Nghiên cứu lấy huyết tương người khỏi Covid-19 điều trị bệnh nhân nặng
Tại buổi hội chẩn trực tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 ngày 10/4, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết Việt Nam đang nghiên cứu việc chiết xuất huyết tương từ máu người đã khỏi Covid-19 để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng.
Theo đó, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Huyết học TP.HCM và hệ thống các viện huyết học phối hợp cùng các cơ sở điều trị tiến hành lấy máu, chiết tách huyết tương của bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh để nghiên cứu, sử dụng điều trị cho người bệnh Covid-19 nặng. Phác đồ này đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cùng với các phác đồ của nước bạn như Cuba, Nhật Bản, Pháp.
Tại buổi hội chẩn này, GS.TS Ngô Quý Châu – Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai đã lưu ý Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM – nơi đang điều trị cho bệnh nhân nặng – cần phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện việc lấy mẫu huyết tương nói trên để ứng dụng vào điều trị.
Theo TS Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Huyết học và Truyền máu Trung ương, sử dụng huyết tương của người khỏi bệnh là phương pháp điều trị bệnh nhân nặng, cơ thể có tải lượng virus cao, đã điều trị bằng các phương pháp thông thường nhưng virus trong cơ thể không giảm.
Phương pháp chiết xuất huyết tương từ người khỏi Covid-19 dự định được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có diễn tiến nặng, trong tình huống số ca bệnh nặng vào viện quá nhiều. (Ảnh minh họa: Thanhnien)
Huyết tương của người khỏi bệnh, có chứa kháng thể chống virus, khi truyền vào cơ thể người bệnh, kháng thể sẽ phát huy tác dụng, hỗ trợ bệnh nhân diệt virus. Phương pháp này ít biến chứng. Huyết tương được tách chiết sẽ là chế phẩm máu đặc biệt, cần có chỉ định đặc biệt.
Trước đó, sáng 9/4, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã cử bác sĩ làm việc cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để xây dựng quy trình, hướng dẫn, chỉ định của phương pháp điều trị bằng huyết tương. Trong đó, quan trọng nhất là hướng dẫn chọn người cho máu để tách huyết tương và bệnh nhân được chỉ định điều trị, do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phụ trách. Còn Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương sẽ tách chiết huyết tương theo yêu cầu.
TS Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, Bệnh viện đang dự thảo đề tài nghiên cứu về sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã khỏi bệnh để điều trị các bệnh nhân nặng. Mục đích là cố gắng cứu những bệnh nhân Covid-19 nặng, khi đã hết các phương án điều trị. Phía Bệnh viện và Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đang thảo luận vấn đề lấy máu, huyết tương, chỉ định…
Video đang HOT
Đề tài nghiên cứu này mới đang ở giai đoạn khởi đầu. Các chuyên gia đang thu thập, nghiên cứu kỹ các tài liệu y khoa nhằm đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh khi tham gia thử nghiệm lâm sàng.
Cũng theo TS Thạch, bệnh viện sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề về chỉ định cho trường hợp nào. Phương pháp này sẽ được sử dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19 có diễn tiến nặng trong tình huống số ca bệnh nặng vào viện quá nhiều.
Đến sáng 10/4, Việt Nam có 255 ca mắc Covid-19, trong đó, 144 người đã được công bố khỏi bệnh hoặc xuất viện. Hiện còn 111 ca bệnh đang điều trị tại 17 cơ sở y tế.
Diệu Linh
Bệnh nhân 237 mắc Covid-19 khỏi bệnh sau 7 ngày nhập viện
Bệnh nhân Covid-19 người Thụy Điển, ca lây nhiễm cộng đồng khiến gần 90 nhân viên y tế thuộc 4 bệnh viện phải cách ly đã được công bố khỏi bệnh vào hôm nay (10/4), sau 7 ngày nhập viện.
Ngày 10/4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, chiều nay sẽ có 9 bệnh nhân (BN) Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Đó là các bệnh nhân sau:
BN25: Nữ, 50 tuổi, quốc tịch Anh, vào viện ngày 8/3, kết quả xét nghiệm đã 4 lần âm tính vào các ngày 2/4; 3/4; 5/4; 7/4. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, không sốt, không ho, không khó thở, tim nhịp đều.
BN86: Nữ, 54 tuổi, ở Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội, vào viện ngày 20/3, kết quả xét nghiệm đã 4 lần âm tính vào các ngày 25/3; 26/3; 29/3; 6/4. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, không ho, không khó thở, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
BN94: Nữ, 64 tuổi, ở Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang, kết quả xét nghiệm đã 3 lần âm tính vào các ngày 1/4; 4/4; 7/4.Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, không ho, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh D.L.
BN 148: Nam, 58 tuổi, quốc tịch Pháp, kết quả xét nghiệm đã 2 lần âm tính vào các ngày 3/4; 6/4. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt không ho, không khó thở.
BN194: Nữ, 42 tuổi, ở Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội, là nhân viên căng tin Bệnh viện Bạch Mai, vào viện ngày 30/3, kết quả xét nghiệm đã 3 lần âm tính vào các ngày 2/4; 5/4; 8/4. Hiện tại bệnh nhận tỉnh, tiếp xúc được, không sốt, không ho, không khó thở.
BN202: Nữ, 57 tuổi, ở Hưng Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội, là nhân viên căng tin Bệnh viện Bạch Mai, vào viện ngày 29/3, kết quả xét nghiệm đã 3 lần âm tính vào các ngày 1/4; 4/4; 7/4. Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, không ho, không khó thở, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
BN205: Nam, 37 tuổi, ở Yên Thọ, Yên Định, Thanh Hóa, là nhân viên căng tin Bệnh viện Bạch Mai, vào viện ngày 31/3, kết quả xét nghiệm đã 3 lần âm tính vào các ngày 31/3; 3/4; 6/4. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, không ho, không khó thở, dấu hiệu sinh tổn ổn định.
BN249: Nam, 55 tuổi, ở Liên Thành, Yên Thành, Nghệ An, vào viện ngày 23/3, kết quả xét nghiệm đã 3 lần âm tính vào các ngày 2/4; 3/4; 6/4. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không ho, không sốt.
BN237: Nam, 64 tuổi, Quốc tịch Thụy Điển, vào viện ngày 3/4, kết quả xét nghiệm đã 2 lần âm tính vào các ngày 3/4 và 6/4. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, không sốt, không ho, không tức ngực, không khó thở.
Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Như vậy, BN237 đã được công bố khỏi bệnh sau 7 ngày điều trị.
BN237 là ca bệnh lây nhiễm cộng đồng, đến nay chưa xác định được nguồn lây. Bệnh nhân đến Việt Nam từ cuối tháng 12/2019, di chuyển nhiều địa điểm như: Ninh Bình (17/3); quay lại Hà Nội từ 22/3 đến nay. Bệnh nhân bị ung thư máu (bạch cầu cấp). Ngày 26/3, bệnh nhân bị tai nạn và được chở vào Bệnh viện Việt Pháp bằng xe cấp cứu 115, sau đó quay lại khách sạn.
Ngày 31/3, bệnh nhân bị chảy máu mũi nhiều, được người nhà đưa sang Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, được khám và chuyển đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Sáng 1/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm và xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được chuyển đến cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Bệnh nhân 237 (công bố ngày 3/4) đã khiến 4 bệnh viện (Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện E, Bệnh viện Đức Giang, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương) phải "báo động đỏ" khi có nhân viên y tế tiếp xúc. Đây cũng là bệnh nhân Covid-19 khiến nhiều bệnh viện phải "liên đới' nhất.
Đã có gần 100 nhân viên y tế tại 4 bệnh viện phải cách ly, làm xét nghiệm chẩn đoán xem có mắc Covid-19 hay không. Rất may, kết quả xét nghiệm đều âm tính. Tuy nhiên, tất cả các nhân viên y tế này đều phải cách ly theo quy định.
Không chỉ 4 bệnh viện bị "liên đới" mà lịch trình di chuyển phức tạp, trong thời gian dài và không xác định được nguồn lây nhiễm Covid-19 của bệnh nhân 237 đã khiến Bộ Y tế phải ra thông báo khẩn để truy tìm người tiếp xúc với bệnh nhân này từ ngày 11/3, tại cả Ninh Bình và nhiều điểm ở Hà Nội.
Riêng Hà Nội đã rà soát, quản lý, cách ly 455 người đã tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với người tiếp xúc liên quan đến bệnh nhân 237, trong đó có 101 trường hợp là F1, 354 người là F2.
Diệu Linh
Những quà tặng ấm tình người của nhóm bạn trẻ trong mùa dịch Covid -19 Từ ngày 1/4/2020, cả nước bước vào thời gian cách ly xã hội nhằm ngăn chặn kịp thời sự lây lan của dịch Covid-19 trong cộng đồng. Những ngày "dãn cách xã hội" này càng thấy rõ tình cảm gắn kết của mọi người hơn. Nhiều "ông bà chủ", nhóm bán hàng online như nhóm Chợ Quê Tui - Nàng Gạo đã không...