Ngoài Bali, Indonesia còn những nơi nào để khám phá?
Chủ nhà ASIAD 2018 được mệnh danh là thiên đường du lịch với những điểm đến hấp dẫn hàng đầu Đông Nam Á. Ngoài đảo Bali nổi tiếng, Indonesia còn những nơi nào chinh phục du khách?
Núi lửa Bromo, Đông Java: “Đất nước vạn đảo” nổi tiếng với hàng loạt những ngọn núi lửa đang hoạt động. Núi lửa Bromo thuộc quần đảo Java là một trong những điểm du lịch hấp dẫn những ai ưa mạo hiểm. Điều thú vị nhất khi đến Bromo là ngắm bình minh trên miệng núi lửa, một trải nghiệm đầy thử thách nhưng rất thú vị. Ảnh: Nguyễn Hữu Trang.
Núi lửa Ijen, Đông Java: Là một trong những ngọn núi lửa nổi tiếng ở Java, nhưng Ijen là điểm đến nguy hiểm đối với khách du lịch. Ở đây có mỏ lưu huỳnh độc hại, địa hình hiểm trở. Tuy vậy, Ijen vẫn thu hút đông đảo lượng khách du lịch tới đây hàng năm. Ảnh: Theculturetrip.
Công viên quốc gia Bunaken (Bắc Sulawesi): Công viên Bunaken là đại diện tiêu biểu của các hệ sinh thái nước nhiệt đới Indonesia. Nơi đây sở hữu đến 390 loài san hô khác nhau cũng như các loài động vật có vú cùng nhiều loài cá, động vật thân mềm, bò sát. Ảnh: Flickr.
Đảo Padar (vườn Quốc gia Komodo): Padar là một trong ba đảo lớn nằm trong vườn Quốc gia Komodo, thuộc quần đảo Sunda. Hòn đảo được hình thành từ một núi lửa đã ngưng hoạt động. Nơi đây là một trong những điểm đến xa xôi ở Indonesia, hấp dẫn những du khách thích khám phá vùng đất mới lạ. Ảnh: @ ellen_gsy, @nastyakryvenok, @ recienviajados.
Video đang HOT
Đảo Padar là một trong những hòn đảo bảo tồn loài rồng Komodo (Varanus komodoensis). Loài động vật thuộc họ thằn lằn này xuất hiện từ hàng triệu năm trước, lang thang khắp Australia, sau đó di cư về phía Tây quần đảo Indonesia. Nhưng phải mãi cho đến đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học mới tiếp cận được loài rồng này.
Làng Tana Toraja (Nam Sulawesi): Ngôi làng nhỏ bé này là nơi sinh sống của bộ lạc Toraja, nổi tiếng thế giới với phong tục ướp xác và thay quần áo mới cho người chết. Indonesia được biết đến là quốc gia có nhiều bộ lạc kỳ dị, Toraja là một trong số đó. Ảnh: Theculturetrip.
Borobudur, Trung Java: Borobudur là ngôi đền Phật giáo có niên đại từ thế kỷ thứ 9, đồng thời, là một trong những di tích Phật giáo lớn nhất thế giới, từng bị chôn vùi trong tro núi lửa và được phục dựng lại từ những năm 1970. Bên cạnh khu phức hợp đền, Borobodur còn được biết đến với cảnh quan tươi đẹp cùng nhiều đỉnh núi lửa. Ảnh: Theculturetrip.
Cao nguyên Dieng (Trung Java): Nằm trên đỉnh cao của quần thể núi lửa Dieng, Cao nguyên Dieng mang vẻ đẹp yên bình, như địa điểm đến tách biệt với thế giới. Từ nhiều thế kỷ trước, người Java đã coi Dieng như một nơi linh thiêng và xây dựng hàng trăm ngôi đền thờ các vị thần ở đó, hiện nay còn tồn tại 8 ngôi đền cổ. Ảnh: Theculturetrip.
Hồ Toba, Bắc Sumatra: Với diện tích hơn 1.145 km2, mặt nước khổng lồ của Toba giống như một vùng biển nhỏ. Đây là hồ nước lớn nhất ở Đông Nam Á, đồng thời là một trong những hồ sâu nhất thế giới với độ sâu 450 m. Ở giữa hồ Toba là hòn đảo Samosir có kích cỡ tương đương Singapore, được biết đến với những ngôi làng truyền thống và các bãi biển hấp dẫn. Ảnh: Johnson Jingo.
Theo zing.vn
Tục phơi thây người chết trong lồng tre trên đảo Bali
Theo tục lệ một ngôi làng trên đảo Bali, nếu người qua đời đã kết hôn, thi thể của họ sẽ được đưa qua hồ, đến nghĩa trang và đặt xác trong lồng tre để tự phân hủy.
Phong tục phơi thây người chết trong lồng tre trên đảo Bali Khi một người đã kết hôn trong làng qua đời, nam giới trong làng sẽ đưa thi thể đến nghĩa trang và đặt trong lồng tre để xác tự phân hủy.
"Anh họ tôi ở đằng kia", Ketut Blen, một người Indonesia sống trên đảo Bali (Indonesia) nói với phóng viên BBC. Người đàn ông này chỉ vào hộp sọ và bộ quần áo bên dưới lồng tre và nói tiếp: "Nhưng tôi vẫn thấy bình thường khi nhìn anh ấy". Ảnh: Shutterstock.
Nghĩa trang làng Trunyan (đảo Bali) là một nơi cô lập. Nơi này được che chắn bởi những sườn núi dốc và rừng, nằm cạnh một cái hồ và cách trung tâm làng không xa. Người dân ở đây có một tập tục kỳ lạ: Phơi thây người đã khuất trong lồng tre để tự phân hủy. Ảnh: Getty.
Khi một người trong làng qua đời, người dân sẽ vận chuyển thi thể bằng thuyền qua hồ Batur, đến khu nghĩa địa Trunyan để phơi xác. Trunyan là ngôi làng duy nhất trên đảo Bali có tập tục kỳ dị này. Ảnh: Yusuf Ijsseldijk.
Theo lời giải thích của Blen, thực tế, làng Trunyan có hai nghĩa trang. Tục lệ phơi thây người chết trong lồng tre để tự phân hủy chỉ dành cho những người có một cuộc đời hoàn chỉnh. Tức là người đó đã kết hôn trước khi họ qua đời. Ảnh: Yusuf Ijsseldijk.
"Những người chết trước khi cưới hoặc chết đuối ở hồ, chúng tôi chôn họ xuống đất", người đàn ông này chia sẻ. Ảnh: Yusuf Ijsseldijk.
Trước khi đặt vào trong lồng tre, người chết được tắm rửa xác sạch sẽ bằng nước mưa và mặc trang phục để lộ phần đầu. Ảnh: AFP.
Dân làng đặt những cái lồng chứa xác chết gần gốc cây Taru Menyan, một loài cây có thể tỏa ra mùi hương lấn át mùi tử khí nồng nặc trong nghĩa trang. Ảnh: AFP.
"Loài cây này rất thần kỳ. Nếu để ở nhà, những thi thể sẽ bốc mùi. Nhưng ở đây thì không", Ketut Darmayasa, bạn của Blen, nói. Ảnh: Theodora Sutcliffe.
Khi các xác chết phân hủy hoàn toàn, người ta sẽ cải mộ bằng cách lấy phần sọ người chết đặt lên bàn thờ đá dưới gốc cây linh thiêng trong nghĩa địa. Sau đó, họ lấy phần xương còn lại ra khỏi lồng để nhường chỗ cho người khác. Ảnh: Theodora Sutcliffe.
Để làm đám tang, người nhà phải quyên một khoản tiền. Sau đó, dân làng sẽ chọn ngày lành để đưa thi thể đến nghĩa trang. Một số gia đình phải để người thân đã khuất ở trong nhà nhiều ngày hoặc hàng tuần trước khi đưa về nơi an nghỉ cuối cùng. Để tránh xác bị thối rữa trong thời gian chờ đợi, họ phải sử dụng formaldehyde. Ảnh: Theodora Sutcliffe.
Theo tục lệ, chỉ đàn ông mới có thể đến nghĩa trang. Họ cũng là người thay quần áo, tắm rửa xác chết và cải mộ mỗi khi có người mới qua đời. Ảnh: Theodora Sutcliffe.
Phụ nữ bị cấm tới đây. Người ta quan niệm nếu phụ nữ trong làng cố tình đến nghĩa trang, ngôi làng Trunyan sẽ phải hứng chịu những thảm họa kinh hoàng của thiên nhiên như động đất và núi lửa. Ảnh: Theodora Sutcliffe.
Tập tục phơi xác người chết ở làng Trunyan trên đảo Bali cũng có nét tương đồng với tục đào xác người chết, tắm rửa và đưa về thăm nhà của bộ tộc Toraja ở phía nam đảo Sulawesi, Indonesia. Ảnh: Theodora Sutcliffe.
Hai tập tục này đều nhằm tôn vinh những người đã khuất, thể hiện lòng biết ơn, tình yêu lòng tôn kính với tổ tiên của mình. Ảnh: Bali Adventours.
Theo zing.vn
5 bờ biển đẹp nhất Bali đang chờ bạn đến vào mùa hè này Vào mùa hè, các bãi biển nơi đây như một thỏi nam châm thu hút khách du lịch. Có rất nhiều lý do để Bali luôn là điểm đến hàng đầu mọi người tới vui chơi, giải trí. 1.Bãi biển Pandawa Pandawa được mệnh danh là "bãi biển bí mật" ở thị trấn Kutuh. Du khách đến đây có thể thuê những chiếc...