Nghiên cứu công dụng thuốc trị giun sán và đông y chống COVID-19
Bộ Y tế đang nghiên cứu hiệu quả điều trị Covid-19 của thuốc trị giun sán ivermectin; xem xét ý tưởng dùng đông y.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Việt Nam đang nghiên cứu các loại thuốc điều trị Covid-19, ứng dụng những kết quả nghiên cứu và thành tựu của nước ngoài. Ngoài các thuốc điều trị HIV, thuốc chloroquine và hydroxy chloroquine, các nghiên cứu mới về thuốc trị giun sán ivermectin và thuốc Đông y cũng được Bộ cân nhắc.
Bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Sốt rét – Côn trùng – Ký sinh trùng Trung ương, cho biết ivermectin là thuốc điều trị bệnh giun, sán trên cơ thể người, theo phác đồ của Bộ Y tế.
Các nhà khoa học Australia và Bệnh viện Hoàng gia ở Melbourne, cũng đang nghiên cứu hiệu quả điều trị Covid-19 của thuốc ivermectin. Họ phát hiện thuốc này có thể kháng virus và ngăn chặn sự sinh sản của nCoV khi thí nghiệm trên tế bào.
Tuy nhiên, bác sĩ Thiều cho biết nghiên cứu này mới được thực hiện trong phòng thí nghiệm ở cấp độ tế bào, chưa được thử nghiệm lâm sàng trên người.
“Thuốc có thể tác dụng tốt trên tế bào nhưng chưa chắc tác dụng trên cơ thể người và phải trải qua quá trình thử nghiệm chặt chẽ, có bằng chứng nghiên cứu rồi mới áp dụng”, bác sĩ Thiều nói.
Các nhà khoa học chưa đưa ra bất cứ khuyến cáo nào về dùng thuốc này hoặc liều lượng sử dụng để diệt nCoV. Bác sĩ cũng cho biết ngoài Australia, chưa có nghiên cứu nào khác về hiệu quả điều trị Covid-19 của thuốc giun sán, được công bố.
Video đang HOT
Quan chức y tế và y bác sĩ thăm bệnh nhân Covid-19 tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 24/2. Ảnh: Ngọc Thành.
Về thuốc đông y, Phó giáo sư Phạm Vũ Khánh, nguyên Cục trưởng Quản lý Y, dược cổ truyền, Bộ Y tế, cho biết hiện tại các bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp Tây y, theo phác đồ Bộ Y tế, chưa cần dùng đến các phương pháp của Đông y.
Tuy nhiên, tương lai nếu Đông y tham gia vào nghiên cứu, hỗ trợ điều trị bệnh, cần có những thầy thuốc có kinh nghiệm chữa virus bằng Đông y, có kiến thức về dịch tễ, để khám và theo dõi triệu chứng.
“Mỗi bệnh nhân có một triệu chứng khác nhau và những triệu chứng đó thay đổi từng ngày, gồm nhiều thể khác nhau nữa. Như vậy, mỗi thể cần bài thuốc khác nhau dựa trên sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Giai đoạn khởi phát chữa khác, giai đoạn toàn phát chữa khác”, ông Khánh cho biết.
Ông cũng cho rằng “không có một bài thuốc đông y nào có thể chữa khỏi bệnh từ đầu đến cuối. Ngược lại, nếu sử dụng như vậy rất nguy hiểm, vì bệnh nhân có thể bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị”.
Ông Khánh nhận định, ở Trung Quốc, y học cổ truyền tham gia chữa Covid-19 rất hiệu quả, bởi họ có các thầy thuốc dày dặn kinh nghiệm từng chữa bệnh dịch.
“Họ nghiên cứu rất sâu về thuốc cổ, từng được sử dụng để chữa bệnh viêm gan, virus cúm… Khi có người mắc bệnh, họ cử từng đội đi khám, cho thuốc hàng ngày tùy theo triệu chứng thay đổi. Sau đó, họ tổng kết ra các thể bệnh. Thể này dùng thuốc này, thể kia dùng thuốc kia”, Phó giáo sư Khánh giải thích.
Tại Việt Nam, việc kiểm soát dịch vụ khám chữa bệnh Đông y vẫn còn hạn chế, nhiều bài thuốc chữa bệnh của thầy lang không có cơ sở khoa học, gây nhiều tranh cãi.
Phó giáo sư Khánh nhấn mạnh: “Nếu y học cổ truyền tham gia trị bệnh, cần có sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng về thuốc, thầy thuốc cũng phải có kiến thức tổng hợp cả Đông Tây y”.
Chi Lê – Thúy Quỳnh
Người tiểu đường uống thuốc sốt rét có nguy cơ tử vong
Hydroxychloroquine và chloroquine, hai loại thuốc được cho là tiềm năng điều trị Covid-19, có thể gây tử vong nếu sử dụng chung với thuốc tiểu đường thông thường.
Nghiên cứu mới được công bố ngày 4/4 trên website khoa học BioRxiv, cho thấy 30-40% chuột thí nghiệm được điều trị kết hợp giữa hydroxychloroquine (HCQ) hoặc chloroquine (CQ) và thuốc tiểu đường metformin đã chết. Trong khi đó, sử dụng riêng từng loại thuốc với cùng liều không ảnh hưởng tới tỷ lệ sống sót của các cá thể chuột.
HCQ và CQ vốn được dùng cho sốt rét và các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp hay lupus. Ở một số thử nghiệm lâm sàng, thuốc cho thấy tiềm năng đối với Covid-19.
"Chúng tôi bắt đầu quan tâm đến hai loại thuốc này bởi chúng được cho là có tác dụng chống lại khối u tuyến tuỵ. Tuy nhiên không thể ngờ HCQ và CQ khi kết hợp với metformin lại gây ra tỷ lệ tử vong khoảng 30-40% ở chuột. Ngược lại, không có cá thể nào chết nếu sử dụng độc lập từng loại thuốc", Chi Dang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig và Anirban Maitra, đồng thời là giám đốc khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Tuyến tụy thuộc Trung tâm Ung thư MD Anderson, cho biết.
Thuốc trị sốt rét chloroquine phosphate. Ảnh: Shutterstock
Công trình được thực hiện trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vốn dành cho bệnh nhân ung thư tuyến tuỵ có tiền sử tiểu đường phải điều trị bằng cả HCQ / CQ và metformin, song lại đưa ra kết quả dường như khá tình cờ. Chuột sử dụng trong thí nghiệm có hoặc không mắc ung thư. Tỷ lệ tử vong ở cả hai nhóm là tương đương nhau.
Gần đây, thuốc sốt rét được quảng bá như một phương pháp điều trị Covid-19, dù có rất ít bằng chứng cho điều này. Các kết quả thử nghiệm cũng mâu thuẫn và không nhất quán. Một số cho thấy tác dụng đầy hứa hẹn, trong khi số khác, bệnh nhân không có nhiều cải thiện đáng kể.
Việc lạm dụng thuốc đã khiến ít nhất một công dân Mỹ tử vong. Người đàn ông đến từ Arizona chết ngay sau khi ăn chất tẩy rửa bể cá có chứa CQ. Các báo cáo về ngộ độc cũng được đưa ra tại Nigeria, một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump đề cập đến hai loại thuốc trên Twitter của ông.
"Hiện giờ các loại thuốc đang được sử dụng một cách hoàn toàn 'chắp vá'. Chúng tôi cần một cơ sở dữ liệu cấp quốc gia từ các bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị bằng HCQ hoặc CQ", nhóm tác giả cho biết.
Thục Linh
Người dân không nên tự ý sử dụng thuốc để điều trị COVID-19 Việc sử dụng thuốc trong điều trị COVID-19 phải tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của bác sỹ, người dân không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh ngộ độc hoặc các tác dụng phụ không mong muốn. Nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế kiểm tra sức khỏe của hành khách nhập...