Ngô Thanh Vân tuyên bố poster Song Lang không dành cho người thiếu sâu sắc?
Cuối cùng, Song Lang đã ra mắt poster chính thức với những cài cắm mà theo đạo diễn Leon Lê và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân là cài cắm nhiều tầng ý nghĩa, sắp đặt nghệ thuật cố ý mà những người không sâu sắc sẽ không “cảm” hết được.
Song Lang, phim điện ảnh lấy cảm hừng từ bộ môn nghệ thuật của Nam Bộ – cải lương – đã râm ran chiếm được sự chú ý của đại chúng và người trong nghề từ khoảng 2 tháng trước, dù không rầm rộ. Mới đây, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã tung poster chính thức cho phim.
Ngô Thanh Vân và đạo diễn Leon Lê chia sẻ về poster rằng, từ cách phối màu cho đến sắp xếp bố cục trên poster lần này đều có ý nghĩa riêng. Người xem cảm thấy hoài cổ là nhờ những mảng màu vàng-xanh-hồng hòa trộn với nhau. Những ngụ ý được cài cắm trong cách sắp xếp hai nhân vật cũng thể hiện rõ cốt truyện mà bộ phim hướng tới. Đừng quên những năm 80, các poster thường được minh họa bằng tay mà Song Lang lấy điểm nhấn là yếu tố hoài cổ thế nên phần hình ảnh, thiết kế cũng phải bị ảnh hưởng là chuyện có thể hiểu được.
Nói chung theo nhà sản xuất Ngô Thanh Vân thì poster Song Lang bao hàm nhiều ý nghĩa và không dành cho người không sâu sắc. Song, hình ảnh Isaac tô son hồng, đứng cạnh Liên Bỉnh Phát mộc mạc và nam tính cũng tạo được nét tương phản nhất định, gây tò mò về một “cuộc tình” không suôn sẻ lắm.
Tạo hình của kép hát Linh Phục do Isaac thủ vai
Năm trước, poster Cô Ba Sài Gòn cũng gây nhiều tranh biện quanh việc sắp xếp bố cục. Nếu Song Lang làm người xem cảm thấy hơi ngộp và hơi cố gắng thể hiện chất hoài cổ thì Cô Ba Sài Gòn từng bị nói là giống poster của Thúy Nga.
Poster của Cô Ba Sài Gòn cũng từng bị chê
Làm poster rồi đăng đàn giải thích, có lẽ chỉ có ekip của “đả nữ” Ngô Thanh Vân mới như vậy!
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận sự cố gắng của ekip mỗi khi muốn mang đến những cái nhìn đặc trưng cho từng sản phẩm ra mắt. Làm phim về cải lương chắc chắn là khó, câu kéo khán giả lại còn khó hơn. Chất lượng chưa biết nhưng nhìn cách bộ phim tập trung đúng vào chủ đề, khai thác những nội dung về cải lương truyền thống là thấy sự nghiêm túc của đạo diễn cũng như nhà sản xuất. Làm sao để quảng cáo rầm rộ được một bộ phim có đề tài khó nuốt? Câu trả lời chính là không cần phải làm nó rầm rộ, hướng đến đúng những giá trị cốt lõi, giới thiệu những hình ảnh đúng mực, tự khắc bộ phim sẽ tìm đến được đối tượng của nó.
Liên Bỉnh Phát trong vai Dũng “thiên lôi”
Ngoài cải lương, Song Lang còn là chuyện đời và chuyện tình của hai kẻ sống trong hai thế giới khác biệt. Linh Phụng (Isaac) là minh chứng cho sự sống của sân khấu, còn Dũng “Thiên Lôi” (Liên Bỉnh Phát) sống những tháng ngày như con rối giữa sân khấu cuộc đời. Họ gặp nhau tại thánh đường nghệ thuật thuở vàng son của Việt Nam, tạo nên một mối quan hệ hòa quyện giữa sân khấu và thực tế, giữa kép hát và gã đòi nợ thuê, giữa sự dịu dàng và hoang dã.
Teaser 2 phim “Song Lang”
Song Lang dự kiến khởi chiếu ngày 17/8/2018.
Theo Trí Thức Trẻ
Kết hợp giữa cải lương và đam mỹ, 'Song Lang' sẽ là ván bài lớn của Ngô Thanh Vân
"Song Lang" là một ván cờ táo bạo của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân khi cùng lúc đặt nghệ thuật cải lương và chuyện tình đam mỹ giữa Linh Phụng (Isaac) và Dũng "Thiên Lôi" (Liên Bỉnh Phát) trong một tác phẩm.
Song Lang là dự án phim điện ảnh Việt mới đang được người hâm mộ trông đợi thời gian gần đây. Bộ phim là sự trở lại đáng kì vọng của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân với ý tưởng phim mới lạ và độc đáo. Tác phẩm lấy đề tài cải lương và câu chuyện tình cảm đặc biệt xoay quanh hai nhân vật nam Linh Phụng ( Isaac) và Dũng "Thiên Lôi" ( Liên Bỉnh Phát). Song không ít ý kiến cho rằng đây là một ván bài lớn, đầy liều lĩnh và rủi ro cao của "đả nữ" Ngô Thanh Vân.
Đề tài cải lương trong "Song Lang": Không phải ai cũng hiểu, cũng thấm
"Đả nữ" Ngô Thanh Vân được biết đến là nhà sản xuất của những bộ phim khai thác tối đa chất liệu dân tộc. Đất nước Việt Nam với chiều dài lịch sử, chiều rộng địa lý và chiều sâu văn hóa đã hiện lên một cách mới mẻ và diệu kỳ qua ống kính của Tấm Cám: Chuyện chưa kể (2016) và Cô Ba Sài Gòn (2017). Và ý tưởng ấy cũng sẽ tiếp tục được thực hiện trong các dự án phim tiếp theo của Ngô Thanh Vân, trong đó có Song Lang.
Nếu như Tấm Cám: Chuyện chưa kể là một góc nhìn mới mẻ, thoát khỏi những điều quen thuộc trong các câu chuyện cổ tích mà ai cũng nằm lòng; thì đề tài áo dài trong Cô Ba Sài Gòn là đã giúp khán giả có hiểu hơn và yêu hơn chiếc áo dài thân thuộc. Trái lại, cải lương là một loại hình kịch hát có từ lâu đời, gắn liền với người dân Nam bộ nên nhưng không phải ai cũng hiểu, cũng thấm.
Phát triển hưng thịnh vào thập niên 60 tại miền Nam Việt Nam, nhưng cải lương dần mất đi chỗ đứng của mình từ năm 1985. Chính vì thế, giới trẻ ngày nay dù biết trong kho tàng âm nhạc dân tộc có một loại hình mang tên "cải lương", song hiếm ai có thể hiểu hết về môn nghệ thuật này. Điều đáng nói ở đây đó là phần đông khán giả chịu đến rạp chiếu để xem phim hầu như là người trẻ. Vì vậy có không ít ý kiến cho rằng bộ phim Song Lang sẽ khó tiếp cận với đại đa số người hâm mộ điện ảnh thông qua đề tài vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm ấy.
Không nhiều phim điện ảnh dám liều lĩnh khai thác về cải lương, Song Lang trở thành một trong những tác phẩm "mở đường" gây chú ý. Điều đó khiến bộ phim gặp không ít khó khăn, song cũng có thể xem đây là điểm thuận lợi. Bởi, dù lấy đề tài lạ lẫm, phim vẫn được bảo chứng bằng cái tên Ngô Thanh Vân - nhà sản xuất luôn trau chuốt và chỉn chu trong từng sản phẩm. Do vậy, người xem có thể tạm an lòng ngóng trông thành quả sau cùng của ekip Ngô Thanh Vân. Những tấm poster và hai đoạn teaser đậm màu sắc hoài cổ được nhà làm phim tung ra đã nhận sự quan tâm mạnh mẽ đến từ phía khán giả là minh chứng điển hình.
Ngoài ra, không ít khán giả đặt ra câu hỏi rằng, bộ phim có thể đảm đương hết một lượng khổng lồ khi cùng lúc vừa kể chuyện, vừa cung cấp kiến thức về cải lương cho khán giả? Dẫu vậy, một bộ phận không nhỏ người xem vẫn đặt kì vọng rằng Song Lang sẽ thành công như Cô Ba Sài Gòn trước đó. Chẳng phải việc may áo dài với các công đoạn phức tạp đã được ekip đơn giản hóa, trở nên giàu hình tượng và cảm xúc đó sao?
Không thể phủ nhận rằng, Song Lang với đề tài cải lương là một chiêu bài liều lĩnh của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Tuy nhiên, nếu thoả mãn hết những yêu cầu kể trên, bộ phim sẽ không chỉ thành công khi khai thác chất liệu truyền thống dân tộc, mà còn thực hiện mục đích lớn, đưa loại hình ca nhạc cổ truyền đến gần hơn với khán giả trẻ.
"Song Lang" - Bộ phim về cải lương lồng ghép câu chuyện đam mỹ?
Thông qua những teaser được tung ra, Song Lang hé lộ mối quan hệ phức tạp giữa Dũng "Thiên Lôi" và Linh Phụng. Không những thế, màu sắc đam mỹ (nam yêu nam) còn được thể hiện ngay từ tên phim. Trong dàn nhạc cải lương, song lang là nhạc cụ cầm canh tiết tấu quan trọng nhất, mang nhiều ý niệm trên sân khấu và cả ở tâm linh người nghệ sĩ. Nhưng Song Lang còn cài cắm thêm tầng nghĩa thứ hai - hai người đàn ông.
Như vậy, có vẻ Song Lang sẽ không phải là một bộ phim lấy đề tài cải lương đơn thuần, mà sẽ là câu chuyện mang hơi thở hiện đại được đặt trên cái nền cổ xưa. Nếu tác phẩm là chuyện tình dung dị giữa Dũng "Thiên Lôi" và Linh Phụng, thì đây sẽ là một cú bứt phá đầy ngoạn mục, vì hiếm khi những cặp đôi nam - nam trở thành nhân vật chính trong điện ảnh Việt Nam. Mặt khác, câu chuyện đam mỹ sẽ thu hẹp phạm vi khán giả của phim. Thậm chí, bộ phim có thể sẽ bị gắn mác C16 hoặc C18 khi khởi chiếu.
Song, ekip biên kịch của bộ phim đã vô cùng khéo léo khi đặt hai nhân vật nam chính vào thân phận những người nghệ sỹ. Bởi nghệ thuật là không phân biệt giới tính. Đó là khi Dũng "Thiên Lôi" và Linh Phụng cùng hòa chung tâm hồn vào một làn điệu hay lúc Linh Phụng nhập tâm diễn xuất với bạn diễn nữ vì: "Có yêu có mất mát, rồi không diễn cũng ra", nhưng ai biết được người anh yêu có phải là nữ?
Khán giả thi nhau đồn đoán về mối quan hệ thực sự giữa Dũng "Thiên Lôi" và Linh Phụng, cũng như phân tích teaser và tìm ra những tình tiết "mờ ám" đằng sau câu chuyện của hai nhân vật.
Với cách làm phim tinh tế mà khán giả đã từng gặp ở các bộ phim gắn mác Ngô Thanh Vân trước đây, câu chuyện giữa Dũng "Thiên Lôi" và Linh Phụng có thể chỉ là "cú lừa" dành cho khán giả, như trường hợp của Như Ý và Tuấn trong Cô Ba Sài Gòn. Song, nó đã tạo nên những bước đi truyền thông khôn ngoan và chắc chắn, khiến dư luận sục sôi các sản phẩm quảng bá được tung ra. Và chắc hẳn mối quan hệ giữa hai người đàn ông mang tâm hồn nghệ sĩ sẽ để lại nhiều dư âm trong lòng người xem, dẫu cái kết ra sao.
Song Lang là một ván cờ táo bạo của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân khi cùng lúc đặt nghệ thuật cải lương và chuyện tình đam mỹ trong một tác phẩm. Điều đó rõ ràng có thể thu hẹp phạm vi khán giả cho bộ phim. Song, nếu thực sự đầu tư chỉn chu và xử lý một cách tinh tế, Song Lang có khả năng trở thành một tác phẩm "vĩ đại", với hơi thở thời đại lồng ghép khéo léo cùng chất liệu truyền thống dân tộc.
Theo Saostar
Liên Bỉnh Phát - 'Người tình' Isaac trong phim 'Song Lang' là nước cờ mạo hiểm của Ngô Thanh Vân Với Liên Bỉnh Phát và vai diễn Dũng "Thiên lôi" trong "Song Lang", đạo diễn Leon Quang Lê và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân có lẽ đang chơi một nước cờ mạo hiểm trong một ván cờ chông chênh. Khi dự án phim điện ảnh Song Lang được công bố chi tiết, khán giả đã bàn tán rất nhiều về nội dung,...