Nghìn lẻ lý do ‘trốn’ Tết quê chồng
Cứ nghĩ cảnh mấy ngày Tết lụi hụi nấu nướng, rửa bát rồi dọn dẹp bãi chiến trường trong nhà là Cúc lại thấy ớn. Vì thế, Tết năm ngoái, gần đến ngày phải về quê, cô lăn quay ra ốm, nằm bệt giường.
Ảnh minh họa: Xaluan.com.
Và chiêu này của Cúc rất hiệu quả. Chồng cô một mình về quê, đưa vợ sang nhờ ông bà ngoại chăm giúp.
Thật ra, anh cũng biết vợ bệnh thì ít mà sợ về quê chồng thì nhiều. Cô là con gái út trong một gia đình khá giả ở Hà Nội, được cưng chiều từ bé nên khi về làm dâu trưởng một gia đình đông con ở quê – Cúc cũng hoảng thật. Tết năm đầu tiên về làm dâu, cô “choáng” khi phải cùng mọi người chuẩn bị bữa ăn họ gồm 20 mâm. Dù bố mẹ chồng cũng tâm lý, nói đỡ cho con dâu “cháu nó chưa biết làm gì đâu, các bác thông cảm”, nhưng Cúc vẫn bị thử thách.
Video đang HOT
Suốt ngày hết nhặt rau lại rửa bát, đứng lên lấy cái này, chạy ra lấy cái kia, cô mệt phờ người, tay chân đỏ lựng. Rồi Tết năm ấy, theo tục nhà chồng, ngoài những lúc ở nhà lo phụ mẹ và em chồng nấu nướng, Cúc phải theo mẹ chồng đi chúc Tết khắp họ hàng, làng xóm.
Tối ngủ, cô khóc thổn thức vì cảm thấy tủi thân vì vất vả mà chồng không ở cạnh, giúp đỡ được gì, cả người thì đau ê ẩm.
Tết năm ngoái, Cúc giả đò ốm để không về. Chồng cô buồn thiu ra xe một mình. Khi anh về, đúng như dự đoán, có rất nhiều lời “hỏi thăm” nàng dâu trưởng như “chị ấy ốm đúng lúc thế”, “có nặng lắm không để chúng tôi ra thăm”… khiến anh thấy đau nhói trong lòng.
Năm nay, Cúc lại đang tính kế sao cho khỏi về trước Tết. Cô sợ chiêu giả ốm không hiệu nghiệm nữa nên đang nghĩ đến việc xin trực vào 30 Tết.
Cũng không muốn về quê chồng Tết này, nhưng chị Sen, người Sài Gòn lại có lý do khác. Chị kể trên một diễn đàn rằng quê chồng chị ở Hà Tĩnh, mùa đông rất lạnh, mà cô con gái đầu lòng của chị mới chưa tròn tuổi. Chị sợ con còn nhỏ, phải đi đoạn đường dài, ở quê lại lạnh, không có điều kiện khiến bé ốm mất.
“Mình là người lớn, năm kia về đó mấy ngày còn bệnh nữa là. Nhà thì chông chênh gần cánh đồng, gió hun hút mà cửa suốt ngày mở toang. Con bé nhà mình lại yếu, nhỡ mà bị viêm phổi thì biết làm sao”, chị Sen thổ lộ.
Tuy nhiên, khi chị nói điều này với chồng, anh đã phản đối ngay. Anh cho rằng chị ngại khổ, không thích người nhà chồng nên mới viện lý do như vậy. “Trẻ con chịu khổ tí cũng tốt, cho nó cứng cáp. Trẻ con ở quê ấy, chúng nó suốt ngày chân đất, đầu không đấy, mà vẫn khỏe như vâm”, anh vặc lại.
Trong lòng không muốn về chút nào, nhưng chị Sen vẫn chưa nghĩ được lý do gì để ở lại Sài Gòn. Chị biết, nếu mình cố tình không về, tình cảm vợ chồng thể nào cũng sứt mẻ.
Dù đã đóng gói đồ đạc và quà cáp để chuẩn bị hai ngày nữa sẽ về quê chồng ở Thanh Hóa ăn Tết, nhưng chị Dịu, nhân viên văn phòng ở Hà Nội, vẫn cố nghĩ lý do chính đáng để được nấn ná thêm vài ngày về với bố mẹ đẻ ở Mỹ Đức, Hà Nội.
Theo lời chị Dịu, chị lấy chồng 5 năm, Tết năm nào cũng về nhà chồng ngay sau khi được nghỉ làm, sau đó, đến mùng 3 mới về nhà bố mẹ đẻ chị. Nhà chị chỉ có hai chị em gái. Mọi năm, cô em còn ở nhà ông bà cũng đỡ buồn. Năm nay, em đi xuất khẩu lao động Đài Loan, ở nhà chỉ còn hai thân già quạnh quẽ nên chị muốn đón Tết với bố mẹ để ông bà đỡ buồn.
Chồng chị cũng thương vợ và định sẽ ở lại với bố mẹ vợ đến hết mùng hai rồi về quê nội từ mùng 3 đến mùng 6. Thế nhưng, ông bà nội không đồng ý. Ông bà bảo rằng, nhà ngoại ở gần, trong năm vợ chồng chị đã thường xuyên qua lại rồi, có mỗi cái Tết, phải thu xếp về quê cả. “Tục nhà này mùng 1 Tết phải có đông đủ con cháu”, bố chồng chị phán câu cuối.
Theo bà Trần Thị Hồng Hà, chuyên gia tư vấn tâm lý thuộc Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, chuyện nhiều nàng dâu không muốn ăn Tết quê chồng không hề hiếm. Có rất nhiều lý do mà chị em đưa ra: quá mệt mỏi vì phải làm việc quá vất vả, tủi thân, buồn chán vì nhà chồng không yêu thương, lại nhớ bố mẹ, anh em của mình… Một số người vì ngại đường xa, con nhỏ, bụng bầu, sức khỏe kém…
Nhiều khi, nguyên do lại đến từ phía ông chồng, khi không biết chia sẻ với vợ, lo lắng cho nhà ngoại mà lúc nào cũng chỉ biết đến nhà mình, khiến người vợ cảm thấy chán nản và bất bình.
Theo nhà tâm lý, chuyện này tuy nhỏ nhưng lại rất nhạy cảm và có ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ vợ chồng. Nếu người vợ tỏ ý không thích về quê chồng, nhất là vào dịp Tết, dễ khiến các ông tự ái, bực bội và nghĩ vợ không coi trọng mình và muốn hòa hợp với gia đình chồng. Đây cũng là gút mắc khiến nhiều đôi nảy sinh mâu thuẫn trong dịp cuối năm.
Bà Hà cho biết, tốt nhất, khi mới kết hôn, vợ chồng cần có sự chia sẻ, trao đổi với nhau về cách ứng xử, đối đãi với hai bên nội, ngoại sao cho hợp lý. Hai người nên sắp xếp từ trước lịch của các ngày nghỉ dài trong năm như Tết dương lịch, 2/9… để có thời gian thư giãn và về thăm hai bên bố mẹ.
Theo bà Hà, trong tâm lý người Việt, nhất là ở các làng quê, Tết luôn có ý nghĩa rất thiêng liêng. Đó là dịp đoàn tụ, quây quần con cháu sau những tháng ngày xa cách, vất vả vì mưu sinh. Với người già, điều này càng quan trọng. Vì vậy, nếu không có lý do đặc biệt, gia đình bạn có thể sắp xếp để về ăn Tết với bên nội, bên ngoại hoặc nếu ở xa thì thay phiên nhau, năm nay bên này, năm sau bên kia. Nếu điều kiện không về được, bạn nên mua sẵn quà biếu Tết cho gia đình chồng và nhớ gọi điện hỏi han, quan tâm, chúc Tết mọi người.
Theo vnexpress