Nghiêm ngặt, quyết liệt ở 2 điểm “nóng” dịch tả lợn châu Phi
Vào những ngày này, chính quyền địa phương và người dân trong vùng xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi ở Hưng Yên, Thái Bình và các xã giáp ranh đang gồng mình chống chọi với đợt dịch nguy hiểm mới tràn về.
Ở nơi đầu tiên phát hiện dịch bệnh
Sau ngày địa phương công bố dịch, xã Yên Hòa (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên), nơi đầu tiên phát hiện dịch tả lợn châu Phi giống như một “trận địa”. Mọi nơi ra vào của thôn, xã đều được rắc vôi bột trắng xóa, các chốt chặn đều có cán bộ cơ quan liên ngành canh gác rất nghiêm ngặt.
Một xe chở lợn có dấu hiệu bị dịch tả châu Phi được phát hiện và được đưa đi tiêu hủy ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). Ảnh: Trần Quang
Tại trang trại của gia đình ông Lê Xuân Tình ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ (một trong những điểm dịch tả châu Phi xuất hiện đầu tiên trong cả nước), thời điểm này vẫn đang được các cán bộ thú y địa phương tập trung xử lý khử trùng.
Vừa ra xem chuồng trại, ông Tình vừa buồn rầu nói: “Chúng tôi quá bất ngờ khi lợn bị dịch nên trở tay không kịp, khiến toàn bộ đàn vật nuôi của gia đình không thể cứu vãn được phải tiêu hủy”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong sáng ngày 20.2, đoàn công tác của tỉnh Hưng Yên cũng đã xuống kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở điểm dịch Yên Mỹ. Cũng trong thời gian này, đoàn công tác phát hiện một xe kéo tự chế chở lợn do chủ hộ Lê Văn Hùng (xã Yên Hòa) đi trong làng. Ngay lập tức ông Nguyễn Minh Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, Trưởng đoàn công tác đã cho dừng xe, đề nghị cán bộ tạm giữ phương tiện, vật nuôi để kiểm tra.
Quá trình kiểm tra và hỏi chuyện chủ hộ chở lợn, đoàn công tác phát hiện dấu hiệu lợn bị ốm nên đã yêu cầu lãnh đạo xã và chủ hộ này nhanh chóng đưa đi tiêu hủy theo quy định.
Chia sẻ với đoàn công tác, ông Lê Văn Duyệt – Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho rằng, do không nắm được phương pháp tiêu hủy lợn dịch nên khi phát hiện lợn ốm bất thường, chủ hộ này đã tự ý chở lợn đi tìm chỗ chôn. Cũng theo ông Duyệt, tính đến thời điểm này, trên địa bàn xã đã có 10 hộ với hơn 200 con lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi đã được địa phương đưa đi tiêu hủy theo quy định.
Để tránh dịch bệnh lây lan, mất kiểm soát, ông Quang lưu ý các cơ quan liên quan và lãnh đạo xã Yên Hòa tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, nhất là trong công tác tuyên truyền.
Video đang HOT
“Những ngày này, các đồng chí phải thường trực tại địa bàn, sâu sát với dân để tuyên truyền cho dân hiểu và cùng chung tay xử lý, phòng chống dịch. Cùng với đó, các địa phương phải triển khai cho bà con ký cam kết không bán tháo lợn dịch và tiêu hủy theo quy định. Tuyệt đối không để dân thiếu thông tin dẫn đến việc bán chạy, bán tháo đàn lợn dịch làm lây lan thêm sẽ khiến thiệt hại lớn hơn”-ông Quang nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Nguyễn Minh Quang đề nghị cơ quan thú y tỉnh, huyện cấp đầy đủ, kịp thời thuốc khử trùng và vôi bột để xã Yên Hòa (Yên Mỹ) và xã Trung Nghĩa (TP.Hưng Yên) tiến hành tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Đồng thời yêu cầu các xã nhanh chóng rà soát, thống kê số đầu lợn để kịp thời theo dõi, tránh việc bán chạy lợn dịch và tiện cho việc hỗ trợ bà con sau này theo đúng quy định nhà nước.
Ông Hoàng Văn Tựu – Phó Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu cho hay: Là địa phương tiếp giáp với vùng dịch Yên Hòa của huyện Yên Mỹ nên chúng tôi rất lo lắng và hiện đang vào cuộc quyết liệt, triển khai mọi biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này bằng mọi giá.
“Dù chưa có điểm dịch nhưng chúng tôi đã phát hiện 2 điểm khả nghi trên địa bàn (một trang trại và một hộ giết mổ), trong đó một điểm trang trại sau nhiều ngày theo dõi đến nay chưa có thêm dấu hiệu nguy hiểm.
Sau khi dịch tả châu Phi được công bố ở Hưng Yên, Thái Bình, đến nay giá lợn hơi tại nhiều vùng như Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc… đang giảm nhanh. Anh Dương Thành Tú, chủ một trang trại lợn quy mô lớn ở Văn Giang (Hưng Yên) cho biết, chỉ sau 1 ngày công bố dịch, giá lợn hơi đã giảm khoảng 4 – 5 giá, hiện còn khoảng 44.000 đồng/kg lợn hơi siêu (ngày 20.2).
Vào những ngày này, cán bộ của các cơ quan liên ngành của tỉnh Hưng Yên làm việc hết công suất để tiêu độc, khử trùng kịp thời các vụ vực trong và ngoài ổ dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: T.Q
“Vào lúc này, không chỉ giá lợn giảm mà lái buôn cũng kén chọn nên chúng tôi đang rất lo lắng, nếu không xuất bán được lợn có thể sẽ thiệt hại sẽ nặng nề hơn”- anh Tú ngậm ngùi nói.
Anh Tú cho biết, mấy ngày trước có nghe dân buôn lợn đồn có dịch ở Yên Mỹ nhưng gia đình anh và bà con ở Văn Giang không tin, song đến ngày 19.2, khi địa phương này công bố dịch, nông dân ở “thủ phủ” lợn này mới cuống cuồng lo phòng dịch.
“Tôi đang dự định nuôi tiếp 350 con lợn giống nhưng nghe có dịch nên đã dừng nhập ngay mà tập trung luôn vào phun tiêu độc, khử trùng trang trại, mong sẽ vượt qua được đại dịch nguy hiểm này”- anh Tú chia sẻ.
Tương tự, những ngày này gia đình ông Phạm Văn Hoạt ở Ý Yên (Nam Định) cũng đang tích cực rắc vôi bột và phun khử trùng chuồng trại mong bảo vệ được đàn lợn, cũng là tài sản của gia đình mình.
“Bà con chăn nuôi chúng tôi mấy năm nay gặp nhiều khó khăn quá, hết khủng hoảng giá, dịch lở mồm long móng, giờ lại thêm dịch tả tràn về. Nếu không giữ được đàn lợn, chúng tôi chỉ còn nước bỏ nghề đi làm thuê mà thôi”- ông Hoạt rầu rĩ nói.
Theo Danviet
Lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi được hỗ trợ bao nhiêu?
Theo quy định, lợn bị mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi được hỗ trợ tới 38.000 đồng/kg và thời gian giải quyết hồ sơ chậm nhất 15 ngày
Cụ thể, theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn kiểm tra công tác phòng và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, mức hỗ trợ đối với lợn là 38.000 đồng/kg; 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai; 35.000 đồng/con gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng).
Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), mức hỗ trợ này đảm bảo đủ chi phí giá thành sản xuất cho người chăn nuôi. Đối với những hộ không may có lợn bị dịch tả heo châu Phi buộc phải tiêu hủy, mức hỗ trợ theo quy định là 38.000 đồng/kg.
Cũng theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.
Có đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản. Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai.
Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
Trong khoảng thời gian từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch. Trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên (chưa đủ điều kiện công bố dịch) cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch để hạn chế dịch lây lan thì thời điểm xảy ra thiệt hại là khoảng thời gian từ khi phát sinh ổ dịch đến khi kết thúc ổ dịch.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại Hà Nội, Hòa Bình vào tháng 01/2019.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thành lập hội đồng kiểm tra bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp xã, cán bộ chuyên môn của huyện, đại diện các tổ chức xã hội, đại diện thôn, bản, tổ dân phố để lập biên bản kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ cụ thể của từng hộ sản xuất; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Căn cứ báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thẩm định và quyết định hỗ trợ theo thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Căn cứ báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và bố trí ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để đáp ứng kịp thời nhu cầu hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định tại Nghị đinh này.
Thời hạn giải quyết hồ sơ: Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân các cấp (đối với dịch bệnh) phải có ý kiến trả lời bằng văn bản hoặc thông báo kết quả giải quyết cho các hộ sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Như Dân Việt đã thông tin, từ đầu tháng 2.2019, dịch tả heo châu Phi đã được phát hiện tại 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên.
Cụ thể, tổng số lợn tiêu hủy ở TP.Hưng Yên là 33 con; ổ dịch ở huyện Yên Mỹ 101 con; ổ dịch ở Thái Bình là 123 con, chủ yếu là lợn con theo mẹ, lợn choai,... Đến nay, các ổ dịch đã qua 18 ngày và không phát hiện lây lan thêm ở những hộ xung quanh.
Theo Danviet
Đáng lo: Sát ổ dịch tả, thịt lợn "xách tay" vẫn tuồn qua biên giới Liên tiếp trong các ngày gần đây, tại khu vực giáp biên giới Trung Quốc thuộc huyện Hải Hà (Quảng Ninh) lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thịt lợn không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, dịch tả châu Phi - một loại dịch bệnh nguy hiểm do virus gây ra - đã và đang lây lan ra...