Ngỡ ngàng phở trộn phố cổ
Cũng bánh phở, thịt bò gà và thêm chút rau thơm và gia vị phở trộn, không chan nước, mang đến cho người ta một cảm giác thật khác lạ.
Giống như những sáng tạo về phở khác, món trộn cũng được các ông, bà chủ đất Hà thành gia giảm vừa lòng bất cứ thực khách khó tính nào.
Người thích ngọt, thêm chút xíu đường; người thích vị thanh thanh thêm chút nước cốt chanh… Hai loại phở trộn thông dụng, được nhiều người lựa chọn nhất hiện nay là phở trộn gà và trộn thập cẩm (bò, gà lẫn lộn).
Một suất trộn như thế thường có: phở sợi đặt trong tô cùng với thịt, rau thơm, giá, lạc thêm một chút nước mắm chua ngọt. Ngoài ra, bên cạnh đó là bát nước dùng được hầm từ xương lợn, bờ thơm vị gừng và hành hoa…
Nếu như phở bò truyền thống là món ăn quen thuộc vốn nằm lòng của thực khách thì món trộn sẽ là sự khám phá thích thú và không khỏi mang đến cảm giác ngỡ ngàng cho người thưởng thức.
Chẳng hạn, vị béo của thịt gà kết hợp hài hòa với vị cay của rau thơm, vị mát của sợi phở khô sẽ mang đến cảm giác ngon miệng khó tả. Còn phở trộn thập cẩm (thành phần cũng giống như phở trộn gà nhưng có thêm thịt bò và nhiều loại rau quả) vì thế cũng rất khác lạ so với món phở bò nước thông thường.
Phở trộn được người Hà Nội làm và thưởng thức quanh năm nhưng chỉ từ đầu tháng ba, tư trở đi, những góc phố cổ mới thực sự “vào mùa”.
Video đang HOT
Món này thường được bày bán nhiều ở những góc hàng vỉa hè (trên phố Lãn Ông, Hàng Chỉ, Trần Quốc Toản, Lương Văn Can…) chứ chưa thấy có trong các quán xá, nhà hàng sang trọng.
Giống như nhiều quán ngon nổi tiếng trong phố cổ thường hoạt động theo giờ, góc hàng phở trộn cũng chỉ bán vào buổi tối. Vì thế, ngày nào cũng vậy, lúc nhà chủ mới dọn hàng, khoảng 18h, đã thấy dăm bảy khách đợi. Người không đến sớm sẽ thật khó mà được thưởng thức món ăn độc đáo này vì đa phần các quán chỉ mở hàng trong khoảng 2,3 giờ mỗi ngày.
Theo Báo Đất Việt
Bát phở bò giá 750 nghìn có gì đặc biệt?
Thịt bò Kobe từ Nhật Bản sẽ có giá cao nhất, bát phở có giá thấp hơn là thịt bò Úc, Mỹ...
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây là bát phở bò ngoại đắt thế liệu có bổ béo, giàu dinh dưỡng hơn so với những bát phở khác?
Bát phở có giá kỷ lục
Nhà hàng phở trong khuôn viên Khách sạn Vườn Thủ đô (48A Láng Hạ, Hà Nội) có phở bò chuyên dành cho đại gia với giá khủng.
Thực đơn ở đây ngoài bát phở đặc biệt với giá cao ngất trời (phở bò Kobe với giá 750.000 đồng/bát), còn có loại phở bò Nhật, Mỹ, Úc với giá 500.000 đồng/bát, 220.000 đồng/bát, 120.000đ/bát, 80.000 đồng/bát... Phở bò Cali là giá thấp nhất.
Bát phở bò Kobe có giá 750.000 đồng
Tuy vậy, với một người không sành ăn, không phân biệt được thịt bò này, bò kia... thì bát phở bò Cali trông cũng không khác bát phở bò cao cấp khác. Suất nào cũng có đĩa thịt trông đỏ giống trứng cá hồi, được căng phẳng trên mặt đĩa, nhưng khi vừa nhúng, miếng thịt co lại, quăn đều ăn dai, giòn.
Thành phần dinh dưỡng không khác nhau
Anh Phạm Văn Sơn, bếp trưởng Khách sạn Vườn Thủ đô khẳng định, thịt bò Kobe có 40% là mỡ, nhưng không có cholesterol, có thể ăn sống được. Trong các loại bò ngoại, bò Nhật Bản được nuôi đặc biệt nhất (được nghe nhạc, mát xa theo giờ, ăn lúa mạch, uống bia...) vì thế chất lượng thịt cao và giá thành cũng rất đắt đỏ.
Tuy nhiên, PGS.TS Hoàng Văn Tiệu, viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết: thịt bò Úc, Mỹ, Nhật hay Việt Nam không khác nhau về thành phần dinh dưỡng, chỉ khác về cảm quan khi sử dụng như thịt này mềm hơn, non hơn hay dai hơn...
PGS.TS Vũ Chí Cương, trưởng bộ môn Dinh dưỡng Thức ăn chăn nuôi và Đồng cỏ (Viện Chăn nuôi) cho hay, đã là thịt bò thì của nước nào cũng giống nhau, chỉ khác nhau về cấu trúc của thịt. Thịt bò ngoại thường mềm hơn do có nhiều mỡ kẽ. Nhờ có các tiến bộ về di truyền và do cách nuôi, cách vỗ béo đặc biệt nên mỡ kẽ trong thịt bò ngoại chủ yếu là mỡ không no (đặc biệt là với giống bò đen Nhật Bản). Mỡ không no có đặc điểm nóng chảy thấp. Khi nhúng vào nước sôi, mỡ tan chảy để lại nhiều lỗ hổng trên thịt nên thịt mềm, ăn ngon hơn, không ngấy, đồng thời thịt không còn nhiều mỡ nữa nên không có cảm giác ngấy.
Bò tái nguy cơ nhiễm sán cao
PGS.TS Nguyễn Văn Đề, chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội cảnh báo, người dân hiện nay thích ăn món thịt bò nhúng, tái, điều này rất nguy hiểm bởi bệnh sán dây bò cũng bắt nguồn từ những món ăn rất hấp dẫn này.
Trước đây, loài sán này gần như không có, nhưng nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ nhiễm sán dây bò ở cộng đồng rất cao như có xã ở Tuyên Quang, với 150 nhân khẩu thì có tới 40 người nhiễm sán dây. Hay tại xã Đăk Mon, huyện ĐăkGlei, tỉnh Kon Tum, xét nghiệm phân cho 461 người đã phát hiện 72/461 người nhiễm sán dây bò (chiếm tỷ lệ 15,61%)...
Người ăn phải thịt bò tái, thịt bò nấu chưa chín có chứa các nang ấu trùng sẽ mắc bệnh sán dây bò. Loài sán này rất nguy hiểm, có thể sống trong cơ thể người 50 - 60 năm ở trong ruột, trong cơ, não, mắt... Người bị sán dây thường bị đầy bụng, đau vùng rốn, dần dần yếu mệt, chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, suy dinh dưỡng do sán chiếm dụng thức ăn. Chúng thường gây khó chịu, bứt rứt ở vùng hậu môn, huyết áp hạ, thiếu máu, gây cơn đau ruột thừa, gây tắc nghẽn hoặc bán tắc nghẽn ruột.
Để cẩn thận, người dân vẫn không nên ăn thịt trâu, bò còn sống hoặc chưa được đun nấu chín vì cơ hội bị nhiễm bệnh sán dây là điều không thể tránh khỏi.
Theo Bee