Ngoài cảnh báo vấn nạn nhức nhối, còn 5 điều ở “Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông” khiến bạn khóc như mưa
“Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông” là một câu chuyện buồn đầy nước mắt của nữ chính Dịch Dao đã khiến khối người xem phải sụt sùi suốt 90 phút.
Đúng như tên phim, Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông (Tên tiếng Anh: Cry Me A Sad River) là nước mắt đau khổ của nhân vật chính nhiều đến mức có thể chảy thành một dòng sông và khán giả cũng thế, hầu hết người xem sẽ chẳng thể ngừng khóc trước một khúc ca buồn da diết, đầy thống khổ và đau đớn. Tuy nhiên, dù bạn có sợ đau buồn đến đâu, 5 lý do này vẫn đủ để chứng minh đây là một phim điện ảnh đáng xem của năm 2018.
1. Nội dung bi thương đầy hấp dẫn
Dịch Dao ( Nhậm Mẫn) là cô gái mang số phận của một đen đủi được nuôi lớn bởi người mẹ đơn thân. Cứ như hoàn cảnh gia đình này chưa đủ u buồn, mẹ cô ngày ngày đi mát xa cho người khác rồi vô tình khiến con gái của mình mắc bệnh lạ.
Dịch Dao, cô gái hiền lành nhưng luôn phải chịu những trò đùa ác ý từ bạn bè.
Dịch Dao hiền lành, sống cô quạnh và thường xuyên bị bạn bè trêu trọc. Đến khi trong lớp có bạn nữ chuyển đến thì cuộc sống của Dịch Dao lại càng thêm trớ trêu. Đường Tiểu Mễ là học sinh chuyển trường, vì ghen tức với Dịch Dao nên ngày ngày làm khó cô. Chính Đường Tiểu Mễ là kẻ phát tán tin tức Dịch Dao bị bệnh cho cả trường biết. Tháng ngày như sống giữa địa ngục của Dịch Dao cứ thế trải dài.
Cuộc đời Dịch Dao là những ngày khốn khổ, những người bạn bên cô cũng phải chịu nỗi đau.
Việc này chồng chất việc kia, cô bị vu khống và đổ tội oan, ngay cả việc lấy mạng người cô cũng phải chịu, Dịch Dao chạy mãi cũng chẳng thấy lối thoát. Vì mất hết niềm tin vào cuộc sống nên Dịch Dao quyết định nhảy xuống vực thẳm đó.
2. Phản ánh vấn nạn gây nhức nhối trong xã hội hiện nay
Chắc chắn ai cũng từng nghe đến cụm từ bạo lực học đường, ở đây, Dịch Dao chính là nạn nhân của nỗi ám ảnh thanh xuân này. Trong suốt những năm tháng đi học, Dịch Dao bị cô lập, bị bắt nạn và bạo lực cả về tinh thần lẫn thể xác. Đến khi Đường Tiểu Mễ xuất hiện, những trò đùa lại càng ác ý hơn. Nhưng nực cười ở chỗ, Đường Tiểu Mễ cũng là nạn nhân của bạo lực học đường khi ở trường cũ. Một kẻ chạy trốn ngôi trường cũ, vì quá sợ lại trở thành nạn nhân một lần nữa mà trở thành kẻ gieo rắc tai họa, tổn thương cho người khác ở ngôi trường mới.
Trước khi đi bắt nạn người khác Đường Tiểu Mễ cũng là nạn nhân của bạo lực học đường.
Dịch Dao hết bị bạn bè mắng chửi bằng lời nói, bị những người vẫn đang tuổi đi học đặt điều vu khống. Thậm chí tiền cô dùng để đi chữa bệnh cũng bị bạn cùng lớp lấy trộm. Ngoài Tề Minh ( Triệu Anh Bác), Cố Sâm Tây ( Tân Vân Lai) và Cố Sâm Tương ( Chương Nhược Nam) thì không một ai đứng về phía cô.
Cố Sâm Tây luôn ở bên cạnh động viên và bảo vệ Dịch Dao.
Dịch Dao là một trong những nạn nhân của nạn bạo lực học đường. Cô là nhân vật đại diện cho những học sinh mang nhiều vết thương ở cuộc sống thật, là những đứa trẻ bị bắt nạt không có tiếng nói, cũng không có quyền được nói, ngày ngày phải sống trong đau khổ và sợ hãi.
Nhiều người biết chuyện này nhưng kẻ thì làm ngơ còn kẻ lại a dua đi bắt nạt. Có người muốn giúp Dịch Dao nhưng cũng vì sợ, vì hội chứng đám đông của xã hội nên cô bạn đó không thể lên tiếng. Cuối cùng tất cả mọi thứ đã đẩy Dịch Dao đến bước đường cùng.
Một nhóm học sinh cố tình đổ nước lên người Dịch Dao.
Câu chuyện như một hồi chuông báo động rằng ở xã hội bên ngoài, còn có bao nhiêu Dịch Dao? Có bao nhiêu người ra đi như Dịch Da, bao nhiêu người sống trong sợ hãi vì chịu đựng bắt nạt? Còn bao nhiêu thầy, cô giáo thờ ơ với chuyện này và còn bao nhiêu trường học không quan tâm đến học sinh? Chắc chắn là còn rất nhiều trường hợp như vậy, Dịch Dao chỉ là một đại diện mà thôi.
3. Tình mẫu tử thiêng liêng không cần khua chiêng múa trống
Ở những phút đầu của phim, hình ảnh về mẹ của Dịch Dao chẳng có gì tốt đẹp. Đó là một người phụ nữ lôi thôi, ích kỷ với gương mặt khắc khổ. Ngày nào Dịch Dao cũng bị mẹ mắng, thậm chí bà còn không mua đồng phục mới cho cô.
Tuy nhiên, hổ dữ cũng không ăn thịt con, mẹ Dịch Dao ghê gớm là vậy nhưng bà làm mọi thứ cũng bởi vì cô. Bà chấp nhận đi mát xa cho đàn ông, bà mặc kệ những lời điều tiếng chỉ vì muốn kiếm tiền cho cô ăn học. Đến khi biết được vì mình mà con gái mang bệnh, bà đã rất đau khổ.
Mẹ Dịch Dao đã nắm tay đưa cô đi chữa bệnh.
Hành nghề mát xa và biết nó xấu xa, bà vẫn luôn cố gắng bảo vệ Dịch Dao. Vì hiểu đám đàn ông đó là người như thế nào nên bà cấm cô không được trở về nhà khi nhà có khách. Đồng thời bà cũng giấu mọi thứ về cô để không một tên đàn ông nào phát hiện ra.
4. Ý nghĩa sâu sắc về việc tự bảo vệ mình
Mỗi người đều có một cuộc đời, nhưng không phải ai cũng có quyền chọn lựa số phận. Có người nói, số phận nằm trong tay bạn nên bạn tự quyết định số phận của mình. Dịch Dao phải chịu những ngày tháng khổ sở, rồi cô cũng vùng lên vì muốn tự quyết định cuộc đời mình, muốn thay đổi số phận.
Dịch Dao quyết định nhảy sông tự vẫn trước cái nhìn của học sinh toàn trường.
Nhiều người cho rằng những lời xúc phạm và chê bai người khác là trò đùa. Nhưng không phải trò đùa nào cũng vô hại, có những lời nói đùa đã làm cuộc đời của người khác chấm dứt. Lời là do mình nói, nhưng có lựa được lời hay ý đẹp để nói hay không lại là chuyện khác. Việc là do mình làm, nhưng hành động như thế nào thì mới là đúng?
5. Dàn diễn viên trẻ thực lực biết lấy nước mắt
Phim sử dụng dàn diễn viên không phải hạng nổi bật vì đa số còn trẻ và góp mặt khá ít tác phẩm trước đó, tuy nhiên, năng lực diễn xuất của các diễn viên này rất đáng giá.
Mọi thăng trầm tuổi trẻ của nhóm những người bạn này đều được kể tốt bằng biểu cảm của dàn diễn viên mới. Người xem sẽ đau lòng trước một Dịch Dao sống nội tâm và cuộc đời chẳng có chút nào vui vẻ, một Tề Minh luôn thâm trầm, dịu dàng và đem lại cảm giác bình an, một Cố Sâm Tây sống hết mình, dám làm dám chịu; và một Cố Sâm Tương xinh đẹp, dịu dàng, mang khí chất của nữ thần. Những nhân vật ấy đều được lớp diễn viên trẻ: Nhậm Mẫn, Triệu Anh Bác, Tân Vân Lai, Chương Nhược Nam, Chu Đan Ni thể hiện tròn vai.
Từ trái sang: Chu Đan Ni, Triệu Anh Bác, Nhậm Mẫn, Tân Vân Lai, Chương Nhược Nam.
Thậm chí nhiều người đã khóc như mưa vì cảm thông trước cuộc đời của Dịch Dao. Khi Nhậm Mẫn biến thành Dịch Dao vừa khóc vừa kể tội từng người ở bờ sông, cô đã làm bao nhiêu người đau lòng và rơi nước mắt theo.
Tạm kết
Bắt đầu bộ phim, nhiều người đã phải khóc, kéo dài hơn 90 phút của phim, có người vẫn tiếp tục khóc, khi phim hết rồi, nước mắt vẫn còn có thể rơi. Ta thương cho kiếp sống của Dịch Dao, thương thêm những đứa trẻ phải chịu nạn bạo lực học đường. Điều đọng lại trong tâm trí khán giả Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông là bức tranh ám ảnh không dứt về một thanh xuân đẫm nước mắt.
Trailer phim “Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông”
Theo Trí thức trẻ
"Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông": Bức tranh u ám về nạn bắt nạt học đường và lối sống vô cảm của thanh thiếu niên
Thanh xuân là những tháng ngày tươi đẹp nhất của một đời người nhưng với Dịch Dao trong "Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông" thì đó là quãng thời gian "ác mộng". Bạo lực học đường là hung thủ hại người thiếu nữ đáng thương đó dưới dòng sông lạnh giá.
Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông là một món ăn tinh thần mang vị "đắng cay" khác biệt với sự "ngọt ngào" của các tác phẩm thanh xuân vườn trường đậm chất ngôn tình đang gây bão hiện nay. Phim là một bức tranh u ám phản ánh chân thực về vấn đề bắt nạt, lối sống vô cảm của thế hệ thanh thiếu niên Trung Quốc.
Chuyện kể về Dịch Dao (Nhậm Mẫn), cô gái có một tuổi mười bảy chằng chịt những vết xước "rỉ máu" về tâm hồn và thể xác. Tháng ngày đến trường của cô chỉ là một bi kịch, tấn trò hề cho bạn bè giếu cợt, mỉa mai và hành cô từ lời nói đến hành động. Trường học là địa ngục, nơi lạnh lẽo đã chôn vùi cuộc sống của cô trong máu và nước mắt.
Người thiếu nữ học cách trưởng thành trong bất hạnh
Bạn học Dịch Dao sớm mất cha từ nhỏ, mẹ thì làm nghề "massage" vì vậy cô thầm lặng, khép mình trong sự tủi nhục của nghèo hèn. Số phận dồn cô vào đường cùng khi cô phát hiện mình mắc bệnh phụ khoa do những vị khách của mẹ lấy khăn tắm của cô sử dụng. Hoang mang, sợ hãi Dịch Dao phải tự mình chịu đau cho đến khi bị Đường Tiểu Mễ (Châu Dannel) phát hiện ra bí mật kinh khủng này. Kể từ đó, cô là mục tiêu để trường học chà đạp và lăng nhục.
Giống như nữ chính phim thanh xuân khác cô cũng có tri kỉ "thanh mai trúc mã" là lớp trưởng Tề Minh (Triệu Anh Bác) tuấn tú, tài giỏi và cậu bạn Cố Sâm Tây (Vận Vân Lai) thân thiện, luôn bên cạnh chở che. Nhưng đây không phải là câu chuyện cổ tích nhiệm màu mà là thực tế tàn nhẫn đầy khắc nghiệt khi Dịch Dao phải gồng mình chịu đựng những màn tra tấn vô tình của bạn bè. Sự kỳ thị, tẩy chay của một cộng đồng như hàng ngàn mũi kim có độc đâm vào cơ thể bé nhỏ của Dịch Dao khiến cô đau đớn, mặc cảm và chết dần trong nỗi cô đơn buồn thẳm.
Cố Sâm Tây, Tây trong mặt trời mọc đằng tây là chút hơi ấm mà Dịch Dao cảm nhận được từ ánh nắng của tình bạn thuần khiết. Cậu ấy đã xuất hiện trong thanh xuân đầy nỗi bi ai này, đã ở bên cạnh lắng nghe, an ủi và sẻ chia cùng Dịch Dao. Đáng tiếc đoạn đường trưởng thành của Dịch Dao chỉ là sự bất hạnh khi cô phải sống trong sự ghẻ lạnh của xã hội, sự thờ ơ trong túng quẫn của gia đình. Cuối cùng cái chết như một sự cứu rỗi duy nhất để cô có thể giải thoát cho chính mình, để được an nhiên và thanh thản.
Bạo lực biến trường học trở thành đấu trường sinh tử
Phim rất thực tế khi phơi bày hiện thực tàn khốc của những người trẻ đang vật lộn với vấn nạn bạo hành, bắt nạt trong trường học. Nạn nhân luôn một mình chống đỡ trước những đòn tấn công độc ác của đám đông. Chỉ cần một tin đồn không cần biết đúng sai được lan rộng và bàn tán rồi công kích đầy hả hê, thích thú và vô tâm trêu đùa trước nỗi đau của người khác.
Bạo lực học đường xuất phát từ sự đố kỵ, ghen ghét; từ cách giáo dục sáo rỗng dẫn đến hậu quả khôn lường khi hình thành những "ác nhân" yêu thích chỉ trích, phê phán và bình phẩm. Đường Tiểu Mễ cũng là nạn nhân nhưng cô ta thật đáng trách khi lan truyền bí mật căn bệnh của Dịch Dao rồi tấn công và vùi dập bạn cùng lớp phải "sống không bằng chết". Tề Minh thì quá khác biệt khi được sống trong sự yêu thương chiều chuộng nên cậu không có dũng khí hay chính kiến để ở bên cạnh thấu hiểu và bảo vệ Dịch Dao.
Mỗi người một hoàn cảnh khác biệt nhưng tất cả đều "quay lưng" để mặc cô gái Dịch Dao một mình kiên cường mà chống đỡ. Một thanh xuân bị vẩy đục bởi miệng lưỡi thế gian, bởi sự lạnh lùng đến tuyệt tình của con người. Tuổi trẻ của ai cũng đáng quý đừng vì trò đùa ác ý mà thản nhiên mặc kệ vết thương mà ai đó phải đau đáu mang theo suốt cả cuộc đời.
Một tác phẩm buồn và rất "đời"
Đây là một tác phẩm rất đáng xem khi gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh giới trẻ về vấn nạn bạo lực học đường. Một kịch bản không tô vẽ rực rỡ, một dàn cast không ngôi sao hay mỹ nam, mỹ nữ. Đơn giản phim chỉ là một câu chuyện "rất đời" . Đạo diễn Lạc Lạc đã thay đổi chút ít so với cốt truyện gốc của nhà văn Quách Kính Minh để giảm nhẹ những tình tiết nặng nề và giữ lại cái hồn, nét đẹp đầy tính nhân văn sâu sắc.
Nỗi buồn của phim ẩn hiện trên những góc quay nghệ thuật, đầy dung dị và gần gũi. Dàn diễn viên trẻ đã hoàn thành vai diễn của mình khi khắc họa chân thực những chuyển biến tâm lý phức tạp của các cô cậu học trò tuổi mới lớn. Đáng khen nhất chính là nữ chính do Nhậm Mẫn thủ vai. Đôi mắt buồn trong sáng như ngọc, gương mặt phảng phất sự sầu bi cùng cực của Nhậm Mẫn khiến khản giả cảm thông, thương xót cho nhân vật Dịch Dao. Nỗi buồn cứ thế kéo dài miên man theo lời thoại giàu chất tự sự cùng lối diễn mê hoặc, rất có hồn của Nhậm Mẫn.
Cái kết của phim chính là một sự giải phóng cho số mệnh. Một kết thúc mở tràn đầy ánh sáng niềm tin và hy vọng mới. Sự cố của ngày hôm nay chỉ là cú vấp ngã để bạn mạnh mẽ hơn mà quên đi và sống tiếp vì đâu đó trên thế gian này vẫn có người bạn như Cố Sâm Tây mỉm cười cùng ta đi qua những khó khăn.
"Nguyện cho thanh xuân của người người đều được đối xử ấm áp" là lời ước nguyện mà bộ phim muốn gửi đến những người trẻ. Chúng ta sẽ hạnh phúc mà trưởng thành trong sự yêu thương đơn thuần đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ.
Trailer "Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông"
Theo Trí thức trẻ
"Lương Sinh, Liệu Đôi Ta Có Thể Ngừng Đau Thương": Khán giả vừa bức xúc vừa khó hiểu trước hành động của Khương Sinh "Lương Sinh, Liệu Đôi Ta Có Thể Ngừng Đau Thương" (Cool, Can Not Sad/All Out Of Love) càng ngày càng khiến người xem cảm thấy bức xúc và phẫn nộ. Nữ chính Khương Sinh chính là nguồn cơn của những rắc rối mãi chẳng thể tháo gỡ của bộ phim. Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Nhạc Tiểu...