Ngộ độc thủy ngân vì cắn vỡ cặp sốt
Nhiều trường hợp trẻ ngộ độc do bất cẩn của người lớn, nguy hiểm nhất vẫn là những vụ ngộ độc thuốc và thuỷ ngân. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.
Cha mẹ chủ quan
Ngày 20/5 Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Nhi TƯ tiếp nhận bệnh nhi Lê Cảnh Huy (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) trong tình trạng sốt cao, cơ thể có lúc ớn lạnh, mệt mỏi, ăn ít.
Chị Nguyễn Thị Hà – mẹ cháu Huy cho biết: “Một ngày trước khi nhập viện cháu bị sốt tôi có dùng cặp nhiệt độ hạ sốt nhưng không ngờ cháu nghịch và cắn vỡ chiếc cặp nhiệt độ và nuốt phải thuỷ ngân. Lúc đó, thấy cháu không sao nên tôi chủ quan không cho đi khám, ngày 21/5, cháu có biểu hiện sốt, mệt mỏi tôi liền đưa cháu đến bệnh viện ngay”.
Thông tin từ BV Nhi TƯ cho biết, gần đây mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 10-15 trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc. Trong đó chủ yếu là các trường hợp ngộ độc thức ăn, ngộ độc thuốc, ngộ độc vì tiếp xúc với hoá chất và nguy hiểm nhất là ngộ độc thuỷ ngân.
Video đang HOT
Nhiều trường hợp trẻ ngộ độc do bất cẩn của người lớn, nguy hiểm nhất vẫn là những vụ ngộ độc thuốc và thuỷ ngân
Lý do dẫn tới trẻ bị ngộ độc thuỷ ngân rất nhiều, trong đó chủ yếu do trẻ nghịch cặp nhiệt độ và làm vỡ. Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ có thói quen rất nguy hiểm là sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ bình sữa. Nếu nhiệt độ bình sữa trên ngưỡng 400C sẽ làm nhiệt kế giãn nở rồi vỡ, khiến thủy ngân hòa lẫn trong sữa của trẻ.
Chị Bùi Thị Lan, ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc vừa cho con đi khám và được chẩn đoán là ngộ độc thuỷ ngân, cho hay: “Hôm đó người giúp việc nhà tôi dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ bình sữa. Có lẽ bình quá nóng nên nhiệt kế vỡ, thuỷ ngân từ nhiệt kế rơi ra, nó bảo trông như quả bóng nhỏ xíu nên tò mò nghịch và cho cả cháu nhỏ nghịch. 2-3 hôm sau thấy cháu sốt cao không rõ nguyên nhân tôi mới đưa đi khám”.
Cần bình tĩnh
Để tạo ngôi nhà an toàn cho trẻ, cha mẹ cần để những hóa chất, thuốc men, chất tẩy rửa trong đúng chai lọ ban đầu của chúng và cất giữ ở nơi trẻ không thể lấy được… Tốt nhất là xây dựng tủ thuốc an toàn, đặt tủ trên cao.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tú – Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Nhi TƯ, cảnh báo: “Trường hợp trẻ uống phải sữa có lẫn thủy ngân, cha mẹ không nên cuống cuồng làm các biện pháp gây nôn như móc họng hay vỗ ngực cho con vì làm thế trẻ dễ sặc, thuỷ ngân tràn vào phổi khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn”.
Cũng theo bác sĩ Tú, chỉ khi trẻ hít thủy ngân vào phổi mới đáng lo còn nếu uống vào đường ruột, thủy ngân sẽ tự đào thải sau vài ngày. Cha mẹ nên theo dõi diễn tiến tình trạng trẻ sau vài ngày, cho trẻ uống nhiều nước để tự đào thải thủy ngân ra ngoài qua đường ruột.
Trẻ hít phải thủy ngân gây ngộ độc sẽ có các triệu chứng lâm sàng như sốt, ớn lạnh, khó thở, loét miệng, lơ mơ, nôn mửa… Ngộ độc thủy ngân gây ra bệnh mãn tính có thể gây viêm lợi, chảy nước miếng, rối loạn tâm thần, giật chân tay, hay quên, mất ngủ, tâm lý không ổn định, kém ăn, buồn bã…
Bác sĩ Tú khuyến cáo, các bậc cha mẹ không nên dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ bình sữa vì nhiệt kế chỉ đo được tối đa 42oC. Nếu trên ngưỡng này có thể sẽ khiến nhiệt kế giãn nở rồi vỡ làm thủy ngân chảy ra ngoài. Khi thấy con mình nuốt phải một chất gì đó có thể gây ngộ độc thì hãy bình tĩnh. Nhớ đúng nhãn chai lọ đựng chất đó để báo cho bác sĩ rồi đưa trẻ đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Theo Minh Nguyệt
Dân Việt
Tai nạn do dùng nhiệt kế thủy ngân
Pha sữa cho trẻ là công việc hàng ngày của các bậc cha mẹ có con nhỏ. Chuyện tưởng như đơn giản nhưng một số phụ huynh quá lo lắng cho rằng nắm bắt nhiệt nhiệt độ chính xác là rất quan trọng vì sợ nhiệt độ cao sẽ gây phỏng trong miệng, làm trẻ không ăn uống được. Ngược lại, nếu nhiệt độ nước nguội hơn sợ trẻ bị tiêu chảy do sữa sẽ không tiêu hóa và hấp thu được. Do vậy đã có những tình huống tai nạn không ngờ xảy ra cho trẻ do sai lầm dùng nhiệt kế thủy ngân đo nhiệt độ nước sôi.
Bé Đ. T. L. H., 6 tháng tuổi, nhà ở Lâm Đồng, được người nhà đưa đến bệnh viện vì nuốt phải thủy ngân. Mẹ cháu cho biết, bà làm vỡ chiếc nhiệt kế trong khi đo nhiệt độ bình sữa pha cho bé mà không hay. Mãi đến khi cho bé bú gần hết bình sữa mẹ mới phát hiện có đọng ở đáy bình những giọt thủy ngân lóng lánh lẫn trong sữa. Chạy lấy chiếc nhiệt kế ra xem mới biết đã bị nứt vỡ không còn thủy ngân trong đó. Mẹ cháu tìm mọi cách gây ói không được nên đưa cháu đến bệnh viện. Cháu phải nằm viện 3 ngày để hồi phục sức khỏe và đã được xuất viện.
Thủy ngân có trong nhiệt kế là dạng thủy ngân nguyên chất, được hấp thu rất ít khi vào đường tiêu hoá nên không gây ngộ độc cho trẻ em khi nuốt phải. Tuy nhiên, lượng thủy ngân này sẽ trở nên rất độc khi vào phổi do trẻ hít phải trực tiếp hoặc qua chất nôn ói từ dạ dày. Nguy cơ hít sặc càng cao xảy ra khi người lớn kích thích họng gây nôn cho trẻ sau khi đã nuốt vào.
Do vậy, nếu phát hiện trẻ nuốt thủy ngân, các bậc phụ huynh phải thật bình tĩnh, tuyệt đối không móc họng, gây ói vì sẽ gây biến chứng hít sặc thủy ngân rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế nếu nghi ngờ hít sặc. Cần theo dõi phân của trẻ trong vài ngày để xác định và đánh giá lượng thủy ngân đã nuốt được bài tiết ra ngoài.
Nhiệt kế thủy ngân đo được đến mức cao nhất là 42oC nên chỉ dùng để đo nhiệt độ cơ thể. Dụng cụ này lại làm bằng thủy tinh mỏng manh do vậy sẽ dễ bị vỡ chảy thủy ngân ra ngoài nếu dùng đo nhiệt độ nước sôi nóng hơn. Để tránh xảy ra tai nạn như trên, các bậc phụ huynh cần lưu ý pha sữa cho trẻ đúng cách. Đa số các nhà sản xuất sữa bột đều khuyến cáo pha sữa ở nước có nhiệt độ khoảng gần 40oC để bảo vệ thành phần giá trị dinh dưỡng trong sữa bột. Theo kinh nghiệm, có thể pha nước nóng và nước đun sôi để nguội theo tỉ lệ nhất định (pha một phần nước nóng trong bình thủy với một phần nước nguội hoặc pha một phần nước sôi với hai phần nước nguội) để đạt được đ ô nóng ổn định, an toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Ước chừng và thử độ nóng của sữa đã pha bằng cách nhỏ sữa lên da bàn tay nếu cảm thấy ấm, gần với nhiệt độ trên da, có nghĩa tương đương khoảng 37oC là cho trẻ uống được. Để phòng tránh trẻ nuốt phải thủy ngân, các bậc phụ huynh cần lưu ý sử dụng đúng nhiệt kế thủy ngân. Biết cách pha sữa, pha nước nóng tắm đúng. Không dùng nhiệt kế để đo trực tiếp nước sôi nóng. Cẩn thận không đặt nhiệt kế trên bàn, kệ trong tầm nhìn, tầm tay của trẻ. Không cho trẻ chơi nghịch với nhiệt kế. Khi lấy nhiệt độ cho trẻ, luôn bên cạnh trẻ và quan sát trong suốt thời gian cặp nhiệt kế cho đến khi có kết quả nhiệt độ. Cất giữ nhiệt kế trong tủ cao có khóa hoặc chốt cài cẩn thận.
Theo SK&ĐS
Ngộ độc kim loại từ thói quen ăn uống Sự ô nhiễm xảy ra khắp mọi nơi và ngay khi cả bản thân bị ngộ độc kim loại bạn cũng không rõ. Rất có thể những thói quen ăn uống không tốt là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc này. 1. Thường xuyên ăn hải sản Các loài cá, sò ốc là những thực phẩm dễ nhiễm kim loại nặng...