Nghìn Việt kiều không quốc tịch sống ven hồ Dầu Tiếng
Về nước sau hàng chục năm sinh sống ở Campuchia, nghìn người Việt Nam hiện không có giấy tờ tùy thân, sống trong cảnh khốn khó gần biên giới Tây Ninh.
Cuối con đường đất đỏ lầy lội mùa mưa, hàng trăm nóc nhà dựng bằng thân cây, mái thuyền, hiện ra trong cảnh ọp ẹp, rách nát ven hồ Dầu Tiếng (ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, Tây Ninh). Đây là làng tạm cư của những Việt kiều từ vùng Biển Hồ (Campuchia) dạt về sinh sống. Có hộ trở về đã 7 năm, cũng có người mới về vài tháng, song tất cả đều không có giấy tờ tùy thân, quốc tịch, nhà cửa, tiền bạc…
Xóm Việt kiều ven lòng hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh. Ảnh: Duy Trần
Bãi đất trống ven hồ trông xộc xệch bởi những căn chòi rách nát rộng 4-12 m2 làm từ cừ tràm, tre, ván, phủ bạt. Rất nhiều hộ không mua được vật liệu đã kéo con thuyền (giúp họ vượt hàng nghìn km về Việt Nam) lên cạn rồi xem đó là nhà. Ở những gia đình đông con, họ chế giường hoặc sạp tre chừng 3-8 m2 cho 4-5 người ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt.
Đưa đại gia đình gần 10 người về đây được 3 tháng, ông Huỳnh Công Đài (70 tuổi) cho biết theo cha mẹ sang khu Biển Hồ của Campuchia mưu sinh hồi còn rất nhỏ. Sau này có gia đình, con cháu, tất cả đều theo nghiệp đánh cá. Ở đó có rất đông người Việt như gia đình ông. Những năm gần đây chính quyền nước bạn siết chặt lệnh đánh bắt khiến đời sống mọi nhà bấp bênh.
“Có người vi phạm lệnh này nên bị giam giữ, không có tiền nộp phạt phải ở tù luôn. Không kiếm được tiền lại sống kiểu ăn nhờ ở đậu, già nói con cháu quay về Việt Nam”, ông Đài nói, rít hơi thuốc thật dài.
Hành trình từ Biển Hồ về của gia đình ông lão kéo dài 15 ngày nhờ xuôi dòng Vàm Cỏ. Sở dĩ ông Đài và những Việt kiều Campuchia chọn hồ Dầu Tiếng làm chốn nương thân vì nó rộng, nhiều cá giống khu vực bên nước bạn.
“Không có tiền mua đất nên già cập nhà sát mé nước để tiện sinh hoạt. Khi nước dâng thì cả gia đình nhổ cọc, khiêng chạy lên vùng đất cao hơn. Nhà có 10 người, đóng 2 cái giường bằng ván và tre nên cũng nhẹ”, ông Đài thở dài, nhìn mặt nước đang mấp mé cột giường.
Cuộc sống không điện, nước sạch, tiền bạc… của nghìn người đang bám vào lòng hồ Dầu Tiếng. Hàng ngày, đàn ông dong thuyền ra hồ đánh cá, kiếm được 70-80 nghìn đồng. Còn trẻ em, phụ nữ vào khu dân cư bán vé số, lo chăm đàn vịt, con gà. Mọi sinh hoạt từ ăn uống, tắm rửa, đến đi vệ sinh đều lấy nước từ hồ.
Những đứa trẻ ở xóm Việt kiều này đều hao hao nhau với làn da đen nhẻm, đầu vàng ruộm vì suốt ngày phơi nắng và hoàn toàn không đi học. Mỗi gia đình ở đây ít thì 3-4 con, nhiều thì 7-8 đứa. Chúng kết nhóm chơi với nhau vì trẻ bên ngoài dường như bị gia đình cấm tiếp xúc.
Tiền, Đô và La là 3 anh em ruột. Đứa lớn nhất 9 tuổi, nhỏ 5 tuổi và tất cả đều ở nhà phụ việc. Cha chúng, anh Ấm, nói rằng rất muốn các con có giấy khai sinh để đi học, sau này có cơ hội kiếm được việc làm ở công ty, thoát cảnh đời như cha mẹ. “Hồi ở Campuchia, chúng tôi cũng cho đi học mỗi buổi mấy đồng để biết mặt chữ nhưng tốn kém quá nên thôi. Giờ muốn con đi học thật đấy nhưng cũng lo nhà đông miệng ăn, không ai phụ việc”, anh Ấm nói.
Video đang HOT
Một chiếc thuyền được kéo lên cạn làm nơi ở của 3-4 người. Ảnh: Duy Trần
Cả xóm Việt kiều hơn 1.000 người ngụ ven lòng hồ Dầu Tiếng hiện không có quốc tịch. Họ không có bất kỳ giấy tờ gì để chứng minh mình sinh ra, cư trú tại Việt Nam, ngoài giọng nói. Sống tại Campuchia hàng chục năm nhưng ở sông nước biền biệt, không giao lưu với bên ngoài nên các loại giấy tờ hay các con chữ đều xa lạ với họ.
Trở về Việt Nam 2 năm nay, bà Lê Thị Hương (43 tuổi) nói rằng, chính quyền địa phương cũng không thể cấp giấy tờ cho bà vì không xác định được bà sinh ở đâu, cư ngụ thế nào. “Chúng tôi ở đây không còn biết quê mình ở đâu, lang bạt lâu quá rồi. Bên Biển Hồ chúng tôi cũng được sinh ra, lớn lên theo cha mẹ đi đánh cá rồi có chồng con chứ đâu biết giấy tờ gì. Giờ sống đâu thì đấy là quê của mình thôi”, bà Hương nói, giọng ngậm ngùi.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành Dương Thị Vất, ban đầu chỉ khoảng 3-4 hộ từ Campuchia về, địa phương chưa kịp tiếp xúc thì vài đêm sau xuất hiện cả trăm hộ, họ dựng chòi ở ngay trong đêm. Thống kê hiện có 352 hộ với hơn 1.000 người.
“Bên Campuchia sinh sống quá khó khăn nên họ dong thuyền về Việt Nam ngày một nhiều lên. Chính quyền có phát gạo cứu đói, tổ chức đưa các cháu đến trường, nhưng học vài buổi các cháu lại bỏ vì gia đình bắt đi làm dù xã, trường có xuống vận động”, bà Vất nói.
Chủ tịch UBND xã Tân Thành Trần Quang Ghi cho biết địa phương đã hướng dẫn các hộ quay về Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia chứng thực giấy tờ để làm thủ tục hợp thức hóa các giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, chưa hộ nào làm được vì không có tiền đi lại và không biết chữ. Sở Tư pháp Tây Ninh vừa phối hợp với chính quyền địa phương thống kê, xác minh để hoàn thiện hồ sơ, xem xét cấp giấy tờ cho họ.
“Kế hoạch huyện, xã đã làm xong và trình lên tỉnh để duyệt chờ triển khai. Với những người trở về không giấy tờ mới khó khăn chứ trẻ sinh ra ở xóm Việt kiều thì mặc nhiên được làm giấy khai sinh”, ông Ghi nói.
Trong kế hoạch về khu dân cư cho Việt kiều Campuchia vừa hoàn tất, chính quyền sẽ lấy đất công xây hơn 100 căn nhà cho những hộ ở ấp Tà Dơ. Khu vực này sẽ có đầy đủ điện nước, gần lòng hồ Dầu Tiếng để họ đánh bắt cá. Tuy nhiên, ông Ghi không giấu e ngại “chỉ sợ xây nhà cho họ thì người Việt ở Biển Hồ nghe tin sẽ trở về, là áp lực rất lớn”.
“Hơn trăm căn nhà có thể giải quyết được chứ hàng chục nghìn người về thì vỡ kế hoạch ngay. Tình hình an ninh trật tự ở xóm Việt kiều hiện đã phức tạp, nếu đông hơn sẽ không kiểm soát nổi”, ông Ghi phân tích.
Những đứa trẻ không đến trường vui chơi trên lòng hồ mỗi chiều. Ảnh: Duy Trần
Trước tình trạng người Việt ở Biển Hồ đang kéo về nước và phải sống khốn khó, hồi giữa tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công văn yêu cầu các địa phương phải gấp rút giải quyết các vướng mắc để họ hòa nhập, sinh sống. Hiện, họ sống tập trung ở thượng nguồn sông Sài Gòn thuộc địa phận các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và vùng Tân Hưng của Long An.
Theo VnExpress
Rủi ro chuyện song tịch
Công dân Việt Nam mang thêm một quốc tịch khác có thể có rủi ro vi phạm "nguyên tắc một quốc tịch" của Luật Quốc tịch Việt Nam, đặc biệt trong trường hợp cá nhân đó vẫn sinh sống trong nước do có độ "vênh" giữa luật, nghị định cũng như cách vận dụng luật trong thực tiễn.
Quốc tịch là thuộc quyền pháp lý cơ bản của một công dân sinh sống, cư ngụ trong lãnh thổ một quốc gia, thể hiện mối quan hệ gắn bó của công dân với Nhà nước, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân. Luật Quốc tịch Việt Nam (số 24/2008/QH12, sửa đổi bổ sung bởi Luật số 56/2014/QH13) (LQT) quy định khung pháp lý cơ bản đối với vấn đề quốc tịch của cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam.
Việc thừa nhận công dân Việt Nam có thể mang hai quốc tịch (song tịch) trong những trường hợp nhất định là một điểm mới quan trọng của LQT hiện hành.
Nguyên tắc một quốc tịch
Quy định về quyền có quốc tịch của công dân lần đầu tiên được thừa nhận tại Sắc lệnh số 53/SL, ngày 20-10-1945 của Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngay từ thời điểm đó, điều 7 của sắc lệnh này quy định việc công dân Việt Nam sẽ mất quốc tịch Việt Nam nếu, ngoài các trường hợp khác, nhập một quốc tịch ngoại quốc.
Rủi ro chuyện song tịch
Nguyên tắc một quốc tịch tiếp tục được pháp luật Việt Nam kế thừa, ghi nhận một cách nhất quán và xuyên suốt qua các giai đoạn phát triển, kể từ các LQT 1988, 1998 (điều 3), cho đến LQT hiện hành.
Tại điều 4 LQT hiện hành quy định Nhà nước công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp luật này có quy định khác. Mặc dù ghi nhận nguyên tắc một quốc tịch, LQT hiện hành đã có sự sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhu cầu sinh sống, lưu trú đi lại của công dân giữa các quốc gia ngày càng nhiều.
Song tịch có làm hạn chế quyền công dân Việt Nam
Việc một cá nhân vừa có quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài có thể xảy ra trong trường hợp người có quốc tịch nước ngoài xin nhập quốc tịch Việt Nam và được cho phép. LQT cho phép một cá nhân được duy trì quốc tịch nước ngoài khi xin nhập quốc tịch Việt Nam trong một số trường hợp nhất định.
Điều kiện cần là cá nhân đó phải thuộc trường hợp có thể được xem xét, bao gồm công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam, người đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam, và trẻ em là con nuôi theo các quy định tại luật này (điều 19, 23, 37). Điều kiện đủ là cá nhân đó phải đáp ứng một số điều kiện nhất định như có công lao đóng góp cho Việt Nam, hoặc có quan hệ vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam, đáp ứng các điều kiện riêng khác đối với mỗi trường hợp cụ thể. Những trường hợp này phải được Chủ tịch nước xem xét cho phép.
Hướng dẫn luật chưa rõ
Theo quy định tại Nghị định hướng dẫn LQT (Nghị định 78/2009/NĐ-CP, điều 21), kể từ ngày 1-7-2009, công dân Việt Nam vì lý do nào đó mà có quốc tịch nước ngoài và chưa mất quốc tịch Việt Nam, thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
Liên quan vấn đề này, LQT hiện chưa có quy định cụ thể phân biệt quyền có thêm quốc tịch nước ngoài của công dân Việt Nam trong trường hợp đang sinh sống ở nước ngoài, so với trường hợp công dân đó sinh sống, cư trú tại Việt Nam. LQT hiện cũng chưa có quy định rõ ràng việc thừa nhận hay không thừa nhận tình trạng một công dân Việt Nam đang sinh sống, cư trú ở Việt Nam có song tịch. Phạm vi áp dụng của điều 21 (Nghị định 78/2009/NĐ-CP) được hiểu chỉ áp dụng với người Việt Nam cư trú ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam căn cứ theo điều 18 của nghị định này, hay áp dụng với mọi trường hợp công dân, bao gồm cả công dân Việt Nam hiện đang sinh sống, cư trú tại Việt Nam.
Điều 26 LQT, quy định cá nhân mất quốc tịch Việt Nam chỉ bao gồm một số trường hợp hạn hữu như được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, trẻ em chưa đủ 15 tuổi đã tìm thấy cha, mẹ chỉ có quốc tịch nước ngoài... Không có quy định cụ thể bắt buộc công dân phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam hoặc bị hạn chế quyền công dân khi họ có thêm quốc tịch nước ngoài.
Về thủ tục, điều 21 Nghị định 78/2009/NĐ-CP quy định trong thời hạn hai năm, kể từ ngày có quốc tịch nước ngoài, người có quốc tịch nước ngoài hoặc cha mẹ, người giám hộ của người đó, nếu ở ngoài nước phải thông báo cho cơ quan đại diện Việt Nam có thẩm quyền. Nếu ở trong nước phải thông báo cho sở tư pháp (STP) nơi người đó cư trú việc họ có quốc tịch nước ngoài. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, STP có trách nhiệm ghi vào sổ quốc tịch khi công dân Việt Nam thông báo có quốc tịch nước ngoài.
Trong khi đó, như đề cập, "nguyên tắc một quốc tịch" được xem như nguyên tắc thống nhất và xuyên suốt như quy định tại điều 4 LQT hiện hành.
Rủi ro pháp lý cho người song tịch
Cho đến nay vẫn chưa có thống kê chính thức có bao nhiêu công dân Việt Nam đang sinh sống trong nước nhưng có thêm quốc tịch nước ngoài. Xu hướng gần đây cho thấy việc người dân muốn có thêm một quốc tịch nước ngoài bên cạnh quốc tịch Việt Nam là nhu cầu có thật. Cá nhân có song tịch được hưởng quyền lợi và có nghĩa vụ công dân của cả hai nước, như các chế độ đãi ngộ, ưu đãi, các quyền lợi kinh tế, phúc lợi xã hội, các quyền về kinh tế-chính trị bao gồm quyền sở hữu tài sản, đi lại, cư trú, bầu cử, ứng cử... Đương nhiên, với tư cách là công dân một nước, quyền đi kèm nghĩa vụ công dân, phát sinh quan hệ nhà nước - công dân đối với quốc gia sở tại.
Nhiều quốc gia hiện cho phép công dân có thể có hơn một quốc tịch như Úc, Anh, Pháp, Mỹ, Canada... Do đó, không ít công dân các nước mong muốn có thêm quốc tịch của các nước phát triển, tận hưởng các chế độ đãi ngộ phúc lợi, cũng như quyền lợi pháp lý với tư cách công dân. Cộng hòa Malta, một đảo quốc nhỏ thuộc châu Âu, gồm bảy hòn đảo giữa Địa Trung Hải, được xem là quốc gia lý tưởng cho việc nhập tịch. Những quy định về tiêu chuẩn và thủ tục pháp lý nhập tịch khá đơn giản. Có quốc tịch của Cộng hòa Malta, có thể hưởng các chế độ phúc lợi cơ bản trong tư cách một công dân châu Âu.
Song tịch và nguyên tắc một quốc tịch
Tuy vậy, công dân Việt Nam có thêm quốc tịch nước ngoài hiện có thể có rủi ro vi phạm "nguyên tắc một quốc tịch" của LQT Việt Nam. Đặc biệt trong trường hợp cá nhân đó vẫn đang cư trú, sinh sống ở Việt Nam, do có độ "vênh" giữa luật, nghị định cũng như cách vận dụng luật trong thực tiễn.
Quy định pháp luật hiện chưa có biện pháp khôi phục như thế nào trong trường hợp một công dân Việt Nam có thêm quốc tịch nước ngoài và vẫn đang sinh sống ở Việt Nam. Người đang cư trú ở Việt Nam mà có hai quốc tịch thì bị hạn chế quyền công dân như thế nào nếu xét quan hệ nhà nước-công dân Việt Nam? Hiện có thể thấy rằng thủ tục pháp lý liên quan đến việc xin từ bỏ quốc tịch cũng không đơn giản nếu người đó buộc phải lựa chọn một trong hai quốc tịch.
Xác định quốc tịch của cá nhân sẽ xác định tư cách công dân cũng như các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của họ với quốc gia sở tại. LQT đã có hiệu lực thi hành, Chính phủ cũng cần có quy định hướng dẫn rõ hơn về quyền song tịch của công dân Việt Nam, tối đa hóa quyền tự do lưu trú, đi lại, mưu sinh trong phạm vi địa giới rộng hơn một quốc gia. Điều này cũng phù hợp chính sách của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho công dân Việt Nam có điều kiện hưởng đầy đủ quyền công dân ở ngay trên quê hương mình, và cả các công dân có hoàn cảnh sống xa đất nước.
(*) Hãng luật Rajah & Tann LCT Lawyers
Theo Sài Gòn Times
Nỗi lo "khát" nước ngọt Tuy không gây thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp như tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng xâm nhập mặn đang khiến TP Hồ Chí Minh lo lắng vì nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của hàng triệu người dân. Xâm nhập mặn có thể khiến người dân TP Hồ Chí Minh thiếu nước sinh hoạt. Thiếu nước...