Ngoài bắt cá sấu bằng tay không, phim tương tác “You vs Wild” bị chê trẻ con vẫn còn 3 điều hút khán giả
Dù nội dung còn khá đơn giản, “ You vs Wild” vẫn có những giá trị nhất định cho khán giả ở nhiều lứa tuổi.
Phim tương tác là một trong những món “đặc sản” của Netflix khi cho phép người xem thực sự đóng góp vai trò trong những gì xảy ra trên màn ảnh. Có bao giờ chúng ta xem phim mà cực kỳ khó chịu hay bực bội với muôn vàn những logic không thể hiểu nổi và chỉ muốn thay đổi nó? Netflix đã biến ước mơ đó trở thành hiện thực với You vs Wild ( Bạn Đối Mặt Tự Nhiên). Dù bộ phim đơn giản không khác gì một trò chơi con nít nhưng đừng vì thế mà bỏ qua những điểm cuốn hút riêng của nó.
1. Các cảnh quay thiên nhiên tuyệt đẹp
Nếu bạn là 1 người yêu thiên nhiên và thích khám phá thế giới hay tới những vùng đất đem lại cảm giác mạo hiểm mà không thể tự mình trải nghiệm được thì các cảnh quay “đẹp đến nao lòng” trong phim sẽ làm bạn cảm thấy vô cùng thỏa mãn. Thực sự thì với chất lượng và góc quay của You vs Wild vô cùng chuyên nghiệp. Những thước phim hiện lên thực sự rất hùng vĩ và tuyệt đẹp hấp dẫn mọi người xem kể cả bạn có yêu thiên nhiên hay không.
2. Kiến thức sinh tồn ở nơi hoang dã
Mô tuýp này khá quen thuộc khi mà chúng ta đã có các kênh truyền hình vô cùng nổi tiếng như Discovery hay National Geographic. Người xem không thiếu các bộ phim tài liệu và chương trình về các loại động vật hoang dã hay cách để sống sót nếu bạn không may phải ở trong rừng, lạc trên núi,… Tuy nhiên, với các ví dụ trên chúng ta chỉ có thể xem nhưng với series của Netflix mọi thứ trở nên sống động hơn khi chúng ta trực tiếp là người đưa ra các quyết định có ảnh hưởng tới nhân vật chính cứ như thể chính bạn mới là người đang ở trong cuộc hành trình trên màn ảnh vậy.
Cách khán giả tương tác và đưa ra các lựa chọn
Ví dụ như ở tập 1, trong cuộc giải cứu vị bác sĩ ở rừng xanh, chúng ta buộc phải đưa ra lựa chọn là liệu Bear Grylls phải đối đầu với con rắn hay chiến đấu với cá sấu để tiếp tục cuộc hành trình. Và nếu chúng ta đưa ra những lựa chọn sai lầm, thiếu suy nghĩ và tính thực tế thì nhà thám hiểm của chúng ta sẽ gặp khó khăn và nhiệm vụ thất bại. Khi đó khán giả sẽ phải chơi lại từ đầu. Chính vì thế mà những kiến thức sinh tồn đem lại sẽ bổ ích và người xem thực sự sẽ rút ra được kinh nghiệm từ You vs Wild.
Một cảnh trong tập 1 khi nhà thám hiểm khống chế con cá sấu bằng cách nắm và bịt chặt khuôn miệng nó lại. Nếu ai đó hỏi bạn rằng làm thế nào khi một con cá sấu tiến lại gần và mở hàm răng nhọn hoắt của nó ra ? Chúng ta sẽ không bao giờ biết được câu trả lời cho tới khi chứng kiến cảnh này.
3. Trải nghiệm sống động và thú vị
Gạt qua một vài lời phê bình từ cộng đồng mạng khi cho rằng series quá con nít, đơn giản hay một vài các lựa chọn không thực sự phù hợp thì chúng ta đều phải thừa nhận việc được tương tác và đưa ra các quyết định cho nhân vật chính là yếu tố mới lạ và hấp dẫn. Hơn thế nữa đây là loạt phim gắn mác 7 nên cũng rất bổ ích cho việc giáo dục các em nhỏ tìm hiểu và có thêm được những kiến thức vô cùng bổ ích thay vì chỉ xem các bộ phim hoạt hình hay các trò chơi bạo lực.
You vs Wild hiện đang chiếu trên hệ thống Netflix.
Theo trí thức trẻ
Trò tương tác sinh tồn "You vs Wild" của Netflix chỉ là trò con nít thôi!
Giả tạo và vô vị, tác phẩm sinh tồn"You vs Wild" thua xa đàn anh "Bandersnatch" trong cùng thể loại phim tương tác trên Netflix.
Những tưởng sau cú hit Bandersnatch, thể loại phim tương tác của Netflix sẽ ngày càng được hoàn thiện với nội dung hấp dẫn hơn. Ý tưởng đưa người xem vào những lựa chọn sinh tồn cùng Bear Grylls trên nhiều loại địa hình hoang sơ từ sa mạc cho tới núi tuyết có vẻ như là nguyên liệu tuyệt vời làm nên một series tương tác hoàn hảo. Thế nhưng sự đơn điệu trong cốt truyện, nghèo nàn trong các lựa chọn và cả sự vô nghĩa trong kịch bản đã khiến You vs Wild ( Bạn Đối Mặt Tự Nhiên) giống như game tương tác cho trẻ em 5 tuổi.
Trailer "You vs Wild"
Gồm 8 tập phim, You vs Wild đưa khán giả cùng Bear Grylls lạc vào thiên nhiên hoang dã với các nhiệm vụ khác nhau chủ yếu là tìm người, mèo chó lạc... Tập đầu tiên là hành trình "anh Gấu" đi giải cứu một cô bác sĩ trong rừng và đem thuốc cho thổ dân, trong khi tập tiếp theo chứng kiến sứ mệnh giải cứu chó lạc tại khu vực dãy Alps Thụy Sĩ.
Những thử thách dễ dàng đến nhàm chán
Phim có nội dung không hề sáng tạo.
Phần lớn thời gian dành cho việc Grylls trao đổi trực tiếp với người xem, liên tục đề nghị chúng ta chọn lựa như cho anh ấy lội suối hay băng rừng, bò qua một khúc cây vắt ngang qua vực hay đu dây leo,.. Thoạt nghe có vẻ phiêu lưu mạo hiểm thật đấy nhưng dần dần, người xem dần nhận ra rằng dù mình lựa chọn là gì đi nữa thì đó đều là những việc mà Grylls đã làm rồi và làm không biết bao nhiêu lần.
Sau khi click vào từng lựa chọn, anh chàng miễn cưỡng nói những câu có sẵn trong kịch bản như "Ồ tui không biết nha mấy hòn đá này trơn lắm" hoặc "Chà các cậu chọn cách ăn con sâu đó hả, hiển nhiên rồi."
Sự điềm nhiên đến phát bực của Grylls, sự thiếu chân thực trong các thử thách dành cho anh (không, bạn không có lựa chọn nào để lấy mạng anh ấy đâu) và cả việc Bear hoàn thành ngon ơ các thử thách khiến You vs Wild trở nên quá dễ đoán, nếu không muốn nói là nhàm chán. Cảnh Bear tìm được chú chó lạc diễn ra thật tức cười khi con chó trông không có vẻ gì là đi lạc 36 tiếng dưới tuyết dày, sau đó từ đâu lại còn xuất hiện một chiếc xe kéo đưa cả hai trở về. Tất nhiên ở một số màn chơi, Netflix có để người xem phải chơi lại, nhưng như đã nói, kết quả thì khá vô nghĩa.
Thiếu hẳn sự sáng tạo so với Bandersnatch
Vấn đề với You vs Wild là việc loạt phim cố gắng hòa trộn hai yếu tố "thật" và "ảo" vào với nhau để rồi cuối cùng ra một thứ nửa nạc nửa mỡ, dở ông dở thằng. Càng cố gắng trở nên chân thực, bằng việc đưa ra các lựa chọn và để diễn viên "diễn" với các kịch bản từ ngộ độc cho tới sụt băng, series có vẻ như càng trở nên giả tạo hơn.
"You vs Wild" là một bước lùi so với "Bandersnatch".
Nếu nói đây là một trò chơi tương tác, giống như Bandersnatch, thì nó đã không bất ngờ lại còn chẳng khó khăn gì. Nếu như tập phim thuộc thương hiệu Black Mirrormở ra cho người chơi vô số hướng đi và cái kết khác nhau thì You vs Wild chỉ có một kết quả là trước sau gì cũng hoàn thành cuộc thử thách.
Tác phẩm chẳng có ngóc ngách nào để khám phá, không có câu chuyện ẩn để mở khóa hay thậm chí còn thiếu luôn cả những hướng đi mới sáng tạo. Chúng ta không phải đắn đo khi click các lựa chọn khác nhau cho Bear hay cũng chẳng cần chơi lại để xem hướng đi còn lại sẽ dẫn tới đâu. Thứ duy nhất bạn có thể làm trong series này là khiến anh chàng sống khổ sở hơn "một tí" mà thôi.
Những lựa chọn không quá ảnh hưởng tới kết cục phim.
Xét cho cùng, bộ phim không khác gì chương trình truyền hình thực tế Man vs Wildcủa Bear Grylls ngày xưa cho lắm hay thậm chí còn kém đi ít nhiều bởi bạn có thể lựa chọn cách giải quyết dễ dàng hơn kia mà. Con cá sấu mà Grylls đương đầu bé bằng nắm tay, con báo thì cách anh ấy nửa cây số. Thậm chí cảnh phim anh chàng rớt từ trên vách đá làm rơi mất túi thuốc (gameover) cũng không có vẻ gì là tồi tệ cho lắm.
Rộng rãi ra mà nói, đây có thể coi là một loạt phim có giá trị giáo dục về kỹ năng sinh tồn khá hiệu quả cho trẻ em. Trừ việc đó ra, thì thực sự Netflix nên cân nhắc lại về tương lai của những series tương tác tiếp theo mà họ có ý định tung ra.
Mọi thứ có vẻ khá dễ dàng với Bear Grylls.
Phim hiện đang được chiếu trên hệ thống Netflix.
Theo trí thức trẻ
Sau "Bandersnatch", Netflix chiêu đãi fan phim tương tác một cuộc chiến sinh tồn nơi hoang dã Sau thành công của "Bandersnatch", phần phim tương tác tiếp theo của Netflix sẽ là cuộc chiến sinh tồn ngoài thiên nhiên mang tên "You vs Wild". Phim tương tác tuy đã xuất hiện được một thời gian nhưng mãi đến Bandersnatchcủa Netflix thì mới tạo nên cơn sốt. Tác phẩm mang đến cho người xem những trải nghiệm hoàn toàn mới khi...