“Ngộ độc” sau khi uống thuốc bổ
Lynne Wallis (Anh) uống rất nhiều viên bổ sung glucosamine sau khi bị đau đồi gối sau 1 chấn thương thể thao và đã gặp những tác dụng phụ rất khó chịu. Dưới đây là chia sẻ của cô:
Cứ uống là đầy bụng, tiêu chảy
Glucosamine được làm từ vỏ của các động vật mà được tin là giúp cải thiện sức khỏe khớp – liệu pháp giúp đẩy nhanh việc sản xuất protein cần cho sự phát triển và duy trì sức khỏe sụn.
Mặc dù không có bằng chứng y học nào cho thấy hiệu quả thực sự của nó, nhưng bác sĩ nói rằng nó giúp tái tạo những tổn thương ở sụn và cải thiện sức mạnh của các khớp. Tôi không do dự và ngay lập tức bắt đầu uống theo liều khuyến nghị, 1.500mg ngày.
Không lâu sau đó, tôi nhận thấy tôi cần phải đi toilet thường xuyên, đôi khi nhiều hơn 5 lần/ngày. Bụng tôi không được thoải mái, hay đầy bụng, trướng bụng; còn phân thì đen và như hắc ín. Tôi tự nghĩ mình bị hội chứng ruột kích thích (IBS).
Bác sĩ kê thuốc giãn cơ ruột nhưng chúng không giúp được gì. Và rồi, đầu năm ngoái, tôi hết glucosamine và không phải uống bổ sung thêm. Đầu gối của tôi tốt hơn và tôi uống dầu cá, được cho là viên bổ sung kỳ diệu của khớp. Vài ngày sau, đường ruột của tôi trở lại bình thường.
Nhưng rồi tôi lại bị chấn thương khi chơi thể thao, tôi lại bắt đầu uống glucosamine. Và 1 tuần sau, hội chứng ruột kích thích lại quay trở lại. Tôi nghĩ rằng là có sự liên quan với loại thuốc tôi uống. Tôi tìm kiếm thông tin về glucosamine và phát hiện thấy các tác dụng phụ của nó là tiêu chảy và chuyển màu phân. Tôi ngừng uống và mọi thứ nhanh chóng trở lại bình thường.
Đau đầu, tiêu chảy và suy giảm ham muốn là những tác dụng phụ thường gặp ở vitamin bổ sung
Video đang HOT
Không vô hại như chúng ta tưởng
Doanh số từ những sản phẩm bổ sung tốt cho sức khỏe đang tăng nhanh trong những năm gần đây. Khoảng 40% người Anh uống nó. Và thị trường rộng lớn này thu về 40 triệu bảng Anh mỗi năm.
Do các loại viên bổ sung thường được làm từ các hợp chất tự nhiên hay bắt chước khả năng tự sản xuất của cơ thể, nên nhiều người như tôi thường cho rằng chúng vô hại
Nhưng chúng tôi đã lầm. Thực tế ngành công nghiệp sản xuất dạng bổ sung cho sức khỏe này không được kiểm soát kỹ lưỡng, điều này có nghĩa các nhà sản xuất không cần phải đưa ra danh sách những tác dụng phụ khi sử dụng sản phẩm hay không cần phải có các cuộc thử nghiệm về tính an toàn của nó.
Ngoài ra còn có 1 số trường hợp ngoại lệ. Đó là axit folic, được khuyến nghị là dành cho phụ nữ đang muốn thụ thai. Viên có hàm lượng 400mcg này được xếp vào nhóm thực phẩm. Nhưng nếu tăng liều lên thành 5mg (để điều trị thiếu máu và 1 số bệnh khác) thì nó trở thành thuốc và đòi hỏi phải có đơn kê của bác sĩ.
Dinh dưỡng đóng vai trò quyết định
Việc uống viên bổ sung bừa bãi (uống cùng 1 số thuốc khác hay dùng thuốc quá liều) có thể khiến cơ thể bị nhiễm độc. Chẳng hạn như glucosamine đã từng gây ra tử vong cho Norman Ferrie (64 tuổi) sống tại Anh vào năm 2004. Bệnh nhân này đã tử vong do suy gan cấp sau vài tuần uống viên bổ sung glucosamine. Ngoài ra, năm 2008, còn có 2 trường hợp bị phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi dùng viên bổ sung.
“Ngày càng nhiều người uống các thực phẩm bổ sung, vitamin bổ sung vì nghĩ rằng đó là những viên thuốc kỳ diệu mà giúp tạo ra sức khỏe. Trong khi đó, hầu hết không biết rằng glucosamine và 1 số thuốc bổ sung khác được cấp phép như 1 thực phẩm nhưng được bán như là thuốc”, BS John Dillon, bệnh viện Ninewells (Anh), cho biết.
“Mọi thứ chúng ta cần là 1 chế độ dinh dưỡng lành mạnh thay vì tốn kém cho các loại vitamin, vi chất bổ sung hay thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, uống chúng theo đơn kê của bác sĩ thì lại hoàn toàn cần thiết và không gây ra bất kỳ rủi ro cũng như tốn kém nào”, BS Dillon nhấn mạnh.
Theo Nhân Hà
Dân trí/DM
Thuốc còn "đát" nhưng vẫn phải bỏ đi
Hạn dùng được định nghĩa là khoảng thời gian sử dụng được ấn định cho một lô thuốc (thuốc được sản xuất theo lô) mà sau thời hạn này thuốc không còn giá trị sử dụng.
Cẩn trọng khi thuốc hết hạn dùng
Thực tế có nhiều người trữ lọ thuốc bổ chứa vitamin, chất khoáng thuộc loại to chứa hàng mấy trăm viên, dùng một thời gian thì ngưng khi thuốc vẫn còn nhiều, sau đó tính chuyện dùng lại để "tẩm bổ" thì đúng lúc hết hạn. Nhìn bề ngoài thấy viên thuốc vẫn còn bóng lưỡng, màu sắc vẫn tươi rói, một số người cho rằng dùng chắc chẳng sao, thế là tiếp tục dùng để không lãng phí. Trong khi đó, nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng lọ thuốc nhỏ mắt khi được mở ra dùng rồi thì chỉ được dùng trong thời gian ngắn phải bỏ đi, chứ không được để dành dù hạn dùng của lọ thuốc này được ghi đến tận năm sau.
Phải xem kỹ hạn dùng trước khi sử dụng
Hạn dùng được định nghĩa là khoảng thời gian sử dụng được ấn định cho một lô thuốc (thuốc được sản xuất theo lô) mà sau thời hạn này thuốc không còn giá trị sử dụng. Thí dụ, hạn dùng của thuốc được ghi 30/6/2010, nghĩa là trong thời gian từ lúc người dùng thuốc mua thuốc đến ngày 30/6/2010 là thuốc có giá trị sử dụng và được phép dùng, còn từ ngày 1/7/2010 trở về sau là thuốc quá hạn dùng không còn giá trị sử dụng nữa.
Theo luật dược của nước ta, nhãn thuốc lưu hành trên thị trường bắt buộc phải ghi một số nội dung trong đó có hạn dùng (bên cạnh số đăng ký, số lô sản xuất, ngày sản xuất). Nếu trên nhãn thuốc không ghi hạn dùng thì thuốc đó được cho là thuốc giả. Cũng theo luật định, mua, bán, sử dụng thuốc quá hạn dùng là bất hợp pháp.
Nên lưu ý, thuốc hết hạn dùng sẽ không còn giữ được các tính chất cần thiết như đã đăng ký trong tiêu chuẩn chất lượng, mặc dù trông vẻ bề ngoài, đặc tính cảm quan của thuốc không có sự thay đổi, thuốc trông giống y như khi còn hạn dùng. Nhiều người thấy thuốc bề ngoài còn tốt nghĩ rằng thuốc quá hạn dùng trong thời gian ngắn không sao nên cứ dùng để tránh lãng phí nhưng thực tế có thể gặp nguy hiểm. Thuốc quá hạn dùng không chỉ giảm hoặc mất tác dụng điều trị mà còn có thể gây độc. Điển hình là thuốc kháng sinh tetracyclin, nếu quá hạn dùng trở thành rất độc, gây hại thận.
Căn cứ xác định hạn dùng của thuốc
Để xác định hạn dùng của một thuốc, không phải nhà sản xuất ấn định bừa mốc thời gian nào đó. Đặc biệt, mốc thời gian đủ dài có lợi cho việc kinh doanh thuốc, mà phải trải qua công việc nghiên cứu gọi là thử độ ổn định của thuốc. Đó là tập hợp các thí nghiệm với độ tin cậy cao, được thiết kế để xác định tuổi thọ và hạn dùng của thuốc. Phương pháp thử độ ổn định thường dùng là phương pháp thử độ ổn định cấp tốc. Gọi là cấp tốc vì phương pháp chỉ thử thuốc trong vòng 3 tháng ở điều kiện môi trường khắc nghiệt với nhiệt độ cao đến 50oC, độ ẩm 75% để suy diễn ra tuổi thọ và hạn dùng của thuốc trong thực tế diễn ra trong nhiều năm ở điều kiện môi trường bình thường. Bên cạnh đó, còn có phương pháp thử độ ổn định dài hạn, tức người ta theo dõi độ ổn định của thuốc với điều kiện tồn trữ, bảo quản trong thực tế cho đến khi thuốc bị sút giảm chất lượng để xác định hạn dùng (có thể theo dõi đến 2 - 3 năm). Phương pháp thử dài hạn cho kết quả tin cậy và một số thuốc có yêu cầu bảo quản đặc biệt như chế phẩm vắc-xin hay thuốc là hormone cần chọn điều kiện thích hợp để thử theo phương pháp này.
Như vậy, ta thấy hạn dùng được tìm ra dựa vào nghiên cứu khoa học đàng hoàng và đúng quy cách và cũng vì thế, bắt buộc phải tuân thủ hạn dùng.
Các yếu tố liên quan đến độ ổn định của thuốc
Có một số yếu tố liên quan đến độ ổn định của thuốc như: nhiệt độ, độ ẩm, độ chiếu sáng... Vì vậy, không chỉ tuân thủ hạn dùng mà còn để ý việc tồn trữ, giữ thuốc ở điều kiện tốt để không làm ngắn đi tuổi thọ và hạn dùng. Thuốc mua về không dùng ngay thì nên để nơi có nhiệt độ mát, khô ráo, không bị ánh nắng chiếu vào. Có thuốc nếu để nơi nóng sẽ thấy ngay biến đổi có hại là hư hỏng dạng bào chế: thuốc dạng kem bị vữa hay vón cục, thuốc lỏng dạng hỗn dịch bị phân lớp, lớp nước ở trên còn lớp đặc đóng cặn ở dưới (thay đổi như thế là không tốt, ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc). Hoặc có chị em phụ nữ trữ thuốc ngừa thai loại viên uống trong phòng tắm với mục đích để không quên việc uống thuốc. Chính việc trữ thuốc trong phòng tắm sẽ hại thuốc vì đây là môi trường có độ ẩm cao, hơi nước sẽ ngấm vào thuốc làm giảm chất lượng.
Thuốc 2 hạn dùng
Có một số thuốc có đến 2 hạn dùng. Đó là các thuốc gọi là không phân liều, được dùng nhiều lần. Điển hình là thuốc nhỏ mắt. Ngoài hạn dùng ghi trên bao bì, hộp, nhãn thuốc (hạn dùng chỉ kể khi thuốc chưa được mở) còn có hạn dùng nữa phải tính khi lọ thuốc nhỏ mắt được mở ra sử dụng. Khi mở nắp thuốc nhỏ mắt sử dụng, hạn dùng ghi trên nhãn không còn ý nghĩa nữa, mà sau 15 ngày dùng thuốc, nếu thuốc còn thừa phải bỏ đi vì sau nhiều lần sử dụng, thuốc có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn, nấm mốc. Thuốc nước tiêm hay uống dùng nhiều lần cũng thế, sau khi dùng cho một đợt điều trị (có thể sau một ngày hay một tuần) còn thừa phải bỏ đi, chứ đừng căn cứ vào hạn dùng được ghi mà để dành dùng sau này là nguy hiểm. Nói có thuốc còn "đát" vẫn phải bỏ đi là vì thế.
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Theo SK&ĐS
Gầy quá có nên uống thuốc bổ? Vợ chồng em đã có hai con. Cuộc sống hôn nhân cũng được gần 20 năm rồi. Điều kiện sống của gia đình em rất tốt bởi vì cả hai đều có thu nhập cao. Tuy nhiên, cái giá phải trả là sự bận rộn từ sáng tới đêm khuya. Bằng tuổi này, bạn em ai cũng tăng cân và phải tìm cách......