Ngỡ ngàng “đường lên trời”
Tà Si Láng, một xã vùng cao thuộc huyện Trạm Tấu ở phía Tây Yên Bái. Với diện tích lên đến gần 90km2 nhưng dân số chỉ trên 1.000 người, đa phần là đồng bào Mông, nơi đây bị chia cắt với thế giới bên ngoài bởi con đường núi 17km nhưng đầy hiểm trở và có thể đe dọa tới tính mạng sống nếu có chút sơ sểnh.
Bản Suối Xuân trên đường lên Tà Si Láng
Đường lên Tà Si Láng gần như song song với đường lên Làng Nhì (một trong tứ đại hiểm địa), hai người anh em song sinh bị tạo hóa chia cách bởi núi cao, vực sâu, đứng từ bên này trông rõ bên kia nhưng để đến được phải mất già nửa ngày. Tà Si Láng vốn nổi danh trong giới “xê dịch” bởi những huyền thoại rất liêu trai, một chốn thâm sơn cùng cốc nhưng cũng đầy vẻ mê hoặc tới sững sờ. Ấy là mảnh đất 365 ngày chỉ có một mùa – mùa đông với mây mù bao phủ, nơi từ trên thiên đàng gửi xuống trần gian những thác nước ánh bạc buông mình xuống những con vực sâu hun hút tạo ra sức hấp dẫn của chốn địa đàng. Có lẽ bởi vậy mà những kiến tạo địa chất buộc mảnh đất này phải cách biệt với xã hội bên ngoài bởi những vực sâu thăm thẳm và con đường gồ ghề dốc ngược đầy hiểm nguy.
Cách thị xã Nghĩa Lộ, theo hướng từ Văn Chấn, chừng 10km có con đường nhỏ bên tay trái chỉ hướng Tà Si Láng – 17km, ngay từ những mét đường đầu tiên đã là những con dốc với những khúc cua tay áo thử thách tay lái của bạn. Ngày nay đoạn đường đầu tiên này đã dễ đi hơn, nhờ vào chính sách “xóa đói giảm nghèo” của Nhà nước từ hơn 10 năm trước, để xóa đi thế cô lập của xã vùng cao Tà Si Láng với cuộc sống hiện đại. Thế nhưng những con đường cấp phối: đất trộn đá mới mở rộng chừng 3-4m thay thế cho đường mòn dân sinh vẫn luôn trong nguy cơ bị sạt lở và mất đường mỗi khi trời mưa, nên cái dấu ấn về một “hiểm địa” cho tới tận ngày nay vẫn còn hiện hữu vô cùng rõ nét qua những đoạn đường chỉ vừa cho một lốp xe máy qua.
Trên cung đường vạt mây cưỡi gió để đến Tà Si Láng, những thửa ruộng bậc thang ẩn hiện trong mây với những tạo hình độc đáo mở ra trước mắt, tựa như càng lên cao kĩ thuật đắp ruộng kè bờ của đồng bào càng đặc sắc. Chẳng ngoa khi nói đường lên Tà Si Láng là đường lên trời bởi sau khi đã vượt qua những con dốc xếp chồng lên nhau, nhìn lại bỗng thấy như những bậc thang ẩn khuất trong màu xanh mướt mắt của loài thông đuôi ngựa và phía xa là những mỏm núi ẩn hiện trong màn mây bạc sáng lòa. Những cái tên như bản Suối Xuân cũng như con suối chảy qua cũng đã đầy sức gợi hình về một chốn bồng lai tiên cảnh níu bước người khách phương xa. Trên đường đi xuyên qua vạt rừng Tà Si Láng để rồi chốc chốc lại được chiêm ngưỡng những thác nước trời đang tuôn chảy, tiếng suối hòa cùng những thanh âm của núi rừng tạo thành bản nhạc tươi mát và mê đắm tâm hồn.
Theo ANTD
Những ngôi nhà trên cao nguyên đá
Xuyên qua lớp sương mù giăng phủ đến đoạn rẽ từ Lũng Táo về dinh vua Mèo Vương Chính Đức (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang) nắng đã ngập tràn. Thấp thoáng sau lớp lớp đá núi tai mèo xám xịt, những ngôi nhà trình tường nâu vàng hiện ra...
Để chống chọi khí hậu khắc nghiệt, người Mông đã nối tiếp truyền thống xây nhà trình tường qua bao thế hệ. Những căn nhà có tuổi thọ có khi lên tới cả trăm năm, không chỉ làm mát ngày hè nắng nóng, sưởi ấm đông lạnh giá mà còn chống lại sự tấn công của thú dữ. Người Mông thường làm nhà sau khi thu hoạch xong vụ mùa, trước Tết Nguyên đán 1-2 tháng để đón năm mới.
Trước tiên là việc chọn đất. 3 hạt gạo (ngô) sẽ được đặt dưới mảnh đất đã chọn và làm lễ xin thổ công, thổ địa cho gia chủ làm nhà. Ngày hôm sau hoặc sau 3 tháng quay lại mà gạo (ngô) vẫn còn nguyên thì người Mông coi mảnh đất đó tốt và tiến hành xây dựng nhà. Tiếp đó, họ san nền, kê móng, trình tường nhà. Móng nhà được làm bằng đá, xếp kè cẩn thận, đặt ngay trên mặt đất chứ không đào sâu xuống dưới đất như người dưới xuôi. Tiếp đó là công đoạn trình tường công phu. Đất đổ vào khuôn gỗ dài chừng 1,5m, rộng 0,5m rồi dùng vồ gỗ giã liên tục, để cho các tầng đất kế dính chặt lại với nhau sao cho bề mặt tường thật mịn. Hết tầng thứ nhất, người ta tháo khuôn làm lượt tầng tiếp theo.
Thông thường, một ngôi nhà chỉ cần từ 5-6 lượt tầng ván khuôn đến khi phần sét trình dầy 50- 60cm, sau khoảng 1 tháng thì phần trình tường hoàn thành. Nguyên liệu sử dụng đơn giản như đất, đá rồi dụng cụ xây dựng cũng chỉ là mấy cái vồ, cái chày giã đập nhưng chất lượng của nhà trình tường có thể nói trâu bò húc chẳng hề hấn, gió lốc cũng chỉ làm tốc mái. Khi nào phần trình tường khô, người Mông sẽ dựng khung nhà. Toàn bộ phần khung được làm từ các loại gỗ tốt trên rừng. Tùy thuộc vào diện tích mỗi căn nhà, sẽ mất khoảng 15 ngày để hoàn thành xong phần khung nhà. Nhà thường có 3 gian, 2 cửa chính, phụ và phải có hai cửa sổ trở lên. Ngày trước, bà con thường dùng gỗ, cỏ gianh hoặc rơm rạ để lợp mái thế nhưng nhà trình tường mới xây dựng hiện nay phần lớn lại sử dụng mái xi măng. Chính điều đó khiến nhiều du khách không khỏi tiếc nuối khi nhớ về những mái nhà nguyên sơ của bản làng vùng cao ngày nào!
Mỗi lần làm nhà, anh em đều quy tụ cùng chung tay góp sức. Phụ nữ thì lo cơm nước hay thồ cát, còn cánh đàn ông thì đục đẽo và xây dựng. Ngày về nhà mới, gia chủ sẽ tổ chức một bữa tiệc, uống linh đình, say sưa như một khởi đầu tốt lành và may mắn.
Nhà của người Mông không đặt gần nhau dù là anh em ruột. Họ thường dùng hàng rào đá tạo thành một khu riêng biệt của gia đình hoặc một vài anh chị em, họ hàng với nhau. Đây cũng là đặc trưng của vùng cao nguyên đá: những ngôi nhà trình tường rượm vàng phía sau những hàng đá xám mê mải đã làm say lòng biết bao du khách từng một lần đặt chân đến bản làng miền biên cương nắng gió này.
Theo ANTD
Ngày mai, điện lại tăng giá Từ 22/12, giá điện sẽ tăng thêm 5% (ảnh minh họa) Ngày 21/12, Bộ Công thương ban hành thông tư quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện. Theo đó, giá điện lại tăng thêm 5% từ ngày 22/12. Cụ thể, giá điện bình quân tăng từ 1.369 đồng/kWh lên 1.437 đồng/kWh (tăng khoảng 5%) và được áp dụng từ...