Nghịch lý phim dán nhãn 16+ tại Việt Nam
Chuyện kiểm duyệt và phân loại độ tuổi khán giả trước khi phim ra rạp tại Việt Nam vốn gây ra không ít điều nghịch lý chưa được giải quyết triệt để trong suốt gần một thập kỷ qua.
Chiếc nhãn 16 : Sơ sài, thiếu hợp lý
Nhãn 16 được Cục Điện ảnh đưa vào sử dụng từ khoảng năm 2007, nhằm phân loại độ tuổi khán giả khi tới rạp xem phim. Theo đó, hội đồng thẩm định sẽ quyết định xem các bộ phim khi trình chiếu rộng rãi có bị hạn chế người xem ở mức 16 tuổi hay không sau buổi chiếu kiểm duyệt.
Bộ phim kinh dị Mười do Hàn-Việt hợp tác sản xuất là một trong những phim đầu tiên bị dán nhãn 16 tại Việt Nam khi ra rạp.
Đây là một đạo luật cần thiết và đúng đắn trong bối cảnh nhiều tác phẩm điện ảnh mang yếu tố bạo lực hoặc tình dục được nhập về Việt Nam. Tuy nhiên, nếu so sánh với hệ thống phân loại độ tuổi tại nước Mỹ, đạo luật của chúng ta còn tương đối sơ sài.
Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ – MPAA đưa ra những mức phân loại hết sức cụ thể cho các bộ phim, bao gồm: G (General Audiences) – có thể công chiếu rộng rãi; PG (Parental Guidance Suggested) – cha mẹ hoặc người giám hộ nên có hướng dẫn cho con khi đi xem; PG-13 (Parental Strongly Cautioned) – cha mẹ hoặc người giám hộ đặc biệt chú ý; R (Restricted) – phim có giới hạn người xem, không dành cho trẻ em dưới 16 tuổi nếu không có người lớn đi cùng; và NC-17 (No Children 17 or Under Admitted) – không dành cho trẻ em dưới 17 tuổi do có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng xấu đến nhân cách, đạo đức, khuyến khích hành vi phạm tội.
Trước khi nhãn 16 được áp dụng tại Việt Nam, một giải pháp được Cục Điện ảnh đưa ra là cắt bỏ những cảnh nhạy cảm hoặc có vấn đề trước khi phim ra rạp. Điều này khiến nhiều khán giả Việt ở độ tuổi trưởng thành cảm thấy không hài lòng bởi họ muốn được thưởng thức trọn vẹn tác phẩm và hoàn toàn ý thức được những gì đang diễn ra trên màn ảnh. Nhưng khi một số bộ phim bị dán nhãn này được trình chiếu, chúng vẫn buộc phải bị cắt bỏ nhiều cảnh quay. Kết quả là chuyện một phim bị dán nhãn 16 hay không cũng chẳng đem tới một đổi thay gì lớn lao cho khán giả trưởng thành.
Hơn nữa, tại nước Mỹ, chuyện một bộ phim được dán nhãn nào đều có lý do cụ thể. Ví dụ, phim được dán nhãn PG-13 bởi nó có thể chứa đựng nội dung chửi thề, các cảnh tình cảm ở mức nhẹ, cảnh khỏa thân không rõ ràng (như lúc nam nữ vuốt ve nhau trên giường và có chăn đắp ở bên ngoài), cảnh bạo lực ở mức thấp, những cảnh đổ máu nhưng không có máu bắn ra, hay sử dụng những chất kích thích nhẹ như thuốc lá, rượu bia… Nếu như những tình tiết nhạy cảm này xuất hiện ở mức độ mạnh hơn, tần suất dày hơn, phim sẽ bị dán nhãn R hoặc thậm chí là NC-17.
Sau khi thưởng thức xong Fury, không ít khán giả cảm thấy bất ngờ khi phim không bị dán nhãn 16 do mức độ bạo lực trong phim.
Trong khi đó, chuyện dán nhãn 16 ở Việt Nam vẫn còn rất cảm tính. Không phủ nhận có nhiều bộ phim chứa đựng yếu tố nội dung không phù hợp với trẻ em dưới 16 tuổi khi ra rạp tại Việt Nam. Nhưng cũng có trường hợp lại đặc biệt gây ra sự khó hiểu cho khán giả, như gần đây nhất, bom tấn Fury của tài tử Brad Pitt chứa đựng rất nhiều cảnh máu me khốc liệt, lột tả sự tàn bạo của chiến tranh, khiến không ít khán giả trưởng thành còn phải nhăn mặt khi theo dõi. Song, bộ phim này lại không hề cấm trẻ em dưới 16 tuổi.
Video đang HOT
Chưa hết, các bộ phim chiếu rạp dù bị dán nhãn 16 nhưng sau đó vẫn có thể được thưởng thức thoải mái và trọn vẹn trên sóng truyền hình. Sự ảnh hưởng tới đối tượng trẻ em buộc phải dựa trên tính tự giác của các bậc cha mẹ, một điều khó lòng có thể đảm bảo tại Việt Nam. Chính điều này gây ra những tranh cãi không ngớt xoay quanh chuyện đưa loạt phim Sex and the City lên sóng truyền hình quốc gia VTV2 trong thời gian tới vào khung giờ đêm khuya. Dù bộ phim mang nhiều ý nghĩa hơn là chỉ mỗi chuyện phòng the, nhưng rõ ràng là Sex and the City không hề phù hợp với khán giả thiếu nhi và chẳng ai có thể đảm bảo rằng những đối tượng chưa đủ tuổi không thể theo dõi bộ phim.
“Cái khó ló cái khôn”
Đối với các nhà phát hành phim tại Việt Nam, việc một bộ phim nước ngoài bị dán nhãn 16 ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu phòng vé, bởi đối tượng khán giả dưới 16 tuổi cũng là một lực lượng tích cực chịu bỏ tiền ra rạp xem phim. Ở nước ngoài cũng vậy, có không ít các tác phẩm bom tấn thậm chí còn chủ động cắt giảm mức độ nhạy cảm trong phim, nhằm nâng cao tối đa mức doanh thu cho phim. Gần đây nhất, tác phẩm hành động The Expendables 3 chủ động giảm mức độ bạo lực để chỉ bị dán nhãn PG-13, thay vì nhãn R như hai tập phim trước đó. Sắp tới trong năm 2015, với phần 5 của loạt Terminator – Kẻ hủy diệt, các nhà sản xuất cũng công khai ý định thực hiện điều tương tự nhằm bảo toàn mức doanh thu cho phim.
Mất xác là một ví dụ tiêu biểu cho việc phim Việt Nam vin vào mác 16 để có thể thu về doanh thu khủng, bất chấp việc chất lượng nội dung của phim không hề cao.
Tuy nhiên, với nền điện ảnh Việt Nam, một điều nghịch lý lại dường như đang xảy ra. Điểm mặt các phim Việt ra mắt trong thời gian qua như Mất xác, Đoạt hồn, Scandal: Hào quang trở lại, Hiệp sĩ mù, Bước khẽ tới hạnh phúc, Lạc giới, Hương Ga…, tất cả đều bị dãn nhãn 16 vì một lý do nội dung hoặc hình ảnh nào đó. Nhà sản xuất của các bộ phim cũng không ngần ngại tung ra các thông tin cho báo giới, tập trung khai thác vào các yếu tố 16 . Như Mất xác, tập trung PR vào nội dung vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường và chuyện cấm khán giả dưới 16, cuối cùng đạt được doanh thu 19 tỷ, một thành công ngoài sức tưởng tượng bất chấp bản thân chất lượng của tác phẩm không hề cao. Hay như Hương Ga, dù cảnh nóng giữa Trương Ngọc Ánh và “người tình tin đồn” Kim Lý diễn ra hết sức ngắn ngủi (một phần do bị cắt bớt sau khi kiểm duyệt), nhưng vẫn trở thành một đề tài hot, được tận dụng để PR một cách tối đa và giúp cho phim được mệnh danh là “nữ hoàng phòng vé” trong những ngày đầu tháng 11.
Cảnh nóng trong phim Hương Ga diễn ra ngắn ngủi và không quá “nóng” như những gì được quảng cáo trước gì phim ra rạp.
Khán giả vô tình cảm thấy như các nhà làm phim Việt đang cố gắng để tác phẩm của họ bị dán nhãn 16 để thu hút thêm người xem tới rạp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một bộ phận khán giả trẻ người Việt bị bỏ quên, không có nhiều sự lựa chọn khi ra rạp. Đồng thời, việc phân loại khán giả hiện nay dường như không phải là một điều được coi trọng một cách nghiêm túc.
Như thế, chiếc nhãn 16 đem tới hai nghịch lý tại Việt Nam: các nhà làm phim nội địa cố vin vào đây để quảng bá bộ phim; còn Cục Điện ảnh thì không đưa ra những quy định, chế tài cụ thể và triệt để về chuyện phân loại độ tuổi.
50 sắc thái sẽ là một liều thuốc thử đối với hệ thống phân loại độ tuổi mới, dự kiến được trình làng trong đầu năm 2015.
Theo dự kiến, trong đầu năm 2015, một hệ thống phân loại độ tuổi hoàn toàn mới sẽ được Cục Điện ảnh Việt Nam đưa vào áp dụng. Tại thời điểm đó, vô tình một bộ phim khiêu dâm đình đám là Fifty Shades of Grey – 50 sắc thái, cũng dự kiến được trình chiếu tại Việt Nam. Đây hẳn sẽ là một liều thuốc thử cực mạnh đối với Cục Điện ảnh cũng như hệ thống phân loại độ tuổi mới. Và tất cả đều chờ đợi xem liệu chuyện “cấm trẻ em rồi mà vẫn cắt” có còn tiếp tục xảy ra hay không, cũng như các nhà làm phim Việt sẽ tiếp tục vin vào chuyện 16 (hoặc là 18 trong tương lai) để PR cho sản phẩm của họ cho đến bao giờ.
Theo Zing
'Fury' sử dụng 5 chiếc xe tăng để quay phim
Bộ phim gây xúc động về Thế chiến II đã dùng những phiên bản của mẫu xe tăng M4 Sherman để làm tăng tính lịch sử và đem tới hiệu quả hình ảnh cao nhất.
Trong tác phẩm Fury, ngoài yếu tố diễn xuất của dàn diễn viên, nhiều khán giả còn ấn tượng với việc thiết kế bối cảnh và đặc biệt là sự xuất hiện của những cỗ xe tăng. Có 5 chiếc xe chính được sử dụng để quay phim và tất cả đều là những phiên bản của mẫu xe tăng M4 Sherman. Trong phim, 5 chiếc xe tăng này được đặt mật danh Fury, Matador, Lucy Sue, Old Phyllis và Murder Inc.
Đối với Ian Clarke, người điều phối xe cho những cảnh quay, và Jim Dowdall, giám sát tổ lái xe tăng, việc tìm ra 5 chiếc xe tăng thời Chiến tranh Thế giới thứ II bắt đầu như bao công việc khác - tìm cộng sự.
Hình ảnh chiếc xe tăng Fury.
Dowdall cho biết: "Chúng tôi cho rằng tốt nhất là tìm những lính tăng đã được huấn luyện, những người từng tham chiến ở Afghanistan hay những chiến trường khác. Họ không chỉ điều khiển những chiếc xe tăng một cách chính xác mà còn biết phải làm gì nếu sự cố xảy ra với những cỗ xe trên 70 tuổi này".
Có 3 chiếc xe tăng khác nhau được sử dụng cho các cảnh quay liên quan tới Fury. Trong đó có một chiếc xe tăng Sherman với nòng pháo 76 ly, do Bảo tàng xe tăng Bovington cung cấp.
Với những cảnh quay bên trong chiếc Fury, nhà thiết kế sản xuất Andrew Menzies tạo ra một mô hình riêng. "Đó là thách thức lớn nhất về mặt kỹ thuật, bởi đây là một mô hình kích thước rất nhỏ; 4 phía đều có thể được tháo rời để David có thể quay từ bất kỳ góc độ nào", Menzies cho biết. Gary Jopling, trợ lý chỉ đạo nghệ thuật cho biết: "Nó không khác gì một khoang bên trong của chiếc xe tăng thật. Với hệ thống gimbal, nó có thể chuyển động, rung lắc và quay 360 độ. Súng có thể nhô ra và khai hỏa".
Để dựng cảnh bên trong xe tăng, bộ phận nghệ thuật đã quét hình ảnh của nó và phóng to thêm 10% so với kích thước thực. Từ bản scan, họ xây dựng một bối cảnh từ các khung hộp kim loại. Sau đó, họ trang trí "chiếc hộp" này giống như không gian bên trong xe tăng. Ngoài ra, các nhà làm phim cũng tìm được một giải pháp mang tính sáng tạo để thể hiện chiếc Fury có thể nạp đạn, khai hỏa và nhả vỏ đạn thông qua sự hỗ trợ của hiệu ứng kỹ xảo đặc biệt.
Brad Pitt đi thăm bảo tàng xe tăng Bovington ở Borset, Anh.
Trong phim, chiếc xe tăng Mỹ đối mặt với đối thủ nguy hiểm nhất là xe tăng Tiger của Đức. "Rốt cuộc đó là một cuộc chiến của các xe tăng. Một chiếc Sherman thực sự rất ít có cơ hội để chống chọi lại chiếc Tiger được trang bị nhiều vũ khí mạnh", Menzies cho biết.
Chỉ còn 6 chiếc Tiger từ thời kỳ đó và Bảo tàng Xe tăng Bovington chỉ còn duy nhất một chiếc có thể vận hành được. "Tiger 131 là một chiếc xe tăng rất quan trọng. Đây là chiếc xe tăng đứng ở sườn đồi ở Tunisia và bị tấn công bởi các xe tăng Anh thuộc Lữ đoàn Tăng 48. Nó đã tiêu diệt ít nhất 2 chiếc xe tăng Churchill, nhưng cuối cùng nó cũng bị đánh bại bởi những xe tăng khác. Tổ lái đã bỏ chiếc xe tăng này lại và sau chiến tranh, nó được bàn giao cho bảo tàng", giám đốc bảo tàng David Willey cho biết.
Các nhà làm phim không muốn làm hư tổn chiếc xe tăng mang tính lịch sử này nên đã tạo ra một phiên bản thay thế để sử dụng trong các cảnh quay nguy hiểm, có thể khiến chiếc xe tăng thật bị hư hại.
Fury được quay trong 12 tuần tại những cánh đồng ở Oxfordshire (Anh) và căn cứ không quân Bovingdon ở Hertfordshire. Theo nhà sản xuất John Lesher, có nhiều lý do để đoàn làm phim đến nước Anh. "Trước hết, ở đó có một căn cứ tuyệt vời để khởi đầu cho quá trình sản xuất. Thứ hai, ở nước Anh có rất nhiều đạo cụ như xe tăng, xe thiết giáp, của cả Đức và Mỹ. Thứ ba, ánh sáng và thời tiết ở nước Anh rất phù hợp cho những cảnh quay nước Đức. Với ba lý do này, nước Anh là một nơi lý tưởng".
Một góc trường quay của phim "Fury" đặt tại Anh.
Trước khi bắt đầu sản xuất, đạo diễn David Ayer và nhóm của ông tiến hành nghiên cứu các khía cạnh liên quan đến cốt truyện: từ loại xe tăng, các vũ khí trên chiến trường cho tới trang phục. "Mọi thứ phải được đảm bảo đến từng chi tiết. Có khi khán giả cũng không hiểu họ đang xem cái gì. Nhưng chỉ khi mọi thứ chính xác thì các cảnh quay mới được thực hiện một cách sống động. Đó là điều mà tôi theo đuổi", David Ayer chia sẻ.
Nhà sản xuất Ethan Smith cho biết: "Điều mà David muốn không phải là sự tham khảo về lịch sử qua điện ảnh mà đó phải là sự phản ánh chân thực về lịch sử. Vì thế, chúng tôi đã ngồi hàng tiếng đồng hồ để xem những tư liệu trong Binh chủng Thông tin, nghiên cứu kỹ cách người lính bước đi, mang vũ khí, tiếp cận một nhiệm vụ hay thư giãn ở bên đường. Đó chính là kiểu mẫu dành cho bộ phim này".
Ngoài ra, David Ayer và nhóm của ông còn được sự giúp đỡ của 3 cố vấn quân sự và 4 cựu chiến binh Sư đoàn Thiết giáp từng tham gia Chiến tranh Thế giới thứ II. Cố vấn quân sự Kevin Vance và David Rae là 2 người hợp tác với diễn viên, huấn luyện họ nhập vai những người điều khiển xe tăng. Ian Sandford, một cựu lính dù của Quân đội Anh là cố vấn quân sự cho những diễn viên trong vai binh sĩ Đức.
Theo VNE
Khi 'chuyện ấy' lên sóng truyền hình quốc gia Chuyện bộ phim truyền hình đình đám về chuyện người lớn, "Sex and the City", sắp được chiếu trong khung giờ phim 18 trên kênh VTV2 thực sự hâm nóng dư luận những ngày qua. Phim "nhạy cảm" chiếu cho người lớn Nhiều khán giả Việt Nam biết đến Sex and the City cách đây 6 năm, khi bộ phim này lần đầu...