Ngô Thanh Vân, Lương Mạnh Hải và những sao Việt lấn sân đạo diễn
Xuất phát điểm là diễn viên với nhiều vai ấn tượng, Ngô Thanh Vân, Hồng Ánh hay Lương Mạnh Hải đều khẳng định năng lực ở vị trí mới.
‘Hoa hậu giang hồ’: Cuộc chiến đằng sau vương miện Bộ phim của đạo diễn Lương Mạnh Hải, do người mẫu Minh Tú đảm nhận vai chính, sẽ hé lộ góc khuất đằng sau các cuộc thi hoa hậu.
Lương Mạnh Hải và Tăng Thanh Hà chiếm được cảm tình của khán giả từ vai diễn Nam – Trúc trong phim Bỗng dưng muốn khóc. Hình ảnh chàng trai nhà giàu có gương mặt thư sinh, ham chơi, lêu lổng nhưng chân thành, đáng yêu để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem. Thành công của Bỗng dưng muốn khóc giúp nam diễn viên sinh năm 1981 trở thành “gà cưng” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Anh liên tiếp đảm nhận vai chính trong các dự án phim khác như Hot boy nổi loạn, Vừa đi vừa khóc (đóng cùng Minh Hằng). Bên cạnh đó, anh cũng tham gia Tuyết nhiệt đới, Vòng eo 56.
Năm 2019, sau thời gian im ắng, Lương Mạnh Hải tái xuất với vai trò mới hoàn toàn. Anh đảm nhận 3 vai trò quan trọng nhất – nhà sản xuất, đạo diễn kiêm biên kịch – cho phim điện ảnh đầu tay mang tên Hoa hậu giang hồ. Đây sẽ là bộ phim đầu tiên kể về hậu trường đấu đá khốc liệt của các cuộc thi nhan sắc, do người mẫu Minh Tú đóng chính.
Chia sẻ về dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp, Lương Mạnh Hải cho biết trong ngày đầu ra hiện trường và ngồi trước monitor, anh vẫn không tin đang thực hiện bộ phim của riêng mình. “Tôi không nghĩ khán giả biết nhiều về hậu trường hoa hậu. Họ biết chủ yếu qua các bài báo, nhưng từ những con chữ chuyển thành kịch bản, rồi từ kịch bản trở thành các nhân vật sống động trong một bộ phim là quãng đường rất dài” – anh nói. Những khán giả yêu mến Lương Mạnh Hải từ thời Bỗng dưng muốn khóc chắc hẳn đang tò mò, chờ đợi đến ngày phim mới ra rạp.
Cũng gây ấn tượng khi chuyển hướng sang lĩnh vực phim ảnh là ca sĩ Lý Hải với series Lật mặt. Anh đảm nhận vai trò đạo diễn kiêm nhà sản xuất. Lật mặt được xem là phim điện ảnh dài kỳ hiếm hoi tại Việt Nam có thể giữ chân khán giả suốt 4 mùa. Các pha hành động mạo hiểm, miếng hài nhưng không nhảm… được cho là những yếu tố giúp phim thành công.
Hồi tháng 4, phần bốn Lật mặt: Nhà có khách đạt doanh thu 60 tỷ đồng chỉ sau vài ngày công chiếu. Ngoài ra, Lý Hải cũng được biết đến là nhà sản xuất chịu chi. Kinh phí làm phim cho phần 1, 2 và 3 đều rơi vào con số trên 10 tỷ đồng.
Nhắc đến những nữ đạo diễn tay ngang, không thể không nhắc đến Ngô Thanh Vân với Tấm Cám: Chuyện chưa kể (ra mắt năm 2016). So với mặt bằng chung phim Việt, tác phẩm ghi điểm ở những cảnh hành động cận chiến hấp dẫn, đẹp mắt, hình ảnh thiên nhiên, non nước hùng vĩ. Dù chưa phải “bom tấn”, Tấm Cám là phim được đầu tư công phu, thể hiện quyết tâm mãnh liệt từ đả nữ Vân Ngô.
Nhờ sự cộng hưởng của nhiều yếu tố như phim action fantasy (hành động kỳ ảo) đầu tiên ở Việt nam, phim đầu tay của Ngô Thanh Vân, dàn diễn viên nổi tiếng… Tấm Cám đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng. Ngoài vai trò đạo diễn, Vân Ngô còn là nhà sản xuất của một số dự án khác như Song Lang, Cô Ba Sài Gòn.
Năm 2017, Hồng Ánh với dự án phim điện ảnh đầu tay Đảo của dân ngụ cư để lại dấu ấn nhất định trong lòng giơi chuyên môn cũng như khán giả. Được chuyển thể từ truyện ngắn của Đỗ Phước Tiến, phim lấy bối cảnh vào thập niên 90, kể về cuộc sống của những con người đau khổ, bế tắc và nhiều ẩn ức. Trong đó nổi bật lên là hình ảnh người phụ nữ bị giam cầm cả về thể xác lẫn tinh thần.
Tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Á Âu lần thứ 13, Đảo của dân ngụ cư đã giành giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo sau khi lọt vào vòng tranh giải gồm 12 bộ phim quốc tế.
Xuất thân là người mẫu, Trương Ngọc Ánh sau đó mới lấn sân điện ảnh và được đánh giá là một trong những diễn viên ấn tượng của thời kỳ cuối thập niên 1990. Đến nay, khán giả vẫn ghi nhớ một số bộ phim đình đám cô tham gia như Giã từ dĩ vãng, Áo lụa Hà Đông. Trương Ngọc Ánh chưa thử sức làm đạo diễn, song từ năm 2014, cô bắt đầu làm nhà sản xuất phim với nhiều dự án, gồm Hương Ga, Vệ sĩ Sài Gòn, Sắc đẹp ngàn cân. Trong năm 2019, người đẹp tiếp tục hợp tác cùng đạo diễn Cường Ngô để thực hiện phần 2 của Hương Ga.
Theo zing
Phim Việt kêu cứu vì thua lỗ, trách nhiệm có nằm ở khán giả?
Việc đạo diễn Chung Chí Công của "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" cầu cứu khán giả để phim không sớm bị loại khỏi rạp đặt ra cho công chúng nhiều điều đáng suy ngẫm.
Tuy điện ảnh là một bộ môn nghệ thuật, nhưng đích đến cuối cùng của các nhà sản xuất vẫn là lợi nhuận. Do đó, nhiều bộ phim không tiếc chiêu trò để "câu" càng nhiều khán giả tới rạp càng tốt.
Kêu cứu và những chiêu trò quen thuộc của các nhà làm phim Việt
Gần đây, đạo diễn Chung Chí Công đã kêu gọi 150.000 bạn trẻ "giải cứu" Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi bởi số suất chiếu dành cho bộ phim rất ít ỏi, lượng vé bán ra không cao như mong muốn, và tác phẩm đứng trước nguy cơ sớm bị loại khỏi rạp. Vài năm trở lại đây, những động thái kiểu như thế không còn quá xa lạ trong làng phim Việt.
Có một dạo, Ngô Thanh Vân bị gọi là "nữ hoàng thị phi" khi mỗi bộ phim có cô tham gia sản xuất đều đi kèm theo nước mắt. Năm 2016, "đả nữ" nghẹn ngào khi Tấm Cám: Chuyện chưa kể không được trình chiếu tại CGV - chuỗi cụm rạp lớn nhất cả nước.
"Phim chưa muốn chết" là lời kêu cứu gây chú ý trên mạng xã hội của đạo diễn Trời sáng rồi, ta đi ngủ thôi hồi cuối tuần qua.
Đến khi Cô Ba Sài Gòn ra mắt, phim bị livestream ngay từ những suất chiếu đầu tiên. Hay tới Song Lang (2018), Ngô Thanh Vân tiếp tục kể về những mâu thuẫn hậu trường giữa mình với đạo diễn Leon Quang Lê.
Phim giả tình thật là một dạng chiêu trò khác mà nhiều tác phẩm lợi dụng để thu hút sự chú ý. Quý Bình và Minh Hằng từng úp mở chuyện yêu nhau trong quá trình quảng bá Bao giờ có yêu nhau (2016), Hari Won và Trấn Thành công khai mối quan hệ chỉ vài ngày sau khi Bệnh viện ma (2016) chính thức ra rạp, hay gần đây nhất là vụ ầm ĩ giữa Kiều Minh Tuấn và An Nguy nhân dịp Chú ơi, đừng lấy mẹ con (2018) khởi chiếu.
Một số bộ phim khác dường như lại muốn lợi dụng scandal đời tư diễn viên như Trường Giang với Taxi, em tên gì? (2016), Ngọc Trinh với Vòng eo 56 (2016), hay Lâm Vinh Hải với Vu quy đại náo (2019), để quảng bá.
Còn chuyện kêu gọi giải cứu phim Việt cũng từng xảy ra với 100 ngày bên em (2018). Tác phẩm của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng thất bại thảm hại khi đối đầu trực tiếp với Avengers: Infinity War (2018) và buộc phải hô hào khán giả tới rạp ủng hộ.
Sao lại dùng chiêu trò thay vì đầu tư cho chất lượng?
Trên thực tế, đa số bộ phim được nhắc đến bởi chiêu trò đều có chất lượng không nổi trội. Hầu hết sau đó không có lợi nhuận, hoặc thậm chí gây lỗ nặng cho nhà sản xuất.
Đặc biệt, một vài trường hợp còn gây phản ứng ngược như Chú ơi, đừng lấy mẹ con. Vụ scandal khiến cả hai diễn viên chính lẫn Cát Phượng vấp phải làn sóng tẩy chay dữ dội, và gây hại luôn cho cả Hạnh phúc của mẹ (2019) ra mắt lâu sau đó.
Trở lại với trường hợp Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi, bộ phim được thực hiện tương đối chỉn chu với câu chuyện nhẹ nhàng và ý nghĩa về những người trẻ lạc lõng giữa Sài Gòn. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ!
Trời sáng rồi, ta đi ngủ thôi là một bộ phim được thực hiện chỉn chu. Nhưng tác phẩm không phải không có những thiếu sót.
Tác phẩm của đạo diễn Chung Chí Công ngay từ đầu đã khó lòng tiếp cận số đông đại chúng. Phim nhắm đến đối tượng khán giả trẻ, đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời và chưa tìm thấy lối đi tiếp theo cho bản thân.
Kế đó, Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi sử dụng nhạc indie để kể chuyện. Vậy những người không nghe nhạc indie hoặc thích nhạc chính thống, thì sao? Đó là chưa kể tác phẩm còn tồn tại nhiều thiếu sót về mặt kịch bản và chưa phải hay đến mức tuyệt tác.
Phim độc lập không đồng nghĩa với chất lượng. Và dù phim có mang đậm tính nghệ thuật, không phải ai cũng có thể cảm nhận hết cái hay từ tác phẩm. Câu hỏi đặt ra là tại sao các nhà làm phim Việt không đầu tư hơn cho phần kịch bản, thay vì mắc phải sai sót rồi sau đó tìm cách sửa sai đầy vụng về?
Bấy lâu nay, phim Việt cứ loay hoay trong việc tạo ra một kịch bản trọn vẹn. Với việc dễ dàng được tiếp cận với điện ảnh quốc tế, khán giả nước nhà ngày một khó tính hơn và sẵn sàng bỏ qua những tác phẩm kém chất lượng.
Nếu tác phẩm thực sự đánh trúng tâm lý số đông, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Trở lại với Ngô Thanh Vân, Hai Phượng khai thác tối đa lợi thế của cô: các pha hành động cận chiến mãn nhãn. Rốt cuộc thì bộ phim đạt doanh thu rất cao tại phòng vé - 200 tỷ đồng như nhà sản xuất công bố, còn người đẹp lần này chẳng cần phải khóc trước báo chí nữa.
Trách nhiệm cứu phim Việt có phải của khán giả?
Nói đi cũng phải nói lại, việc phim ngoại tràn ngập thị trường cũng khiến các tác phẩm nước nhà dễ bị khán giả quay lưng. Nền điện ảnh non trẻ của Việt Nam khó lòng đọ lại những ông lớn như Mỹ, Trung Quốc, hay Hàn Quốc. Điều đó dễ khiến các nhà sản xuất chạy theo dòng phim hài nhảm để thu lợi nhuận tức thời. Nhưng như thế, liệu ai sẽ theo đuổi các dự án nghệ thuật?
Hàn Quốc và Trung Quốc là những quốc gia áp dụng chính sách bảo hộ phim nội địa. Nhờ hạn chế phim ngoại trong các khoảng thời gian nhất định hoặc lên số suất chiếu, các tác phẩm trong nước dễ sinh lời cao và lợi nhuận trở thành bàn đạp để đầu tư cho các dự án tiếp theo.
Điện ảnh Việt Nam chưa thể tạo ra một bộ phim xuất sắc như Parasite. Nhưng tác phẩm thường bị gắn mác nghệ thuật này của Hàn Quốc đã thu tới hơn 65 tỷ đồng tại nước ta.
Nhờ đó, nền điện ảnh mới có sự thay đổi và phát triển rõ rệt, như trường hợp của The Host (2006) và Parasite đến từ Bong Joon-ho tại Hàn Quốc. Hay Ngô Kinh nhờ thành công với Chiến lang (2015) và Chiến lang 2 (2017) - hai bộ phim không quá hay - mới có thể tạo ra Lưu lạc địa cầu (2019) để gây dựng nền móng cho dòng phim khoa học viễn tưởng của điện ảnh nước nhà.
Hay gần đây, chiến thắng của Na Tra: Ma đồng giáng thế (2019) giúp tạo tiền đề cho vũ trụ điện ảnh Phong Thần Bảng với Khương Tử Nha trong năm 2020 tới đây.
Với Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi, khán giả quả là không có trách nhiệm gì trong việc giải cứu bộ phim. Xem gì phù hợp với mục đích giải trí là quyền tự do của mỗi cá nhân. Thương cho công sức của cả một ê-kíp, nhưng luật điện ảnh xem ra mới là chiếc chìa khóa để mở ra cuộc chơi sòng phẳng tại rạp chiếu phim và chấm dứt những lời giải cứu.
Theo zing
Đạo diễn 'Hoa hậu giang hồ' tiết lộ phim thật như đời Clip hậu trường đầu tiên của Hoa hậu giang hồ là những chia sẻ của đạo diễn Lương Mạnh Hải và dàn diễn viên về đề tài mà bộ phim khai thác: hậu trường các cuộc thi nhan sắc. Hoa hậu giang hồ là câu chuyện xoay quanh hai chị em song sinh là Lá và Mây (Minh Tú) hoán đổi nhau để...