Nghịch lý Việt Nam: Bằng cấp càng đẹp, thất nghiệp càng cao
Các nhà quản lý về lao động cho rằng không nên chọn phương án học thạc sĩ, khi chính họ không có mục tiêu rõ ràng.
Tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong quý I.2015 là nhóm có trình độ đại học và trên đại học với gần 178.000 người trong tổng số hơn 1 triệu người thất nghiệp.
Trước thông tin trên, ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách kinh tế Tổng Liên đoàn Lao động VN cho rằng, do nhiều trường đại học được thành lập, số sinh viên ra trường tăng cao.
Hơn nữa, ông nhận định: “Doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông, qua các trường đào tạo nghề và phần lớn các doanh nghiệp muốn sử dụng lao động giá rẻ của Việt Nam để giảm chi phí giá thành. Nên lao động có trình độ đại học và trên đại học khó tìm được việc”.
Ông Điều chia sẻ, sinh viên ra trường thường thiếu kinh nghiệm và kỹ năng làm việc, nên cần tìm công việc, chỗ làm tương xứng năng lực của mình, như vậy tỉ lệ xin được việc sẽ cao hơn.
“Không nên chọn phương án học thạc sĩ, khi chính họ không có mục tiêu rõ ràng”, ông Điều nói.
Cùng nhận định, ông Mai Kim Hoàng, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư tài chính dầu khí của Tập đoàn Dầu khí VN chia sẻ, nhiều sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, học lý thuyết nhiều hơn thực hành.
Trong khi các doanh nghiệp muốn tìm người có kinh nghiệm, có thể sử dụng ngay thay vì đào tạo lại.
“Doanh nghiệp quan tâm người lao động đã làm việc ở đâu, làm được bao năm và qua những công ty nào hơn việc người lao động học cái gì, bằng cấp nào”, ông Hoàng nói.
Video đang HOT
Tỷ lệ thất nghiệp nhiều ở bậc Đại học là do không có mục tiêu rõ ràng
Chỉ rõ thực trạng, bà Nguyễn Thu Hương, Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội của Công ty Tìm việc nhanh đưa ra nguyên nhân: “Chính bản thân sinh viên khi ra trường đặt kỳ vọng quá cao về bản thân. Tâm lý thanh niên “sính” bằng cấp và nghĩ rằng công việc này không phù hợp hoặc không đáp ứng với bằng cấp đã được đào tạo”.
Phải xác định rõ mục tiêu: Ngắn hạn và dài hạn. Mục tiêu ngắn hạn là hãy làm nghề hợp pháp mà có tiền sống. Mục tiêu dài hạn là bạn đi theo đam mê của mình. Nó phải được xác định dựa trên sở thích, phong cách, kỹ năng, trình độ cũng như hoàn cảnh cụ thể mỗi người.
Trước đó, trao đổi với Đất Việt, lý giải nguyên nhân về sự việc, ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch, Tổng giám đốc Smartcom, cho biết: “Nguyên nhân của vấn đề này do cả chủ quan và khách quan. Về khách quan mà nói, nền kinh tế Việt Nam trải qua một thời kỳ khủng hoảng kéo dài, và gần đây mới có chút dấu hiệu hồi phục.
Chưa kể, sức sản xuất của nền kinh tế suy giảm, kéo theo sức cầu đối với lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng nghề chuyên nghiệp cũng tụt xuống thấp.
Những năm gần đây, những sản phẩm đó đã tốt nghiệp và ra nhập thị trường lao động, thì họ trở thành những người thất nghiệp “đã qua đào tạo” chứ không phải là những người thất nghiệp “không được đào tạo” như ở thời kỳ còn thắt chặt đối với đào tạo đại học, cao đẳng và thạc sĩ.
Chính vì thế, tỉ lệ thất nghiệp của người có trình độ cao đẳng trở lên tăng cao hơn so với tỉ lệ người không có bằng cấp, chứng chỉ là hệ quả của chính sách cởi mở trong tuyển sinh cao đẳng, đại học và cao học mà thôi”.
Một vấn đề khác, ông Trần Phương – Phó giám đốc thường trực Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng chỉ rõ: “Ở nước ngoài họ không quan niệm mình là TS hay có bằng cấp, mà chỉ xác định đi làm thêm có thu nhập, có thể là trực ca đêm, công việc liên quan đến cơ bắp.
Cũng có nhiều người nghĩ rằng, sau những giờ làm công việc trí tuệ giảng đường ĐH căng thẳng, muốn hài hòa đảm bảo sức khỏe, tập luyện thể thao, nhận công việc chân tay kể cả bồi bàn phục vụ.
Còn ở VN thì khác, tôi là thạc sĩ mà đi phục vụ bàn hay đứng nấu bếp, vô tình ai nhìn thấy thì ngượng, cả dư luận XH theo định hướng như vậy. Rõ ràng đội ngũ có bằng cấp vô cùng ngại và khó khăn khi lựa chọn công việc”.
Để giải quyết thực trạng này, theo ông Nguyễn Cảnh Bình – Giám đốc Alphabook cho hay: “Tôi nghĩ các cơ sở đào tạo cần gần và sát hơn với thực tế, nên tham vấn hoặc mời doanh nhân, nhà quản lý trực tiếp tham gia hoạch định chương trình đào tạo mới là giải pháp hiệu quả nhất.
Giai đoạn nào cũng có sự vênh này nhưng nhờ kinh tế thị trường và sự tự do rộng rãi hơn về thông tin và học thuật, nên sự gần gũi và gắn kết giưa các chính sách của nhà nước – doanh nghiệp – hệ thống giáo dục – người lao động gần hơn và nhanh điều chỉnh hơn chúng ta”.
Sơn Ca(Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Nghịch lý bằng cấp cao thất nghiệp cao
Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 5 vừa được Bộ LĐTB&XH và Tổng cục Thống kê công bố cho thấy vài mảng tối trên thị trường lao động Việt Nam. Đó là tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học trong quý I/2015 chiếm tỷ lệ khá cao...
Ảnh minh họa. Nguồn: Minh Bắc
Nhìn chung thị trường lao động quý I/2015 cho thấy đã có sự chuyển dịch tích cực của các lao động ở giữa những khu vực khác nhau. Khu vực thành thị lực lượng lao động tăng mạnh với 913 nghìn người, chiếm 5,7% do lao động di cư từ nông thôn ra thành thị. Điều đó cũng phù hợp với bối cảnh kinh tế nước ta đang có xu hướng phục hồi.
Tuy nhiên, các số liệu về tình trạng thất nghiệp mà bản tin đã công bố lại cho thấy thị trường lao động đang lộ nhiều mảng tối cần phải quan tâm. Ngay trong quý I/2015, khi GDP tăng hơn thì cả nước vẫn có hơn 1,159 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 184,6 nghìn người so với quý IV/2014. Nếu so với cùng kỳ năm 2014 thì tăng 114,2 nghìn người. Số lao động nam thất nghiệp là 622,7 nghìn người, nữ thất nghiệp là 537,1 nghìn người; Khu vực thành thị chiếm tới 534,1 nghìn người. Tính tỷ lệ thất nghiệp chung của cả quý I/2015 là 2,43%, tăng 2,05% so với quý IV/2014 và tăng 2,21% cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó mức độ tăng trưởng GDP của quý I/2014 là 5,1%, quý IV là 7% và quý I/2015 là 6%.
Con số đáng chú ý nhất là tỷ lệ thất nghiệp của nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp chiếm là 7,2% và cao đẳng nghề chiếm 6,69%. Đây là hai nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. Trong khi đó nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ chiếm tỷ lệ thất nghiệp là 1,97%, tỷ lệ thấp nhất trong tất cả các nhóm.
Cn số cụ thể, bản báo cáo chỉ rõ quý I/2015 có tới 177,7 nghìn người có trình độ đại học, trên đại học bị thất nghiệp; tiếp đó là trình độ cao đẳng với 100,6 nghìn người; con số thất nghiệp trình độ trung học chuyên nghiệp là 75 nghìn người, trung cấp nghề là 26,1 nghìn người và thấp nhất là cao đẳng nghề có 16 nghìn người. Tương ứng các con số này ở quý IV/2014 lần lượt theo thứ tự như ở trên là 165,6 nghìn người, 74,7 nghìn người, 14,4 nghìn người, 73,4 nghìn người. Như vậy, số người thất nghiệp ở các trình độ đào tạo trong quý I/2015 đều tăng lên.
Theo đó tổng số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học trong quý I/2015 là 278,3 nghìn người. Đây là điều khá bất ngờ và có vẻ mâu thuẫn bởi thật khó hiểu tại sao nguồn nhân lực có bằng cấp cao lại thất nghiệp lớn trong khi nền kinh tế Việt Nam lại đang luôn đòi hỏi có thêm nguồn nhân lực chất lượng cao. Và thực tế cung - cầu trên thị trường lao động Việt Nam ở các Trung tâm giới thiệu việc làm cũng đang cho thấy một số doanh nghiệp đang rất khát nguồn nhân lực cấp cao mà thị trường chưa đáp ứng được.
Tại sao lại có hiện tượng bất hợp lý như vậy? Giải thích về hiện tượng thất nghiệp ở nhóm lao động này các nhà tuyển dụng, nghiên cứu kinh tế đều cho rằng nó xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Có thể là do các doanh nghiệp chậm đổi mới công nghệ, đầu tư thiết bị máy móc để nâng cao năng suất lao động, cách tuyển dụng trả lương chưa chuẩn mực, tệ nạn mua bán bằng cấp giả, đào tạo không gắn với nhu cầu doanh nghiệp, nghề doanh nghiệp cần thì không đào tạo, nghề chưa cần thì đào tạo nhiều...
Nhưng đa số các chuyên gia đều nhất trí vấn đề then chốt là do chất lượng đào tạo trong các trường cao đẳng, đại học chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp. Giữa các cơ sở đào tạo dạy nghề với doanh nghiệp chưa có mối liên hệ mật thiết với nhau. Có thể dẫn chứng trong thời gian qua một số ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học; sản xuất thuốc lá; sản xuất trang phục; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng trưởng khá tốt cần nguồn nhân lực tốt nhưng thị trường lại chưa đáp ứng được. Hay khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng đòi hỏi lao động chất lượng cao ở một số ngành khá công nghiệp chế biến, chế tạo lớn nhưng vẫn không tuyển dụng được lao động phù hợp.
Được biết, thị trường lao động 6 tháng cuối năm vẫn sẽ tiếp tục tăng theo xu thế của quý I/2015. Có tới 86,4% doanh nghiệp ở một số ngành đã nhắc ở trên khẳng định giữ ổn định và tăng quy mô lao động trong các quý tiếp theo của năm 2015.
Để xử lý điều bất hợp lý kể trên, tất nhiên không thể làm ngày một ngày hai nhưng cũng buộc các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo phải quan tâm tới Luật Việc làm, Luật Giáo dục nghề nghiệp vừa có hiệu lực thi hành. Vì các bộ luật này sẽ tạo khung pháp lý để gắn đào tạo với nhu cầu thị trường, giúp lao động Việt Nam hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và quốc tế. Và việc ra đời của các bản tin sẽ giúp cho thị trường lao động sáng tỏ, minh bạch hơn. Bộ LĐTB&XH cũng khẳng định tiếp tục cố gắng nâng cao chất lượng Bản tin, tăng thêm nhiều chỉ số phân tích để giúp các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và người dân hiểu rõ hơn về thực trạng lao động Việt Nam hiện nay. Minh Bắc
Theo_Hà Nội Mới
Gần 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp Theo thống kê, số người thất nghiệp theo trình độ chuyên môn đại học và sau đại học tăng khoảng 16.000 so với cùng kỳ năm 2014. Ngày 20/7, Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố bản tin cập nhật thị trường lao động quý I/2015. Bản tin ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm...