Ngỡ ngàng Đăk Sing
Mang nét đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, thác Đăk Sing, xã Văn Lem (huyện Đăk Tô) như một bức tranh thủy mặc, thật sự là một điểm đến thú vị dành cho những ai yêu thích loại hình du lịch trải nghiệm.
Thác Đăk Sing nằm cách UBND xã Văn Lem chừng 3km. Từ xã men theo con đường nhỏ độc đạo, chúng tôi đi về hướng thác Đăk Sing. Càng tiến sâu vào hướng thác, chúng tôi gặp rừng thông, rồi đến rừng cây hỗn giao còn nguyên sinh phủ xanh hai bên đường đi. Khí trời ở gần thác mát mẻ, làm dịu đi cái nắng oi bức của tiết trời tháng 7, khiến chúng tôi cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.
Sau gần 20 phút chạy xe, chúng tôi gặp đường xuống thác với những bậc bê tông. Tại địa điểm này, cũng là lúc chúng tôi phải để lại xe máy và bắt đầu đi bộ để từng bước tiếp cận thác. Theo quan sát, dường như đã từ lâu rồi, đường nơi đây không có người lui tới. Có lẽ vì vậy, nên hai bên đường xuống các bậc bê tông vào thác bị những nhánh cây tua tủa đâm ngang. Những bậc thang hướng xuống chân thác bị rêu phong phủ kín và rất trơn trượt. Càng xuống sâu, đường đi càng trở nên dốc hơn. Mỗi bước đi, chúng tôi đều phải hết sức cẩn thận, nhìn trước ngó sau để tránh trượt ngã.
Đi xuống tầm 200 bậc thang, chúng tôi đã có thể nghe rõ tiếng dòng nước đổ xuống thác chảy ầm ầm, tiếng róc rách của những khe suối hòa với tiếng chim rộn rã như một bản hòa tấu sống động. Điều này, càng làm cho chúng tôi trở nên phấn khích lạ thường, bởi đích đến đã ở ngay trước mặt.
Chúng tôi “chinh phục” thác Đăk Sing.
Dẫn đường cho chúng tôi là A Minh (thôn Tê Rông, xã Văn Lem). Sinh ra và lớn lên tại địa phương, A Minh hiểu rất rõ về mảnh đất này. Anh cho biết, bao quanh thác Đăk Sing là rừng nguyên sinh, hoang vắng, tách biệt hẳn với bên ngoài. Càng vào trong thác, cảnh vật càng đa dạng và phong phú. Dọc theo suối là rừng trúc, tre, nứa xen lẫn rừng hỗn giao. Ngày trước, bà con và nhiều du khách vẫn thường ghé thăm thác Đăk Sing. Khi ấy, nơi đây trở nên nhộn nhịp và có lúc đông vui lắm. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, mấy năm trở lại đây, dường như thác Đăk Sing bị lãng quên một cách đáng tiếc.
Vừa đi vừa trò chuyện, chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến được chân thác Đăk Sing. Từ dưới nhìn lên thác, dòng nước đổ xuống trắng xóa tựa như một tấm dải lụa. A Minh “bật mí”, theo những người già trong làng kể lại, thác Đăk Sing có từ lâu lắm rồi. Thác được hình thành trên dòng suối Đăk Sing nên bà con đặt tên thác trùng với tên suối. Dòng suối từ trong rừng sâu chảy ra, lại lọc qua các khe đá, rễ cây rừng nên luôn trong vắt. Nước từ trên cao đổ xuống từng bậc đá, tung bọt trắng xóa, tựa như những tầng mây huyền ảo.
Khu vực dưới chân thác là cả một khoảng rộng mênh mông nước và vô vàn những mô đá nhấp nhô. Dọc theo thác có nhiều tảng đá lớn, tạo nên một bức tranh sống động. Không khí xung quanh lúc nào cũng mát lạnh, đem lại cảm giác sảng khoái, dễ chịu.
Thác Đăk Sing cao khoảng 100m, ở mỗi điểm địa hình phân bậc, dòng nước lại tạo ra một điểm thác nhỏ. Điều này tạo ra điểm nhấn lạ, hấp dẫn, càng làm người ta thích khám phá hơn. Cũng chính vì thế mà có người từng ví thác Đăk Sing tựa như một cuốn sách hay, càng đọc lại càng bị cuốn hút cho đến khi tận cùng. Có lẽ cũng chính vì điều này, chúng tôi bị cuốn hút khi chinh phục đỉnh thác Đăk Sing.
Video đang HOT
Bên trái thác Đăk Sing, có một nhánh thác nhỏ đã cạn nước. Theo A Minh, chỉ khi mưa lớn, nhánh thác bên này mới có nước chảy lại. Nếu muốn ngắm nhìn từng tầng thác Đăk Sing, thì đây chính là con đường lý tưởng nhất để leo lên đến đỉnh thác. Muốn lên, chúng tôi phải có đủ sức bền và luôn cẩn trọng trên từng bước chân. Bởi những phiến đá này đều có độ nghiêng, cộng với môi trường ẩm ướt nên phủ đầy rêu phong.
A Minh dẫn đầu cả nhóm đi trước, chúng tôi bám theo sau để leo lên. Băng qua từng tảng đá, bước qua những khe nước, đu mình vào những cành cây, A Minh thoăn thoắt tựa như một chú sóc rừng. Còn chúng tôi thì ngược lại, ai nấy đều mệt lả, dò từng bước chân vì sợ trượt ngã, khuôn mặt đầm đìa mồ hôi dù cuộc hành trình chỉ đang ở chặng đầu lên đỉnh thác. Tuy nhiên, không ai trong chúng tôi có ý định muốn bỏ cuộc sớm, mọi người liên tục động viên nhau để quyết tâm hướng tới đỉnh thác Đăk Sing.
Dừng lại bên một tảng đá lớn để chúng tôi nghỉ lấy sức, A Minh chỉ tay về phía giữa thác, rồi tâm sự: Theo người trong làng truyền tai nhau, ở giữa thác Đăk Sing có một hang động thông với đỉnh đồi Cỏ Cháy – đồi cao nhất ở xã Văn Lem. Ngày xưa mỗi lần xảy ra động đất hoặc nước dâng, muông thú trong rừng sẽ chui vào hang, lần theo con đường này để lên đồi lánh nạn. Thậm chí, có người trong làng từng bắt gặp tảng đá gần cửa hang có hằn vết chân trâu. Chi tiết này, càng làm cho câu chuyện huyền bí trở nên thuyết phục. Vậy nên, bà con trong làng rất nhiều người tin và truyền miệng kể lại cho con cháu đời sau nghe.
Sau chừng 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi đến được điểm cao nhất của thác Đăk Sing. Ai nấy đều đã mệt lả. Tuy nhiên đổi lại, từ đây chúng tôi có thể phóng tầm mắt bao quát trọn vẹn cảnh quan xung quanh thác Đăk Sing. Đó là màu xanh của cây rừng, màu trắng của dòng thác, màu vôi của đá… tất cả tạo nên một bức tranh thủy mặc. Bức tranh đó giao hòa với những âm thanh của núi rừng, làm cho mỗi chúng tôi đều có một cảm giác lâng lâng khó tả. Có lẽ, đó chính là niềm vui nhất khi chúng tôi chinh phục thác, được ngắm nhìn thỏa thích những cảnh đẹp hiếm thấy.
Trên đường trở ra, gạt qua những mệt mỏi, cả nhóm chúng tôi trò chuyện rôm rả. Chủ đề chính vẫn là vẻ đẹp của thác Đăk Sing. Mặc cho cơn mưa rừng rơi xuống mỗi lúc một nặng hạt, rồi như trút nước, nhưng cả nhóm chúng tôi đều cảm thấy vui sướng, hạnh phúc vì chuyến đi khám phá lần này.
Trong thâm tâm tôi cũng như mọi người trong nhóm đều mong muốn một ngày không xa, thác Đăk Sing sẽ được “đánh thức” để phát triển điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm. Và khi ấy, sẽ có nhiều người được biết đến thác hơn, được trải nghiệm thực tế, ngắm nhìn những cảnh đẹp đến ngỡ ngàng của thác Đăk Sing.
Du xuân ở Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa
Sở hữu vẻ đẹp nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng và cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa giờ đây tự hào khoác lên mình tấm áo mới khi được UNESCO vinh danh là Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới.
Mùa xuân này, hãy thử một lần hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp và sinh động ở KDTSQ Núi Chúa, khám phá bức tranh đa dạng sinh học rừng, biển với các loài động, thực vật quý hiếm nơi đây chắc chắn sẽ để lại trong mỗi người những trải nghiệm giá trị, khó quên.
Khám phá thiên nhiên tươi đẹp và sinh động
Được các nhà khoa học đánh giá là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất ở Việt Nam với thời tiết quanh năm nắng nóng, nhưng KDTSQ Núi Chúa lại hình thành nên một hệ sinh thái đặc thù, là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Với tổng diện tích trên 106.646 ha, nơi đây hội tụ cả 3 không gian rừng, biển và bán sa mạc.
Theo khảo sát mới nhất, hiện KDTSQ Núi Chúa có 1.511 loài thực vật, trong đó có 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới. Hệ động vật cũng đa dạng với 765 loài, trong đó có 46 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới. Ngoài ra, vùng biển của Núi Chúa còn có rạn san hô rất phong phú với 350 loài và có quần thể rùa biển đến sinh sản hằng năm đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Cả khu vực này còn chứa đựng kho tàng văn hóa của cộng đồng Raglai phong phú và đặc sắc.
Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa.
Hiện nay, KDTSQ Núi Chúa đang đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái như du lịch biển, du lịch rừng, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch giáo dục môi trường và tham quan, nghỉ dưỡng... với từng lịch trình tương ứng các điểm khám phá phù hợp.
Nếu lựa chọn cung đường Bãi Hõm - Hang Rái, chuyến xe điện thân thiện với môi trường sẽ đưa du khách vượt 3 km đường rừng trong khuôn viên VQG Núi Chúa đến với Bãi Hõm, nơi có bãi biển hoang sơ, bờ cát trắng phẳng lì, nước biển xanh trong vắt. Hang Rái với kiến tạo địa chất hàng ngàn năm tạo nên quần thể đá san hô cổ có lớp mặt lồi lõm, nhấp nhô với nhiều hình dáng kỳ thú tựa như bề mặt sao Hỏa, mỗi khi sóng đánh vào dốc đá liền bị dội ngược ra tạo nên những "thác nước trên biển" tuyệt đẹp khiến ai cũng ngẩn ngơ khi lần đầu tiên đặt chân đến.
Nếu thích đi cung đường xa, du khách có thể chọn hành trình khám phá Công viên đá - Thác 5 tầng. Đến với Công viên đá là trải nghiệm vô cùng thú vị, những phiến đá qua hàng triệu năm phong hóa, bị cái nắng cái gió bào mòn tạo thành vô số những hình thù kỳ dị, thỏa mãn trí tưởng tượng của du khách. Từ Công viên đá nhìn xuống là Bãi Thịt, nơi rùa biển chọn làm tổ đẻ trứng. Phóng tầm mắt ra xa là biển cả bao la với những doi cát uốn lượn ôm sát vào chân núi. Cát trắng, nắng vàng mang lại vẻ đẹp đặc biệt cho phong cảnh nơi đây. Tiếp tục đi bộ xuyên rừng, Thác 5 tầng hiện ra hùng vĩ. Dòng thác đổ ở độ cao hơn 100 m từ trên đỉnh núi cao xuống vực. Nơi đây có một phiến đá bằng phẳng. Giữa tầng thác thứ 4 có 1 lòng hồ tự nhiên. Tại đây, du khách ngâm mình trong hồ nước mát rượi nằm chênh vênh giữa lưng chừng núi, hoặc mắc võng nằm nghe tiếng thác reo xua đi mệt mỏi của chặng hành trình.
Cắm trại ở Núi Chúa.
Vịnh Vĩnh Hy - danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích cấp quốc gia cũng là một địa điểm được nhiều người yêu thích trong hành trình khám phá KDTSQ Núi Chúa. Một mặt hướng biển còn lại là ba bề là bãi cát trắng cùng núi rừng với những vách đá sừng sững dựng đứng bao quanh tạo nên một quần thể tuyệt đẹp, khiến Vĩnh Hy hầu như tách biệt khỏi dòng chảy đô thị hóa để giữ cho mình nét đẹp hoang sơ. Khi màn đêm buông xuống, đi dọc theo bờ hóng gió biển trong lành và nhìn ra vịnh Vĩnh Hy, ta sẽ thấy nhấp nhô những ngọn đèn sáng từ những tàu thuyền đánh cá của ngư dân đẹp lung linh, huyền ảo. Bạn có thể theo thuyền nhỏ neo đậu trong vịnh câu mực rất thú vị và hấp dẫn. Du khách cũng có thể tìm đến với bà con dân tộc Raglai sống trên triền Núi Chúa để cùng vui chơi, nhảy múa quanh ngọn lửa và thưởng thức rượu cần giữa khung cảnh hoang dã, thơ mộng... Không gian biển, núi, rừng của Vĩnh Hy yên ả, thanh bình để lại trong lòng du khách nhiều cảm xúc và ấn tượng khó quên.
Độc đáo du lịch trồng rừng
Trong hành trình du xuân khám phá KDTSQ Núi Chúa, du khách thích thú khi được tự tay chế tạo và rải "bom hạt giống", gieo những mầm xanh và ước vọng tái sinh rừng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở những nơi mình đã đặt chân đến.
"Bom hạt giống" là một viên đất sét được trộn với phân và nước, bên trong chứa hạt cây rừng. Nhờ có kích thước nhỏ vừa bằng nắm tay, "bom hạt giống" dễ dàng được du khách mang theo và rải ở những khu vực phù hợp do cán bộ VQG Núi Chúa chỉ dẫn. Khi mưa xuống, hạt giống bên trong "quả bom" sẽ nảy mầm, sinh trưởng theo nguyên lý tự nhiên.
Đồng bào Raglai có thêm thu nhập nhờ công việc khuân vác hành lý giúp du khách chinh phục đỉnh Núi Chúa có độ cao trên 1.000m.
Theo ước tính của anh Trần Văn Tiếp, Giám đốc VQG Núi Chúa, mỗi năm VQG Núi Chúa đón khoảng 100.000 lượt khách. Nếu mỗi lượt khách đến đây rải thành công một quả "bom hạt giống" nảy mầm thì mỗi năm VQG Núi Chúa có thêm 100.000 cây rừng mọc lên ở những nơi địa hình không thuận lợi để trồng rừng tập trung.
Anh Tiếp cho biết thêm: Cái được lớn nhất trong việc rải "bom hạt giống" không chỉ là số mầm xanh được tái sinh mà qua đó gieo vào ý thức mỗi học sinh, mỗi bạn trẻ, khách du lịch về bảo vệ môi trường sinh thái. Vì thế, chúng tôi đã biến các chương trình rải "bom hạt giống" thành sản phẩm du lịch để nhiều người được trải nghiệm, góp phần cải tạo môi trường.
"Mùa xuân là Tết trồng cây", ở KDTSQ Núi Chúa, trong hành trình du xuân khám phá của mình, mỗi du khách đang gieo vào rừng những mầm xanh, cũng là gieo ý thức bảo vệ rừng rộng khắp, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị KDTSQ thế giới được UNESCO công nhận.
Hồ Thang Hen - "tuyệt tình cốc" huyền bí của non nước Cao Bằng Nằm trên độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, hồ Thang Hen như một hòn ngọc trên núi với cảnh đẹp kỳ vĩ và thơ mộng. ó là sản phẩm thiên tạo tô điểm thêm bức tranh thủy mặc của cảnh sắc non nước Cao Bằng. Từ thành phố Cao Bằng dọc theo Quốc lộ 3 đến địa phận đèo...