Nghiên cứu khẳng định thời gian ủ bệnh trung bình của Covid-19 là 5 ngày
Dựa trên những ước tính ban đầu, một nghiên cứu mới từ Trường Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg đã khẳng định thời gian ủ bệnh trung bình của bệnh Covid-19 do coronavirus mới gây ra là 5,1 ngày.
Việc xác định được thời gian ủ bệnh được coi là chìa khóa để có thể kiểm soát sự lây lan dịch bệnh. Thời gian ủ bệnh được hiểu là thời gian giữa lần tiếp xúc ban đầu với một sinh vật gây bệnh và sự xuất hiện, khởi phát của các triệu chứng ở vật chủ.
Thời gian ủ bệnh có thể khác nhau đáng kể tùy thuộc vào từng loại bệnh. Ví dụ, thời gian ủ bệnh đối với bệnh cúm là từ 1 đến 3 ngày, trong khi đối với bệnh sởi, thời gian ủ bệnh là từ 9 đến 12 ngày trước khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra 181 trường hợp bệnh nhân đã được xác nhận dương tính với Covid-19 và cuối cùng, đi đến kết luận là: thời gian ủ bệnh trung bình của bệnh là 5,1 ngày.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 97,5% những người bị nhiễm virus sẽ xuất hiện các triệu chứng đầu tiên trong vòng 11,5 ngày và thời gian 14 ngày theo khuyến nghị hiện tại để cách ly và tự cách ly đối với những trừng hợp nghi ngờ phơi nhiễm là khoảng thời gian tối ưu.
Chuyên gia Justin Lessler giải thích: “Dựa trên phân tích về dữ liệu có sẵn công khai, chúng tôi nhận thấy thời gian khuyến nghị 14 ngày là khoảng thời gian hợp lý để chủ động theo dõi và kiểm dịch, mặc dù trong khoảng thời gian này, một số trường hợp có thể sẽ bị bỏ qua trong thời gian dài”.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, nghiên cứu mới cũng khẳng định sẽ có một số ít trường hợp mà trong đó, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài hơn 14 ngày. Thống kê cho thấy: trong số 10.000 đối tượng bị nhiễm virus Covid-19 thì có khoảng 101 trường hợp xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh sau 14 ngày.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng lưu ý rằng cần phải cân nhắc đến các yếu tố về chi phí kinh tế và xã hội cho kiểm soát dịch bệnh đối với hậu quả của việc bỏ qua trường hợp có dấu hiệu nhiễm bệnh. Trong một số trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao, chẳng hạn như nhân viên y tế tiếp xúc tiếp với bệnh nhân nhiễm virus mà không đeo thiết bị phòng hộ, việc thực hiện theo dõi tình trạng sức khỏe thêm sau khi kết thúc thời gian 14 ngày là cần thiết.
Jonathan Ball, giáo sư về virus học phân tử từ trường Đại học Nottingham cho biết: “Việc xác định thời gian ủ bệnh không dễ thực hiện vì rất khó để xác định chính xác thời điểm một người lần đầu tiên tiếp xúc với tác nhân truyền nhiễm”.
“Trong khi nghiên cứu cho thấy ở một số trường hợp, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài hơn 14 ngày nhưng, chúng tôi phải thừa nhận rằng mô hình ước tính thời gian ủ bệnh mà các nhà khoa học sử dụng đã dẫn đến các giả định quan trọng và có lẽ giả định liên quan chặt chẽ đến dữ liệu của nhóm nghiên cứu là giả định một người có thể có nguy cơ nhiễm bệnh ngay khi họ tiếp xúc với virus. Giả định này có thể chưa hoàn toàn đúng vì thời gian nhiễm bệnh thực sự có thể muộn hơn nhiều, trong trường hợp bệnh nhân bị nhiễm virus vào một ngày trước đó, thời gian ủ bệnh sẽ lâu hơn”.
Virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) có đặc điểm giống với virus gây bệnh SARS – hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng ở dạng viêm phổi nặng đến gần 90% và thời gian ủ bệnh trung bình của 2 bệnh này cũng tương tự nhau.
Bệnh SARS xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc vào tháng 11 năm 2002 và nhanh chóng bùng phát và lan rộng ra 29 quốc gia trên toàn thế giới chỉ trong vòng vài tháng. Trong khi đó, corona cũng là dòng virus gây bệnh cảm lạnh thông thường nhưng thời gian ủ bệnh của bệnh này chỉ trong khoảng từ 1 đến 3 ngày.
Nhóm nghiên cứu lưu ý khái niệm thời gian ủ bệnh khác với thời gian có thể lây nhiễm. Thời gian từ khi tiếp xúc với mầm bệnh cho đến khi khởi phát các triệu chứng đầu tiên thường được gọi là thời kỳ ủ bệnh tiềm ẩn và thời gian này có thể ngắn hơn thời gian ủ bệnh.
Mặc dù giai đoạn biểu hiện triệu chứng của bệnh thường được xem là giai đoạn dễ lây nhiễm nhất, nhưng rất khó để xác định liệu một bệnh nhân mắc Covid-19 có khả năng lây nhiễm không khi họ xuất hiện triệu chứng ho. Bằng chứng trong nghiên cứu mới cho thấy thời gian ủ bệnh tiềm ẩn ngắn hơn thời gian ủ bệnh, nhưng cũng chưa xác định được chính xác khả năng lây nhiễm của người bệnh trong giai đoạn ủ bệnh không triệu chứng.
Ball giải thích: “Có rất ít bằng chứng cho thấy thời gian khuyến nghị cách ly hoặc tự cách ly trong 14 ngày đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus là chưa phù hợp. Ngoài ra, cũng không nhiều bằng chứng chỉ ra khả năng người bệnh phát tán virus trong giai đoạn không có triệu chứng”.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine.
P.K.L
Theo dantri.com.vn/New Atlas
Virus corona mới nguy hiểm hơn chúng ta tưởng
Virus corona từ Trung Quốc đang lây lan như một loài hoang dại đến nhiều nước khác mà mức độ nguy hiểm của nó có thể còn nhiều hơn những gì chúng ta tưởng.
Một nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Trung Quốc cho biết virus này có mức độ lây nhiễm cao hơn nhiều so với các chủng tương tự trước đây, trong đó có SARS.
Điều này trở nên đặc biệt đáng chú ý bởi so sánh tỷ lệ tử vong trên số người nhiễm bệnh thì virus này không làm nhiều người chết như các chủng cũ. Tỉ lệ tử vong lần này thấp hơn nhiều so với SARS, nhưng đặc điểm dễ lây lan của nó có nghĩa là sẽ có thêm nhiều ca bệnh, tức là tổng số người chết lại cao hơn các chủng cũ.
Cho đến nay, hơn 75.000 ca được xác nhận nhiễm virus và hơn 2.000 người chết vì bệnh. Như vậy tỉ lệ chết vì Covid-19 là khoảng 2,3%, so với tỷ lệ chết của các đợt bùng phát SARS là gần 10%.
Bác sĩ Anthony Fauci ở Viện quốc gia các bệnh dị ứng và truyền nhiễm nói rằng ông và nhiều đồng nghiệp cho rằng tỉ lệ chết cuối cùng của căn bệnh này sẽ dưới 2%, nhưng cái khó đếm được chính là con số rất lớn những người không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, vì thế mẫu số của phương trình này rất có khả năng sẽ cao hơn nhiều (tức là tỷ lệ chết sẽ thấp đi).
Ít nhất, đó cũng là một tin tốt. Tuy nhiên, tốc độ lây lan nhanh như hiện nay cùng với đặc điểm có thể lây từ người sang người ngay cả khi người đó không có triệu chứng rõ ràng là nhiễm bệnh lại gây ra tình hình vô cùng đáng sợ.
Phạm Hường
Theo dantri.com.vn/BRG
Bác sỹ Pháp: Bệnh viêm phổi mới tại Trung Quốc ít nguy hiểm hơn SARS Bác sỹ Yazdan Yazdanpaneh cho biết hai bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện Bichat-Claude Bernard ở Paris đã hồi phục tốt nhưng chưa biết khi nào sẽ được xuất viện. Chăm sóc bệnh nhân bệnh viêm phổi do nhiễm virus corona tại bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 24/1. (Ảnh: THX/TTXVN) Theo AP, bác sỹ Yazdan Yazdanpaneh, người phụ...