cảnh sắc vẫn đẹp và khá quyến rũ. Bởi thế mà cầu này luôn luôn chật kín người tham quan. Để có được chỗ trống ngắm cảnh luôn là điều khó khăn, nhất là vào buổi tối. Phía dưới hai bên chân cầu, dòng người ùn ùn qua lại, chen lấn giống hệt như những lần khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ ở TP.HCM.
Phượng Hoàng cổ trấn nằm phía tây tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) là điểm du lịch đình đám được giới trẻ yêu thích, đặc biệt là những năm gần đây. Thị trấn cổ này là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Miêu, Hán, Hồi, Thổ Gia với nét văn hóa và những phong tục rất đặc trưng. Nơi đây còn lưu giữ nhiều thành quách, đền chùa với những dãy phố, nhà cổ dọc dòng Đà Giang.
Phần lớn kiến trúc cổ của Phượng Hoàng còn giữ lại đến ngày nay đều là các công trình từ thời nhà Thanh, do người Hán và người Miêu cùng xây dựng.
Để trải nghiệm không khí yên bình của thị trấn cổ ven sông, du khách có thể ngắm toàn cảnh Phượng Hoàng từ các cây cầu bắc ngang sông Đà Giang. Cổ trấn trầm mặc thu trọn trong tầm mắt, những ngôi nhà nghìn năm tuổi được xây dựng đều tăm tắp khắp cả vùng. Khi mặt trời sắp lặn, những ngôi nhà hai bên sông bừng sáng bởi những ánh đèn màu, bầu không khí rất nhộn nhịp, tiếng những người bán rong mời chào du khách, âm thanh đập kẹo lạc vang lại từ vài cửa hàng cũ kỹ bên sông, tiếng ồn ào của khách du lịch vãn cảnh tạo nên khung cảnh đầy sôi động.
Video đang HOT
Người ta bảo đến Phượng Hoàng cổ trấn mà không bước qua cầu Đá Nhảy chưa phải là đến Phượng Hoàng cổ trấn. Tất nhiên, nơi đây rất an toàn. Bởi thế mà cây cầu bắc ngang dòng sông Đà Giang này luôn tấp nập những dòng người, từ trẻ đến già. Họ cứ chen chân đi qua đi lại như vậy nhưng chẳng ai thúc giục nhau, trái lại rất vui vẻ. Có những vị khách còn cầu kỳ thuê trang phục dân tộc kiểu người Hán, Miêu, Thổ Gia để chụp tấm hình lưu niệm. Tuy nhiên, việc sáng tác ảnh ở đây để có được background sạch sẽ, người với người không vướng nhau đòi hỏi sự kiên trì chờ đợi.
Theo ghi nhận , du khách quốc tế ghé Phượng Hoàng cổ trấn phần lớn đến từ Việt Nam, Thái Lan và các tỉnh khác của Trung Quốc. Theo nhiều hãng lữ hành, mùa du lịch cao điểm năm nay có khoảng 50.000 du khách Việt ghé thăm. Lượngkhách cao khiến thị trấn cổ nổi tiếng của tỉnh Hồ Nam luôn trong tình trạng đông đúc, thậm chí quá tải.
Khung cảnh trầm mặc, trữ tình và nét văn hóa lịch sử lâu đời của Phượng Hoàng là lý do chính khiến nhiều du khách say mê. Được di dạo trong các con ngõ nhỏ lát đá, chụp hình bên những cây cầu, dãy nhà cổ kính, dãy phố treo ô, đèn lồng đỏ rực, thưởng thức quà vặt và ngồi thuyền xuôi dòng Đà Giang là những điều thú vị. Ồn ào là vậy nhưng du khách vẫn có thể tìm cho mình những phút yên bình.
Theo anh Phạm Kim Thương, hướng dẫn viên du lịch, để khám phá trọn vẹn nét đẹp thiên nhiên, văn hóa Phượng Hoàng cổ trấn, du khách cần khoảng thời gian từ 2-3 ngày. Điều khó khăn nhất khi phải giao tiếp ở đây là ngôn ngữ. Phần lớn dân Trung Quốc không nói tiếng Anh, kể cả những người buôn bán phục vụ ở các điểm du lịch. Các quyển thực đơn ở quán cà phê, nhà hàng hầu như chỉ in chữ tượng hình. "Nếu không biết tiếng Trung hoặc chưa từng có kinh nghiệm nước ngoài, bạn nên đi theo tour", anh Thương nói.
Chúng tôi có hai đêm ngủ tại thị trấn cổ này. Vào các buổi bình minh, mọi người rủ nhau dậy sớm để tận dụng thời điểm vắng vẻ thưởng ngoạn không khí tĩnh mịch. Thế nhưng, ngay từ 7h, người dân và du khách cũng đã xuất hiện khá nhiều ở gần cầu Đá Nhảy.
Mùa hè ở đây, ban ngày nắng vàng, trời trong xanh nhưng thời điểm đẹp nhất ở Phượng Hoàng cổ trấn là lúc hoàng hôn. Khi mặt trời vừa lặn, ánh đèn sáng hai bên bờ sông bừng lên soi bóng xuống mặt nước tạo nên khung cảnh huyền ảo, rực rỡ. Nếu như ban ngày, trấn cổ giống một bức tranh thủy mặc trữ tình thì đêm xuống, nơi đây lại khoác lên diện mạo hiện đại. Những ngôi nhà gỗ, cây cầu, khu phố được trang trí đèn đủ màu. Các hoạt động về đêm ở cổ trấn kéo dài đến 1-2h sáng.
Nơi chúng tôi ở là một khách sạn cách trung tâm cổ trấn chừng 1 km. Để ra đó, có thể đi taxi với giá 10-15 nhân dân tệ/chiều (35.000-52.000 đồng) hoặc đi xe bus giá 2 nhân dân tệ/người (7.000 đồng). Ngoài ra, đội ngũ xe ôm cũng túc trực xung quanh, sẵn sàng đưa đón khách với mức giá thỏa thuận.
Buổi đêm cũng là lúc các gian hàng ẩm thực hoạt động nhộn nhịp. Đi dạo ven bờ sông, du khách sẽ ngửi thấy mùi thức ăn tỏa ra ngào ngạt. Thỉnh thoảng lại thấy một số người bật lửa châm nến thả hoa đăng. Việc dùng bữa tối ở các quán ăn ven sông, ngắm cảnh dòng Đà Giang về đêm cũng là những trải nghiệm thú vị. Nếu sẵn sàng ăn chơi đến nửa đêm, dọc hai bên sông còn có khá nhiều quán bar, nhạc sống và những nhà hàng phong cách châu Âu. Bạn thích "xõa" kiểu gì, các ông chủ đều đáp ứng đủ.
Phấn khích rủ nhau vào một nhà hàng ven sông, chúng tôi được phục vụ một thứ nước hoa quả gì đó khá nhạt nhẽo. Ở đây không có cà phê, ngôn ngữ bất đồng, cả nhóm đành gọi đại một thứ đồ uống. Một phụ nữ bán rong những cành hoa hồng xuất hiện mời chào. Tôi muốn mua để tặng người cùng bàn nhưng cả hai bên cứ nói tiếng Việt và tiếng Trung "đá nhau" nên không thành, chẳng ai hiểu ai.
Phù Dung cổ trấn 2.000 tuổi
Trong hành trình này, chúng tôi còn được thăm Phù Dung cổ trấn hàng nghìn năm tuổi. Công trình tọa lạc trên thượng nguồn một dòng thác lớn, cách Trương Gia Giới khoảng 80 km về phía tây nam, nép mình bên dòng Dậu Thủy. Điểm du lịch này hút khách không kém Phượng Hoàng cổ trấn.
Phù Dung trấn đã có hơn 2.000 năm lịch sử, diện tích khoảng 42 km2, dân số hơn 300.000 người. Trấn cổ Phù Dung vốn có tên là thôn Vương. Sau khi bộ phim "Thị trấn Phù Dung" (1986) được quay ở đây, người ta mới đổi tên thành trấn Phù Dung và đưa nơi này lên bản đồ du lịch Trung Quốc. Cư dân gốc trong vùng chủ yếu là người Thổ Gia. Ngoài ra, ở đây cũng có người Hán đến sinh sống.
Dấu ấn đáng chú ý nhất ở Phù Dung là thác Vương Thôn, tọa lạc phía tây cổ trấn có độ cao khoảng 60 m và rộng 40 m. Men theo vách đá, du khách dễ dàng đưa tay ra hứng nước, thậm chí một số đoạn buộc phải để nước nhỏ giọt rơi vào người, tuy nhiên nó cũng không đủ làm ướt áo. Theo kinh nghiệm của người dẫn đoàn, thời điểm ngắm thác này hiện lên đẹp nhất là từ tháng 6-8, đó là vào mùa mưa.
Ngoài thác Vương Thôn còn có cầu Thổ Vương cách đó vài trăm mét, nơi dẫn trực tiếp đến cung điện Tusi, là công trình kiến trúc Thổ Gia tiêu biểu với mái góc cạnh cao.
Con sông dưới chân cầu Thổ Vương chính là nguồn nước chảy xuống thác nước biểu tượng của thị trấn. Người dân ở đây vẫn có thể bắt cá ở sông về ăn. Những khi đánh bắt được nhiều, họ mang vào thị trấn bán cho người dân và khách vãng lai. Sau khi tham quan thác Vương Thôn, du khách được ngồi trên thuyền lênh đênh một đoạn chừng 200 m để trở về.
Điểm cao nhất của nơi này nằm ở độ cao hơn 900 m so với mực nước biển và điểm thấp nhất là gần 140 m. Nếu đứng ở nơi cao nhất, du khách có thể ngắm toàn cảnh thị trấn thơ mộng.
Phù Dung trấn còn có các con hẻm nhỏ, nơi những ngôi nhà treo nhiều lồng đèn đỏ, giống hệt bối cảnh trong cuốn phim cổ trang Trung Quốc. Mọi ngóc ngách trông vừa lạ lẫm lại vừa thân quen một cách lạ kỳ.
60 phút đi thuyền ngắm hồ Bảo Phong
Một chút tiếc nuối với điểm đến thoạt nghe tưởng như rất hấp dẫn này. Không giống những hồ nhiều màu sắc ở Cửu Trại Câu (Tứ Xuyên), hồ Bảo Phong không nhỏ nhưng cũng không quá lớn để thoải mái dạo chơi. Mặt nước hồ vào lúc nắng có màu xanh. Sau những hành trình dài, việc được ngồi trên thuyền lênh đênh, thư thái ngắm cảnh, mơ màng cũng đầy ý nghĩa cho những ai yêu thích thiên nhiên, cây cỏ.
Hồ Bảo Phong là một hồ nước ngọt, đã được công nhận là Di sản Tự nhiên thế giới, công viên địa chất thế giới nằm trong khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên (gần Trương Gia Giới). Mỗi đoàn khách tới đây chỉ ngồi thuyền chừng 30 phút đi một vòng hồ rồi trở về vị trí xuất phát.
Khi thuyền chở khách chạy dọc 2 bên hồ, du khách có dịp chiêm ngưỡng cảnh sắc núi non, mây trời. Tất cả hiện lên một màu xanh ngắt. Mỗi khi gặp một căn nhà nhỏ, các chàng trai, cô gái người bản địa thấy có người đi qua liền cất lên tiếng hát Dao Trì, một hình thức hát dân ca gần giống Quan họ Bắc Ninh của Việt Nam.
Vượt đường 99 khúc cua lên Thiên Môn Sơn, đi dạo vách kính cheo leo
Để lên được Thiên Môn Sơn và tham quan vách kính trên đỉnh cao cheo leo, chúng tôi phải di chuyển bằng hai lần ôtô chuyên dụng. Mỗi xe chở tối đa 24 khách, chạy vòng xèo "xoắn quẩy" qua 99 khúc cua đầy cảm giác mạnh. Có những đoạn hai ôtô ngược chiều tránh nhau ở khúc ngoặt gấp và độ dốc cao. Ngồi bên trong, nhiều thời điểm, tôi có cảm giác như bánh xe sau lăn sát mép vực. Một chút sợ hãi bỗng trào lên, tài xế mà lệch tay lái một chút thôi, ôtô có thể lật rơi xuống vực, rất nguy hiểm. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi tự nhủ, tin là an toàn vì nơi đây chưa từng xảy ra sự cố nào theo lời kể của hướng dẫn viên. Đội ngũ tài xế ở đây cũng rất chuyên nghiệp và lành nghề.
Đường từ chân núi lên Thiên Môn Sơn dài 11 km, chiều cao giữa điểm đầu và điểm cuối là 1.100 m, nơi cao nhất ở mức 1.300 m so với mực nước biển. Để hoàn thành lối dành cho ôtô lên đỉnh Thiên Môn Sơn, người ta phải mất tới 8 năm xây dựng (1998-2006).
Thiên Môn Sơn được mệnh danh là một trong những cung đường nguy hiểm nhất thế giới. Từ trên cao nhìn xuống, cung đường trông như con bạch long uốn lượn đang vươn mình lên bảo vệ đỉnh núi thiêng.
Sau khi vượt qua chặng đường đầy cảm giác mạnh, cửa ải tiếp theo là 999 bậc thang lên cổng trời cao 130 m, rộng 57 m. Tất nhiên, thử thách này chỉ dành cho những người thích rèn luyện sức khỏe bản thân. Hầu hết du khách sử dụng thang cuốn. Thế mà, lên cao vòng vèo đến nỗi không phải leo cũng còn thấy lâu.
Trở lại với câu chuyện về 999 bậc thang lên cổng trời, đó là một cầu thang được chế tác bằng đá thẳng đứng, chia làm 3 làn, có tay vịn. Con số 999 được lựa chọn với ý nghĩa là con số may linh thiêng với người Trung Quốc, có thể đem lại nhiều may mắn.
Vào những ngày mây phủ, nơi đây được bao trùm bởi không khí kỳ ảo, lung linh khiến bạn cảm thấy chỉ cần vài bước nữa đã có thể lạc vào một cõi tiên.
Sau khi tham quan Thiên Môn Sơn, du khách lại xếp hàng trải nghiệm Skywalk cheo leo trên đỉnh. Đó là một chiếc cầu nhỏ được xây dựng bao quanh vách đá dựng đứng ở đỉnh cao nhất khu vực này (gần 1.500 m). Với mỗi đợt mở cửa, ban quản lý cho phép tối đa 800 người vào. Tuy chỉ dài 100 m, rộng 1,6 m nhưng cầu vách kính này cũng đủ làm tôi và những người bạn đồng hành có cảm giác thót tim. Lan can, mặt sàn cầu được thiết kế bằng kính trong suốt.
Dù biết chắc chắn an toàn nhưng khi giẫm chân lên khoảng giữa tấm kính trong veo, một cảm giác ghê sợ vẫn nhói lên, ngay cả các bạn trẻ cũng hét toáng khi đi qua. Nhiều người phải đặt chân lên những vị trí có các thanh dầm bên dưới lớp kính để bước hoặc chụp ảnh cho đỡ ghê. Có cô gái ôm mặt biểu lộ sợ hãi, không dám ngồi vào giữa lòng tấm kính.
Kết thúc buổi trải nghiệm Skywalk Trương Gia Giới cũng là thời điểm quá 13h trưa. Để trở về chân núi, hàng nghìn khách lại phải trải qua thêm một quá trình gian nan xếp hàng lên cáp treo. Nếu chẳng may đoàn nào lạc thành viên, họ lại phải đợi đến lượt vận hành vào buổi chiều lúc 16h sẽ rất mất thời gian. Cảm giác đói lả, mệt mỏi dâng lên nhưng với nhiều người, nhưng với tôi lại rất thỏa mãn vì một hành trình đẹp.
Hải Quân
Theo news.zing.vn
Mãn nhãn màn trình diễn dù lượn tại Thiên Môn Sơn (Trương Gia Giới, Trung Quốc) Thắng cảnh Thiên Môn Sơn tại Trương Gia Giới đã quá nổi tiếng với du khách thế giới trong đó có Việt Nam. Mới đây, 7 tay dù lượn đã trình diễn màn dù bay tại đây khiến du khách được một phen... mắt tròn mắt dẹt. Màn trình diễn dù lượn gắn động cơ tại Thiên Môn Sơn. Video: Tân Hoa Xã...