‘Nghiêm cấm nhà thầu Trung Quốc đội lốt tại dự án cao tốc Bắc – Nam’
Chuyên gia kinh tế đang đặt ra những cảnh báo về tình trạng nhà thầu nước ngoài, nhà thầu Trung Quốc đội lốt nhà thầu Việt Nam tại dự án cao tốc Bắc – Nam.
Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) vừa có quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Liên quan đến việc lựa chọn doanh nghiệp nội làm nhà thầu trong các dự án công trong đó có cao tốc Bắc – Nam, nhiều vấn đề về đấu thầu, giám sát, quản lý đã được các chuyên gia đặt ra. Có hay không và cần đưa ra những cảnh báo nào để ngăn chặn tình trạng nhà thầu nước ngoài, nhà thầu Trung Quốc đội lốt nhà thầu Việt Nam?
Dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ chỉ đấu thấu trong nước.
VTC News tiếp tục đăng tải loạt bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
- Thưa tiến sĩ Phạm Chi Lan, trước đây, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khó có cửa tham gia vào các dự án công có vốn đầu tư lớn của Nhà nước. Nhìn lại ‘quá khứ’ này, có thể thấy doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi?
Đúng vậy, thực tế này đã gạt mất bao nhiêu cơ hội của DN Việt Nam, đặc biệt DN tư nhân tham gia vào các dự án công, để từ đó đóng góp cho đất nước và cũng là cơ hội để trưởng thành lên.
Người ta không hiểu một đạo lý rằng, DN nước ngoài làm thì bao nhiêu lời lãi họ mang về nước hết, Còn DN VN làm thì nếu có lời lãi họ cũng sẽ mang tái đầu tư vào các dự án khác trong nước. Cơ quan quản lý nhà nước cũng dễ dàng quản lý thuế má, các vấn đề khác một cách dễ dàng đối với họ. Còn các nhà thầu quốc tế, xong dự án là họ về nước trong khi dự án đang bung bét ra đó nhưng Nhà nước không làm thế nào xử lý được, như 12 dự án nhà máy của Bộ Công Thương hay dự án đường sắt Cát Linh, Hà Đông. Đó đều là những điển hình tồi tệ dành cho nhà thầu nước ngoài.
Video đang HOT
- Việc bỏ đấu thầu quốc tế đối với dự án cao tốc Bắc – Nam còn cần tiếp tục đặt ra những yêu cầu nào để tránh rào cản đối với doanh nghiệp nội?
Bộ GTVT cần có quy định rõ ràng, có thời gian đảm bảo cho các doanh nghiệp để họ chuẩn bị kỹ càng công tác đấu thầu, trong đó có mô hình liên doanh, liên kết ít nhất 6 tháng.
Nhà nước cũng nên quan tâm tạo điều kiện cho họ tiếp cận vốn. Vốn vay ngân hàng hiện nay rất khó, lãi suất cao, nên DN cần đến sự bảo lãnh nhất định từ Nhà nước. Nhà thầu trước đây trong hình thức BOT còn được hỗ trợ vay vốn ngân hàng. Còn hiện nay, trong dự luật về PPP còn chấp nhận bảo lãnh tỉ giá cho DN nước ngoài thì đối với DN trong nước làm dự án cao tốc Bắc – Nam sao lại khắt khe với họ được?
Tiến sĩ kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: Sơn Tùng
- Nhiều lo ngại về việc sẽ có doanh nghiệp nội địa ‘câu kết’ với doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc, tham gia đấu thầu, làm thế nào để ngăn chặn điều này?
Vấn đề giám sát tại dự án cao tốc Bắc – Nam nên tách ra thành nhiều khâu. Thứ nhất, giám sát nhà thầu khi nộp đơn thầu. Lúc này làm cần thận trọng bởi ở VN đã từng có hiện tượng cho DN nước ngoài đội danh để làm rồi. Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về FDI cũng nêu lên thực trạng đó và đã yêu cầu ngăn chặn.
Tới đây, chúng ta cần đặt ra các cảnh báo mạnh mẽ về vấn đề DN nước ngoài đội lốt DN tư nhân Việt Nam để tham gia đấu thầu, đầu tư vào các dự án công. Điều này đã được cảnh báo từ việc quản lý đất đai lúng túng tại nhiều địa phương hiện nay. Chính quyền dù biết rõ là dự án đất đai đó của DN nước ngoài nhưng không chỉ ra được tên tuổi gốc của người nước ngoài là ai để giải quyết.
Trong dự án cao tốc Bắc – Nam, khi không đấu thầu quốc tế nữa thì rất có thể một số nhà thầu quốc tế, nhất là nhà thầu Trung Quốc (với số lượng lên đến 30 nhà thầu từng gửi đơn đấu thầu) sẽ lại mượn danh doanh nghiệp tư nhân VN nào đó để đấu thầu.
Nhà nước, Bộ GTVT và các đơn vị chức năng liên quan phải có trách nhiệm giám sát và yêu cầu các DN phải thật minh bạch, chính trực trong việc công khai các tiêu chí. Vốn ở đâu, vay của ai, điều kiện như thế nào, công nghệ thiết bị ra sao, hợp tác liên doanh với đối tác nào cần phải làm thật rõ. Không để xảy ra tình trạng DN tư nhân Việt Nam, vì cái lợi riêng mà ôm nhà thầu nước ngoài vào. Nhất định Nhà nước phải cương quyết xử lý nghiêm, và nếu DN nào cố tình vi phạm thì phải loại ra khỏi thị trường, không cho tham gia bất cứ dự án nào nữa.
Cũng phải nghiêm ngặt kiểm soát về chất lượng để đảm bảo cho công trình. Nhà thầu nào tai tiếng, làm ẩu, đội giá, thành tích bất hảo thì phải loại ra ngoài, không thể cho tham gia được. Phải lựa chọn nhà thầu uy tín, cho dù họ chưa có kinh nghiệm làm đường nhưng các tiêu chí về pháp luật, độ tin cậy được đảm bảo thì cần khuyến khích họ tham gia.
ĐÀO BÍCH
Theo VTC
Bộ GTVT hủy đấu thầu quốc tế dự án cao tốc Bắc - Nam
Bộ GTVT hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu trong nước đối với dự án cao tốc Bắc - Nam.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Trong thông cáo gửi báo chí, Bộ GTVT nêu rõ: "Thực hiện Nghị Quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ Giao thông Vận tải nhận thức rất rõ đây là dự án trọng điểm của quốc gia, có vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt đối với những địa phương có dự án đi qua. Chính vì vậy quá trình triển khai dự án, Bộ GTVT quán triệt tinh thần phải tiến hành nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định pháp luật, hiệu quả, khách quan, minh bạch và đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế".
Căn cứ những quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt Luật đấu thầu (Điều 15), đối với 8 dự án thành phần được Quốc hội phê duyệt đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), thời gian qua Bộ GTVT đã tiến hành sơ tuyển lựa chọn Nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu quốc tế.
Quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế của Bộ GTVT đối với dự án cao tốc Bắc - Nam đã mở ra cơ hội lớn cho các nhà thầu Việt Nam.
Tính đến cuối tháng 7/2019, sau 2 tháng kể từ thời điểm phát hành Hồ sơ mời sơ tuyển, bên mời thầu (các Ban Quản lý dự án của Bộ GTVT) đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển. Kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển của bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho biết, có 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có từ 2 nhà đầu tư và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển. Như vậy, số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao.
Nhằm triển khai thành công dự án trọng điểm của quốc gia trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt để phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án và phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.
Sau khi đánh giá trách nhiệm pháp lý quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành và Luật đấu thầu, trên cơ sở thống nhất của các cơ quan liên quan, Bộ GTVT quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Hiện nay, Bộ GTVT đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để triển khai dự án. Mọi thông tin về các bước thực hiện tiếp theo sẽ được Bộ GTVT kịp thời cung cấp tới các cơ quan thông tấn báo chí và toàn thể nhân dân được biết, giám sát.
Tháng 5/2019, Bộ GTVT kêu gọi hồ sơ, mời sơ tuyển chọn nhà đầu tư, đấu thầu quốc tế với 8 dự án thành phần thuộc "đại dự án" Dự án cao tốc Bắc - Nam. Để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100.
Tại thời điểm đó, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư của 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông với tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Trong đó, 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án nhóm A. Đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật, hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án là đấu thầu rộng rãi quốc tế.
Tại thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc đấu thầu quốc tế rộng rãi đối với dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ có ít cơ hội cho doanh nghiệp nội địa, thay vào đó, nguy cơ nhà thầu Trung Quốc "đổ bộ", "chiếm lĩnh" dự án là rất cao.
ĐÀO BÍCH
Theo VTC
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Dự án cao tốc Bắc Nam đang vượt dự toán, đã báo cáo với Chính phủ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án cao tốc Bắc Nam bộ GTVT đã duyệt, đang triển khai thiết kế, thi công vượt dự toán và đã xin báo cáo với Thường trực Chính phủ tại nhiều cuộc họp. Thường trực Chính phủ cũng đang xin ý kiến các cơ quan lãnh đạo để thực hiện dự án này sẽ bảo...