Nghiên cứu cho thấy Netflix không hề hại chết các rạp phim
Netflix không hề hại chết các rạp phim. Chí ít là như vậy vì một nghiên cứu mới được thực hiện bởi nhóm Kinh tế Định lượng và Thống kê của công ty EY cho thấy rằng, những người đi xem phim tại rạp thường xuyên cũng sẽ sử dụng dịch vụ xem trực tuyến nhiều hơn. Đây rõ ràng là một cú tát vào mặt những ai cho rằng sự suy giảm lượng khán giả tại các rạp phim là do sự trỗi dậy của các công ty giải trí kỹ thuật số.
Các dịch vụ xem trực tuyến phổ biến (Ảnh: AndroidGuys)
Nếu những phát hiện của nghiên cứu này thực sự đúng thì có vẻ như hai hình thức xem phim này cùng hỗ trợ nhau nhiều hơn là bên này muốn “ăn thịt” bên kia. Ví dụ, nghiên cứu phát hiện ra rằng những người đến rạp phim nhiều hơn chín lần trong vòng 12 tháng qua xem nhiều nội dung trực tuyến hơn những người chỉ đến rạp một hoặc hai lần trong một năm qua. Những người xem hơn chín bộ phim tại rạp trung bình dành 11 giờ mỗi tuần để xem các nội dung trực tuyến so với con số trung bình 7 giờ của những người chỉ xem từ một đến hai bộ phim tại các rạp chiếu.
Bạn chọn Netflix hay xem phim tại rạp? (Ảnh: Talkies Network)
Để có được kết quả, các nhà nghiên cứu đã khảo sát 2500 người trong tháng 11 và 80% trong số đó đã xem ít nhất một bộ phim tại rạp trong một năm qua. Nghiên cứu này được uỷ thác bởi Hiệp hội Những người sở hữu Rạp phim Mĩ (National Asociation of Theaters Owners – NATO), một nhóm vận động hành lang cho các rạp chiếu gần đây đã lên tiếng phê bình về việc Netflix không cho các bộ phim như Roma hay Outlaw King được chiếu ngoài rạp. Dịch vụ xem phim trực tuyến này đã cho phép một vài bộ phim của nó chỉ được chiếu tại rạp trong một thời gian ngắn nhưng phần lớn tuân thủ theo chính sách ra mắt các bộ phim tại các rạp chiếu cùng thời điểm họ khởi chiếu chúng trên Netflix.
“Thông điệp ở đây là không hề có một cuộc chiến giữa dịch vụ xem trực tuyến và rạp phim,” – theo Phil Contrino, giám đốc truyền thông và nghiên cứu của NATO. “Những người yêu mến nội dung đều đang xem chúng trên khắp các nền tảng và tất cả các nền tảng đều có một vị trí trong tâm trí của khách hàng.”
Roma là bộ phim xứng đáng được thưởng thức cả tại rạp phim (Ảnh: IMDb)
Thực tế, những ai bỏ qua rạp phim thường cũng không xem phần lớn các series và bộ phim trên các dịch vụ xem trực tuyến. Gần nửa số người nói rằng họ chẳng đến rạp phim trong vòng 12 tháng qua cũng chẳng xem nội dung trực tuyến nào cả. Chỉ 18% những người không đến rạp phim là xem nội dung trực tuyến nhiều hơn 8 giờ mỗi tuần. Ngay cả thanh thiếu niên cũng không vì quá say mê các dịch vụ xem trực tuyến mà bỏ qua rạp phim. Những người tham gia khảo sát trong độ tuổi từ 13 đến 17 đã xem với một con số trung bình khoảng 7.3 bộ phim và dành 9.2 giờ để xem các nội dung trực tuyến, cao nhất trong bất kì nhóm tuổi nào. Tuy nhiên, có một sự suy giảm ở những khách hàng từ 18 đến 37 tuổi. Con số trung bình của nhóm này là 6 lần đến rạp phim trong năm qua, thấp nhất trong tất cả các nhóm tuổi. Cùng lúc đó, họ đã dành 8.6 giờ mỗi tuần để xem các nội dung trực tuyến, cao thứ ba trong số các nhóm tuổi.
Báo cáo nhấn mạnh rằng doanh thu phòng vé Bắc Mĩ đã gần đạt mức kỷ lục nhờ vào thành công của các bom tấn như Avengers: Cuộc Chiến Vô Cực, Venom và Gia Đình Siêu Nhân 2. Doanh thu phòng vé thấp trong năm 2017 đã làm giảm giá trị cổ phiếu của các hệ thống rạp chiếu như AMC và dẫn đến sự bi quan về tình hình kinh doanh của các rạp phim. Những nỗi sợ này đã phần nào đó vơi đi nhờ vào sự tăng trở lại của doanh số bán vé.
Video đang HOT
Chiến Binh Báo Đen đang là bộ phim có doanh thu nội địa cao nhất tại Bắc Mĩ theo Box Office Mojo (Ảnh: Herald Net)
Dĩ nhiên, người Mĩ chỉ tiêu xài thu nhập của họ trong một khoảng nhất định. Nếu họ trả nhiều tiền cho việc đăng ký sử dụng tài khoản Netflix, Amazon Prime hay Hulu hàng tháng thì đồng nghĩa với việc họ phải tiết kiệm một khoản chi nào khác. Có số liệu cho thấy rằng một cách để họ cắt giảm chi phí đó là ngưng sử dụng dịch vụ truyền hình. Số lượng khách hàng đã từng hủy dịch vụ truyền hình cáp hay các dịch vụ truyền hình trả phí khác trong năm 2018 dự đoán sẽ lên đến 32.8%, khoảng 33 triệu người lớn, dựa theo những dự đoán của công ty nghiên cứu eMarketer. Contrino nghĩ rằng đó là nơi chúng ta có thể thấy rõ nhất sức ảnh hưởng của dịch vụ xem trực tuyến. Ông cho rằng nó đang gây tổn hại tới không gian giải trí tại nhà, chứ không phải tại các rạp phim:
“Nó đang đánh cắp người xem từ truyền hình trực tiếp và truyền hình cáp. Đó là nơi nó đang trở nên rắc rối.”
Theo moveek.com
Những ông trùm công nghệ ơi, hãy thành thật với các tài năng ở Hollywood của bạn
Amazon, Apple, Facebook, và những ông lớn khác ở Thung lũng Silicon đang tiêu hàng tỉ đô cho việc sản xuất nội dung, nhưng những công ty này được xem như một chiếc hộp đen trong mắt các đối tác sáng tạo của họ khi "các quy tắc cứ liên tục thay đổi," chuyên viên lâu năm Jordan Levin viết.
Jordan Lewin (Ảnh: Variety)
Khi Amazon, Apple và Facebook phát triển mạnh mẽ các dịch vụ trực tuyến và Netflix đang dần bỏ xa những đối thủ cạnh tranh khác mặc cho khoản nợ $10 tỷ, người ta càng thấy rõ rằng Hollywood đang ở trong tầm ngắm của những hãng công nghệ lớn. Cho đến thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp sáng tạo đã hưởng lợi rất nhiều từ các công ty này, khơi nguồn một cuộc chạy đua vũ trang về mặt nội dung dẫn đến sự bùng nổ ảo của các nội dung gốc.
Nhưng khi các hãng công nghệ lớn thâm nhập sâu hơn vào Hollywood và ngành công nghiệp này tự định vị lại chính bản thân nó trong kỷ nguyên OTT (over-the-top), những mối lo ngại càng xuất hiện nhiều hơn. AOL, Yahoo!, Microsoft - tất cả đều có ước mơ làm kẻ phá bĩnh của ngành giải trí. Vào tháng 6, Verizon đã đóng cửa dịch vụ video trên điện thoại Go90 như một phần của việc chuyển hướng khỏi nội dung, một bước đi đã thay đổi quỹ đạo của nhiều công ty bao gồm cả Awesomeness, công ty mà Levin đã từng làm CEO.
Quá trình hợp nhất giữa Hollywood và công nghệ sẽ dẫn đến một nền văn hóa được pha trộn. Thế nhưng những hãng công nghệ lớn lại là một chiếc hộp đen đối với các nhà sản xuất, sáng tạo và rất nhiều trong số đó đang cân nhắc có nên hợp tác với những công ty này hay tiếp tục gắn bó với những đối tác truyền thống. Các quy tắc cho việc tiếp cận thực sự chưa rõ ràng nhưng nó không cần thiết phải như vậy. Sau đây là một số đề xuất hiệu quả cho những công ty công nghệ khi họ muốn dụ dỗ các tài năng hạng A.
Những hãng công nghệ lớn lại là một chiếc hộp đen đối với các nhà sản xuất và sáng tạo (Ảnh: THR)
1. Giải thích chiến lược nội dung với các đối tác
Netflix, Amazon và Hulu hiếm khi, thậm chí là chẳng bao giờ, chia sẻ các sự thật ngầm hiểu hay các thước đo hiệu suất để cung cấp thông tin cho việc đưa ra các quyết định. Điều này khiến các nhà cung cấp nội dung gần như không hiểu được vì sao một series lại được đặt hàng, làm mới, hay thậm chí là bị khai tử. Đối với nhiều nhà sáng tạo, họ có cảm giác dường như các quy tắc cứ liên tục thay đổi. Thậm chí càng khó khăn hơn khi một công ty công nghệ đến đặt hàng nội dung gốc cho một dịch vụ giải trí mới, nhưng chẳng thể nào giải thích rõ về định vị sản phẩm, hay làm thế nào nó sẽ thành công. Công bằng mà nói, các nhà sáng tạo đều muốn biết các chương trình của họ sẽ sống ở đâu và người ta sẽ xem nó bằng cách nào. Mọi thứ càng tệ hơn khi các giám đốc điều hành mới được tuyển vào thậm chí còn không biết bản thân họ là ai. Một vài người trong số họ lại không may mắn khi được giao phó trách nhiệm xây dựng một mảnh ghép của một tập đoàn lớn hơn, mà lại không nắm được một kế hoạch hoàn chỉnh.
Cần phải giải thích chiến lược nội dung cho các đối tác (Ảnh: Digital Uncovered)
2. Hãy minh bạch hơn
Trong báo cáo thu nhập hàng quý vào 16/10, Netflix đã nhấn mạnh rằng To All the Boys I've Loved Before là một trong những "bộ phim gốc được xem nhiều nhất" trên dịch vụ này. Nên nhớ rằng Awesomeness đã tự tay đầu tư và sản xuất bộ phim. Họ đã gặp may mắn khi Netflix đã thu nhận bộ phim và quảng bá nó một cách vô cùng tuyệt vời. Thế nhưng, những hiểu biết rất hữu ích về hành vi của khán giả đến từ khả năng thu thập và cấu trúc dữ liệu của các công ty cung cấp (dựa trên rating và các cuộc khảo sát thử nghiệm) mới là thứ mà Levin thèm muốn trong vai trò từ một nhà lập trình mạng đến giám đốc điều hành studio, và gần hơn là với tư cách của một nhà sản suất muốn biết được càng nhiều càng tốt về khán giả.
To All the Boys I've Loved Before là một trong những phim gốc được xem nhiều nhất trên Netflix (Ảnh: Twitter)
Levin cho rằng anh chẳng thể đổ lỗi những công ty SVOD vì không muốn công khai các thước đo hiệu suất của họ. Sau tất cả, rating chính là đơn vị tiền tệ của các dịch vụ quảng cáo tài trợ. Trò chơi truyền hình trả tiền đều là về việc bán và duy trì lượng đăng ký. Hơn nữa, trong môi trường mà thói quen tiêu dùng luôn biến đổi và có vô vàn các thước đo, việc so sánh lượng người xem giữa các series một cách hiệu quả gần như là không thể. Khi Levin tiếp nhận công việc giám sát mạng truyền hình The WB, anh đã loại bỏ việc thử nghiệm tập pilot. Nhiều người cho rằng anh ghét cay ghét đắng việc nghiên cứu nhưng sự thật không phải như vậy. Anh cực kì xem trọng việc nghiên cứu, nhưng quá trình lựa chọn tập pilot nào sẽ được làm thành series lại bị thế chỗ bởi vô số "giọng nói" từ bên trong và cả bên ngoài công ty, những người thường hay vũ khí hóa việc nghiên cứu để biện minh cho họ. Cái mất đi trong quá trình này là sự xem xét cẩn thận đối với các tập pilot và các nhà sáng tạo tiết lộ đâu là thứ có tiềm năng để thành công nhất ở giai đoạn phát triển này.
Breaking Bad có một trong những tập pilot tuyệt vời nhất (Ảnh: Screen Rant)
Thay vào đó, Levin đã sử dụng ngân sách cho việc thử nghiệm tập pilot để thực hiện nghiên cứu nhiều hơn nữa đối với những tập pilot đã được chọn để làm series. Do tất cả các bên liên quan đều mong muốn series thành công, The WB đã công khai quá trình nghiên cứu để khiến nó trở nên minh bạch nhất có thể. The WB khuyến khích các nhà sản xuất phim truyền hình tham dự các nhóm tập trung để họ có thể nghe trực tiếp từ những người tham gia và trình bày các câu hỏi của họ để thảo luận. The WB đã dựng nên một diễn đàn online để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sáng tạo và những người xem có thể tương tác trực tiếp với nhau. Mục tiêu là phải luôn hướng tới một nền văn hóa của sự tôn trọng, sự công bằng, tất cả đều trên tinh thần của sự hợp tác sáng tạo và chân thật. Tiếc thay, sự không minh bạch chỉ càng nới rộng khoảng cách giữa các nhà sáng tạo và khán giả của họ, thay vì thu hẹp nó lại.
Khán giả là người quyết định sự thành công của một series (Ảnh: YouTube Creator Academy)
3. Tôn trọng quá trình sáng tạo
Sản xuất nội dung chất lượng cao rất phức tạp và yêu cầu kiến thức nhất định, nhưng các công ty công nghệ lại thường hay mắc sai lầm về việc không bận tâm học hỏi hay thấu hiểu quá trình sản xuất. Không phân biệt được thế nào là một hãng phim hay một mạng lưới. Không biết được những khác biệt nhỏ nhất giữa thỏa thuận hợp tác và việc phát triển các mối quan hệ hợp tác. Tin tưởng vào một cách tiếp cận duy nhất. Không xem trọng sự cần thiết của việc thích ứng. Kết quả là những khoản tiền không tên được ngốn bởi những người ngoài cuộc chưa có kinh nghiệm hay những cấp dưới còn non và xanh được bổ nhiệm vào vị trí cầm quyền. Càng ngày càng xuất hiện thêm các câu chuyện về việc cần sự chấp thuận từ bên cung ứng để thuê các freelancer và các đơn đặt hàng để trả tiền cho các nhà cung ứng, ngân sách chưa được sử dụng cho giai đoạn tiền sản xuất cho tới khi các hợp đồng cuối cùng đã được ký kết, tranh cãi về việc phân loại nhân viên và phân chia trách nhiệm, sự bối rối về các thuật ngữ và những bí ẩn không bao giờ kết thúc khi nói chuyện bằng các từ viết tắt.
Hãy tôn trọng quá trình sáng tạo (Ảnh: Student Voices)
4. Đừng phí thời gian vào những thứ đã có sẵn
Cơ hội tốt nhất để tạo ra một portfolio xịn trong ngành giải trí bắt đầu với việc xây dựng một môi trường sáng tạo thân thiện và một cơ sở hạ tầng giàu kinh nghiệm để khiến tầm nhìn của nhà sáng tạo trở nên thiết thực. Điều này có nghĩa là các tài năng cần được bao quanh bởi những người biết họ đang làm gì. Mỗi người họ đều có một tài lẻ riêng biệt: các giám đốc sáng tạo biết làm thế nào để phát hiện những người kể chuyện độc nhất, nuôi dưỡng ý tưởng, mài dũa quan điểm và tiếng nói riêng biệt của họ. Các giám đốc sản xuất, phòng đối ngoại và pháp lý, các nhân viên tài chính và kế toán - tất cả đều cần thiết để đặt các hệ thống và quá trình phù hợp vào đúng vị trí.
Chef's Table là một trong những series rất độc đáo của Netflix (Ảnh: Netflix)
5. Hãy trở nên gần gũi
Các công ty công nghệ thường hay có một cách tiếp cận hai chiều đối với việc kinh doanh: chơi lớn hoặc không chơi gì cả. Để thành công ở Hollywood, các công ty này cần biết rằng ngành giải trí là một công việc kinh doanh dựa trên các mối quan hệ. Những người tạo ra các mối quan hệ hợp tác cần giữ đúng lời hứa của họ, chứ không phải nấp sau lưng các luật sư, cố gắng thương thảo lại từng vấn đề cho đến khi việc ký kết được hoàn tất. Và sự khiêm tốn chính là chìa khóa. Dù cho bị chôn vùi bên dưới tầng lớp can đảm giả tạo, Levin tin chắc hầu hết mọi người ở Hollywood biết rằng nếu họ thật sự thành thật với chính bản thân, họ đã gặp may mắn. Ai cũng có thành công khi tưởng chừng đã thất bại và ngược lại. Dù cho bạn có thành công đến như thế nào, sự may mắn và thời điểm là vô cùng quan trọng.
*Jordan Levin là cựu CEO của The WB, Awesomeness và Generate; Anh cũng là chủ nhân của giải Emmy trong vai trò nhà sản xuất và đạo diễn và hiện tại anh đang cung cấp các dịch vụ tư vấn chiến lược.
Theo moveek.com
Marvel Studios thắng lớn tại lễ trao giải People's Choice Awards 2018 Sau quãng thời gian dài bình chọn trên website, các giải thưởng của People's Choice Awards đã tìm được chủ nhân. Không ngoài dự đoán, những bộ phim và diễn viên sở hữu lượng khán giả đông đảo từ Marvel Studios đã có những chiến thắng áp đảo. Hãy cùng Moveek điểm lại các đề cử và những cái tên được xướng danh...