Ngờ vực chủng tộc vẫn ám ảnh nước Mỹ
Nước Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng với vụ hai phóng viên Kênh WDBJ7 là Alison Parker và Adam Ward bị chính đồng nghiệp cũ (bị sa thải cách đây hai năm) bắn chết trong khi đang thực hiện một chương trình thực tế tại hiện trường ở bang Virginia (Mỹ).
Thủ phạm Vester Lee Flanagan (41 tuổi), cựu phóng viên Đài WDBJ7, từng làm việc dưới cái tên Bryce Williams. Flanagan là người da đen, còn các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng là người da trắng.
Trước đó, Flanagan đã lên Twitter nói về lý do giết hai đồng nghiệp. Là một người Mỹ gốc Phi, Flanagan từng bị “những lời phân biệt chủng tộc”. Kẻ thủ ác tiết lộ đã nhiều lần phàn nàn về các đồng nghiệp khi bắt đầu làm việc tại đài truyền hình và cho rằng họ có ý phân biệt chủng tộc với hắn.
Hai phóng viên thiệt mạng trong vụ xả súng tại Mỹ.
Vụ việc đau lòng này chỉ là một trong những vụ bạo lực có yếu tố chủng tộc liên tiếp xảy ra thời gian qua trên đất Mỹ. Theo Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) mới đây, trong một năm có gần 7.000 vụ phạm tội ở Mỹ do thù hận. Trong đó, thù hận vì phân biệt chủng tộc chiếm 3.407 vụ (khoảng 50%).
Con số “biết nói” này đã chỉ ra rằng, nạn phân biệt chủng tộc từng là nỗi ám ảnh một thời với nước Mỹ nay có nguy cơ trỗi dậy. Là một đất nước đa sắc tộc, nước Mỹ đã phải chứng kiến nhiều cuộc chiến đẫm máu liên quan đến nạn phân biệt chủng tộc.
Cách đây 50 năm, trước sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, cuộc đấu tranh mạnh mẽ của các nhà dân chủ Mỹ, của người da đen, tiêu biểu là mục sư Martin Luther King, Quốc hội Mỹ đã bãi bỏ các Đạo luật Jim Crow phân biệt màu da tại quốc gia này.
Luật là như vậy, nhưng thực tế từ đó đến nay, phân biệt chủng tộc vẫn còn xuất hiện dưới nhiều trạng thái khác nhau và vẫn âm ỉ trong lòng nước Mỹ.
Năm 2014, một cảnh sát da trắng nổ súng sát hại thiếu niên da màu Michael Brown không vũ trang tại thị trấn Ferguson, bang Missouri (Mỹ) làm dấy lên các cuộc biểu tình sau đó biến thành bạo động, phản đối cách hành xử mang tính phân biệt chủng tộc của lực lượng cảnh sát sở tại, buộc giới chức địa phương phải áp đặt tình trạng khẩn cấp trong 3 ngày liên tiếp.
Video đang HOT
Điều đó nói lên cuộc khủng hoảng về lòng tin giữa người da đen và da trắng ở Mỹ vẫn âm ỉ, chỉ cần một va quệt là gây “đám cháy” lớn.
Một dấu hỏi lớn về phân biệt chủng tộc sau vụ việc đẫm nước mắt tại Virginia một lần nữa lại được đặt ra với nước Mỹ. Trở lại thực tại, cả thế giới đã nhìn nhận Mỹ như một nền dân chủ hàng đầu thế giới khi xứ Cờ hoa có vị tổng thống da đen đầu tiên.
Sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama nhậm chức khiến thế giới có niềm tin rằng nạn phân biệt màu da, sắc tộc ở Mỹ đã trở thành quá khứ. Song, những vụ việc đáng tiếc xảy ra như vụ sát hại tại Virginia khiến cả thế giới thấy rằng “phân biệt chủng tộc” tại nước Mỹ vẫn tồn tại và chưa thực sự được giải quyết.
Vượt lên mọi màu da, con người đều có quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc cho chính mình và cho cộng đồng. Thế nhưng, điều đó xem ra không phải là câu chuyện dễ dàng của nước Mỹ. Từ vụ Virginia, mối quan hệ sắc tộc tại xứ Cờ hoa dưới nhiều góc độ khác nhau vẫn tồn tại với không ít sự ngờ vực sâu sắc.
Theo Kim Phượng
Hà Nội mới
Bị truy đuổi, nghi phạm bắn chết 2 phóng viên Mỹ tự sát
Nghi phạm bắn chết hai phóng viên kênh truyền hình CBS ngay trên sóng truyền hình trực tiếp tại Virginia, Mỹ ngày 26.8 là Vester Lee Flanagan, một nhân viên cũ của kênh này. Đối tượng này đã tự sát sau khi bị cảnh sát truy đuổi.
Tự sát
Theo BBC, nghi phạm Vester Lee Flanagan, 41 tuổi, tự sát bằng súng khi bị cảnh sát truy đuổi trên một đường cao tốc ở Virginia, vài giờ sau khi người đàn ông này bắn chết phóng viên Alison Parker và Adam Ward trong lúc họ thực hiện phỏng vấn trực tiếp trên đài WDBJ7.
Chân dung nghi phạm Vester Lee Flanagan
Trước đó, đối tượng bị phát hiện trên tuyến đường cao tốc liên bang I-66 khi đang tìm cách bỏ trốn sau khi gây ra thảm án kinh hoàng.
"Vào khoảng gần 11h30 sáng, cảnh sát bang Virginia phát hiện xe của nghi phạm hướng về phía đông đường cao tốc liên bang 66. Cảnh sát bang Virginia đã ra lệnh cho chiếc xe dừng lại. Tuy nhiên, chiếc xe khả nghi không chịu dừng mà tăng tốc bỏ trốn. Ít phút sau. Chiếc xe này lao khỏi đường và gặp tai nạn. Cảnh sát tiến lại phía chiếc xe và phát hiện tài xế là nam giới bị thương do trúng đạn. Người này được chuyển tới bệnh viện gần đó trong tình trạng nguy kịch", Reuters dẫn thông cáo của cảnh sát.
Hiện trường nơi phát hiện chiếc xe của nghi phạm Vester Lee Flanagan
Cảnh sát Virginia sau đó xác nhận, tài xế trên chiếc xe khả nghi chính là nghi phạm đã gây ra vụ nổ súng tại hạt Franklin khiến 2 phóng viên Mỹ thiệt mạng ngay trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 26.8.
Ông Bill Overton, Cảnh sát trưởng hạt Franklin cho hay, nghi phạm Vester Lee Flanagan, cựu nhân viên của đài tin tức WDBJ7, người đã nổ súng vào một nhóm phóng viên tin tức, đã chết tại bệnh viện. Các nhà chức trách vẫn chưa biết chắc chắn về động cơ của nghi phạm nhưng đang tiến hành điều tra về quãng thời gian mà đối tượng này làm việc tại WDBJ cũng như xem xét các bằng chứng liên quan khác. Vester Flanagan từng có vụ kiện chống lại kênh truyền hình này.
Phóng viên Alison Parker, 24 tuổi, và quay phim Adam Ward, 27 tuổi, của kênh WDBJ, trực thuộc đài CBS tại bang Virginia đã bị bắn chết.
Hai phóng viên Mỹ Alison Parker (trái) và Adam Ward (phải) thiệt mạng ngay trên sóng truyền hình trong vụ nổ súng sáng 26.8
"Thùng thuốc súng chỉ chờ bùng nổ"
Hai giờ sau vụ nã súng, nghi phạm Flanagan đã gửi tới ABC News một bức thư dài 23 trang cho hay, y âm mưu gây ra vụ tấn công đẫm máu sau khi chứng kiến vụ xả súng hàng loạt hôm 17.6 tại một nhà thờ dành cho người da đen ở Charleston, Nam Carolina, khiến 9 người thiệt mạng.
Flanagan biện hộ cho hành động tội ác của mình rằng, y đã phải chịu đựng sự phân biệt chủng tộc, hành vi quấy rối tình dục và bị chèn ép ở nơi làm việc. Flanagan từng bị một người đàn ông da đen và một phụ nữ da trắng hành hung chỉ vì ông là một người đồng tính da đen.
"Vụ xả súng ở nhà thờ là sự kiện bùng phát... nhưng sự giận dữ của tôi thì liên tục được chất chồng thêm từ trước. Tôi như một thùng thuốc súng chỉ chờ để bùng nổ", ABC News dẫn lời Flanagan viết trong thư.
Trước đó, sáng 26.8, chương trình truyền hình trực tiếp của đài WDBJ7 đang diễn ra thì tiếng súng vang lên. Người xem khi đó có thể nghe được tiếng phóng viên và người trả lời phỏng vấn la hét. Khi camera rơi xuống đất, khán giả còn thoáng thấy một người đàn ông bận đồ đen, chĩa súng về phía phóng viên quay phim đã ngã xuống.
Hình ảnh Vester Lee Flanagan chĩa súng vào phóng viên Alison Parker (trái) khi cô đang thực hiện cuộc phỏng vấn trực tiếp. Alison Parker bị bắn chết ngay sau đó.
Giám đốc đài WDBJ7 Jeff Marks cho biết, nhân viên cũ của đài, Flanagan là một "người không vui vẻ".
"Vester là một người không vui vẻ. Sau khi chúng tôi tuyển dụng cậu ta làm phóng viên, cậu ta nhanh chóng nổi tiếng là người khó làm việc chung. Cuối cùng, chúng tôi sa thải cậu ta sau nhiều vụ gây rối. Cậu ta không chấp nhận điều này, và chúng tôi phải gọi cảnh sát để đưa cậu ta rời khỏi trụ sở. Kể từ đó cậu ta nộp đơn khiếu nại và phàn nàn đủ chuyện về các nhân viên" ông Marks nhấn mạnh.
Các nhân viên đài WDBJ7 sau đó thi thoảng vẫn thấy Flanagan lảng vảng "tại cửa hàng tạp hóa hoặc đâu đó", nhưng họ ít khi tiếp xúc. Không ai ngờ, người đồng nghiệp cũ này của họ lại gây ra vụ nổ súng táo bạo kinh hoàng, làm chấn động nước Mỹ như vậy.
Theo NTD
Bắn chết phóng viên trên truyền hình, hung thủ ám ảnh phân biệt chủng tộc Nữ phóng viên Alison Parker và người quay phim Adam Ward đã bị bắn chết khi đang làm truyền hình trực tiếp ở Moneta, hạt Bedford, bang Virginia, Mỹ vào sáng 26-8 (giờ Mỹ). Nghi phạm đã bị bắt giữ và đã tự sát trong một bệnh viện. Hai phóng viên bị bắn chết khi đang phỏng vấn Vào sáng 26-08 (giờ Mỹ),...