Nghịch lý trong xử phạt vi phạm giao thông
Nhiều người đi xe máy ở TP.Đồng Hới (Quảng Bình) phản ánh họ thường xuyên bị xử phạt trật tự giao thông, trong khi ô tô vi phạm nhưng không bị lực lượng chức năng nào xử lý.
Anh N.T.A kể lại câu chuyện vừa xảy ra mới đây khi anh và một số người đi ăn sáng tại quán bún trên đường Lê Văn Hưu, nơi không phải là đường chính và ít người qua lại. Tuy nhiên, khi vừa dừng xe máy sát lề đường vào quán thì một tổ cảnh sát trật tự (CSTT), có người không đeo bảng tên, của thành phố ập đến, chẳng nói chẳng rằng “hốt” xe máy lên ô tô của tổ CSTT. Những người bị xử phạt cảm thấy rất ấm ức, cho là không chính xác và công bằng. Họ chỉ để xe máy sát hè phố, không làm mất trật tự giao thông và nếu không để ở đó thì cũng không biết để ở đâu! Trong khi đó, đường Lê Văn Hưu không hề có biển báo cấm dừng, đỗ xe.
Ô tô ngang nhiên đỗ chiếm lòng đường Nguyễn Hữu Cảnh nhưng không bị xử lý – Ảnh: T.Q.N
Theo ghi nhận của chúng tôi trong nhiều ngày liền thì ngày nào cũng vậy, nhất là ngày nghỉ, ô tô đỗ tràn đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn qua các quán cà phê, nhà hàng: Nghệ Sĩ quán, Royal, Co Co nhưng không hề thấy bóng dáng lực lượng CSTT, CSGT kiểm tra xử lý. Thậm chí nhiều lúc đỗ thành 2 dãy dàn giữa đường. Chưa nói việc đỗ thế đúng hay sai luật nhưng thấy rõ việc xử lý của CSTT không giống nhau.
Đặc biệt, nhức nhối nhất là tình trạng xe khách chạy các tuyến từ Huế, Đông Hà, Đồng Hới đi Hà Nội vào buổi tối dưới dạng xe tour luôn đón trả khách tại các điểm bán vé trên trục đường trung tâm Lý Thường Kiệt. Mỗi đêm ít nhất hơn 10 chuyến. Các điểm bán vé dày đặc trên đoạn đường chưa đầy cây số, xe khổ lớn (loại xe giường nằm 2 tầng) cùng với giờ đón khách gần như trùng nhau trong khoảng thời gian từ 19-20 giờ 30 gây nên cảnh lộn xộn, mất trật tự dù đây là đoạn đường cấm dừng, đỗ xe. Người dân P.Đồng Mỹ thường xuyên phản ánh nhưng tình hình vẫn như cũ.
Trao đổi với PV Thanh Niên, trung tá Phan Thanh Hà – Đội trưởng Đội CSTT nói: “Đội thường xuyên đi kiểm tra, xử lý các tuyến đường và mỗi lần đi đều có kế hoạch, được chỉ huy phê duyệt. Xử phạt theo Nghị định 34, chúng tôi không nhớ và thống kê được tỷ lệ các loại xe bị xử phạt vì quá nhiều”. Việc có hiện tượng né “người giàu” hay không vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Theo báo cáo tổng hợp của Công an TP.Đồng Hới, từ cuối năm 2011 đến tháng 5.2012, các lực lượng tuần tra đã phát hiện, lập biên bản 4.102 trường hợp (số xe máy vượt trội: 3.534, ô tô: 568).
Video đang HOT
Ngoài ra, nhiều tài xế, chủ xe ngoại tỉnh đều ca thán việc thường xuyên dính biên bản của CSTT về chuyện dừng, đỗ khi đến TP.Đồng Hới. Xe nội tỉnh thì thấy ngang nhiên, nhưng xe mang biển số ngoại tỉnh hở tí là bị lập biên bản.
Ấn tượng Đà Nẵng
Cách đây không lâu, cộng đồng mạng đã từng xôn xao với bài viết “Chuyện lạ” về CSGT ở Đà Nẵng của một thành viên diễn đàn otofun. Theo đó, thành viên này kể lại việc anh đi ô tô đến Đà Nẵng, vì không thuộc đường nên đã đi vào đường cấm và bị CSGT yêu cầu dừng xe. Tuy nhiên, khác với lối hành xử bình thường, CSGT ở Đà Nẵng không những không xử phạt mà chỉ nhắc nhở và tận tình hướng dẫn cho lái xe đi đúng đường.
Hôm qua, một lái xe từ Quảng Ngãi ra kể chuyện, anh lái xe qua cầu Sông Hàn vào buổi sáng mà không nhìn thấy bảng cấm ô tô trong giờ cao điểm, CSGT dừng xe, giải thích và nhắc nhở, vì anh ở tỉnh khác đến nên lần sau phải chú ý hơn.
Đó không phải là những trường hợp cá biệt, rất nhiều lái xe ngoại tỉnh khi đến Đà Nẵng cũng rất cảm tình về ứng xử văn hóa giao thông của lực lượng làm nhiệm vụ tại đây vì họ luôn nhận được sự hướng dẫn thay vì đe nẹt, xử phạt như các địa phương khác.
Theo Thanh Niên
Đằng sau nghịch lý nhổ rừng để... trồng rừng
Khi người dân xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) tiếp tục trồng cây gây rừng thì cán bộ, nhân viên của BQL đến nhổ bỏ băm nát cây con của dân và góp tiền mua cây con khác về trồng. Vì sao có nghịch lý như vậy?
Hơn trăm hescta đất trồng rừng của nhiều hộ dân xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) được khai hoang hàng chục năm nay bỗng nhiên bị Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Sông Hương thu hồi với lý do chưa thuyết phục. Khi người dân tiếp tục trồng cây gây rừng thì cán bộ, nhân viên của BQL đến nhổ bỏ băm nát cây con của dân và góp tiền mua cây con khác về trồng. Vì sao có nghịch lý như vậy?
Nhiều tháng nay, người dân ở thôn 4, xã Hồng Tiến không còn ngày ngày vào rừng để chăm bón cây rừng của họ. BQLRPH Sông Hương đã cấm họ "bén mảng" đến trồng cây trên diện tích rừng rộng hàng trăm ha của thôn này. Bà Hồ Thị Nhung bức xúc: "Người dân sinh sống nhờ vào trồng rừng. Nay đất rừng đã bị cấm thì biết lấy gì để mưu sinh?".
Vụ thu hoạch keo vừa xong cũng là lúc diện tích đất rừng gần 1ha gắn bó với gia đình bà Nguyễn Thị Thý (52 tuổi) hơn 20 năm, nay "thuộc" về BQLRPH Sông Hương. Bà Thý phản ảnh: "Gia đình tui và các hộ dân khác đến nơi này ở từ năm 1986 rồi mở đất khai hoang, trồng rẫy. Ban đầu chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí giúp trồng mía, sau này thì trồng rừng, vậy mà BQLRPH Sông Hương bỗng nhiên đến lập biên bản đất vi phạm rồi thu khiến các gia đình đều lâm vào cảnh lao đao, khốn đốn"...
Người dân thôn 4, xã Hồng Tiến, bị BQLRPH Sông Hương thu hồi đất rừng đã khai hoang từ hàng chục năm trước.
Theo giải thích của ông Nguyễn Văn Vường, Phó Giám đốc BQLRPH Sông Hương, thì diện tích đất rừng các hộ ở Hồng Tiến bị thu hồi là do đã tự ý lấn chiếm diện tích rừng mà BQLRPH Sông Hương trực tiếp quản lý. Trong khi đó, các hộ dân cho biết, từ những năm 1985, 1986, họ đã đến ở thôn 4, khai hoang đất trồng rẫy, không còn sống du canh, du cư.
Thời điểm đó, BQLRPH Sông Hương chưa đến quản lý thì làm sao bảo dân lấn chiếm đất rừng của BQL? Đặc biệt, ở thôn 4, việc quản lý hộ khẩu thuộc về UBND xã Hồng Tiến, còn đất sản xuất, đất ở lại thuộc quản lý của xã Bình Điền.
Ông Nguyễn Đại Hóa, Chủ tịch UBND xã Bình Điền thừa nhận: "Người dân ở thôn 4 của Hồng Tiến đã khai hoang đất để sản xuất nông nghiệp từ hàng chục năm nay. Việc thu hồi đất rừng lấn chiếm của người dân thì chính quyền không hề hay biết". Không đồng tình việc thu hồi đất của BQLRPH Sông Hương, hàng chục hộ dân tiếp tục mua cây giống keo, tràm trồng rừng thì bị cán bộ, nhân viên BQLRPH Sông Hương đến nhổ bỏ, cây con bị đem ra băm nát.
Ông Lê Văn Mưu, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến, cho biết: Các hộ dân ở thôn 4 nhờ đất rừng để mưu sinh, nay đất rừng bị thu hồi cuộc sống người dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc nhổ bỏ rồi băm nát cây rừng mới trồng đã gây bức xúc cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, cũng trao đổi: Đối với đất rừng của dân tự ý lấn chiếm sẽ bị thu hồi, sau đó phân bổ cho các hộ dân ở địa phương có lao động nhưng không có đất rừng để có điều kiện sản xuất nông nghiệp. Nhưng, BQLRPH Sông Hương thu hồi đất rừng đã làm rất nhiều hộ dân không còn đất rừng để sản xuất nông nghiệp, không biết lấy gì để mưu sinh. Trong khi đó, BQLRPH Sông Hương lại đưa cây tràm, keo đến trồng, phủ xanh thành rừng của đơn vị này.
Hồng Tiến là xã có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Những năm gần đây, trồng rừng keo, tràm đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nay rất nhiều hộ dân không còn đất rừng để sản xuất, liệu cuộc sống người dân nơi đây có ổn định?
Theo CAND
TP.HCM: Đi đúng luật khổ như hành xác Nhiều người dân bất ngờ vì không thể đi vào làn đường dành cho xe ô tô. Trong khi đó, làn đường dành cho xe máy trên tuyến Trường Chinh đã bị ùn tắc nghiêm trọng 3 ngày liên tiếp. "6h sáng tôi đi từ ngã tư An Sương đến Ngã tư Bảy Hiền mất gần 2 giờ đồng hồ", chị Vũ Thị...