Ngô Thanh Vân vui mừng hội ngộ Trần Anh Hùng
Tối 7/9, đạo diễn phim “Tấm Cám” ăn vận giản dị đến chúc mừng đạo diễn Trần Anh Hùng ra mắt phim mới tại TP HCM.
Sau buổi ra mắt phim Vĩnh Cửu tại Hà Nội, đạo diễn người Pháp gốc Việt giới thiệu phim với giới truyền thông tại TP. HCM. Tác phẩm được chuyển thể từ cuốn sách Nét duyên góa phụ của tác giả Alice Ferney.
Ngô Thanh Vân mặc quần tây, áo sơ mi đen đến chúc mừng vợ chồng đạo diễn Trần Anh Hùng. Trong ảnh, cô trò chuyện thân mật với vợ đạo diễn.
Đạo diễn Trần Anh Hùng và vợ – diễn viên Trần Nữ Yên Khê gắn bó với nhau trong cuộc sống và công việc.
Hứa Vĩ Văn diện vest kẻ và áo sơ mi màu sắc trẻ trung đến chúc mừng đạo diễn. Anh ấn tượng với những thước phim lãng mạn, đầy cảm xúc trong phim Vĩnh Cửu.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cũng có mặt ủng hộ đồng nghiệp. Mệnh danh là đạo diễn triệu đô nhưng gần đây phim Fan cuồng của anh bị thất thu và không tạo được tiếng vang như kỳ vọng.
Thu Phương và Hồng Nhung cùng đi xem phim. Em gái Thu Phương – Hoa khôi Thể thao Kim Oanh – chính là em dâu của đạo diễn Trần Anh Hùng.
NSƯT Mỹ Uyên diện đầm đen và búi tóc cao đi xem phim. Trong khi đó diễn viên Văn Phượng chọn đầm hai dây, khoe vòng một.
Theo Zing
Trần Anh Hùng: Bỏ qua phim tôi là điều đáng tiếc của Cannes
Nhà làm phim người Pháp gốc Việt không tiếc khi "Vĩnh cửu" vắng mặt tại Cannes và Venice năm nay. Anh cho rằng chính đội ngũ giám tuyển mới là những người nên cảm thấy nuối tiếc.
Video đang HOT
6 năm kể từ sau Rừng Na Uy (2010), Trần Anh Hùng tiếp tục chuyển thể một cuốn tiểu thuyết nữa lên màn bạc. Lần này, đạo diễn người Pháp gốc Việt chọn Nét duyên góa phụ của Alice Ferney để thực hiện nên Eternité - Vĩnh cửu.
Bộ phim sử dụng ngôn ngữ tiếng Pháp, có câu chuyện trải dài qua bối cảnh gần 100 năm, quy tụ ba người đẹp hàng đầu của nền điện ảnh Pháp là Audrey Tautou, Bérénice Bejo, Mélanie Laurent, và chuẩn bị khởi chiếu tại Việt Nam từ 9/9.
"Tôi thấy tội cho những ai bỏ qua Vĩnh cửu"
- Anh từng nói "Vĩnh cửu" là sự thay đổi 180 độ so với "Rừng Na Uy", khiến cả cách làm phim của mình cũng bị ảnh hưởng. Có điều gì đặc biệt ở nguyên tác "Nét duyên góa phụ" mà khiến một người nổi tiếng "cứng đầu" như anh chịu khuất phục như vậy?
- Khi đọc Nét duyên góa phụ, tôi cảm thấy thực sự xúc động bởi phần nội dung cốt truyện.
Nó lập tức gợi cho tôi một thứ ngôn ngữ điện ảnh đặc biệt. Dù biết sẽ có nhiều thử thách, tôi vẫn bất chấp tất cả, mạo hiểm chuyển thể cuốn tiểu thuyết lên phim, bởi với tôi, nó quá hay.
Cho đến tận hai tuần trước khi bấm máy, đã tuyển xong diễn viên rồi gặp mặt họ, tôi vẫn chưa biết mình phải làm phim như thế nào. Tôi cứ thế thực hiện theo bản năng, nói với cộng sự rằng hãy quyết tâm là sẽ tìm ra cách để khiến phim trở nên thú vị. Kết quả là một thành phẩm hoàn toàn khác so với những gì tôi từng làm trước đây.
Eternité - Vĩnh cửu được Trần Anh Hùng thực hiện dựa trên cuốn tiểu thuyết Nét duyên góa phụ của Alice Ferney. Đây mới là tác phẩm đầu tiên sử dụng tiếng Pháp của nhà làm phim người Pháp gốc Việt. Ảnh: Green Media
- So với "Rừng Na Uy", cuốn "Nét duyên góa phụ" của Alice Ferney xem ra kém nổi tiếng hơn trên bình diện quốc tế. Anh có cảm thấy bớt áp lực so với cách đây hơn 6 năm không?
- Không hề. Áp lực với tôi không bao giờ đến từ bên ngoài, mà luôn xuất phát từ bên trong. Thứ ngôn ngữ điện ảnh mà cuốn Nét duyên góa phụgợi nên là điều tôi chưa từng thấy. Nó rất hấp dẫn, nhưng đồng thời nguy hiểm và gây ra áp lực.
Giống như Haruki Murakami, Alice Ferney rất tin tưởng tôi. Khi đã đồng ý cho phép chuyển thể "đứa con tinh thần", cả hai đều để tôi tự do làm việc, sáng tạo tùy theo ý muốn. Họ hiểu rằng chỉ như thế thì phim mới có thể hay được. Ferney đã theo dõi Vĩnh cửu và bà ấy rất thích, lần nào xem phim cũng khóc.
- "Vĩnh cửu" có sự xuất hiện của ba người đẹp hàng đầu nước Pháp. Làm việc với họ anh cảm thấy thế nào?
- Tôi gặp may mắn rất lớn khi cả ba người bọn họ đều cảm thấy xúc động sau khi đọc kịch bản. Họ gật đầu đồng ý dù khi ấy chưa biết cụ thể tôi sẽ làm phim như thế nào, rồi họ phải đóng ra sao. Kịch bản của tôi không có những cảnh dài cụ thể, chỉ toàn các phân đoạn ngắn ngắn, cụt cụt.
Audrey Tatou là một người rất nghiêm túc. Tôi biết cô ấy đã suy nghĩ rất nhiều cho nhân vật của mình. Còn Bérénice Bejo và Melanié Laurent thì nhẹ nhàng hơn, luôn vui vẻ trên trường quay. Tất cả đều có tài và có nghề. Có khi đang diễn cảnh khóc mà tôi chỉ cần hô "cắt" thôi là đã có thể cười lại ngay được.
Audrey Tatou, người đẹp của Amélie (2001), là một trong ba diễn viên chính ở Vĩnh cửu.Ảnh: Green Media
- Anh là người gắn bó dài lâu với nước Pháp, nhưng phải đến giờ mới thực hiện một bộ phim nói tiếng Pháp. Vì sao vậy?
- Mọi sự đều chỉ là tình cờ. Sau khi làm xong Xích lô ở Việt Nam năm 1995, tôi từng có ý định làm phim tại Mỹ. Nhưng kế hoạch đổ bể và mở đường cho Mùa hè chiều thẳng đứng (2001) sau đó.
Lần này cũng thế. Tôi đọc Nét duyên góa phụ khoảng năm 2011, tức ngay sau khi Rừng Na Uy ra mắt. Cảm giác bị cuốn hút bởi cuốn tiểu thuyết cứ thế thôi thúc tôi và thành quả chính là Vĩnh cửu hôm nay.
- Anh vốn là "khách quen" tại Cannes và Venice. Giới truyền thông quốc tế từng dự đoán "Vĩnh cửu" sẽ góp mặt tại một trong hai sự kiện điện ảnh hàng đầu châu Âu năm nay. Nhưng rốt cuộc phim lại vắng mặt ở cả Pháp lẫn Italy. Phải chăng cái tên Trần Anh Hùng bị các nhà giám tuyển phim quên mất?
- Họ chưa quên tôi đâu. Tôi chỉ thấy tội cho họ vì đã để hụt một phim quan trọng mà không hay biết. Có những phim như The New World(2005) của Terrence Malick, nhiều nhà báo bảo rất thích, nhưng khi viết bài bình luận lại đều "trật" hết. Họ chỉ toàn nói chuyện bên lề mà không nêu lên được đâu mới là cái hay thực sự của tác phẩm.
Vĩnh cửu của tôi mang ngôn ngữ thực sự đặc biệt và mới mẻ. Có lẽ họ "không tìm được lời" để nói về tác phẩm và bèn gạt nó qua một bên. Đó là điều đáng tiếc đối với chính liên hoan phim của họ.
"Phim nghệ thuật bắt nguồn từ chính phim thị trường"
- Sau "I Come with the Rain" năm 2009, anh nhiều lần úp mở ý định trở về Việt Nam làm phim, nhưng đến giờ chuyện đó vẫn chưa xảy ra. Có lần anh bảo: "Ai cho tôi tiền làm phim ở Việt Nam, tôi làm ngay". Phải chăng vẫn chưa có ai ở quê hương chịu rót tiền cho anh?
- Không phải, tại tôi chưa hỏi ai ở Việt Nam thôi. Tôi chỉ bắt đầu tìm kiếm các nguồn tài trợ khi nảy ra một ý tưởng hay. Nhưng ý tưởng về phim ở Việt Nam chưa tới thì ý khác đã xen vào mất rồi nên đành chịu. Tôi thường nói rằng "Hùng không chọn phim, mà phim chọn Hùng" là vì thế.
- Tuy chưa có phim mới tại Việt Nam, nhưng anh vẫn quan tâm đến nền điện ảnh quê hương. Cách đây hai năm, anh từng là thầy giáo của khóa học làm phim "Gặp gỡ mùa thu". Thông qua những bạn trẻ ở đó, anh thấy điều gì?
- Họ cho thấy một tương lai rất hay đang chờ đợi điện ảnh Việt Nam. Lớp trẻ bây giờ có nhiều ý tưởng tuyệt vời, đến nỗi nhiều khi tôi nghĩ chắc mình không cần phải làm thêm phim ở Việt Nam nữa. Thậm chí có lúc xem phim của các bạn trẻ đó, tôi thấy chúng còn hấp dẫn hơn cả phim mình làm ở đây.
"Để làm phim nghệ thuật ở Việt Nam lúc này chẳng thiếu điều gì, có chăng chỉ là khán giả". Ảnh: Quang Đức
- Tại Việt Nam, số lượng phim thị trường áp đảo hoàn toàn phim nghệ thuật. Kế thừa anh lúc này có chăng chỉ là Phan Đăng Di hoặc Nguyễn Hoàng Điệp, và các bộ phim của họ rất khó tiếp cận công chúng, chủ yếu là bởi không hợp thị hiếu. Những người như Charlie Nguyễn cũng chuyển sang làm phim hài. Anh nghĩ sao về thực tế ấy?
- Tôi nghĩ nguồn phim thương mại dồi dào là điều tốt bởi chúng giúp tạo ra nền tảng vững chắc. Từ đó, các bộ phim nghệ thuật mới có thể ra đời. Nhóm tác phẩm đó cần một môi trường tốt và điều đó xuất phát từ chính dòng phim thương mại.
Nhờ phim thương mại, nhiều ngôi sao sẽ ra đời và họ có thể trở thành những nhân tố quan trọng cho các tác phẩm của Phan Đăng Di, của Nguyễn Hoàng Điệp, hay của bất cứ ai muốn theo đuổi thể loại phim nghệ thuật.
Tôi nghĩ để làm phim nghệ thuật ở Việt Nam lúc này chẳng thiếu điều gì, có chăng chỉ là khán giả. Họ cần một chút văn hóa về điện ảnh để thưởng thức dòng tác phẩm và điều đó dần dần sẽ xuất hiện.
- Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Zing.vn, Dustin Nguyễn từng thẳng thắn nói rằng Việt Nam trong phim của Trần Anh Hùng "quá sạch, quá thơ" và "tác phẩm giống như một nhóm làm phim nước ngoài đang cố gắng thực hiện phim về Việt Nam". Anh nghĩ sao về phát biểu đó?
- Anh ấy nói đúng, vì Trần Anh Hùng thực chất là người nước ngoài, sống ở Pháp và chỉ về Việt Nam làm phim thôi. Còn "sạch sẽ" hay không lại là câu chuyện khác, phụ thuộc ở cái nhìn của mỗi cá nhân.
Chẳng hạn như màu sắc trong phim, liệu chúng ở đâu ra? Có thể tôi nhìn thấy màu xanh trên một mảnh tường, cảm thấy thích rồi đưa nó vào căn nhà trong phim của mình. Đó là màu mà tôi cảm nhận bằng mắt, bằng tâm hồn mình.
Tôi không làm phim tài liệu về Việt Nam để "nhái lại" cuộc sống nơi đây. Tôi làm ba bộ phim đầu tiên là để nói lên nội tâm và cảm xúc của bản thân đối với quê hương Việt Nam.
"Tôi với Yên Khê vẫn như đôi vợ chồng trẻ mới cưới"
- Vợ anh - chị Trần Nữ Yên Khê, thêm một lần nữa được anh tin tưởng giao cho công việc thiết kế bối cảnh và phục trang ở "Vĩnh cửu". Anh có thể nói gì về công việc của bà xã trong dự án mới?
- Vai trò của Yên Khê trong Vĩnh cửu là rất quan trọng, bởi tất cả những gì khán giả thấy trên phim đều là quyết định của cô ấy, từ mẫu tóc, hóa trang, màu áo, cho tới lọ hoa, vị trí đồ vật trên bàn, hoạ tiết trên tường...
Khi quay phim, bà xã luôn gần gũi, ngồi bên cạnh tôi, cùng nhìn máy quay rồi chỉ ra xem có cần thay đổi điều gì không. Yên Khê chỉ chỉ cho tôi thôi, rồi lại chạy đi làm việc khác để tôi tiếp tục thảo luận với diễn viên và ê-kíp.
Ngoài ra, cô ấy còn là người đọc lời dẫn truyện cho Vĩnh cửu. Tôi không muốn thuê một diễn viên bản địa nổi tiếng nào đó, bởi như thế sẽ tạo ra cảm giác quen thuộc cho người Pháp. Giọng nói của Yên Khê nhẹ nhàng, mang vẻ là lạ và trở nên rất hay khi được lồng vào phim.
Khi làm việc, chúng tôi vẫn xung đột với nhau suốt, chẳng khác gì một đôi vợ chồng trẻ mới cưới. Tôi không dám nói trước tương lai, nhưng cô ấy đang ấp ủ ước mơ làm đạo diễn. Tuy nhiên, khán giả cũng có thể sớm gặp lại nữ diễn viên Yên Khê hoặc nhà thiết kế bối cảnh, phục trang Yên Khê.
Hình ảnh hai vợ chồng Trần Anh Hùng - Trần Nữ Yên Khê trên một tạp chí thời trang của Italy năm 2014. Ảnh: D Moda
- Anh từng chia sẻ hai vợ chồng vẫn đang thuê nhà tại Pháp và việc đó mang đến cho cá nhân động lực kiếm tiền từ chuyện làm phim. Với "Vĩnh cửu", động lực ấy đã có gì thay đổi chưa?
- Chưa đâu. Vợ chồng tôi vẫn cứ sống như vậy. Có lẽ một phần do tôi hơi lười thay đổi.
- Anh có tiếng tăm nhưng lại không giàu có như em trai là Trần Anh Dũng - một đạo diễn trong ngạch phim quảng cáo ở Việt Nam. Có bao giờ anh nghĩ đến nghịch lý ấy?
- Không. Cuộc sống là như vậy, mình buộc phải cảm thấy vui vẻ và chấp nhận điều đó.
Theo Zing
Á hậu Hạ My bất ngờ về nước hội ngộ Đàm Vĩnh Hưng Á hậu Hạ My vừa trở về Việt Nam sau một thời gian định cư tại Mỹ. Diện bộ váy đỏ với đường cắt táo bạo, cô hội ngộ 'ông hoàng nhạc Việt'. Á hậu Hạ My tạo dáng quyến rũ, nhẹ nhàng bên Đàm Vĩnh Hưng. Khán giả bất ngờ với vẻ đẹp ngày càng mặn mà của á hậu Hạ My...