Nghiệt ngã ung thư: Những cách chữa trị cần biết
Có 1/3 loại ung thư có thể phòng ngừa, 1/3 chữa khỏi hoàn toàn (ở giai đoạn sớm), 1/3 kéo dài cuộc sống (giai đoạn muộn).
Ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm có thể được điều trị nhờ phẫu thuật nội soi – NGUYÊN MI
“Công tác 27 năm tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bao nhiêu thời gian đó tôi cũng đủ nhận ra quá nhiều kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân ung thư và cũng đã chứng kiến rất nhiều bệnh nhân đến đây điều trị. Tôi khẳng định, nếu bệnh nhân đến giai đoạn sớm và tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ, bệnh nhân sẽ hết bệnh, hoặc nếu không khỏi bệnh cũng kéo dài thời gian sống mà không phải đau đớn, bi thảm cuối đời. Nhiều bệnh nhân được điều trị ung thư đúng đắn, hiện giờ vẫn khỏe mạnh vẫn tái khám thường xuyên và không bị tái phát”, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chia sẻ.
Hầu như bệnh nhân ung thư được điều trị đúng đắn đều được kéo dài thời gian sống trên 5 năm đến trên 10 năm với chất lượng cuộc sống tốt.
Điều trị ung thư hiện nay phát triển rất mạnh với nhiều phương pháp điều trị hiện đại có thể chữa lành bệnh.
Theo bác sĩ Tiến, điều trị ung thư chính thống là điều trị đa mô thức, nghĩa là phải phối hợp một cách nhuần nhuyễn các “vũ khí” điều trị gồm: phẫu trị (phẫu thuật) – hóa trị – xạ trị – liệu pháp miễn dịch – hoóc môn – thuốc nhắm trúng đích…
Các biện pháp điều trị khác như liệu pháp dinh dưỡng, sản phẩm bổ sung… chỉ mang tính hỗ trợ.
“Đối với bệnh ung thư, bệnh nhân cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa ung thư và được tư vấn của bác sĩ các phương pháp điều trị. Tuân thủ đúng quy trình, phác đồ điều trị”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
Sau quá trình điều trị, bệnh nhân cũng nên tái khám định kỳ. Nếu tái phát, bệnh nhân cần được phát hiện sớm và có chiến lược điều trị phù hợp và hiệu quả.
“Trên thế giới, hiện nay, y khoa hay dùng cụm từ “cancer survivor” (người sống sót sau căn bệnh ung thư) để chỉ những người bệnh ung thư đã điều trị tích cực và vẫn sống nhiều năm sau điều trị. Tôi thích gọi họ là người chiến thắng căn bệnh ung thư hơn. Bởi lẽ, tôi hiểu họ đã dũng cảm như thế nào để vượt qua căn bệnh này. Họ đã phải vượt qua những cung bậc cảm xúc từ lo lắng, giận dữ, cô đơn, tuyệt vọng… từ khi được chẩn đoán đến lúc điều trị. Họ phải vượt qua được nỗi sợ hãi khi chấp nhận mình mang căn bệnh ung thư và dũng cảm đối diện với nó, chiến thắng những đau đớn do bệnh tật và cả do việc điều trị mang lại để đi đến cùng và có một cơ hội được sống”, bác sĩ Tiến tâm sự.
Hiểu đúng ung thư
“Hầu hết các bệnh ung thư hiện nay đều có thể chữa được”, bác sĩ Tiến khẳng định.
Theo ghi nhận của y văn thế giới, là bệnh nguy hiểm nhưng 1/3 loại ung thư có thể phòng ngừa, 1/3 chữa khỏi hoàn toàn (ở giai đoạn sớm), 1/3 kéo dài cuộc sống (giai đoạn muộn).
Nếu bị ung thư, bệnh nhân nên đến cơ sở chuyên sâu về điều trị ung thư để được hưởng những kỹ thuật điều trị ung thư hiện đại nhất trên thế giới.
“Nếu bệnh nhân đến giai đoạn sớm và tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ, bệnh nhân sẽ hết bệnh, hoặc nếu không khỏi bệnh cũng kéo dài thời gian sống mà không phải đau đớn, bi thảm cuối đời”
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM
Sau khi điều trị xong và được cho xuất viện về để theo dõi, bệnh nhân phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ, đi tái khám theo dõi đều đặn.
“Thời điểm này, nếu bệnh nhân muốn uống thuốc nam, thuốc bắc (chẳng hạn lá cây đu đủ, máu rắn,…) cần phải được tư vấn của bác sĩ, hoặc đến những cơ sở đông dược, y học cổ truyền chính quy… Tuy nhiên, phải cẩn thận tác động tới gan, thận,…”, bác sĩ Tiến khuyến cáo thêm.
Phải có chế độ sinh hoạt điều độ, lành mạnh, đúng cách, gồm: Tinh thần là quan trọng nhất, lạc quan sẽ là phương thuốc nhiệm mầu làm tăng miễn dịch chống lại tế bào ung thư.
Chế độ tập luyện thể dục thể thao hợp lý, tùy theo tuổi và theo bệnh: đi bộ, chạy xe đạp, dưỡng sinh, yoga, hay chơi môn thể thao nào đó phù hợp với mình.
Chế độ ăn uống phù hợp không kiêng cử thái quá, ăn đủ chất và nhiều dinh dưỡng ngũ cốc, rau quả…
Đăc biệt, tham gia hội hè, đoàn đội, câu lạc bộ của những người bị ung thư cùng chia sẻ kinh nghiệm sống và điều trị; sinh hoạt dưỡng sinh, du lịch…
“Phòng bệnh, chích ngừa, khám sức khỏe định kỳ, tầm soát để phát hiện và điều rị sớm là quan trọng để chống ung thư”, bác sĩ Tiến khẳng định.
Theo thanhnien
Cô gái trẻ 18 tuổi sốc khi được chẩn đoán ung thư vú
Thời điểm được phát hiện ung thư vú, cô gái trẻ 18 tuổi đang học cấp 3 tại một trường ở Hà Nội. Khi đến viện, cô trong tâm trạng mông lung vì bỗng sờ thấy trong bầu ngực có cục như khối u.
BS Đỗ Huyền Nga, Phó trưởng khoa Nội 1 (Bệnh viện K) chia sẻ, bệnh nhân ung thư vú trẻ tuổi nhất mà chị gặp, đó là cô gái 18 tuổi ở Hà Nội, đến viện cách đây 2 năm trước.
Tại thời điểm đến viện khám, để bác sĩ khám, siêu âm ngực cô gái còn ngại vì "ngực non mới nhú". Nhưng sau khi được động viên, cô đã yên tâm khám và đúng như khối mà cô sờ thấy, cô được chẩn đoán ung thư.
"Rất may mắn, bệnh nhân ung thư ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1) nên điều trị thành công và ổn định. Cô gái giờ đây tái khám 6 tháng một lần, tình trạng tốt", BS Nga cho biết.
Tại Khoa Nội 5 (Bệnh viện K), số bệnh nhân đến khám vì ung thư vú khi còn trẻ tuổi cũng không phải là hiếm hoi. Khi nhắc đến bệnh nhân trẻ bị ung thư vú, thậm chí điều dưỡng tại đây vẫn còn nhớ tên tuổi bệnh nhân dù họ chưa tới lịch tái khám.
TS.BS Lê Thanh Đức (Trưởng khoa Nội 5, Bệnh viện K) cho biết, ở tại khu vực châu Á, Đông Nam Á, tỉ lệ ung thư vú trẻ khá cao hơn các nước Âu, Mỹ. Ngay ở Nhật Bản và một số nước châu Á, mắc ung thư vú người trẻ khá cao, bệnh nhân 26 - 27 tuổi đã bị ung thư Vú. Tại Việt Nam, tỉ lệ bệnh nhân 31 - 36 tuổi gặp cũng khá nhiều, đặc biệt có những ca bệnh nhân còn ở ngưỡng tuổi rất sớm, khi đang đi học, là sinh viên.
TS.BS Lê Thanh Đức.
Trong đó, TS Đức vẫn nhớ như in trường hợp bệnh nhân 25 tuổi mà anh điều trị. Cô gái đến viện giai đoạn 3, sau một thời gian điều trị ổn thì lại phát triển tiếp, diễn biến xấu, việc điều trị không được như mong đợi.
Cô gái A.T (23 tuổi, Nam Định) cũng là ca bệnh khiến các bác sĩ day dứt. Cô được phát hiện bệnh năm 22 tuổi, điều trị đến tháng 8/2017 và đến nay đã di căn gan, di căn não. "Lúc đầu bệnh nhân sờ thấy khối u vú phải, nhưng khi đến viện khám đã là giai đoạn 4. Đây là một trường hợp rất đáng tiếc vì phát hiện giai đoạn muộn", TS Đức trầm tư khi chia sẻ về ca bệnh.
Nhưng cũng có bệnh nhân sinh năm 1979, phát hiện bệnh năm 33 tuổi ở giai đoạn 1 - 2, điều trị ổn định, đến nay 7 năm trôi qua bệnh nhân vẫn khỏe mạnh, đi làm, sinh hoạt như bình thường.
Rồi trường hợp bệnh nhân H.A.V đang là sinh viên đại học ở Hà Nội, mới điều trị 6 tháng dù khối u khá lớn (giai đoạn 2B) nhưng điều trị đến nay bệnh đang trong vòng kiểm soát.
Có những trường hợp bệnh nhân ổn định 5 - 10 năm, đã kết hôn, sinh con bình thường.
Hãy luôn cảnh giác!
Theo TS Đức, ung thư vú trong các loại là bệnh dễ phát hiện sớm nhất, là vì tự sờ thấy được, trong khi gan, thận, phổi... là những ung thư khó phát hiện hơn. Đặc biệt, các phương pháp điều trị ung thư vú ngày càng mang lại hiệu quả điều trị cao, nhất là khi bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Dựa trên các nghiên cứu và thực tế cho thấy, ung thư vú phát hiện ở giai đoạn 1 - 2, thời gian sống thêm 5 - 10 năm, thậm chí 20 năm sau vẫn khỏe mạnh. Rất nhiều bệnh nhân tại BV K phát hiện ung thư vú từ khi chưa kết hôn, sau điều trị đã lấy chồng, sinh con.
"Với ung thư, sau 5 năm không tái phát được coi là khỏi. Và lúc này, nguy cơ bị ung thư trở lại của người từng bị ung thư vú cũng ngang bằng với người bình thường/, Tỉ lệ bệnh nhân ung thư vú được chữa khỏi ngày càng tăng lên, do nhận thức của người dân được tăng lên, đi viện khám sớm. Trong vòng 10 năm trở lại, tỉ lệ người dân ung thư vú đến viện sớm rất nhiều, đến ở giai đoạn 1 - 2, u dưới 3cm, chưa có hạch nách. Tuy nhiên, tỉ lệ muộn cũng cao, cũng có một số không ít các trường trì hoãn khám, hoặc giấu gia đình, đến khi đau không thể chịu nổi mới đến viện thì đã ở giai đoạn muộn", BS Nga nói.
"Vì thế, khi sờ thấy khối u ở vú, hạch ở nách, hay dịch máu bất thường ở đầu vú, hoặc cảm thấy bất thường cơ thể cần đi khám ngay. Đừng trì hoãn nay bận, mai bận để rồi không đến viện khám sớm", TS Đức khuyến cáo.
BS Nga cũng cảnh báo, ung thư vú không chỉ gặp ở người lớn tuổi mà còn gặp ở người trẻ. Vì thế, không nên chủ quan mà hãy luôn chủ động kiểm tra định kỳ thường xuyên ngay từ khi còn trẻ. Quan trọng nhất tự sờ, tự khám vú, tự cảm nhận cơ thể mình.
"Chị em phụ nữ, từ tuổi trẻ đến trung niên hãy hình thành thói quen tự khám vú mỗi tháng. Sau kỳ kinh nguyệt 5 - 7 ngày là thời điểm tuyến vú mềm nhất, hãy đứng trước gương để tự kiểm tra vú. Hãy tạo thành thói quen tháng nào cũng kiểm tra", BS Nga nói.
Hướng dẫn tự khám vú.
Với người có nguy cơ cao (bố mẹ ung thư vú, anh em bị ung thư vú, ung thư dại trực tràng, phổi, nên đến bệnh viện tầm soát định kỳ từ 40 tuổi. Còn với người dân, sau 50 tuổi, ngoài tự khám vú mỗi tháng nên đến viện tầm soát 1 năm một lần, nếu có nguy cơ thời gian tầm soát rút ngắn lại,"
Sau điều trị bệnh, cần duy trì chế độ sinh hoạt như bình thường nhất có thể, vận động thể dục thể thao, nếu có thể đi làm bình thường.Sau điều trị không để tăng cân, nhiều người bồi bổ tăng cân, có những nghiên cứu tăng cân làm tăng nguy cơ tái phát.
Duy trì chế độ sinh hoạt như bình thường nhất có thể, vận động thể dục thể thao, nếu có thể đi làm bình thường.
Sau điều trị không để tăng cân, nhiều người bồi bổ tăng cân, có những nghiên cứu tăng cân làm tăng nguy cơ tái phát.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Nghiệt ngã ung thư: Những sai lầm khiến bệnh trở nên... 'hết thuốc chữa' Điều nghiệt ngã của ung thư không phải do bệnh không thể chữa mà đến từ những quan điểm sai lầm khiến người bệnh được điều trị quá trễ. Nội soi phát hiện sớm ung thư đại trực tràng - ẢNH: NAM SƠN Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Việt Nam...