Nghịch lý ‘hợp lý’ của thị trường ô tô Việt Nam
Có những thực tế không thể hoặc không nên phủ nhận về thị trường ô tô Việt Nam. Và cũng từ đó lại nảy sinh những câu chuyện mà trong nó chứa đựng cả sự nghịch lý lẫn hợp lý.
Trước hết, hãy nói về nghịch lý.
Không phải bây giờ mà từ nhiều năm trở lại đây, thị trường ôtô Việt Nam đã được nhận định là quá nhỏ bé nếu xét về dung lượng. Đặc biệt là khi so sánh ngay với các thị trường cùng trong khu vực Đông Nam Á.
Nửa cuối thập kỷ đầu của thế kỷ 21 được xem là giai đoạn “đỉnh cao” của thị trường ôtô Việt Nam. Thế nhưng, năm “hoành tráng” nhất cũng chỉ đạt con số 138.000 xe. Năm 2013, các hãng ôtô đã dự báo thị trường sẽ “khá khẩm” hơn khi có thể đạt mức tăng trưởng 8% về sản lượng bán hàng so với năm 2012. Mức tăng trưởng ấy (hy vọng) sẽ giúp tổng lượng xe bán ra trong năm nay đạt khoảng 100.000 xe.
Thậm chí, nếu đặt mức tổng sản lượng bán hàng vào con số hơn 20 thương hiệu ôtô lớn và nhất là lượng mẫu sản phẩm lên đến con số hàng trăm, thì xem ra sự nhỏ bé của thị trường càng đến mức đáng ngại. Có lần, một vị chuyên gia trong ngành đã ngán ngẩm rằng, không thể hình dung nổi một thị trường trên dưới 100.000 chiếc/năm lại phải chia sẻ sản lượng cho đến 400 mẫu xe.
Tạm gác vấn đề tỷ suất lợi nhuận trên từng chiếc xe bán ra mà các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu ôtô kiếm được thì chỉ rêng câu chuyện chia sẻ thị phần đã làm nổi lên một vấn đề: tại sao thị trường nhỏ bé như vậy mà nhiều hãng xe vẫn bám trụ, thậm chí “sống tốt”? Đó xem ra là một nghi vấn về sự (có vẻ như rất) bất hợp lý.
Càng bất hợp lý hơn khi nhìn vào thực tế: Thời gian gần đây, các hãng xe luôn phàn nàn về sự o ép của chính sách khiến thị trường vốn đã nhỏ bé, khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn, thậm chí có lúc Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam ( VAMA) còn khái quát bằng hai chứ “khủng hoảng”. Vấn đề ở chỗ, trong khi than khó thì nhiều hãng xe vẫn ung dung, vẫn mở rộng hệ thống. Đáng chú ý hơn nữa là mới đây và sắp tới, hàng loạt hãng xe khác cũng sẽ tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam.
Theo kế hoạch thì ngay trong năm 2013 sẽ có ít nhất 4 thương hiệu ôtô mới chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam.
Đầu tháng 4, thương hiệu Peugeot đến từ nước Pháp đã ra mắt thị trường. Những chiếc xe Pháp này sẽ được sản xuất và lắp ráp trong nước bởi đối tác Trường Hải (Thaco).
Video đang HOT
Trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, nếu không có biến cố gì đáng kể, hai thương hiệu cùng thuộc tập đoàn BMW là Rolls-Royce và Mini cũng sẽ góp mặt. Trong khi Rolls-Royce khai phá thị phần siêu sang thì Mini lại chiếm lĩnh thị phần xe hạng nhỏ cao cấp. Cả hai thị phần này đều được đánh giá là mới mẻ và rất tiềm năng.
Lexus, thương hiệu hạng sang thuộc tập đoàn Toyota, sau khi phải trì hoãn kế hoạch ra mắt do rơi vào đúng thời điểm thị trường đi xuống cũng đã tiết lộ kế hoạch gia nhập thị trường ngay trong năm nay.
Vậy một thị trường vừa nhỏ vừa khó mà hầu hết các thương hiệu ôtô nổi tiếng thế giới vẫn cố gắng “lao vào” liệu có phải là một nghịch lý?
Thử nhìn từ một giác độ khác.
Theo tính toán, đến năm 2020 tổng dân số Việt Nam sẽ vào khoảng 100 triệu người. Hiện nay, tỷ lệ ôtô trên số dân vẫn chưa đạt con số 20 xe/1.000 dân. Các chuyên gia dự tính đến năm 2015 con số này sẽ tăng lên khoảng 28 xe/1.000 dân, năm 2020 là 38 xe/1.000 dân và đến năm 2025 sẽ vào khoảng 88 xe/1.000 dân.
Bộ Công Thương cũng từng nhận định, khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2025 sẽ là giai đoạn ôtô hóa (hay còn gọi bằng thuật ngữ motorization). Với giai đoạn này, thị trường ôtô Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh (khó nói là bùng nổ).
Điểm thú vị là ở chỗ, từ nay cho đến thời kỳ đó, thị trường ôtô Việt Nam sẽ có một giai đoạn bản lề với tốc độ tăng trưởng khá dường như khó tránh khỏi, cho dù vẫn có một vài chính sách cố gắng hạn chế lượng ôtô lưu hành nhằm chống quá tải cho hệ thống giao thông đường bộ. “Cây gậy chống lưng” cho kỳ vọng này chính là lộ trình cắt giảm thuế quan đối với các tổ chức như WTO hay ASEAN . Cụ thể là đến năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ buộc phải giảm về mức 0-5%.
Vậy thì xem ra nghịch lý nêu trên ở thị trường ôtô Việt Nam lại là sự hợp lý. Bởi lẽ, sự mặn mà của các hãng ôtô thế giới với một thị trường đang đầy những gian nan, trắc trở, có lẽ lại là hành động “chiếm chỗ” và “dọn cỗ” cho giai đoạn này.
Theo VnEconomy
Kêu khó, ô tô vẫn chen chân vào Việt Nam
Mặc dù luôn đưa ra nhận định thị trường ô tô Việt Nam đến nay có quy mô hết sức nhỏ bé, chính sách kinh doanh không thuận lợi nhưng các hãng ô tô vẫn chen nhau vào Việt Nam.
Giữ cho tương lai
Theo dự báo của các hãng ô tô, tiêu thụ xe năm 2013 chỉ đạt 100.000 xe. Đây là một con số không lớn nhưng điều đó cũng đã đủ hấp dẫn để các nhà sản xuất ô tô trên thế giới không ngừng chen chân vào Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn về tương lai, các nhà sản xuất ô tô cùng các chuyên gia đều thừa nhận Việt Nam sẽ có thị trường ô tô lớn vào sau năm 2020. Khi đó, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam đạt 3.000 USD/năm, tại các thành phố thu nhập cao hơn, vì vậy nhu cầu về ô tô sẽ bùng nổ. Chính vì vậy mà nhiều nhà sản xuất không muốn bỏ lỡ cơ hội này và đang thâm nhập thị trường.
Dù thị trường đang ở giai đoạn khó khăn nhưng tập đoàn xe hơi của Pháp là Peugeot Citroen cũng hợp tác cùng Trường Hải để lắp ráp và phân phối xe mang thương hiệu Peugeot. Rolls-Royce cũng cho biết đã tìm được nhà phân phối xe tại Việt Nam và chuẩn bị cho ra đời đại lý chính thức đầu tiên. Lexus sau thời gian nhập khẩu ủy thác cũng sẽ có mặt chính thức tại Việt Nam vào cuối năm 2013. Vào năm 2012, Mazda, sau thời gian rút khỏi Việt Nam đã quay trở lại mở nhà máy sản xuất và nhập khẩu để phân phối.
Trong thời gian đầu, việc bán hàng với nhiều hãng xe mới tham gia thị trường có lẽ không quan trọng bằng việc chuẩn bị như làm thương hiệu, xây dựng hệ thống dịch vụ sau bán hàng để không bị chậm chân và chờ đợi thời kỳ bùng nổ.
Giám đốc marketing một DN ô tô mới gia nhập thị trường Việt Nam cho biết, thị trường tiềm năng là điều không ai phủ nhận, song có sản xuất trong nước hay không thì chúng tôi đang chờ đợi chính sách. Nếu có đủ điều kiện thuận lợi thì sẽ đẩy mạnh đầu tư sản xuất lắp ráp xe trong nước, nếu không thì chỉ nhập khẩu thôi.
Hiện nay, nhiều DN ô tô cũng đã chuẩn bị kế hoạch cho riêng mình. DN sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị cho thời điểm 2018 khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực AFTA giảm về 0%. Theo đó, với những mẫu xe có doanh số thấp thì chuyển hẳn sang nhập khẩu. Chỉ đầu tư sản xuất lắp ráp 1-2 mẫu xe có sản lượng lớn và đẩy mạnh nội địa hóa để cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Tuy nhiên, lãnh đạo của DN này cho biết, điều quan trọng là phải chờ đợi xem chính sách của Việt Nam đối với ngành công nghiệp này như thế nào trong giai đoạn tới. Nếu chính sách không thuận lợi, sản xuất lắp ráp trong nước không cạnh tranh với xe nhập khẩu thì khó có thể thành công.
Ưu đãi lắp ráp trong nước
Đến nay, bản Chiến lược Phát triển Công nghiệp đến 2020, tầm nhìn đến 2030 do Bộ Công thương soạn thảo đang được chỉnh sửa lại để trình Chính phủ trong thời gian tới.
Một quan chức của Bộ Công thương cho biết, vấn đề quan trọng nhất để khuyến khích các DN là chính sách về thuế với ô tô.
Thuế với ô tô hiện quá cao, muốn có thị trường đủ quy mô cho thúc đẩy nội địa hóa thì cần phải hạ xuống. Bộ Công thương đưa ra 3 phương án đề nghị giảm thuế với ô tô.
Phương án thứ nhất là giảm 30% với thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ với xe có dung tích xi-lanh dưới 2.0L sản xuất lắp ráp trong nước. Phương án thứ 2 là giảm 50% và phương án 3 là giảm 70% cho dòng xe chiến lược (nếu có).
Tuy nhiên, quan chức này cho biết, Bộ Công thương nghiêng về phương án 2, bởi để có dòng xe chiến lược chắc sẽ mất rất nhiều thời gian, không còn kịp nữa.
Mặc dù vậy, vấn đề này còn phải nhận được sự đồng thuận của các cơ quan chức năng và được Chính phủ phê duyệt. Bộ Tài chính đang tính toán xem với việc giảm thuế phí như vậy thì sẽ gây thất thu cho ngân sách bao nhiêu.
Về thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, Bộ Công thương cho biết đề nghị giữ mức cao như hiện nay cho tới tận 2017 chứ không giảm dần để bảo hộ cho các DN trong nước, tới 2018 sẽ giảm xuống 0%. Ý kiến này nhận được sự đồng thuận của các cơ quan chức năng.
Sau khi được Chính phủ phê duyệt, chính sách sẽ được thực hiện ngay và trong 4 năm sẽ cố gắng thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển, bởi đây là cơ hội cuối cùng. Nếu không, sau năm 2020, thị trường ô tô tiềm năng chắc chắn sẽ thuộc về xe ngoại nhập. Và theo dự báo của Bộ Công thương, đến 2025, Việt Nam nếu sản xuất trong nước không đáp ứng được, tất cả xe ô tô phải nhập khẩu thì số ngoại tệ phải bỏ ra là 12 tỷ USD và năm 2030 là 20 tỷ USD.
Để có ngành công nghiệp ô tô, ít nhất phải cần tới 30 năm với các chính sách ổn định. Nay thời gian không còn nhiều, không biết ngành công nghiệp ô tôViệt Nam có cán đích?
Theo Vietnamnet
Piaggio, Yamaha ra xe mới "trả đũa" Honda Việc liên tiếp ra mắt các sản phẩm mới với công nghệ mới, động cơ mới được xem là câu trả lời của Piaggio, Yamaha sau khi Honda liên tiếp ra 2 mẫu xe bom tấn từ cuối năm ngoái tới nay. Đây là một trong những thông tin nổi bật tuần qua (7-14/4) được độc giả VnMedia quan tâm. Piaggio ra mắt...